Monday, December 12, 2011

Khi Ấn Độ trở thành siêu cường

Khi Ấn Độ trở thành siêu cường

 
Sự ra đời của một siêu cường mới có thể trở thành sự kiện đáng ngạc nhiên và gây xáo trộn trật tự toàn cầu. Nhưng bên cạnh mối lo ngại về quyền lực, đôi khi những điều tốt đẹp sẽ xuất hiện.

Kolkata (tên trước đây: Calcutta) là thủ phủ bang Tây Bengal, Ấn Độ. Với dân số 11 triệu người, được biết tới như trung tâm thương mại - tài chính của Đông Ấn Độ, Kolkata phản chiếu những mặt tương phản nhất trong đời sống nước này.

Gần sân bay quốc tế, tại quận Salt Lake, những tòa nhà và văn phòng IT mới mọc lên nhan nhản. Tại khách sạn Oberoi ở trung tâm thành phố, hương thơm ngọt ngào, sự thanh lịch từ thời Kolkata còn là thuộc địa Anh vẫn hiện hữu.
Đội tàu chiến của Hải quân Ấn Độ. Ảnh: Indian Navy

Tuy nhiên, trong nhiều thập kỷ qua, kinh tế Kolkata không bùng nổ như ở các thành phố khác của Ấn Độ. Chỉ cách khách sạn Oberoi vài tòa nhà, nhiều gia đình phải sống trong các lều tạm bợ trên vỉa hè, các bà mẹ tắm gội cho con trước thanh thiên bạch nhật. Người vô gia cư đói khát ngủ cạnh những hàng lan can trước công viên. Vào ngày cuối tuần, đàn ông và trẻ con chơi cricket khắp mọi nơi.

'Con voi' đang chuyển động

Nhưng bạn chớ bị đánh lừa bởi vẻ ngoài lộn xộn của Ấn Độ. "Con voi" này đang chuyển động. Thậm chí không cần cải tổ kinh tế quyết liệt hơn, trong vòng hai thập kỷ tới, kinh tế Ấn Độ nhiều khả năng vẫn có thể tăng trưởng mỗi năm tới 7 - 8%. Lúc đó, Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Stephen Smith cho rằng trong thế kỷ 21, sẽ có ba siêu cường là Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ.

Tuần qua, ông M.K Narayanan - thủ hiến bang Tây Bengal, cựu cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ - đã tới khai mạc hội thảo về Thế kỷ Á châu do Viện Australia - Ấn Độ thuộc Đại học Melbourne bảo trợ. Tại đây, ông Narayanan trấn an rằng Australia không có gì phải lo ngại về sự trỗi dậy của Ấn Độ. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng bất cứ sự trỗi dậy nào cũng khó mà phẳng lặng.

Mọi người đều nghĩ về một cuộc cạnh tranh chiến lược trong những năm tới. Siêu cường cũ sẽ khó điều tiết để thích nghi với sự trỗi dậy của siêu cường mới. Điều này có nghĩa là Mỹ khó mà thích nghi được với Trung Quốc. Nhưng xét về sự căng thẳng và nguy cơ xung đột, dường như Trung Quốc sẽ khó hòa giải hơn trước sự trỗi dậy của Ấn Độ.

Thái độ của Ấn Độ đối với Trung Quốc phức tạp một cách khác thường. Có hai nét đặc trưng nổi bật trong quan hệ hai nước. Một là việc Trung Quốc và Ấn Độ đang có thương mại bùng nổ, với trị giá lên tới hơn 60 tỷ USD năm 2010. Mỗi bên đều hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế của bên kia. Quan trọng hơn, không quốc gia nào tại châu Á có sự cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc một cách tự nhiên và rõ ràng như Ấn Độ.

Trung Quốc và Ấn Độ khác nhau về hình mẫu kinh tế. Những người ủng hộ hình mẫu Trung Quốc cho rằng sự mau lẹ trong quyết sách của chính quyền đã tạo lợi thế cho nền kinh tế Trung Quốc. Trong khi đó, phe ủng hộ hình mẫu Ấn Độ nói rằng cấu trúc dân số trẻ hơn của Ấn Độ sẽ giúp nước này phát triển kinh tế bền vững, lâu dài hơn Trung Quốc.

Nhưng dường như mọi người chưa quan tâm lắm tới sự va chạm địa chiến lược và quyền lực rắn giữa hai "gã khổng lồ" đang vươn mình ở châu Á. Theo quan điểm của New Delhi, trong mấy thập kỷ qua, Bắc Kinh đã có hàng loạt động thái để kìm giữ Ấn Độ. Trả lời phỏng vấn tại hội thảo ở Kolkata, ông Gopalaswamy Parthasarathy - cựu Đại sứ Ấn Độ tại Australia và Pakistan, một giáo sư nghiên cứu chính sách chiến lược - cho rằng trong bốn thập kỷ qua, Trung Quốc đã hỗ trợ công nghệ hạt nhân cho Pakistan. Theo ông Parthasarathy, các hành động của Trung Quốc "rõ ràng nhằm vào Ấn Độ" và Pakistan là công cụ kiềm chế Ấn Độ của Trung Quốc.

