Thursday, December 8, 2011

Lê Hiếu Đằng và đề nghị sửa đổi Hiến pháp 1992

Lê Hiếu Đằng và đề nghị sửa đổi Hiến pháp 1992

Đỗ Thái Nhiên

Tin từ BBC cho biết:
 ngày 30/11/2011, tại Saigon trong cuộc hội thảo về "Tổng kết việc thực hiện và kiến nghị sửa đổi hiến pháp", ông Lê Hiếu Đằng đã đọc một bài tham luận có tựa đề: "Góp ý về sửa đổi hiến pháp 1992". Mở đầu bài tham luận vừa kể là phần "Cách đặt vấn đề", Lê Hiếu Đằng viết:
"Muốn sửa đổi hiến pháp một cách triệt để và toàn diện thì trước hết cần phải xác định Việt Nam đang ở trong giai đoạn nào, thực trạng kinh tế-xã hội ra sao, trên cơ sở đó xem xét lại các điều khoản trong hiến pháp 1992 cho phù hợp.

Thực chất là Việt Nam chúng ta chưa có chủ nghĩa xã hội. Vừa qua chúng ta mới hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc còn nhiệm vụ dân chủ thì chưa thực hiện được bao nhiêu do chiến tranh liên miên và khi hết chiến tranh thì do những sai lầm trong chính sách cải tạo và một số chính sách khác đã không tạo được những nền tảng cơ bản để đi lên chủ nghĩa xã hội. Do đó hiện nay thực chất chúng ta đang làm nhiệm vụ dân chủ trong cách mạng DTDC mà chúng ta chưa thực hiện được.

Vì vậy cần nghiên cứu để giữ lại, khôi phục những điều khoản trong hiến pháp 1946. Hiến pháp của nhà nước dân chủ nhân dân, nhà nước dân chủ mới"


Nhận định đối với "cách đặt vấn đề":
Tuy không minh thị nói ra nhưng rõ ràng là Lê Hiếu Đằng đã vận dụng duy vật sử quan để trình bày "Cách đặt vấn đề".

Xây dựng hiến pháp không có sử quan (Sử quan duy vật không là sử quan duy nhất trong lịch sử triết học) chẳng khác nào thực hiện một cuộc hải hành không có la bàn. Thế nhưng nhân danh sự ủy nhiệm nào (ngoại trừ những cuộc bầu cử man trá) của nhân dân để đảng CSVN từ nhiều thập niên qua vẫn khăng khăng đòi đưa dân tộc tiến lên xã hội chủ nghĩa? Mặt khác làm thế nào để lý giải, theo phép biện chứng, rằng vài năm nữa, vài chục năm nữa, đảng CSVN sẽ đưa Việt Nam, từ một xã hội thị trường tự do (vĩnh viễn từ giã kinh-tế-độc-quyền-xã-hội-chủ-nghĩa), tiến lên xã hội chủ nghĩa? Thế nào là xã hội chủ nghĩa? Đạt đến bao nhiêu thành tố thì một xã hội sẽ đươc gọi là xã-hội xã-hội-chủ-nghĩa? Đây là những câu hỏi hiển nhiên không có câu trả lời. Rõ ràng "cách đặt vấn đề" của Lê Hiếu Đằng chính là cách đẩy câu chuyện "sửa đổi hiến pháp 1992" rơi vào thế giới mơ hồ, huyễn hoặc.

Sau phần "Cách đặt vấn đề", Lê Hiếu Đằng nêu lên 12 đề nghị nhằm sửa đổi hiến pháp 1992. Bài viết này xin trích dẫn nguyên văn từng đề nghị một, kế đó là lời nhận định của người cầm bút.

Đề nghị (1):
"Cần trở lại hình thức nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trước đây để thiết chế bộ máy nhà nước phù hợp với thể chế cộng hòa như ở một số nước trên cơ sở những điều khoản trong hiến pháp 1946, một hiến pháp mà tôi cho là cho đến nay là tiến bộ nhất…"

Nhận định (1):
Bất kỳ chế độ chính trị nào cũng có khả năng "vẽ ra" một hiến pháp rất đẹp. Điều quan trọng không là hiến pháp 1946 tiến bộ nhất hay tiến bộ nhì. Điều quan trọng nằm ở dấu hỏi rằng chế độ cai trị có nghiêm chỉnh thực thi hiến pháp do chính họ "sáng tác" ra hay không? Đừng quên rằng chế độ Hà Nội vừa là tác giả tài ba của hiến pháp 1946 vừa là can phạm cực độc của hai tội đại ác vào giữa thập niên 1950: cải cách ruộng đất và Nhân Văn Giai Phẩm.

