Friday, May 31, 2013

BÀN CỜ ĐÃ SẮP XONG: LƯƠNG TÂM NGƯỜI CỘNG SẢN (05)

BÀN CỜ ĐÃ SẮP XONG
HỒ TẤN VINH

Bài số 5 – bài chót
LƯƠNG TÂM NGƯỜI CỘNG SẢN


Từ trong nôi của Chủ Nghĩa, người Cộng sản đã đem ra hết nhiệt tình, trí tuệ, tài nguyên để thực hiện ước mơ. Nhưng họ đã thất bại và thừa nhận Chủ Nghĩa là không tưởng. Họ đã giải tán Liên Sô từ tháng 12 năm 1991.  Bây giờ là năm 2013. Đã hơn hai chục năm rồi, dư thời gian để cho ai chậm hiểu cũng đã phải hiểu rồi rằng chủ nghĩa CS là sai lầm.

Trong nội bộ đảng CSVN, vấn đề duy nhứt được đặt ra đối với các đảng viên là Chủ Nghĩa sai rồi, ta phải làm sao?

Họ chỉ có một trong ba con đường để lựa chọn.

1- Mặc dầu biết rằng Chủ Nghĩa là sai rồi, nhưng vì địa vị, tài sản tạo dựng bấy lâu nay nhờ có đặc quyền, đặc lợi nên một số đảng viên phải bám lấy chế độ. Không còn phải vì ấm no của người dân, không phải vì độc lập của Tổ Quốc, mà chỉ vì quyền lợi cá nhân mà phải quyết liệt phản động đối với mọi đổi thay.

Cách đây 10 năm, Bùi Tín ước lượng số người này là 50 ngàn. Bây giờ có thể đã nhơn hai là 100 ngàn người. Đem ra so với dân số khoảng 90 triệu, thì họ chỉ là một tỷ lệ 1 trên 900.

2- Mặc dầu biết rằng Chủ Nghĩa là sai rồi, nhưng vì tuổi tác quá cao, họ không còn hơi sức để quây vòng, để nói chuyện lý tưởng nhân sinh, họ an phận với những kỹ niệm chống Tây, chống Mỹ để tự hãnh diện lúc cuối đời. Mấy người này từ từ chết hết rồi, bây giờ không còn mấy người 'cách mạng lão thành'.

Nhưng đa số là đám đảng viên trẻ. Họ gia nhập Đảng không phải vì tốt bụng. Nhưng họ phải gia nhập Đảng để có cơ hội tiến thân. Số này có từ 2 đến 3 triệu người. Họ sẽ không còn mù quáng như ngày xưa các 'anh hùng liệt sĩ' ôm lựu đạn nhảy vào lô-cốt. Họ sẽ không chết vì ai cả, mà họ chỉ chịu chết cho lợi ích cá nhân của mình mà thôi. Nên gió thổi ngã nào thì họ sẽ theo hướng gió đó.

3- Những người CS hồi tâm, sau khi hiểu được rằng chủ nghĩa CS là sai lầm, không hèn nhác chối tội, ngược lại ý thức một cách đau đớn rằng mình cũng đã có nhúng tay vào máu, dự phần tạo dựng ra con quái vật, họ tự thấy có bổn phận và nhận trách nhiệm từ đây làm hết sức để đền bù. Mỗi người một kiểu, họ bắt đầu 'hành trình đi ngược dòng đời của mình' (Bùi Tín).

Phải thật là lương thiện, phải thật là can đãm mới dám dấn thân vào cuộc hành trình này.

Làm sao biết được họ có bao nhiêu người, nhưng ít ra ta cũng biết được những người CS hồi tâm nổi tiếng như các ông Hoàng Minh Chính, Nguyễn Kiến Giang, Nguyễn Hộ (nhưng phải thú nhận rằng, chúng tôi đã chọn sai lý tưởng: cộng sản chủ nghĩa. Bởi vì suốt hơn 60 năm trên con đường cách mạng cộng sản ấy, nhân dân Việt Nam đã chịu sự hy sinh quá lớn lao, nhưng cuối cùng chẳng được gì, đất nước vẫn nghèo nàn, lạc hậu, nhân dân không có ấm no hạnh phúc, không có dân chủ tự do. Đó là điều sỉ nhục.), Lê Hồng Hà (Bỏ điều 4 nói về sự lãnh đạo của Đảng cộng sản vì Đảng chưa xứng đáng lãnh đạo việc xây dựng và phát triển đất nước), Trần Độ (Cái chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa của Việt Nam hiện nay nó tàn bạo hơn cả chế độ Tần Thủy Hoàng và sự dã man của chủ nghĩa phát xít Hít-le ), Vũ Thư Hiên, Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh  . . Bà Dương Thu Hương.

Người bền bĩ nhứt trong việc vạch ra những sai trái của những việc làm của Đảng CS để thuyết phục các đồng chí cũ sớm mở mắt ra là ông Bùi Tín. Ông là tác giã ba cuốn sách: Hoa Xuyên Tuyết (1991), Mặt Thật (1994), Mây Mù Thế Kỷ (1998) và rất nhiều bài viết ngắn và phỏng vấn.

Giữa những người CS phản động giả đò trung kiên ôm lấy 'chủ nghĩa xã hội' nhưng thật sự là để bảo vệ tài sản và địa vị của mình, muốn vậy thì phải tước đoạt quyền làm chủ của nhân dân và những người CS hồi tâm tranh đấu trả lại cho nhân dân quyền tự do định đoạt vận mạng của mình, ta đã thấy rõ ràng chánh nghĩa đang ở phía nào.

Trong cuộc đọ sức này, tôi chưa thấy vai trò giúp sức của những lãnh tụ quốc gia. Đáng tiếc hơn nữa, có người nhân danh 'quốc gia' để sỉ nhục những người CS hồi tâm.

Năm xưa, lúc Thượng Tá Tám Hà về hồi chánh, ông đã được đón tiếp lịch sự và được trọng đãi. Tôi không biết lúc Thượng Tá Tám Hà về hồi chánh với VNCH, có ai có can đãm đứng trước mặt Tám Hà mà hỏi 'trước khi hồi chánh, anh đã giết bao nhiêu người lính Cộng Hòa?'

Vậy tại sao bây giờ ra được ngoại quốc rồi lại có quá nhiều 'dũng khí' đem chuyện cũ của Hoàng Minh Chính, của Nguyễn Hộ của Bùi Tín hay gần đây của Hồ Ngọc Nhuận, của Huỳnh Tấn Mẫm mà hạch sách, mà mạ lỵ? Cách cư xử không mã thượng này gián tiếp bôi nhọ danh dự và hạ thấp phẫm giá của người quốc gia chân chính lại không giúp ích gì cho mục tiêu chống cộng, ngược lại nó chận con đường trở về với dân tộc, nó có tác dụng chống phụ Việt cộng.

Người cộng sản hồi tâm là ai?

Đó là những người cộng sản tự mình tìm cách thoát ra được cái mê hoặc của Chủ Nghĩa, tìm lại được cái bản ngã của mình, tìm lại được cái lương tâm của con người. Họ không phải chỉ lèo tèo mấy người nổi tiếng nêu ở trên mà là một số rất đông đảng viên,  vì Trời Đất đã ban cho mọi người - không phân biệt học nhiều hay học ít  - cái khả năng biết phân biệt cái đúng cái sai.

Người cộng sản hồi tâm là người lương thiện. Theo Hà Sĩ Phu, một khi họ trở thành lương thiện thì họ hết là cộng sản rồi.

Vì sau cùng, chính những người cộng sản hồi tâm mới có khả năng giúp đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng hôm nay.

Và đúng ngay lúc này, đây mới thật là một hành động cứu nước.

Đây mới là một hành động yêu nước.

Phối hợp với những người CS hồi tâm là Lực Lượng Dân Tộc Việt Nam do các người Lãnh Đạo Tôn Giáo và những người đấu tranh Dân Chủ có quần chúng trong nước và hải ngoại góp sức, ta thấy mặt trận đã bày ra rồi - không cần đánh cũng đã biết ai thắng ai thua rồi - và bất luận sắp tới đây, Điều 4 của Hiến Pháp 1992 có bị bỏ liền hay không nhưng nhứt định sớm muộn gì nó phải bị bỏ và chế độ phải được thay đổi.

