Monday, December 26, 2011

Quản lý Văn hóa, Văn nghệ: Xơ cứng và Tụt hậu



Quản lý Văn hóa, Văn nghệ: Xơ cứng và Tụt hậu

Ngô Minh

Là một nhà báo, một công dân tôi đã đọc kỹ phần nói về văn hóa văn nghệ trong các Nghi quyết của Đại hội ĐCS VN. Đảng nêu khẩu hiệu :" Phát triển văn hóa để thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội", hay :"xây dựng nền văn hóa tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc". Điều đáng buồn là tất cả những vấn đề nêu trên đã được nêu trong nhiều nghị quyết Đại hội Đảng nhiều khóa trước, nhưng không thực hiện , nên tình trạng quản lý văn hóa ngày càng tụt hậu so với cuộc sống xã hội đang đổi mới hàng ngày.

25 năm đổi mới vừa qua, tuy đến nay nước ta vẫn là nước chậm phát triển , vẫn xếp hàng ở nhóm cuối trong ASEAN về kinh tế. Đặc biệt, trong lĩnh vực "văn hóa,văn nghệ" thì phương thức quản lý vẫn không khác gì thời chiến tranh hay thời bao cấp. Nghĩa là giáo điều, nặng về "cấm đoán"," "canh gác", tuyên truyền một chiều , mà thiếu sự đối thoại cởi mở, tạo ra môi trường dân chủ, tự do để kích thích sáng tạo.

Chỉ hơn chục năm qua, đã có hàng chục cuốn sách bị thu hồi, bị "xay bột" mà không được giải thích nguyên nhân . Nhiều bộ phim" có vấn đề" bị duyệt đi duyệt lại hàng chục lần, theo " Hồi ký điện ảnh" của Đặng Nhật Minh thì cả Tổng bí thư Đảng cũng phải đi duyệt phim !. Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, Tạp chí Sông Hương đã dịch và in tiểu thuyết Trăm năm cô đơncủa nhà văn Mác-ket, vừa in xong là bị cấm,bị xay bột. Tác phẩm được giải nô-bel của một người cộng sản cũng bị xay bột, thật kỳ cục ! Đọc lại những cuốn sách bị "cấm", bị " chặn" ( ví dụ Con nai đen của Nguyễn Đình Thi, Vào đời của Hà Minh Tuân, Những thiên đường mù của Dương Thu Hương, Đi về nơi hoang dã của Nhật Tuấn, Ly thân của Trần Mạnh Hảo… hoặc có những cuốn chỉ vừa mới in xong đã bị thu hồi, cấm không được phát hành nhưChuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, Hệ thống xã hội chủ nghĩa của Kornai János, bản dịch của Nguyễn Quang A, thơ Chân dung của Xuân Sách,Chuyện Làng Ngày Ấy của nhà văn Võ Văn Trực.…

Trong nhiều trường hợp, có những cuốn sách tuy đã lọt lưới kiểm duyệt của các biên tập viên Nhà xuất bản nhưng lại bị "các cơ quan chức năng" trong lãnh vực văn hóa, tư tưởng kịp thời phát hiện nên có lệnh thu hồi và lắm khi người được lệnh ký quyết định thu hồi lại chính là kẻ đã ký cho nó ra mắt tức các ông Giám đốc của các Nhà xuất bản! ( theo nguyêntrongtao.org).Trong các tác phẩm ấy, tôi thấy chẳng có vấn đề gì phản quốc, phản dân tộc, phản nhân loại cả hay tuyên truyền văn hóa đồi trụy…cả. Đa số nêu lên mặt trái của sự thật trong cuộc chiến tranh, những ấu trĩ, những khiếm khuyết của lãnh đạo Đảng, chính quyền cấp này, cấp khác . Người viết nêu lên những sự thật đau lòng trong xã hội là giúp Đảng , nhà nước nhìn lại đội ngũ của mình , đó là việc tốt. Trong hình dung của các nhà văn, đội ngũ cán bộ tuyên huấn từ Trung ương đến địa phương càng ngày càng đông đảo, như những "ông Kẹ" suốt ngày đeo mục kỉnh, đọc dò từng trang sách, cột báo, để tìm ra những ý tứ, câu chữ nào "có vấn đề" để quy chụp là "nói xấu chế độ" , "chống Đảng" để "ngăn chặn ". Vì "sợ" tù đày, con cái gia đình bị đe dọa, rất nhiều nhà văn phải "tự biên tập mình" trước từng trang sách. Viết như thế làm sao mà có tác phẩm lớn được .

Hình như đội quân tư tưởng không chịu xem lại nhận thức của mình có bị xơ cứng không, có bị vô cảm trước thân phận nhân dân, thân phận đất nước, đang vô cùng khốn khó không ?

Các Hội văn nghệ trung ương , địa phương đang bị biến thành" cơ quan hành chính", nhà văn trở thành "cán bộ tuyên truyền". Tôi nghĩ, có nhiều vấn đề trong xây dựng CNXH chúng ta đang học tập kinh nghiệm Trung Quốc. Tại sao ta không học tập việc Trung Quốc cho in và trao giải thưởng tiểu thuyết " Phong nhũ phì đồn " ( ta dịch là "Báu vật của đời" ) của nhà văn Mạc Ngôn . Một tác phẩm mà nếu in ở Việt Nam ,thì chắc chắn tác giả của nó sẽ bị làm tình làm tội. Ở Trung Quốc các nhà văn viết rất thoải mái đủ mọi khía cạnh độc ác, tàn bạo của thời kỳ Đại Cách mạng văn hóa, nhưng ở nước ta viết về CCRĐ, Nhân văn giai phẩm .v.v.. lại bị cấm đoán, ngăn chặn ?. Ngay cả viết về những nét đẹp, nét hay của một số nhà văn "có vấn đề" trong Nhân văn giai phẩm, trong "thời kỳ xét lại" cũng bị ngăn chặn. Viết về những sai lầm , ấu trĩ của Đảng làm cho dân tin Đảng hơn, làm cho Đảng trong sạch hơn ( "thuốc đắng dã tật"), sao lại cho là chống đối. Che giấu, tâng bốc chỉ làm cho dân mất lòng tin . Nói thật lòng, 25 năm qua, việc " quản lý văn nghệ văn hóa" giáo điều, một chiều đã làm cho dân xa Đảng hơn, làm chậm , thậm chí cản trở rất lớn bước tiến của đất nước !