Nếu hiến pháp 1946 là hiến pháp tiến bộ nhất thì hiến pháp 1992 phải là hiến pháp tinh vi nhất. Tinh vi ở điểm: mọi quyền lợi của công dân đều được hiến pháp 1992 long trọng minh xác là quyền hành kia sẽ được nhà nước thượng tôn. Thế nhưng ngay sau mỗi điều khoản gọi là được thượng tôn vừa nêu, hiến pháp 1992 bao giờ cũng cẩn thận ghi chú thêm: quyền này sẽ thực thi "theo qui định của pháp luật". Chúng ta hãy khảo sát điều 69 của hiến pháp 1992 như một thí dụ điển hình để tìm hiểu thế nào là "theo qui định của pháp luật".

Điều 69: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo qui định của pháp luật"

Câu hỏi là: pháp luật của CSVN đã qui định như thế nào về quyền tự do ngôn luân và tự do báo chí? Xin thưa:
1) Thông báo ngày 11/10/2008 của bộ chính trị và chỉ thị số 37 ngày 29/11/2008 của thủ tướng CSVN đều ra lệnh cấm tư nhân làm báo.
2) Quyết định số 97 ngày 24/07/2009 của thủ tướng CSVN qui định: các nhà khoa học Việt Nam không được phép công bố ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước.

Hai văn bản pháp luật nêu trên cho thấy "theo qui định của pháp luật" có nghĩa là đảng Cộng Sản đã dùng pháp luật ngăn cấm quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí. Điều 69 chỉ là một trường hợp trong vô số trường hợp khác đã minh chứng: tại Việt Nam, dưới chế độ CS, pháp luật cao hơn hiến pháp. Pháp luật có quyền ngang nhiên tước bỏ mọi quyền sống của người dân kể cả những quyền đã được hiến pháp mạnh mẽ tuyên xưng và cam kết bảo vệ.

Vấn đề không là đi tìm một hiến pháp tiến bộ nhất, vấn đề chính là đi tìm một giải pháp có năng lực triệt tiêu vĩnh viễn tệ nạn hiến pháp bị đè bẹp bởi pháp luật. Giải pháp kia không là gì khác hơn là thể chế dân chủ đa nguyên chân chính.

Đề nghị (2):
"Trong hiến pháp sửa đổi cần có qui định cụ thể về sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản với một số điều khoản cụ thể, có thể có một chương riêng, trong đó có điều khoản giám sát và chế tài của nhân dân đối với đảng Cộng Sản, nếu không đảng Cộng Sản sẽ trở thành một siêu quyền lực, đứng ngoài và trên luật pháp sau đó có thể có một luật về sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản. Không thể duy trì một điều khoản quá chung về sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản như điều 4 trong hiến pháp hiện nay. Nếu không luật hóa sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản thì đảng không phải lãnh đạo nữa mà đảng cai trị trực tiếp."

Nhận đinh (2):
Có thể nói được rằng không người Việt Nam nào không cảm thấy "mát gan, mát ruột" khi nghe Lê Hiếu Đằng kêu gọi "luật hóa sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản", kêu gọi cần "có điều khoản giám sát và chế tài của nhân dân đối với đảng Cộng Sản"

Nhân dân chỉ có đầy đủ quyền lực để giám sát và chế tài đảng Cộng Sản chừng nào đảng Cộng Sản biết sợ lá phiếu của người dân, chừng nào nhân dân có thực quyền sử dụng lá phiếu để bầu đảng Cộng Sản lên nếu đảng quả thực anh minh hoặc truất phế đảng Cộng Sản xuống nếu đảng đúng là tham ô, thối nát, tay sai của ngoại bang. Luật hóa sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản phải có nghĩa là mang sinh mệnh chính trị của đảng CSVN đặt dưới quyền sinh sát của lá phiếu công dân trong pháp chế tự do dân chủ đích thực. Ngoài phương pháp luật hóa vừa trình bày, mọi mưu tính đi tìm con đường luật hóa nào khác chỉ là nỗ lực sử dụng chuồng gà để nhốt con cọp.

Đề nghị (3):
"Nếu chúng ta chưa chấp nhận đa nguyên, đa đảng thì phải nâng cao vai trò MTTQVN trong vai trò giám sát phản biện xã hội với những điều khoản cụ thể, trong đó có những qui định về quyền hạn thực sự của một tổ chức độc lập như một kiểu thượng nghị viện như ở một số nước. Hiện nay MTTQVN và các đoàn thể còn rất hình thức, chẳng có quyền hạn gì, hoạt động không hiệu quả, dân mất lòng tin. Thậm chí cả quốc hội cũng vậy. Cần có một chương riêng về vai trò MTTQVN."