Đây không phải là một kiến nghị để xin xỏ mà đây là một đòi hỏi, bắt buộc phải thực hiện. Đòi hỏi này dựa trên

1.      Không có chánh danh của chế độ

2.      Các nhân quyền căn bản của công dân

3.      Bọn phản động chỉ là một con số rất nhỏ

4.     Sức ép không cưỡng nổi của quần chúng có tổ chức và Lãnh Đạo.


BÀN CỜ ĐÃ SẮP XONG RỒI.


HỒ TẤN VINH
Melbourne
1 tháng 6 năm 2013

Những bài viết của tác giả Hồ Tấn Vinh được lưu trữ tại Khai Dân Trí

Friday, May 24, 2013

BÀN CỜ ĐÃ SẮP XONG: Ý THỨC BỊ PHẢN BỘI (04)

BÀN CỜ ĐÃ SẮP XONG
HỒ TẤN VINH


Bài số 4
Ý THỨC BỊ PHẢN BỘI


Mấy ngày hôm nay chúng ta đều có đọc bản tin

Tài liệu "Khó Tin" nhưng có THẬT :

VN có khoảng 700 đảng viên CSVN có tài sản từ 100 đến 300 triệu đô la

Một thành viên cao cấp của Hội đồng mậu dịch Việt - Mỹ tiết lộ đảng CSVN được xem là một tỉ phú hàng đầu của thế giới vào năm 1995 với tài sản ước lượng lên đến 20 tỉ đôla…VN hiện nay có khoảng từ 80 đến 100 người có tài sản trên 300 triệu đô la, tất cả các tỉ phú này đều là cán bộ cao cấp của đảng.

"Vẫn theo ông Shapiro, có khoảng 700 đảng viên CSVN có tài sản từ 100 đến 300 triệu đô la. Đây là con số do một nhân vật cao cấp của ngân hàng trung ương cung cấp cho ông. Những đảng viên có tài sản từ 50 đến 100 triệu đô la khoảng 2000 người…Tất cả những con số về tài sản của đảng CSVN là do những chuyên viên thống kê của cơ quan mậu dịch quốc tế.

Đây là một bản tin rất cũ, cách đây tới 8 năm. Tình hình bây giờ còn kinh khủng hơn nữa.

2000 người có hơn 50 triệu đôla Mỹ, vậy nếu ta chịu chấp nhận những người có 3 hay 4 triệu đô là do làm ăn lương thiện thì có bao nhiêu người có trên 10 triệu đôla?

Phải có chức quyền mới tham nhũng được. Trong cuốn sách 'MẶT THẬT' Bùi Tín viết:

Con số của tầng lớp quan chức đặc quyền đặc lợi rất khó xác định một cách chính xác. Suy từ báo Nhân Dân, (con số này ước chừng 40 người trên tổng số 300) ở Hà Nội, ước có chừng 10.000 quan chức cao cấp, trong quân đội và an ninh chừng 3000 người; ở Sài gòn chừng 4000 người. Trong cả nước chừng trên 50.000người . .  (Bùi Tín, trang 262, Mặt Thật, Saigon Press XB, 1993)

Trên 2 triệu đảng viên lương không đủ ăn nhìn 50 ngàn đảng viên dư thừa đô la, là đảng viên Đảng CS họ phải nghĩ gì? Thật ra các đảng viên không chết đói đâu, họ cũng phải tìm mọi cách để không bị đói. Cái đau đớn là ở chỗ lấy xương máu ra đánh đuổi ngoại bang, bây giờ chiến thắng rồi mà muốn sống đến cuối tháng thì phải ăn 'bẩn' trên mồ hôi nước mắt của người dân sao?

Bao nhiêu tỷ đô la tham nhũng, muốn được an toàn phải tẩu tán ra ngoại quốc, trong lúc nước nhà cần vốn để phát triển, tạo công ăn việc làm cho người dân, như vậy là ai phản bội ai?

Sau 30 tháng 4 năm 1975, người CS có một thời gian để ăn mừng chiến thắng để rồi từ từ thấy được sự thật.

Dân chúng Miền Nam giàu có hơn dân chúng Miền Bắc XHCN nhiều.

Miền Nam có tự do hơn Miền Bắc nhiều.

Mặc dầu là bù nhìn nhưng không có Tổng Thống VNCH sợ một Cố Vấn Mỹ nào  như Chủ Tịch một nước 'độc lập' như Hồ Chí Minh lại khiếp nhược trước đám cán bộ Cải Cách Ruộng Đất Trung Cộng. Miền Nam ngày xưa không lệ thuộc Mỹ nhiều như ngày nay Miền Bắc lệ thuộc Trung Cộng.

Vậy thì giải phóng cái gì? Như vậy là ai gạt ai?

Cái ý nghĩa của chữ 'xã hội chủ nghĩa' lúc ban đầu là một ý niệm nhân ái, không ai bốc lột ai. Châm lo cho người nghèo khó, bịnh tật. Bênh vực những người bị áp bức. Từ hồi nào 'xã hội chủ nghĩa' biến thành 'lý lịch chủ nghĩa'?

38 năm thi hành 'xã hội chủ nghĩa' ở Việt Nam đã sản xuất ra số người tỷ phú nêu ở trên trong một đất nước không phát triển, đã đề cao một nếp sống giành giựt tàn nhẫn, một chánh quyền nghênh ngang chống lại dân của mình. Và dân chửi chánh quyền.

Đảng Cộng Sản không có gạt được người Quốc Gia. Người Quốc Gia  biết rất rõ CS là bọn lường gạt, nói một đường làm một ngả. Hai bên đánh nhau, VNCH thua thì phải chịu số phận của kẻ thua thôi.

Nhưng sau 38 năm, người đảng viên CS nhìn thấy cái kết quả ngược đời của chiến thắng. Nhân tâm ly tán. Người dân không có ấm no, hạnh phúc. Đất đai bị xâm phạm. Chủ quyền quốc gia mất rồi. 

Sau 'thắng cuộc' năm 1975, Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam bây giờ là con dế trong tay Trung Cộng. Hy sinh máu xương của Bộ Đội để tạo địa vị cho mình. Lấy địa vị của mình bán đất cho Tàu. Đó là kết quả sau cùng của cuộc 'kháng chiến thần thánh' để dựa vào mà 'hãnh diện huyênh hoang'?

Trong tình trạng lương tâm thúc bách, xuất hiện đúng lúc bài góp ý của cựu Đại Tá Lê Hồng Hà.

 Ông Lê Hồng Hà, cựu đại tá công an, năm nay 86 tuổi. Năm 1958 là Chánh văn phòng Bộ Công an dưới thời Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, là Ủy viên Đảng Đoàn Bộ Công An từ năm 1956. Ông là người đã cùng ông Nguyễn Trung Thành (cựu Vụ trưởng Vụ Bảo vệ Đảng dưới thời ông Lê Đức Thọ), vào nửa cuối thập niên 1990, đề nghị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) phải minh oan cho những nạn nhân trong vụ án có tên "Vụ án chống Đảng theo chủ nghĩa xét lại làm tình báo cho nước ngoài" (tên thường gọi: "Vụ án xét lại chống Đảng"). Không lâu sau ông đã bị khai trừ khỏi Đảng (cùng ông Nguyễn Trung Thành) và bị vào tù một thời gian.

Ông Lê Hồng Hà phát biểu về sửa đổi Hiến pháp


1-    Qua nghiên cứu lại 4 bản Hiến Pháp trước đây của nước ta, trừ bản Hiến Pháp năm 1946 là đúng đắn, tốt đẹp, còn 3 bản Hiến Pháp sau tuy có nhiều điểm tốt, nhưng cả 3 bản ( năm 1959,1980,1992) đều mang nặng đường lối CM XHCN thể hiện thể chế chính trị chuyên chính vô sản (theo Nghị quyết của của Đại hội Đảng III, IV, V, VI, VII) tức là rất nhiều sai lầm.

2-    Nội dung đặc trưng của đường lối xây dựng CNXH ở Việt Nam có thể tóm lại:
Về kinh tế:  kế hoạch tập trung, phủ nhận kinh tế thị trường, quốc doanh là chủ đạo, xóa bỏ kinh tế tư nhân.

