Wednesday, December 28, 2011

Căng Thẳng Ngoại Giao Nga-Mỹ

Căng Thẳng Ngoại Giao Nga-Mỹ

Đào Văn Bình

Hôm nay, 28/12/2011 các hãng thông tấn lớn của Hoa Kỳ đều đưa tin Bộ Trưởng Ngoại Giao Nga, lần đầu tiên đã công kích thành tích nhân quyền của Mỹ và mô tả Mỹ đạo đức giả chuyên dạy dỗ các nước khác về nhân quyền trong khi "Thực trạng tại Hoa Kỳ khác xa những lý tưởng mà Hoa Kỳ thường tuyên bố", và đưa ra những bằng chứng như sau:

- Tại Guantanamo Bay nơi mà các nghi can khủng bố đã bị tra tấn và giam giữ tại đây từ ngày 11/9/2001 và  "TT.Obama đã cho phép giam giữ vĩnh viễn và trái phép các nghi can và cho tái lập tòa án binh".

- Lấy cớ chống khủng bố, xâm phạm đời tư của công dân (theo dõi và nghe lén điện thoại qua Luật Yêu Nước) và vi phạm nhân quyền đối với công dân Hoa Kỳ theo Hồi Giáo.

-Trong vòng 30 năm qua đã kết án tử hình và hành quyết oan uổng khoảng 130 người mà một số sau này mới khám phá ra vô tội và được tha.

-Ngăn chặn các ứng cử viên độc lập ra tranh cử và chỉ trích luật lệ cho phép thống đốc tiểu bang bổ nhiệm người điền khuyết ghế thượng nghị sĩ - chẳng hạn như Thống Đốc Rod Blagojevich đã gạ bán chức vụ này khi Ô. Obama đắc cử tổng thống khiến ghế thượng nghĩ sĩ bỏ trống.
               
Trong bản báo cáo dài 90 trang, Nga còn công kích luôn cả Liên Hiệp Quốc, Canada và Georgia.

Thực ra sự căng thẳng ngoại giao giữa Nga và Mỹ đã âm ỉ từ lâu. Vào ngày 22/10/2011, Nga đã ban hành quyết định cấm một số giới chức Hoa Kỳ (mà không nêu rõ tên) không được tới nước Nga với lý do "Hoa Kỳ bắt cóc, giết hại thường dân ở Afghanistan cũng như Iraq và xâm phạm hoặc bắt cóc kiều dân Nga ở Mỹ." Hành động này nhằm trả đũa quyết định của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ trước đó đã cấm 60 giới chức (mà không nêu rõ tên) thuộc Bộ Nội Vụ Nga không được vào Mỹ nhân cái chết của Luật Sư Sergi Magnitsky trong tù năm 2009.

                Và có lẽ phản ứng mạnh mẽ của Nga ngày hôm nay 28/12/2011 chính là giọt nước cuối cùng làm tràn ly nước khi vào đầu tháng 12/2011 Bà Hillary Clinton cũng như Ô. Obama đã "mau miệng" tuyên bố cuộc bầu cử ở Nga mà đảng của Ô. Putin thắng cử- là gian lận, làm tức giận Ô. Putin.


Nhận định:

-Trong tình hình rối beng của thế giới ngày hôm nay, trước sự trỗi dậy của Hoa Lục ở Á Châu mà Hoa Kỳ đang vẫn còn sa lầy ở Afghainistan và Iraq (dù đã rút quân nhưng trách nhiệm vẫn còn nặng nề), bất cứ sự căng thẳng nào với Nga, đều vô cùng bất lợi cho Hoa Kỳ. Ấy là chưa kể Hoa Kỳ đang cần sự hợp tác của Nga để tìm kiếm một giải pháp hợp lý cho vấn đề Palestines-DoThái và kiềm chế Bắc Hàn tại Á Châu. Xin nhớ cho Nato và Hoa Kỳ và kể cả Liên Hiệp Quốc không dám có phản ứng mạnh hoặc tìm kiếm một giải pháp quân sự đối với Syira như kiểu "No fly zone" ở Libya vì sự chống đối của Nga - mặc dù số người bị sát hại ở Syria cao hơn ở Libya. Cuối cùng, vì sự chống đối của Hoa Lục và Nga, Liên Hiệp Quốc, Nato và Hoa Kỳ đành buông xuôi bằng cách để cho Liên Đoàn Ả Rập giải quyết vấn đề Syria.

-Mới đây nhất Iran đã tập trận quy mô để chuẩn bị cho cuộc phong tỏa Eo Biển Hormuz - con đường huyết mạch để chuyển vận dầu lửa từ Hồng Hải (Red Sea) qua Ấn Độ Dương nếu Iran bị Hoa Kỳ hoặc Do Thái tấn công. Trong bầu không khí sục sôi như thế này, lợi dụng mối bất hòa giữa Nga và Mỹ, Iran có thể tiếp cận với Nga. Nếu Nga công khai hoặc ngấm ngầm ủng hộ Iran thì Mỹ không dám động thủ và việc Iran thủ đắc vũ khí nguyên tử là chuyện dễ dàng như trở bàn tay, và Iran có thể trở nên một "Power" ở vùng này.