Nhận định (3):
Điều 69 hiến pháp 1992 xác định công dân có quyền tự do hội họp, lập hội. Hội ở đây là hội nói chung. Vì vậy hội có thể là một công ty thương mãi, môt câu lạc bộ thể dục, một đảng chính trị. Mỗi hội mỗi đảng là một nguyên. Nhiều hội, nhiều đảng là đa nguyên, đa đảng. Phục vụ luật pháp có nghĩa là giải thích luật pháp, làm cho luật pháp trở nên thông thoáng. Thay vì đấu tranh đòi hỏi thực thi điều 69 để hình thành xã hội đa nguyên đa đảng, Lê Hiếu Đằng lại đề nghị biến MTTQVN thành một loại thượng viện để thượng viện này đóng vai trò giám sát phản biện xã hội. Ngày nay không ai không biết đảng CSVN và MTTQVN gắn bó với nhau như tay phải và tay trái. Người Việt Nam nổi tiếng thông minh, dân số Việt Nam là 87 triệu người. Không lẽ quốc gia Việt Nam thiếu người và thiếu tim óc đến độ phải nhờ tay trái "giám sát phản biện" tay phải?

Đề nghị (4):
"Hiến pháp sửa đổi cần tăng cường quyền lực của chủ tịch nước, không thể vai trò tượng trưng như hiện nay. Muốn vậy cần hợp nhất vai trò tổng bí thư đảng Cộng Sản với chủ tịch nước là một. Hay nói cách khác tổng bí thư đảng Cộng Sản nên là chủ tịch nước. Hiện nay vấn đề này đã chín mùi, không nên vì việc "chia ghế" mà ảnh hưởng đến sự nghiệp chung."

Nhận định (4):
Vấn đề "chia ghế" (chữ dùng của Lê Hiếu Đằng) hiển nhiên là những "chia chác" tối mật trong nôi bộ của đảng, người dân không quan tâm. Người dân chỉ nhận biết công lý rằng: guồng máy cầm quyền mạnh hay yếu không nằm ở sự việc hai chức vụ hợp lại thành một ghế hay một chức vụ được chia ra thành ba ghế nhằm hóa giải căn bệnh "trâu buộc ghét trân ăn". Guồng máy cầm quyền chỉ mạnh, chính phủ chỉ có uy tín quốc tế chừng nào nhân dân hợp tác chặt chẽ với nhà nước thông qua hình thức người dân dùng lá phiếu hoàn toàn tự do dân chủ để tuyển chọn cấp lãnh đạo quốc gia.

Đề nghị (5):
"Nếu chưa chấp nhận nguyên tắc "Tam quyền phân lập" (Thực ra đây là thành quả đấu tranh của con người trong việc thực hiện quyền dân chủ của người dân chứ chẳng phải là sản phẩm của dân chủ tư sản như đảng Cộng Sản quan niệm) thì cũng cần những điều khoản qui định vai trò độc lập của lập pháp, hành pháp và tư pháp. Không thể để nhập nhằng như hiện nay. Nên cần có một chương riêng với những điều khoản cụ thể."

Nhận định (5):
Đúng như Lê Hiếu Đằng nhận định: tam quyền phân lập là công lý hằng cửu của loài người. Tuy nhiên làm thế nào có được phân lập nếu cả ba quyền kia đều nằm gọn trong tay của đảng viên đảng Cộng Sản, dưới sự lãnh đạo duy nhất và chặt chẽ của bộ chính trị? Không có tam quyền phân lập thật sự, dân chủ chỉ là chiếc bánh vẽ thô thiển và kệch cỡm. Không có tam quyền phân lập quan hệ giữa nhà cầm quyền và người dân chỉ là quan hệ thống trị – bị trị.

Đề nghị (6):
"Cần trở lại những điều khoản nói về các quyền công dân trong hiến pháp 1946. Đây là những điều khoản còn phù hợp trong tình hình hiện nay và phù hợp với xu thế hội nhập, tiến bộ hiện nay của thế giới, bảo đảm các quyền con người theo công ước quốc tế, tạo được niềm tin, sự tin cậy và thống nhất rộng rãi với các nước trong khu vực và thế giới, kết hợp sức mạnh của dân tộc và sức mạnh thời đại".