Về chính trị: Là thực hiện chuyên chính vô sản, Đảng lãnh đạo độc tôn và Đảng lấy Chủ nghĩa Mác Lê Nin là thống soái, cán bộ, đảng viên và thanh niên đều phải học tập CN Mác Lê Nin.

Đến Đại hội VI, có đổi mới chút ít, nhưng chỉ là nửa vời và vẫn một mực kiên trì Chủ nghĩa Mác Lê.

Qua thực tế của các nước trên thế giới, sự sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN cuối thế kỷ 20, đã chứng minh CN Mác Lê Nin là sai lầm, mô hình CNXH Xô Viết là sai lầm thế nhưng Đảng ta vẫn một mực phải đề cao Chủ nghĩa Mác Lê Nin kiên trì đường lối CNXH ở Việt Nam.


3-   Do mấy chục năm qua,  cả nước ta đi theo con đường xây dựng chủ nghĩa sai lầm nói trên, nên đất nước ta lâm vào tình trạng suy yếu, xuống cấp về hầu hết các mặt của đời sống xã hội (không chỉ kinh tế mà cả chính trị, xã hội, văn hóa, đạo đức vv…) và tụt hậu so với nhiều nước xung quanh, chủ quyền quốc gia bị xâm phạm. Chưa bao giờ lòng tin của dân đối với sự lãnh đạo của ĐCSVN và Nhà nước ta thấp như ngày nay và tình hình nghiêm trọng tới mức trở thành nguy cơ lớn đối với sự sống còn của chế độ, của ĐCSVN.


Nguyên nhân gốc rễ của tình hình ấy, chính là do chế độ toàn trị của một đảng trên thực tế đang chi phối toàn bộ quyền lực Nhà nước và hệ thống chính trị đứng trên nhà nước và pháp luật, đứng trên nhân dân, vô hiệu hóa nhiều quyền tự do, dân chủ đã được quy định trong Hiến pháp.


4 – Để cứu đất nước ra khỏi tình hình nghiêm trọng nói trên thì phải đổi mới căn bản thể chế chính trị, chuyển từ độc tài đảng trị sang dân chủ là cơ hội tốt, là bước đi đầu tiên mở đường cho đất nước đổi mới toàn diện, phát triển bền vững và bảo vệ chủ quyền quốc gia.


5 – Đối với  bản "Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992" tôi thất vọng vì nó không góp phần đổi mới căn bản thể chế chính trị, mà lại …! Toàn bộ những sai lầm của các bản Hiến pháp trước đây không thể là cơ sở để xây dựng một bản Hiến pháp mới thực sự là của nhân dân.


6 – Trong thư này, tôi đề nghị cụ thể một số vấn đề về nội dung:


a / Không nên dùng từ Nước CHXHCNVN …, mà nên dùng từ ông Hồ đã dùng: Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa …, vì mô hình XHCN là một mô hình sai lầm.
b / Không nên đề cao chủ nghĩa Mác Lê Nin vì đó là một học thuyết sai lầm, không nên nói dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác Lê Nin.
c / Bỏ điều 4 nói về sự lãnh đạo của Đảng cộng sản vì Đảng chưa xứng đáng lãnh đạo việc xây dựng và phát triển đất nước (chưa kể những chính sách sai lầm như cải cách ruộng đất, cải tạo Xã Hội Chủ Nghĩa, đàn áp Nhân Văn Giai Phẩm)…
d / Quân đội phải trung thành với Tổ Quốc, với Nhân Dân, không được nêu quân đội trung thành với Đảng.
e / Không nên đặt vấn đề Hiến Pháp nước ta phải thể chế hóa cương lĩnh xây dựng CNXH của Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Hà Nội 02-4-2013


Người góp ý

© Lê Hồng Hà
(Nguyên Chánh Văn phòng Bộ Công an)

Người đảng viên CS khi đọc bài phát biểu này sẽ nghĩ gì? Họ có  thấy bài phát biểu của cựu đảng viên cao cấp Lê Hồng Hà là lương thiện và can đãm hay là lệch lạc tư tưởng, suy thoái đạo đức, tuyên truyền chống phá nhà nước XHCN Việt Nam?


Hà Sĩ Phu sau một thời gian nằm bịnh viện, ngày 19 tháng 2 năm 2013, dù chưa khỏi hẳn nhưng được cho về nhà - cơ thể còn sốt. Để giải nhiệt, Ông dùng một định luật cũ của ai đó diễn đạt theo một cách ngồ ngộ của riêng ông.

quy luật liên kết và hoán vị loại trừ lẫn nhau trong 3 thành tố, tạm gọi là luật "loại trừ một trong ba" hay luật "Hai khử một".

Ba thành tố ấy là Tâm hồn Lương thiện, Trí tuệ Thông thái và Lập trường Cộng sản, liên kết và loại trừ nhau như sau:

- Đã Thông thái và Cộng sản thì không Lương thiện (phải mưu mẹo, gian hùng)
- Đã Lương thiện và Cộng sản thì không Thông thái (phải nhẹ dạ, nông cạn)
- Đã Lương thiện và đủ Thông thái thì không theo Cộng sản.[1]

Tôi ngẩn ngơ một thời gian. Có thể nào cho tôi thêm:
-Đã Lương thiện và đủ Thông thái mà đã được kết nạp vào Đảng rồi thì trước sau gì cũng phải bị khai trừ.

Tôi xem lại lý lịch của ông Lê Hồng Hà. Quả thật cựu Đại Tá Lê Hồng Hà đã bị rút thẻ Đảng!
Tưởng giởn chơi, không dè định luật "Đảng Ơi! Có 2 Không 1" lại đúng y chang!

Ý thức bị lường gạt, bị phản bội vừa thật là cay đắng, vừa thật nhục nhã. Quần chúng đã hiểu hết rồi  . . .

Đảng đã gạt nhân dân cả nước, trong đó có người dân miền Bắc.
Đảng đã gạt Bộ Đội.
Đảng đã gạt các đảng viên.
Đảng đã gạt tất cả ai tin tưởng nơi Đảng và hy sinh vì Đảng.

Làm một đảng viên CS phải gánh chịu trách nhiệm đã đẻ ra một quái thai. Chớ còn đổ thừa cho ai?

Ý thức bị phản bội!

Hà Sĩ Phu khéo léo bày tỏ tâm tình trong một diễn đạt ví von chua chát.

Ông già 86 tuổi bình tĩnh góp ý của mình một cách mạch lạc và can đảm phi thường.

Nhưng quần chúng đâu có nhiều học thức như Hà Sĩ Phu hay nhiều kiên nhẫn như cựu Đại Tá Lê Hồng Hà.

Nếu họ không còn gì để hy vọng với chế độ dựng lên bằng sự dối trá, lường gạt, nếu họ phản ứng theo một kiểu tuyệt vọng nào khác thì sao?


HỒ TẤN VINH
Melbourne
Ngày 25 tháng 5 năm 2013
(còn tiếp)

Những bài viết của tác giả Hồ Tấn Vinh được lưu trữ tại Khai Dân Trí

Monday, May 20, 2013

Cả ba anh cùng chết dở!

Văn Quang - Viết từ Sài Gòn, ngày 17.5.2013
  
Cả ba anh cùng chết dở!

"Kinh tế khủng hoảng, lạm phát tăng, thu nhập giảm, nhiều người dân đang phải đối mặt với những bài toán đau đầu của cuộc sống".

Thưa bạn đọc, đó là diễn đàn của một tờ báo mạng ở VN mở ra cho mọi người dân được góp ý về những suy nghĩ thật nhất của mình trong cuộc sống hiện nay, qua đó cùng tìm ra những giải pháp để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Có thể nói đó là một vấn đế gai góc nhất tùy theo hoàn cảnh của mỗi người. Tất nhiên ở đây, không dám kể đến những ông bà tỷ phú, những đại gia và những vị có chức có quyền hét ra lửa, mửa ra… đô la. Chỉ kể đến 90% số người dân VN từ hạng đủ ăn đủ mặc trở xuống đến đám "thứ dân" rách như tổ đỉa hoặc gần như tổ đỉa.

Khi mà câu ca dao thời đại: Tiền là Tiên, là Phật/ Là sức bật tuổi trẻ, là sức khỏe tuổi già/ Là đà cho danh vọng/ Là lọng của nịnh thần/ Là cán cân công lý/ Tiền là hết ý... trở thành mục đích của đời sống, là một thứ "lý tưởng thật" để tôn thờ thì luân lý đạo đức và liêm sỉ trở thành vô nghĩa, không có trong từ điển VN.
 