-Nam Mỹ ngày nay hoàn toàn độc lập và một số đang vươn lên. Về kinh tế Basil đã qua mặt cả Anh Quốc và một số nước cũng không có thiện cảm với Hoa Kỳ chẳng hạn như Venezuela. Tổng Thống Chavez của nước này chống Mỹ ra mặt. Vì Nga còn nể Mỹ cho nên chưa tìm cách "làm khó" Mỹ. Nếu tình hình căng thẳng cứ leo thang, khi đó Nga sẽ chơi "lá bài Cuba" như thời "Chiến Tranh Lạnh" bằng cách bán hỏa tiễn cho Venezuela. Lúc đó Hoa Kỳ tính sao? Xin nhớ cho dù Liên Bang Sô-viết xụp đổ nhưng sức mạnh quân sự của Nga vẫn một chín một mười với Hoa Kỳ.

-Hoa Kỳ vừa rút quân khỏi Iraq và chuẩn bị rút quân khỏi Afghanistan. Để cuộc rút lui được êm thắm không chiến thắng vào năm 2014 - Hoa Kỳ với sự hợp tác của Đức - đang công khai họp với phái bộ liên lạc (Liaison) của Taliban tại Qatar để từ từ dồn hết sức mạnh của mình về Á Châu mà Đông Nam Á đang là trung tâm điểm. Trong bối cảnh đó, các nhà chiến lược Hoa Kỳ có tính tới "yếu tố Nga" trong cuộc đối đầu lâu dài với Hoa Lục ở Biển Đông không? Phớt lờ hay cần sự hợp tác của Nga? Phớt lờ? Tôi nghĩ khó quá. Còn nếu cần sự hợp tác hoặc muốn Nga đứng trung lập trong trận chiến này - thì gây căng thẳng với Nga ngay từ lúc này là "wrong policy".

-Trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh bất cứ quốc gia nào "chơi" với Nga hoặc mua vũ khí của Nga đều bị Mỹ "ghim" và coi như thù nghịch với Mỹ. Khi Chiến Tranh Lạnh chấm dứt, mọi quốc gia đều tự chủ và nhất là xu thế Toàn Cầu Hóa đã khiến các đại công ty của Hoa Kỳ  xé "lằn ranh tự do và cộng sản" để nhảy vào đầu tư, làm ăn buôn bán với Hoa Lục là quốc gia mà trước năm 1973 - tức trước Minh Ước Thượng Hải - Mỹ đã nhiều lần tính dội bom nguyên tử lên đầu họ. Ngày nay, rất nhiều quốc gia vừa làm bạn với Hoa Kỳ nhưng cùng lúc lại làm bạn và mua vũ khí của Nga như Nam Dương, Mã Lai, Ấn Độ v.v..Sự căng thẳng giữa Nga và Mỹ sẽ gây khó xử cho các quốc gia này và nếu không khéo sẽ đưa tới sự phân cực Nga- Mỹ, xáo trộn thế giới như thời Chiến Tranh Lạnh.

                Bà Hillary Clinton điều khiển chính sách ngoại giao của Mỹ hơn 3 năm qua. Do uy thế quá lớn của bà, nào là cựu đệ nhất phu nhân và chồng là xếp lớn, là người đỡ đầu cho Ô. Obama trong nhiều vấn đề quan trọng của đất nước - cho nên Ô. Obama phải chiều hoặc không dám phản đối các chính sách do bà đưa ra. Việc bà phê phán cuộc bầu cử tại Nga mới đây là gian lận – khách quan mà nói - đã xía vào chuyện của người ta và coi thường vị thế của Ô. Putin tức của Nga trên chính trường quốc tế mà Hoa Kỳ đang cần tranh thủ. Phản ứng mạnh mẽ của Nga qua bản báo cáo nhân quyền nói ở trên biểu lộ sự tức giận của Ô. Putin. Ô. Putin có thể lướt qua giai đoạn khó khăn này nếu ông thành công trong việc dùng lá bài "tự ái dân tộc" để lái dư luận Nga vào cuộc đối đầu với Mỹ. Đó là điều không may cho thế giới và cho cả nước Mỹ. Xin nhớ cho, Ô. Bush dù hiếu chiến và kiêu ngạo nhưng cũng đã biết mời Ô. Putin tới trang trại để ân cần tiếp đón..trong khi Bà Hillary Clinton và Ô. Obama lại "phang" Ô. Putin. Không biết phản ứng của Hoa Kỳ trong những ngày tới như thế nào? Chờ xem. Khi Ô. Obama mới vừa đắc cử tổng thống ông đã đi khắp nơi và nhiều lần xin lỗi thế giới về tính kiêu căng của Hoa Kỳ. Điều này lộ rõ trong bài diễn văn nhậm chức rất khiêm tốn của ông. Lúc đó ông đã được thế giới ái mộ và tặng ông giải Nobel Hòa Bình. Nay có thể ông đã quên "cái thuở ban đầu dễ thương"đó chăng? Xin nhớ cho muốn lãnh đạo thế giới – dù mạnh - cũng cần phải có đức tính khiêm tốn nữa. Và là bộ trưởng ngoại giao, nhất là ngoại giao Hoa Kỳ, khi nói gì "phải uốn lưỡi bảy lần."

Đào Văn Bình

No comments:

Post a Comment