Nhận định (6):
Như đã trình bày ở Nhận đinh (1): vấn đề không là trở lại hiến pháp 1946 hay đi sao chép hiến pháp của các quốc gia dân chủ tiến bộ để cống hiến cho Việt Nam "một hiến pháp đẹp". Vấn đề chính là làm thế nào để các điều khoản trong hiến pháp Việt Nam không bị gục chết trên con đường âm u"theo qui định của pháp luật". Vả lại, tổ chức nào đưa Việt Nam trở lại hiến pháp 1946? Quốc hội hiện nay ư ? Quốc hội giả làm sao tạo ra được hiến pháp thật, hiến pháp chính thống, chính danh?

Đề nghị (7):
"Cần có những điều khoản minh bạch, rõ ràng về quyền tự do bầu cử và ứng cử của công dân mà không có bất cứ tổ chức nào, kể cả đảng Cộng Sản đi ngược lại hoặc vi phạm"

Nhận định (7):
Hiển nhiên là bằng vào Đề nghị (7) Lê Hiếu Đằng đang biểu lộ quyết tâm đạp đổ tệ nạn "đảng cử, dân bầu, công an canh chừng". Nói rõ hơn Lê Hiếu Đằng đang đòi hỏi đảng Cộng Sản hãy để cho nhân dân Việt Nam có được những cuộc bầu cử tuyệt đối tự do và công bằng theo đúng pháp chế dân chủ đa nguyên của thế giới văn minh. Nhận định (7) xin chấm dứt bằng lời cầu chúc Lê Hiếu Đằng nhanh chóng thành công.

Đề nghị (8):
"Thực hiện nguyên tắc "mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật" nên có điều khoản qui định việc tổ chức hình thức "tối cao pháp lệnh", "tòa án hiến pháp" để xử các vi phạm của các chức danh cao của nhà nước như chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội, thủ tướng…"

Nhận định (8):
Chỉ trong trường hợp đảng Cộng Sản khuất bóng, đề nghị (8) mới có thể trở thành hiện thực. Ở vào hoàn cảnh mới và tốt đẹp này Việt Nam cần gì phải cặm cụi sửa đổi hiến pháp 1992? Việt Nam sẽ có ngay quốc hội lập hiến, có ngay hiến pháp mới: hiến pháp đích thực của công lý dân chủ đa nguyên.

Đề nghị (9):
"Hiến pháp sửa đổi cần có những điều khoản qui định cụ thể, thể hiện những phương châm tăng trưởng kinh tế đồng thời với việc đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội, nhất là trong hai lãnh vực giáo dục và y tế. Nếu không có những điều khoản qui định những phúc lợi xã hội trong hai lãnh vực thiết yếu nói trên thì không có gì là ưu việt của chế độ chúng ta, thậm chí còn tệ hơn các chế độ khác."

Nhận định (9):
Ngày 29/11/2011, tại Hà Nội, Đại sứ Anh, tiến sĩ Antony Stokes, phát biểu: "Tham nhũng đe dọa sự phát triển và ổn định của đất nước cũng như uy tín của Việt Nam. Đồng thời tham nhũng làm tổn thương người nghèo, và những người dễ bị tổn thương". Đây là kiểu nói của giới ngoại giao. Trong thực tế, tham nhũng tại Việt Nam ghê gớm và độc hại gấp nhiều lần so với lời phát biểu của đại sứ Anh. Với tệ nạn tham nhũng trầm trọng như vậy, nhà nước CSVN làm gì có tiền để phân bổ phúc lợi xã hội đến với người dân? Đề nghị (9) chỉ có tác dụng của một loại hoa giấy nhằm "làm dáng" cho công việc sửa đổi hiến pháp 1992.

Đề nghị (10):
"Hiến pháp sửa đổi cần xác định quyền sở hữu ruộng đất của người dân, bãi bỏ chế độ sở hữu toàn dân, sở hữu nhà nước về ruộng đất hiện nay, phù hợp với nghị quyết đại hội đảng CSVN lần thứ 11 về vấn đề quyền sở hữu."