3 năm qua, nghèo đi 2 lần
 
Một nhà báo kinh tế đang sống ở Hà Nội đã tâm sự cuộc sống khó khăn của cô trên mạng xã hội.: " 3 năm qua, mình đang bị nghèo 2 lần nghèo. Lương giảm, ai cũng thấy rõ điều này. Nhưng rổ CPI của gia đình mình thì tăng khủng khiếp.
 
                                             
                                                    Người dân ngẩn ngơ khi tiền gửi ngân hàng cứ thi nhau giảm

Giá gas 3 năm trước 250.000 đồng/bình, giờ 450.000 đồng/ bình. Tính ra mức tăng bình quân 27%/năm. Thịt cùng khoảng thời gian tăng giá từ 50.000 đồng/kg lên 140.000/kg, tương đương 60%/năm. Rau tăng bình quân 20-30%/năm. Sữa của con từ 400.000/ hộp 900 gr cách đây 2 năm, giờ 500.000/hộp, tức tăng đâu đó 12,5%/ năm. Truyền hình cáp tăng giá từ 66.000/tháng vào năm 2010 nay lên 110.000/tháng, tức 30%/năm; internet từ 280k lên 313.000/tháng, có vẻ tăng ít nhất.
 
Dầu ăn 38.000/ chai, giờ 45.000/ chai; đường, sữa tắm, dầu gội, dầu rửa bát… cho đến thức uống, hoa quả.. tăng ít nhiều cũng trên dưới 10%... Tiền thuê nhà, tiền thuê giúp việc 3 năm tăng 30%.
 
Đó chỉ là CPI của những nhu cầu tối thiểu, còn chưa kể các chi phí cho việc giải trí, vui chơi, tinh thần… khác. Thu nhập giảm 30%, CPI thì tăng vài chục % thế này, làm sao để sống được đây?".
 
Phản ứng việc khi NHNN độc quyền vàng miếng SJC
 
Ông Nguyễn Tiến Lực Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm cũng nói thẳng, "do cơ chế nhà nước giao Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) được dập và kinh doanh vàng miếng là thương hiệu vàng quốc gia, nên năm 2012 đến nay xuất hiện độ chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và nước ngoài, xuất hiện vàng giả SJC, vàng kém chất lượng đưa vào các DN kinh doanh bán cho người dân. Từ tháng 7-2012 đến nay, SJC phát hiện 300 lượng vàng nhái thương hiệu của họ. Bộ Công an cho rằng quy định SJC là thương hiệu vàng miếng quốc gia chỉ đem lại lợi ích cho DN SJC và làm phương hại đến lợi ích của các thương hiệu vàng miếng khác". Người dân xô vào mua vàng SJC vì đó là thương hiệu "chính thức".

Còn rất nhiều những bài bình luận, những ý kiến của người dân hoàn toàn không tin tưởng vào sự bình ổn này. Cũng như gần đây nhất là việc cắt giảm tiền lãi suất huy động của người dân gửi tiến vào ngân hàng với mục đích là để cứu các doanh nghiệp đang chết đứng như Từ Hải giữa đống hàng hóa làm ra không tiêu thụ được hoặc cứu các ông "bất động sản" có hàng ngàn căn nhà từ nhỏ tới lớn nằm trơ gan cùng tuế nguyệt. Nhưng thực ra có cứu được không lại là chuyện khác hẳn.
 
Ba anh cùng chết dở
 
Rất nhiều nhà "lý luận theo kiểu chính quyền" cho rằng lạm phát xuống, kéo lãi suất đầu vào của ngàn hàng xuống là đúng là "thực dương" hay nói rõ là người gửi tiền vào ngân hàng vẫn có lời. Có ông nói người dân cần thông cảm với doanh nghiệp (DN), phải cứu DN thì kinh tế mới phục hồi, người lao động mới có việc làm. Có ông khuyên người dân nếu rút tiền ngân hàng ra, hãy đầu tư vào việc kinh doanh cho đồng tiền lưu thông chứ đừng mua vàng cất kỹ trong đáy tủ, đừng mua đô la về để dành, còn không đầu tư được thi cứ gửi dài hạn ở ngân hàng cho chắc ăn.

Xin thưa rằng tất cả những lời khuyên vàng ngọc đó người dân không cần vì họ biết từ lâu rồi. Và cả những lý luận kiểu "nhà nước" kia, người dân cũng hiểu giá trị của nó đến đâu bởi các ông cứ nói lạm phát giảm trong khi giá cứ tăng, điện nước, xăng dầu cũng tăng vù vù, vậy giảm lạm phát như thế thì người dân được cái gì? Giảm bao nhiêu phần trăm? Giá thực phẩm và đủ các món về đời sống hàng ngày có giảm tí nào đâu! Thế nên người dân "xin không dám tin" những kiểu nghiên cứu và lý luận như thế. Họ chỉ còn biết tin vào mình.

Cho đến bây giờ, tình hình người dân và các ngân hàng cùng các DN thực ra cùng bi đát như nhau, chẳng anh nào khá hơn cả. Xin tuần tự điểm qua những cái chết dở ấy
 
1- Dân "đi" trước
 
Tính từ tháng 8-2011, Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) đã sáu lần giảm trần lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm dưới 12 tháng, từ 14%/năm còn 7,5%/năm (điều này cũng đồng nghĩa với nguồn thu của người gửi tiết kiệm, phần lớn là người cao tuổi, về hưu bị hao hụt đi nhiều). Và trước mỗi lần điều chỉnh, NHNN đều công bố để người dân cả nước biết. Thế nhưng lãi suất cho vay hiện bao nhiêu lại là câu hỏi khó trả lời. Bởi các NH từ lớn tới nhỏ đều giấu biệt thông tin này, chỉ tiết lộ riêng sau khi người đi vay vượt qua nhiều "vòng".

Tuy nhiên, trên thực tế, lãi suất cho vay của các NH không giảm mức tương ứng mà chỉ giảm nhỏ giọt, thậm chí là giậm chân tại chỗ.

Mặt khác, người dân có thể đồng tình với việc phải "hy sinh" để cứu DN. Nhưng có người nhìn lại quá khứ, mới vài năm trước, họ tính toán rất chi ly. Trước đây nhiều DN chỉ buôn nước bọt, họ thế chấp vài miếng đất nhà cửa vớ vẩn để vay ngân hàng làm vốn. Hãy thí dụ họ vay 100 tỳ đồng đi mua đất rẻ mạt, làm nhà từ đầu năm giá chưa đến 1 tỷ một căn, đến cuối năm, bán rẻ cũng được 2 tỉ (chưa nói đến các dự án ngàn tỉ). Như vậy họ lời 100% 1 năm. Vậy DN đó có trả lời ngân hàng nhiều lắm là 30% chăng nữa, họ vẫn lời 70%. Cho nên hầu hết các DN này giàu lên cực nhanh. Đến nay hàng hóa nhà cửa không bán được thì hà cớ gì dân phải lăn lưng ra cứu họ? Số lời 70% một năm đến nay đi đâu? Vào nhà lầu xe hơi, chân dài, chân ngắn, ăn tiêu như ông bà hoàng hết rồi lại đeo theo cái nợ ngân hàng. Những DN đó có nên cứu không, hãy bán hết tài sản chìm, tài sản nổi đi rồi hãy tính chuyện đợi người khác cứu. Hơn thế những DN xưa nay chỉ dựa vào thần dựa thế, cũng nên để "chết bớt" dành chỗ cho những DN có thực lực, có tài kinh doanh.
 
2- Doanh nghiệp theo sau
 
Các quan chức ngành NH cho rằng việc giảm lãi suất "đầu vào" sẽ gián tiếp hạ nhiệt lãi suất "đầu ra", tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn, từng bước khôi phục thị trường sản xuất, kinh doanh, giúp nền kinh tế kiềm chế lạm phát, tăng cường ổn định.

Nhưng thực ra "nói dzậy mà không phải dzậy".