Việc quản lý văn hóa đang ngày càng lúng túng, bối rối trong thời @. Quan điểm cố hữu là : cái gì không quản được thì cấm, như internet, karaoke, vũ trường… Thế thì hội nhập làm sao ? Xây dựng cuộc sống văn hóa thì rất hình thức và gây lãng phí. Cuộc vận động "xây dựng làng xã và cơ quan văn hóa" là một ví dụ. Cả một cơ quan tỉnh ủy hay cơ quan Sở văn hóa một tỉnh mà mới được công nhận và cấp bằng "cơ quan văn hóa" cách đây vài năm, thì thật buồn cười. Chẳng lẽ trước đó họ không phải là cơ quan văn hóa hay sao ? Thế mà muốn có tấm bằng đó thì phải làm báo cáo, mời duyệt đi duyệt lại, phải "xin-cho", phong bì, liên hoan, rồi làm lễ đón bằng, tốn kém hàng chục triệu đồng. Cả nước có hàng chục triệu cơ quan, trường học, làng xã phải tốn tiền để có tấm bằng "Cơ quan văn hóa" như thế! Rồi đùng một cái, lãnh đạo cơ quan là người tham nhũng, cờ bạc, mại dâm, lãnh đạo làng văn hóa lại say rượu, chửi bới dân. Xây dựng làng văn hóa mà cho chặt hết những hàng rào dâm bụt, hàng rào chè tàu, bờ tre giếng nước, …để xây tường gạch quanh nhà như ở Tân Kỳ , Nghệ An là sự phản văn hóa nghiêm trọng.

Đó là văn nghệ, văn hóa, còn báo chí của hệ thống báo Đảng đã thực sự tách khỏi cuộc sống nhân dân hàng ngày từ nhiều năm nay. Tấtcả báo Đảng ở hầu hết địa phương trụ sở tòa ngang dãy dọc, xe con hai ba chiếc, mỗi năm tiêu tốn hàng mấy chục tỷ đồng tiền thuế của dân) nhưng lại làm ra thứ báo "không ai đọc", chỉ dùng để gói đồ, vì không phản ảnh những mối quan tâm của nhân dân . Thậm chí bảo vệ những bọn tiêu cực ở địa phương đã bị các báo Trung ương vạch mặt. Đảng lấy tiền thuế của dân nuôi 60 tờ báo mỗi năm hàng trăm tỷ đồng , rồi lại lấy hàng trăm tỷ tiền thuế của dân cho các chi bộ, cơ quan Đảng mua những tờ báo đó về để bao gói, chứ không phải để đọc, thật đau lòng. Còn hàng ngày người dân đọc báoThanh Niên, Tuổi Trẻ, Kinh tế Sài Gòn. An Ninh Thế giới, Tiền phong, đọc báo trên mạng internet, đọc các trang Web., blog cá nhân.v.v…Báo mạng blog từ vài năm nay đã trở thành thông tin chính thống của người dân.

Đảng CS phải nghiêm khắc kiểm điểm trong 25 năm vừa qua, trong lúc cả nước vắt mồ hôi, trí tuệ , tiết kiệm từng đồng vốn để đổi mới, làm tăng trưởng kinh tế đất nước, các báo Đảng lại là đội quân đang làm nghèo đất nước ! Đã có luật báo chí, mà không "quản" theo luật mà quản theo mệnh lệnh của lãnh đạo: " Phải viết thế này…không được in những bài như thế…" thì thật khó cho Tổng biên tập các báo. Báo chí là một nghề có thể tự nuôi sống mình bằng sản phẩm .Ở nước ta có hàng chục tờ báo giàu có, nhưng vẫn làm tốt nhiệm vụ chính trị của Đảng, được nhân dân đón đọc, tại sao các báo khác lại sống bằng tiền thuế của người dân nghèo ? Thật không công bằng .Và đó cũng là nguyên nhân làm cho người đọc quay lưng lại với báo Đảng . Theo chúng tôi, báo chí phải phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước, nhưng phải vay vốn mà làm báo ( trừ một số tờ báo được bao cấp nhưTạp chí Hán Nôm… vì cần phục hồi vốn cổ). Những tờ báo nào không tự nuôi sống được mình bằng tiền bán báo thì nên dẹp bỏ, vì nhà báo cũng là người lao động không thể sống trên mồ hôi nước mắt của người lao động khác ( năm 2004, Trung Quốc đã đóng cửa trên 700 tờ báo vô tích sự).

Quản lý văn hóa, văn nghệ báo chí theo cách hiện nay là rất cũ kỹ, lỗi thời.. Đáng tiếc, Nghị quyết Đảng nêu " Đổi mới nội dung và phương pháp quản lý của Nhà nước về văn hóa. Xây dựng cơ chế, chính sách, chế tài ổn định, phù hợp, đáp ứng nhu cầu mới của sự nghiệp phát triển văn hóa của thời kỳ công nghiệp hóa… Nhưng không ai làm cả, vì tất cả bộ máy đã trở nên vô cảm và cũ kỹ, không theo kịp thời đại.

Ngô Minh

No comments:

Post a Comment