Nhận định (10):
Xác định quyền sở hữu có thể là một hình thức "luật hóa" những tài sản của quốc gia hay của tư nhân bị cưỡng chiếm sau biến cố 20/07/1954 và 30/04/1975. Vì vậy quyền sở hữu của công dân ở đây cần được nhấn mạnh là quyền sở hữu phải chân chính. Và cũng vì vậy, tài sản của Nhà Chùa xin trả lại cho Nhà Chùa, của Nhà Thờ xin trả lại cho Nhà Thờ, của Thánh Địa nào xin trả lại cho Thánh Địa đó, của quốc gia xin trả lại cho quốc gia… Thêm vào đó, xin đừng quên: những người trước đây bị gọi là những tên vượt biên phản quốc, ngày nay những tên phản quốc kia gửi về nước hàng năm trên tám tỉ Mỹ Kim và được thân thương gọi là "Khúc ruột ngàn dặm". Bên cạnh lời tôn xưng đậm đà tình tự dân tộc này, liệu chừng tài sản của "khúc ruột ngàn dặm" năm xưa có được nhà nước CSVN trả lại hay không?

Đề nghị (11):
"Qui định rõ vấn đề chủ quyền biển đảo, trong đó có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, các vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam"

Nhận định (11):
Phải chăng đảng Cộng Sản dự tính chống ngoại xâm bằng cách ghi vào hiến pháp vấn đề chủ quyền biển đảo? Muốn chống ngoại xâm hữu hiệu, người Viêt Nam cần có nội lực dân tộc. Một trong những yếu tố quan trọng tạo nên nội lực dân tộc chính là mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa quần chúng và nhà cầm quyền. Sự hợp tác chặt chẽ vừa nói chỉ hiện thực trong bối cảnh người dân có quyền tuyển chọn cấp lãnh đạo thông qua những cuộc bầu cử hoàn toàn tự do và công bằng.

Đề nghị (12):
"Cần có điều khoản qui định lực lượng vũ trang (Quân Đội Nhân Dân Việt Nam), Công an không được làm kinh tế bao gồm làm kinh doanh thương mãi, cho thuê mặt bằng…"

Nhận định (12):
Rõ ràng là đề nghị (12) có chủ đích trói tay giới tham ô, nhũng lạm. Thế nhưng, thực tế cho thấy không phải tất cả đại gia đỏ đều là thành viên của quân đội hay công an. Như vậy cội nguồn của tham ô nhũng lạm không là quân đội hay công an mà chính là đảng CSVN. Vì vậy muốn diệt trừ tham nhũng tận gốc rễ tất cả người Việt Nam phải tích cực đấu tranh nhằm buộc đảng CSVN phải nằm dưới quyền sinh sát của lá phiếu tự do từ trong tay người dân.


Kết luận:

Ngôn ngữ là ngôn ngữ chung, quan điểm là quan điểm riêng của mỗi cá nhân. Dùng ngôn ngữ chung để thuyết phục khối quan điểm riêng chấp nhận một chân lý chung là việc làm rất khó khăn, rất dễ bị kết án là võ đoán, từ đó cuộc thuyết phục bị thất bại. Nhằm vượt thắng thất bại vừa nêu, ông Lê Hiếu Đằng đã sáng tạo ra một phương pháp thuyết phục mới. Phương pháp này được phô diễn dưới hình thức "12 đề nghị sửa đổi hiến pháp 1992". Thực vậy, mỗi đề nghị trong 12 đề nghị kia là một mô đất trên dòng lịch sử. Phân tích từng mô đất một người phân tích nhận thấy phương pháp luận của dân chủ đa nguyên là giải pháp duy nhất hợp lý giúp san bằng mô đất. Mười hai lần phân tích là 12 lần chân lý dân chủ đa nguyên ngời sáng. Dân chủ đa nguyên là chân lý hằng cửu, là cao điểm của văn minh nhân lọai. Chỉ cần một lần giới thiệu là dân chủ đa nguyên lập tức được nghinh đón. Đặc biệt, Lê Hiếu Đằng trong một tiểu luận góp ý đã kiên nhẫn giới thiệu và đề cao dân chủ đa nguyên đến 12 lần. Đó là lý do thầm kín và là nội dung cốt lõi mà, theo dòng suy nghĩ của người đọc, tác giả Lê Hiếu Đằng muốn ký gửi trong bài viết "Góp ý về sửa đổi hiến pháp 1992". Nếu dòng suy nghĩ của người đọc là đúng thì phương cách dễ hiểu và nhanh gọn nhất là Lê Hiếu Đằng hãy cùng toàn dân đấu tranh trực tiếp đòi hỏi dân chủ đa nguyên thay vì đề nghị sửa đổi hiến pháp 1992, hiến pháp của một chế độ mà ông Gorbachov, cựu lãnh tụ của Cộng Sản Liên Xô, đã phê phán là "không thể sửa đổi được"./.

Đỗ Thái Nhiên

No comments:

Post a Comment