Theo phản ánh của các DN trên báo chí thì lãi suất trung bình mà họ đang gánh là 13%-15%/năm. Không nhiều DN vay được mức này. Với các khoản vay cũ, DN phải trả lãi đến 17%-18%/năm, các khoản cho vay tiêu dùng hay bất động sản còn lên đến 20%/năm. Một số ngân hàng (NH) đã bắt đầu tung ra các gói tín dụng lãi suất 10%-12%/năm nhưng lại kèm nhiều điều kiện khắt khe nên rất ít DN có khả năng vay được.

Hệ quả tất yếu là các DN nản chí, không muốn đi vay để mở rộng sản xuất, kinh doanh hay tái đầu tư vì sợ "làm không đủ tiền trả lãi". Nhiều DN chấp nhận phá sản hoặc sản xuất cầm chừng. Trong khi đó, các NH "ăn cả hai đầu": Vay vốn (huy động) giá rẻ và cho vay lại với giá "cắt cổ" vì không bị ràng buộc bởi quy định về trần lãi suất cho vay.

Có thể thấy việc trói lãi suất huy động nhưng thả lãi suất cho vay của NHNN đang bị lợi dụng để làm giàu cho một nhóm nhỏ "đại gia" NH. Và như vậy, đã đến lúc các nhà quản lý cần trả lời câu hỏi: "Liệu lãi suất có cần trần?". Cách đúng nhất là NHNN nên bỏ lãi suất đầu vào, vấn đề then chốt là khống chế và kiểm soát chặt chẽ lãi suất cho vay của các ngân hàng. Như vậy NH sẽ phải tự điều tiết tình hình tài chính của mình. NH nào mạnh có thể sống được với thi trường tiền tệ, họ có quyền huy động lãi suất nhiều hay ít. NH yếu kém sẽ lộ ra ngay và cũng cần sát nhập với NH hàng lớn hoặc tự "rút lui trong vòng trật tự". Nhiều NH quá cũng chẳng để làm gì trong nền kinh tế khó khăn này. Bớt được lãng phí, bớt gánh nặng cho xã hội. Và như thế NHNN cũng không bị "mang tiếng" là góp sức làm giàu cho các đại gia NH.
 
3- Ngân hàng cũng có thể chết vì nhiều tiền quá
 
Nhưng xét cho cùng các NH lớn ở VN hiện nay cũng đang lâm vào cảnh nhiều tiền quá, muốn cho vay mà không tìm được "đối tác". Không thể cho anh "khố rách áo ôm" vay tiền và cả những anh "giàu sổi" có tiếng mà không có miếng. Cái thời cho nhân viên đến đánh giá các DN vay tiền qua rồi. Cơ ngơi đáng giá một tỉ, nhân viên đánh giá 10 tỉ. Thế nên nợ xấu bây giờ tràn lan như nước vỡ bờ. DN chẳng còn gì để NH xiết nợ, thậm chí có NH còn phải cử nhân viên đến mai phục ở nhà giám đốc DN để xiết nợ một cái xe hơi thôi. Thật thê thảm. Có ông bà Giám đốc lặn mất tăm không sủi bọt, NH đành thua. Có ông bà giám đốc mù chữ như vợ chồng Đặng Thị Loan và Lê Thanh Hải ở Đồng Tháp cũng lừa được hơn 60 tỉ đồng, trong đó có 2 ngân hàng là Vietinbank và Eximbank (chi nhánh Cần Thơ).
 
                                              
                                                    Người dân kéo đến xiết nợ Công Ty của vợ chồng Thanh Hải

Một đống nợ xấu không đòi được, một đống tiền của người gửi hàng tháng phải trả lãi, không tìm đủ DN có năng lực để cho vay cũng là một bài toán khó giải. Thế nên có NH đã phải hạ lãi suất đầu vào xuống dưới mức khống chế của NHNN tức dưới 7,5%. Thậm chí như Agribank đã đưa lãi suất huy động về 5% - thấp nhất thị trường và chỉ bằng hai phần ba mức trần cho phép của Ngân hàng Nhà nước. Điều này khiến không ít người gửi tiền xót xa và cảm thấy thiệt thòi.

Lúc này họ không cần thêm tiền gửi của dân nữa. Hạ lãi suất như thế không khác nào khuyến khích người dân rút tiền ra. Các ông lớn NH này nghĩ rằng khi cần thêm tiền họ lại tăng lãi suất. Chiến thuật kinh doanh này chưa chắc đã mang lại hiệu quả lâu dài vì người dân mất tín nhiệm với NH rồi, khó mà quay trở lại, thà họ gửi ở nơi khác, không bị "ép ngang xương" kiểu này.

Một suy nghĩ khác là bây giờ người dân không cần chọn NH lớn nhỏ, tốt xấu nữa mà là chọn NH nào có lãi suất cao nhất. Bởi họ hiểu rằng NHNN và các NH khác không bao giờ dám để một NH "chết", dân đến rút tiền không đủ trả. Họ phải cứu nhau. Nếu không chỉ trong vòng 1 ngày là cả nước đua nhau đi rút tiền. Lúc đó "chết cả làng"!

Bởi tất cả những nguyên nhân trên, hiện hay cả 3 anh gửi tiền, anh giữ tiền, anh DN đều đứng ngó nhau lâm vào cảnh "thằng nào cũng ốm dở, chết dở". Chẳng có anh nào "mạnh khỏe" cả. Anh nào sống sót sau trong nền kinh tế èo uột này? Chúng ta hãy chờ xem.
 
Hội chứng "sợ" đang thịnh hành
 
Cũng trong chuyện NHNN dồn dập bán vàng ra hàng chục tấn vàng, quả thật người dân thường chỉ biết ớ mặt ra nhìn, chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra sao. Tại sao phải bán? Bán làm gì? Dân có lợi gì? Người dân hoàn toàn mù tịt.

Trong khi đó trên báo Thanh Niên số 114 ra ngày 24.4, có bài báo của tác giả Nguyên Hằng cho rằng chủ trương tạm xuất, tái nhập này nhằm hợp pháp hóa vàng nhập lậu. Lập tức NHNN ra thông cáo giải thích trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng đồng thời Ngân hàng Nhà nước đã có công văn đề nghị Tổng cục An ninh II - Bộ Công an phối hợp xử lý theo pháp luật.
                                              
Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm, quy trình tạm xuất, tái nhập được Ngân hàng Nhà nước tổ chức thực hiện, giám sát chặt chẽ có kiểm tra tồn quỹ trước khi xuất khẩu. Việc tạm xuất, tái nhập đã hoàn thành vào ngày 31/3/2013. Thế nên, thông tin cho rằng, chủ trương tạm xuất, tái nhập này nhằm hợp pháp hóa vàng nhập lậu là hoàn toàn không có căn cứ, cố ý bóp méo chính sách của Nhà nước.
 
 
                                          
                           Công văn của NHNN gửi Bộ Công An điều tra về việc "bóp méo chính sách nhà nước".

Báo Thanh Niên cũng đã cáo lỗi với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng bạn đọc. Chưa biết Tổng Cục An ninh II sẽ "xử lý" vụ này ra sao, nhưng chắc chắn là có khối anh sợ xanh mặt. Cái "hội chứng sợ" cũng đang rất thịnh hành ở VN. Từ nay chắc chẳng anh nào dám "bóp méo" chính sách của NHNN nữa, cứ "bóp cho tròn" thôi. Như thế hy vọng VN sẽ có giải Nobel, các ông chuẩn bị ăn mừng đi là vừa.

Nhân nói đến ăn mừng, lại nhớ đến những vụ ăn nhậu của các vị công chức thời nay.
 
Những công chức bụng phệ vì nhậu
 
Ăn nhậu nhiều, có ngày nhậu liên miên vài bữa liền, không ít công chức bụng cứ ngày một phệ ra, người dân gọi là các quan "đeo ba lô ngược". Do là bệnh viện chuyên khám chữa bệnh cho các viên chức nên các bác sỹ ở bệnh viện Hữu Nghị gặp khá nhiều các trường hợp khôi hài. Khi được BS hỏi một bệnh nhân là công chức tại sao không ngừng uống bia, người bệnh cho biết: "Không nhậu thì không được, làm nghề này không đi ăn uống tiếp khách thì không thể làm việc được" (!?)
 