Cuộc cạnh tranh chiến lược Trung - Ấn

Không phải người Ấn nào cũng nói về Trung Quốc thẳng thắn như ông Parthasarathy. Nhưng hầu hết đều tin rằng Bắc Kinh có một thỏa thuận lớn với Islamabad để phân tán sức mạnh của New Delhi. Cuộc xung đột chiến lược giữa Ấn Độ và Trung Quốc là chủ đề của một cuốn sách mới có tiêu đề "Trung Quốc và Ấn Độ - Những đối thủ quyền lực". Mohan Malik - một học giả thuộc nhóm chuyên gia ở Hawaii, tác giả cuốn sách - chỉ ra cách Trung Quốc bao vây Ấn Độ với các tài sản chiến lược.

Từ năm 2006, Bắc Kinh làm nóng vấn đề tranh chấp lãnh thổ với New Delhi, tuyên bố chủ quyền ở bang Aranachal Pradesh ở phía đông bắc Ấn Độ. Bắc Kinh tiếp tục kiểm soát một phần Kashmir - nơi Ấn Độ, Trung Quốc và Pakistan lấn cấn từ nhiều năm qua. Theo ông Malik, những năm gần đây, lực lượng tuần tra Trung Quốc đã thâm nhập xuyên biên giới vào lãnh thổ Ấn Độ. Các nhà phân tích chiến lược Ấn Độ coi việc Trung Quốc sử dụng lực lượng tuần tra là tín hiệu bày tỏ sự không hài lòng với New Delhi. Tuy nhiên, động thái này là một cuộc chơi nguy hiểm. Ấn Độ đã phản ứng bằng cách triển khai hàng ngàn lính cùng máy bay chiến đấu tối tân Sukhoi ở những khu vực giáp biên giới với Trung Quốc.

Cuốn sách cho rằng chiến lược của Trung Quốc hướng về Ấn Độ với ba mũi nhọn. Thứ nhất là bao vây, với việc tăng cường hiện diện chiến lược của Trung Quốc ở Pakistan, Nepal, Sri Lanka, Bangladesh, Myanmar và các quốc đảo Ấn Độ Dương. Thứ hai là tạo ảnh hưởng, với việc hội nhập tất cả các nền kinh tế láng giềng của Ấn Độ vào nền kinh tế Trung Quốc. Thứ ba là gây lúng túng, theo đó khai thác những mối lo ngại an ninh phức tạp cũng như các mâu thuẫn bên trong Ấn Độ.

Ấn Độ không thờ ơ trước ý đồ của Trung Quốc. New Delhi tiếp tục theo đuổi quan hệ quân sự chặt chẽ với Washington. Hải quân Ấn Độ gần đây đã hiện diện ở khu vực Biển Đông. Ấn Độ xích gần hơn với các nước láng giềng của Trung Quốc. Khi kinh tế phát triển, Ấn Độ có các lựa chọn mang tính chiến lược. Vào thời điểm thử vũ khí hạt nhân năm 1998, Ấn Độ coi Trung Quốc là mối đe dọa hạt nhân đáng lo ngại nhất.

Tất cả những điều kể trên có ý nghĩa gì cho Australia - một quốc gia nằm giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương? Canberra hoàn toàn không muốn nhảy vào bất cứ cuộc tranh cãi nào giữa New Delhi và Bắc Kinh. Nhưng Bắc Kinh lại ngờ vực về sự thân thiết chiến lược đang ngày một gia tăng giữa Canberra và New Delhi. Bắc Kinh từng cố ngăn việc Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân chấp nhận thỏa thuận hạt nhân Mỹ - Ấn. Bắc Kinh cũng không hài lòng khi Australia quyết định bán uranium cho Ấn Độ. Trung Quốc phản đối bất cứ quyền lực "bên ngoài" nào can dự vào an ninh châu Á.

Trong khi tiếp tục theo đuổi quan hệ mang tính xây dựng với Bắc Kinh, Canberra chắc chắn không ngại ngùng đẩy mạnh quan hệ với Mỹ. Australia cũng sẽ từng bước xây dựng quan hệ chiến lược với Ấn Độ. Tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Stephen Smith đã có chuyến thăm quan trọng tới Ấn Độ. Trên tờ The Australian, cây bút bình luận chính trị đối ngoại Greg Sheridan cho biết Bộ trưởng Stephen Smith đã nói với ông rằng: "Điều mà hai bên thống nhất là sẽ tăng cường về thực chất hợp tác Ấn - Australia trong lĩnh vực quân sự, bắt đầu với việc hợp tác hàng hải và hải quân. Có thể hiểu đó là một tiến trình từng bước".

Không thể tránh khỏi cuộc cạnh tranh chiến lược đầy khó chịu giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Nhưng ít nhất, cuộc cạnh tranh này cũng mang tới sự sôi động và trở thành trung tâm của các mối quan hệ quốc tế trong thế kỷ 21.

V.Giang (theo The Australian)

No comments:

Post a Comment