                                             
                                                       Công chức Hà Nội và Sài Gòn bụng phệ nhiều nhất nước

Bệnh nhân này hầu như ngày nào cũng đi uống bia sau giờ làm việc, trước đây thì buổi trưa cũng không ngoại lệ. Kể từ khi có quy định cấm uống rượu, bia buổi trưa, các cuộc nhậu hầu như toàn diễn ra vào cuối ngày, có lúc ông còn phải "chạy sô" vì có nhiều cuộc diễn ra cùng lúc, cuộc nào cũng "khó từ chối" vì "từ chối thì mất hết quan hệ"!
 
Công chức Hà Nội và TP. Sài Gòn thừa cân nhiều nhất
 
Tại cuộc "hội thảo" về bổ sung chất xơ trong sản phẩm dinh dưỡng cho người thừa cân, béo phì tại Hà Nội, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Nguyễn Thị Lâm cho biết tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc cho thấy tỉ lệ thừa cân, béo phì ở nhóm 45-49 tuổi khu vực thành thị là 9,9%.
Theo điều tra này thì Hà Nội và TP.Sài Gòn là những địa phương có tỉ lệ người thừa cân, béo phì cao nhất, đặc biệt ở nhóm cán bộ công chức có tới 15% thừa cân, béo phì.

Không chỉ ở các TP lớn các quan thích nhậu mà ở những tỉnh lẻ, nhậu còn mang đến nhiều điều thú vị hơn nữa.
 
Từ nữ phó chủ tịch say xỉn đến quan chức nhậu bất kể gió bão
 
Theo thông tin trên báo chí, chiều 1/5, Huyện ủy Kỳ Sơn (Nghệ An) đã phê bình, kiểm điểm đối với bà Cụt Thị Nguyệt, Phó chủ tịch UBND huyện này vì nhiều lần uống rượu say quá đà trong các cuộc "liên hoan", hội nghị và tiếp khách. Vào tháng 6-2011, khi cơn lũ quét tràn qua làm nhiều nhà dân bị cuốn trôi thì nữ phó chủ tịch này vẫn vô tư ngồi tiếp khách, uống rượu và hát karaoke... rồi say xỉn.

Cũng là hình ảnh quan huyện ngồi nhậu trong mùa bão lũ, nhưng lại "sôi động" hơn trên mặt báo là ở một tỉnh khác thuộc Bắc trung bộ. Vào năm 2011, trong lúc cả tỉnh này đang tập trung chỉ đạo sát sao đối phó với cơn bão sắp đến, người dân đang còng lưng cố vớt vát ít lúa hè thu trước khi bị bão tàn phá, thì mấy ông 'quan' này cùng với lãnh đạo một doanh nghiệp chén tạc chén thù món đặc sản gà đồi, tại một quán ăn đặc sản, khá hẻo lánh.

Đứng đầu cuộc nhậu cũng là một vị Phó Chủ tịch UBND huyện, rồi Trưởng phòng Tài nguyên- Môi trường, Trưởng ban Quản lý dự án...

Câu chuyện trên được báo chí tường thuật lại ngay sau khi cuộc nhậu vừa kết thúc: "Cảnh tượng chúc tụng, đùa cợt giữa các cán bộ huyện với Giám đốc doanh nghiệp xây dựng nọ liên tục rôm rả. Thậm chí, trong lúc cao hứng những cán bộ huyện này còn yêu cầu một số nhân viên nữ đi vòng quanh bàn lần lượt chúc mỗi cán bộ một chén để làm vui".
 
Tửu lượng cũng là "tiêu chuẩn" thăng chức?
 
Từ thực tế, nhiều độc giả cho rằng, bên cạnh chuyên môn giỏi, tửu lượng khá cũng ngầm được xem là tiêu chuẩn để cất nhắc viên chức ở nhiều nơi. Từng đi công tại nhiều nơi, bạn đọc tên Nam cho biết tình trạng uống rượu cà kê càng ở cấp thấp càng nhiều.

Nhất là ở các vùng nông thôn, miền núi. Chuyện các cán bộ cấp xã đi ăn sáng từ 7h - 10h là chuyện thường như cơm bữa. Ban đầu cụng vài chén cho vui, lai rai uống thêm vài chén nữa, đến khi về phòng làm việc, nhiều người đắp áo ngủ hết trưa chờ tỉnh rượu.

Ngoài lãng phí thời gian, tiền bạc, nhậu nhẹt còn khiến một số quan ông quan bà tha hóa. Ông cán bộ này "loạng quạng" với bà cán kia cũng vì rượu, vì chung bàn chung chiếu, chung niềm vui cùng đi... nhà nghỉ, quên đường về nhà.

Nhậu còn dễ dàng được thăng quan tiến chức. Bạn đọc Minh Quân nêu quan điểm từ kinh nghiệm thực tế:

Trong thời gian hướng dẫn nghiệp vụ công tác, thanh niên này được các sếp thẳng thắn dạy bảo: "Em có năng lực, nhưng có tới 50% năng lực được xét trên bàn nhậu. Tửu lượng yếu, anh chỉ là "gà mái", không hòa đồng với anh em, chơi không nhiệt tình, con đường công danh chả đi đến đâu..." Tóm lại lời khuyên đưa ra là muốn lên chức nhanh phải biết nhậu.

Bạn đọc ở địa chỉ minhtai@... thừa nhận chuyện nhiều quan chức nhậu nhẹt triền miên đã có từ vài chục năm qua, nhưng bây giờ mới được đề cập rôm rả.

"Tôi có người quen làm ở một tỉnh cao nguyên. Chẳng biết nó "bảo vệ" rừng thế nào mà cứ ngày càng giàu có lên và trở thành đại gia vào cái tuổi còn khá trẻ. Tôi hỏi nó: công việc chính yếu của mày bây giờ là gì, nó trả lời: Nhậu! Nhậu từ sáng tới tối! Trước kia là để quan hệ, còn giờ là "được" người ta quan hệ vì lên chức...".
 
Được nhậu lại được thêm tiền
 
Nhiều độc giả chia sẻ, có một thực tế, các cuộc nhậu của nhiều cán bộ, công chức thường tổ chức ở những nơi sang trọng. Nhậu xong, thuộc cấp có trách nhiệm lấy hóa đơn đỏ về cơ quan thanh toán. Ăn 1 lại tính thành 10. Đây cũng là lý do nhiều cán bộ tích cực nhậu vì ngoài việc thỏa mãn cơn thèm... còn được thêm tiền đút túi.
 
                                             
                                                        Nhiều công chức nhậu 7 ngày một tuần - (Ảnh minh họa)

Độc giả Thanh Hương cho biết, một cuộc nhậu của sếp chị không bao giờ dưới 3 triệu đồng. Cả năm nhân lên, đủ biết nhiều chừng nào. Trong khi đó, bạn đọc Ngô Lê Tuấn cũng khẳng định, tiền trả cho các bữa nhậu rất hiếm khi từ túi cán bộ, công chức. Bởi, lương vài ba triệu, tiền đâu chi trả cho những cuộc nhậu kín mít cả 7 ngày/ tuần?
 
Xét ra như thế dù trong tình hình kinh tế khủng hoảng, chỉ có mấy anh quan "tích cực đi nhậu" là sướng hơn cả.
 
Văn Quang

PHÁP NẠN 1963: TƯỞNG NIỆM, BẢN CHẤT VĂN HÓA, TINH THẦN BẤT BẠO ĐỘNG

Cao Huy Thuần

(LQ) Trong khuôn khổ "Tuần lễ Phật đản Phật lịch 2557" và kỷ niệm 50 năm Pháp nạn (1963-2013) tối ngày mùng 10 tháng Tư Quý Tỵ (19-5-2013) tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán Huế đã diễn ra buổi thuyết trình với đề tài "Pháp nạn 1963: Tưởng niệm, bản chất văn hóa, tinh thần bất bạo động" do GS Cao Huy Thuần diễn thuyết. Chư tôn Hòa thượng Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh TT Huế, chư tôn Hòa thượng Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, chư tôn đức Tăng, Ni các Tổ đình, Tự viện, Tịnh xá, Tịnh thất, quý vị lãnh đạo chính quyền các cấp tỉnh, Thành phố Huế, các thân nhân chư anh linh Thánh Tử đạo và đông đảo các giới Phật tử đã đến dự. Buổi thuyết trình xúc động như một buổi tưởng niệm chư vị Thánh Tử Đạo. Bản tin Phật đản xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài thuyết trình đến với quý độc giả.



Cách đây đúng 50 năm, đêm rằm tháng tư Phật Đản 1963, Phật tử cũng tụ tập ở chính công viên này. Bên phải (trái ?) của tôi là một ngôi nhà rất đẹp, lúc đó là trụ sở của Đài phát thanh. Bây giờ Đài phát thanh không còn nữa, nhưng trên đầu của chúng ta, trăng rằm hôm đó vẫn là trăng rằm hôm nay, và trăng ấy đã chứng kiến một cảnh hãi hùng.

Dưới ánh sáng hiền từ của trăng đầu hạ, quần chúng Phật tử nô nức kéo nhau về đây để nghe phát lại đại lễ Phật Đản hồi sáng tại chùa Từ Đàm. Sáng ở Từ Đàm, tối trước Đài phát thanh, đó là thông lệ của Phật tử Huế mỗi rằm tháng tư. Nhưng rằm tháng tư năm ấy không giống mọi năm. Buổi sáng ở Từ Đàm, Phật tử đã nghe Thầy Trí Quang phản đối lệnh cấm treo cờ Phật giáo của chính quyền ông Diệm. Cấm treo cờ là hành động miệt thị cuối cùng của một đại chính sách nhằm triệt hạ Phật giáo như là một tôn giáo muôn đời của dân tộc. Cấm treo cờ là giọt nước mắt làm tràn ly nước mắt nhẫn nhục mà Phật giáo đã chịu đựng trong suốt chín năm. Giọt nước mắt ấy đã ứa ra từ hồi sáng ở Từ Đàm trong lời hiệu triệu của vị lãnh đạo. Chính giọt nước mắt ấy đã thúc đẩy thêm bước chân nô nức của Phật tử kéo nhau tụ tập trước Đài phát thanh này.

Nhưng Phật tử không phải kéo nhau đến đó để khóc. Phật tử có cách khóc của Phật tử trong suốt chín năm, thầm lặng nhưng hùng vĩ. Hùng vĩ để phản đối. Nhưng hùng vĩ để phản đối trong tinh thần bất bạo động, như lời hiệu triệu hồi sáng ở Từ Đàm. Tinh thần đó giúp Phật tử giữ được không khí lễ hội hàng năm. Phật tử khóc, mà vẫn tươi cười, vì hôm đó là Phật Đản, là một ngày vui, là một lễ hội. Già, trẻ, lớn , bé, quần chúng kéo nhau đến Đài phát thanh như đi hội. Trong lòng Phật tử là nước mắt, nhưng trong lòng Phật tử đêm đó không hừng hực lửa bạo động. Đó là điều quan trọng nhất mà chúng ta phải nhắc lại ở đây, vì đó là tinh thần, vì đó là hình ảnh tiêu biểu của suốt mùa tranh đấu.

Trong không khí một lễ hội hòa lẫn vui tươi và khắc khoải như vậy, quần chúng nóng lòng chờ đợi một buổi phát thanh không đến. Loa phát thanh càng câm, quần chúng kéo đến càng đông, vì ở nhà họ chỉ nghe quân nhạc bất thường phát ra từ máy. Đêm hè rất nóng, và công viên nóng chật hơi người. Nóng đến nỗi khi xe xịt nước kéo đến để buộc quần chúng giải tán, nước ấy cũng chỉ vừa đủ mát để tắm, không ai nghĩ rằng sau nước là máu. Và sau nước là máu. Xe thiết giáp kéo đến. Năm chiếc! Năm chiếc bao vây khuôn viên bé nhỏ này. Năm chiếc dàn ra như đi đánh trận. Và súng nổ. Súng bắn bừa vào đám đông. Và lạ thay, bảy thi thể nát thây trong máu là bảy em bé áo lam khi nãy vừa vô tư ríu rít chuyện trò với nhau để chờ nghe chuông mõ. Bảy em bé đi lễ hội đêm rằm với vầng trăng ở trên đầu và ngây thơ trên trán. Phải cần năm chiếc xe bọc sắt để bắn nát bảy em bé áo lam. Không có hình ảnh nào biểu trưng hơn hình ảnh ấy, hình ảnh của bạo lực với thiên thần. Chết như thế, không phải Phật giáo đâu, chính quần chúng, chính niềm tin dân dã muôn đời của Việt Nam, đã xem như cái chết của thánh, chết linh thiêng. Bạo lực đã mở màn tranh đấu Phật giáo bằng cái chết linh thiêng của thánh, và Huế là đất thiêng đã được lịch sử chọn để nhận bảy cái chết linh thiêng.

Chúng ta sống trong thời đại khoa học và có bổn phận phải đào tạo tinh thần khoa học trong gia đình, trong học đường. Nhưng đêm nay, giữa ánh nến chung quanh và vầng trăng bí mật trên đầu, vầng trăng đã chứng kiến tất cả, chúng ta hãy dành một phút cho linh thiêng ấy và hãy chiêm nghiệm sự lạ xảy ra trong đêm ấy, sự lạ đầu tiên trong nhiều sự lạ đã xảy ra trong suốt mùa tranh đấu. Hãy tưởng tượng không khí đàn áp trong đêm ấy và chính sách bóp kín mọi tin tức không để lọt ra khỏi Huế của ông Diệm, ông Thục. Ai dám nghĩ rằng cuộc thảm sát ở Huế sẽ dội vào tai thế giới? Ngay sau khi nổ súng, xác các em được tức tốc hốt về nhà xác của bệnh viện, giấu kín trong một xó, không ai được biết, không ai được nói. Có tiếng nổ trước Đài phát thanh chăng? Cả nước sẽ phải học, phải nói, phải nghe: đó là lựu đạn của Việt cộng. Nhưng cái màn lưới giăng kín ấy không che được mắt của một chứng nhân mà bước chân vô tình đã dẫn đến trước Đài phát thanh, đứng ngay trước họng súng của chiếc thiết giáp mang tên "Ngô Đình Khôi". Chứng nhân ấy là bác sĩ Wulff, giáo sư y khoa người Đức đang dạy tại Đại Học Huế. Cho đến đêm rằm tháng tư năm ấy, bác sĩ Wulff chưa hề bước chân đến chùa Từ Đàm, chưa hề biết gì về Phật giáo, chỉ biết như mọi người rằng chế độ Diệm là chế độ độc tài, gia đình trị, tôn giáo trị. Đêm Phật Đản, vì tò mò trước không khí khác lạ trên con đường Lê Lợi, và được sinh viên của mình mời gọi, ông theo học trò đến Đài phát thanh, thong dong như một người đi hóng mát đêm hè. Nhưng thiết giáp ùa đến, và súng nổ ngay trước mặt ông. Kể từ giờ phút đó, bác sĩ Wulff tự khoác lên vai một trách nhiệm mới, trách nhiệm cao cả của một người nói lên Sự Thật trong một thế giới dối trá. Ông đi về nhà, nhưng vai trò bác sĩ hối ông tìm đến nhà thương. Ở nhà thương, người ta nói dối không có ai chết và ông đã đi ra. Nhưng cái gì đã khiến ông đi vào nhà xác? Ánh mắt của một người y công. Không có ánh mắt ấy, đố ai thấy được xác chết. Và bác sĩ Wulff thấy gì? "Bảy thân người đầy máu me. Năm cái xác không còn đầu. Bên cạnh cánh tay của một xác trẻ em không đầu, một con mắt dính vào một ít da đầu và một khúc xương trán".

Cái gì đã xúi bác sĩ Wulff đi vào nhà thương? Cái gì đã giúp ông đi vào nhà xác? Các câu hỏi đó có thể không nên đặt ra nếu không có thêm câu hỏi này nữa, sự việc này nữa. Từ nhà xác, ông đi vội đến nhà bạn đồng nghiệp, bác sĩ Krainick, ở gần đấy, trong lúc bà Krainick đang đọc vào máy ghi âm bức thư thăm hỏi các người con ở Đức. Vội vàng mở cửa và hốt hoảng nghe kể chuyện vừa xảy ra, bà quên tắt máy ghi âm. Do đó, máy ghi lại hết lời tường thuật đầu tiên không đầy một giờ sau khi thảm sát xảy ra. Cuốn băng nhựa ghi âm này đã làm bằng cớ đích xác trước Liên Hiệp Quốc khi xét vấn đề đàn áp Phật giáo của ông Diệm. Cái gì đã xui khiến bà Krainick quên làm động tác tắt máy, một động tác tự động?

Vẫn chưa hết câu hỏi. Ở nhà xác, ông Wulff muốn chụp ảnh các xác chết nhưng không có máy. Không có hình ảnh, lấy gì làm tin? Vậy mà sáng ngày hôm sau, trước khi đi lên phi trường Phú Bài để tìm cách thoát ra ngoại quốc làm nhân chứng, một người bạn xuất hiện, trao cho ông Wulff  một cuốn phim với đầy đủ hình ảnh các nạn nhân. Người bạn đã nhanh tay chụp được ảnh nửa giờ trước khi cảnh sát cấm vào nhà xác. Không phải là phóng viên nhà báo, cái gì đã giúp người bạn kia làm được một kỳ công như vậy?

Cái gì, cái gì, cái gì? Cái gì nữa đây đã giúp ông Wulff đi trót lọt lên máy bay trước mắt của lưới mật vụ với cuốn phim trong túi? Cái gì giúp cuốn phim trong túi ông đi trót lọt qua Tân Sơn Nhất để đến Phnom Pênh? Giả sử không có cuốn phim, giả sử không có băng ghi âm, giả sử ông Wulff  không đứng trước họng súng, giả sử ông Wulff bị bắt, lịch sử đã bị bịt mắt dẫn đi theo một hướng khác rồi chăng? Sự Thật đã thua Dối Trá rồi chăng? Có anh ký giả ngoại quốc nào ở Sài Gòn lúc đó ngờ được một thảm sát như vậy đã xảy ra ở Huế? Nói, có ai tin? Huế có gì lạ để thiên hạ chú ý đâu, một thành phố hiền lành! Tất cả những sự lạ đó đã xảy ra và ông Wulff là sự lạ cao quý mà chúng ta hôm nay thành tâm tưởng nhớ. Ông đã dám hy sinh cả tính mạng của ông để hoàn thành một sứ mạng mà ông tự trao cho ông. Nhưng cái gì, cái gì, cái gì, đã xui ông đến, cái gì đã giúp ông chui qua được lỗ kim?

Cái ấy, nhiều người sẽ trả lời: đó là may mắn, đó là tình cờ. Vâng, với đầu óc khoa học, ta cũng muốn giải thích như thế. Nhưng đó là cách giải thích của người nằm trong gối ấm chăn êm. Bất cứ ai đã từng lăn lưng vào nguy hiểm, mạng sống chỉ còn treo trên sợi tóc, mấy ai chẳng có lúc nghĩ đến một cái gì khác vượt qua hiểu biết, lý luận? Cái gì khác đó là lòng tin. Lòng tin vững thì bước đi chắc. Bước đi chắc thì may mắn gặp. Đối với quần chúng Phật tử lúc đó, lòng tin giải thích tất cả, vượt qua tất cả. Hòa Thượng Trí Quang có nói một câu, và câu đó gạt phăng mọi lối giải thích dựa trên sự tình cờ. Hòa Thượng nói: "Trên đỉnh đầu tôi có Phật". Nếu không có Phật trên đỉnh đầu, làm sao Hòa Thượng dám tay không đối mặt với bạo lực? Bao nhiêu lần, cái chết đã chờn vờn trước mắt, vậy mà Hòa Thượng vẫn vượt qua. Nếu không có Phật trên đỉnh đầu, làm sao Hòa Thượng không có chút rúng động trong lòng? Mà một chút run trong hành động là thất bại, là chết. Tin ở ta và tin ở thiêng liêng là một. May mắn đến từ đó.

Vậy thì, với Phật trên đỉnh đầu, ta hãy dành một phút cho lòng tin vào thiêng liêng, nhất là trong đêm tưởng niệm này. Đối với Phật tử, không có cái chết nào là chết hẳn, cái chết nào cũng được tiếp nối bằng sự sống, nhất là những cái chết linh thiêng. Cái mà người khác gọi là may mắn, gọi là tình cờ, ta gọi là phù hộ. Cái mà người khác gọi là chết, ta gọi là sống. Sự sống đó đi theo hành động của ta. Sự sống đó cho ta niềm tin. Sự sống đó phù hộ cho ta. Chính sự sống linh thiêng đó đã đem bác sĩ Wulff đến với chúng ta. Các em bé chết, nhưng các Thánh tử đạo sống. Sống để đặt đức Phật lên đỉnh đầu của bác sĩ Wulff, đưa ông đến với Sự Thật, dẫn ông vượt qua mọi nguy hiểm. Đêm nay, chúng ta hãy chiêm nghiệm sự sống linh thiêng đó để tiếp tục dõng mãnh bước đi trên đường của chúng ta. Chúng ta càng dõng mãnh khi lòng tin đó càng vững chắc. Phải tin rằng mỗi bước đi của ta đều có sự phù hộ. Tin như vậy thì không có gì phải sợ. Suốt mùa tranh đấu, lòng tin ấy dẫn đầu. Suốt mùa tranh đấu, Phật giáo chỉ đọc và chỉ áp dụng một câu kinh: "Vì tâm không vướng ngại nên không hề khiếp sợ, vượt hết thảy khổ ách". Ông Wulff chưa bao giờ là Phật tử, nhưng với chúng ta, ông đã là Phật tử vì trên đỉnh đầu của ông có câu kinh ấy.

Lịch sử Phật giáo 1963 để lại cho cả thế giới thêm một bài học nữa về lòng tin đó. Đừng sợ! Vì ta có lòng tin, vì ta có phù hộ. Nhưng vô úy của Phật giáo cũng bắt nguồn từ chữ "tâm" nói trên. Tâm không vướng ngại, vì đây là tâm của từ bi. Hãy ghét cái ác mà tranh đấu, đừng ghét con người, vì trong mỗi người đều có Phật. Chính vì thấy Phật cả trong đối thủ của mình nên mình mới có được cả cái tâm vô úy. Ấy là lý thuyết suông chăng? Không, phải có một Phật Đản 63 để thế giới thấy rằng ngọn lửa Quảng Đức là thể hiện của lý thuyết ấy. Không có biểu tượng nào oai hùng hơn về sự kết hợp của hai đức tính biểu trưng của Phật giáo: vô úy và từ bi. Cái này có thì cái kia có; cái này là động lực của cái kia. Sau thánh Gandhi, thế giới hiểu thêm thế nào là tranh đấu bất bạo động ở Việt Nam. Gandhi đã lấy tuyệt thực và tính mạng để thức tỉnh cái ác của đế quốc, để động viên dân tộc. Phật giáo Việt Nam đã lấy cái chết, lấy ngọn lửa để thức tỉnh cái ác của độc tôn tôn giáo, để bảo vệ chính nghĩa. Cả hai đều không có khí giới nào ngoài hơi thở của chính mình và một lòng tin không gì lay chuyển. Đêm nay, chúng ta hãy chiêm nghiệm thêm sự lạ này, sự lạ tột cùng của mọi sự lạ trong lịch sử: cái gì đã làm cho trái tim bồ tát không cháy? Để lại một trái tim cho thế giới đầy hận thù này, đố ai tìm được một biểu tượng có ý nghĩa hơn về đức từ bi. Báu vật này, đáng lẽ cả thế giới phải cung nghinh.

Nhưng may mắn thay cho lịch sử 63, cũng là lịch sử của Huế, cũng là lịch sử của đất nước, chúng ta có một đài thánh tử đạo, mà thành phố Huế tôn vinh, để kỷ niệm cái chết linh thiêng đã mở màn cho cuộc tranh đấu bất bạo động. Cái chết của bảy em bé không làm chấn động thế giới như cái chết của bồ tát Quảng Đức. Nhưng thế giới hãy đến đây, đứng trước Đài kỷ niệm đơn sơ này, và ngẫm nghĩ cho kỹ một hàng chữ không khắc trên Đài mà khắc trong lòng người, bất cứ người nào đứng trước Đài, bất cứ quốc gia nào, bất cứ thời đại nào, bất cứ văn minh nào: "Bạo lực nào cũng thất bại, Sự Thật và Từ Bi là bậc chiến thắng muôn đời ".

Đó là ý nghĩa của Phật Đản 63./.


Cao Huy Thuần

20/05/2013