Sunday, March 4, 2012

Sài Gòn: ngưỡng cửa của tự do

Sài Gòn: ngưỡng cửa của tự do

Nhà văn Nguyễn Viện

Tôi đã ở Sài Gòn ngay từ những năm sau di cư 1954. Do hoàn cảnh, gia đình tôi về miền quê sống một thời gian ngắn. Sau đó buộc phải quay lại thành phố vì miền quê bắt đầu mất an ninh với sự xuất hiện của đội quân giải phóng.

Trước 1975, Sài Gòn – Hòn ngọc viễn đông, thủ đô của Việt Nam Cộng Hòa có khoảng 3 triệu dân cũng kẹt xe triền miên bởi sự có mặt của các loại xe gắn máy Nhật, thường được gọi chung là xe Honda.

Sài Gòn tấp nập những ngày cuối tuần với từ "bát phố" của lính và dân chen chúc cùng các cửa hàng trên những con đường ở khu trung tâm, mà sau 30.4.1975 bị gọi là sự "phồn vinh giả tạo".

Ít ra, sự "phồn vinh giả tạo" ấy cũng khiến không ít người miền Bắc ngỡ ngàng, hụt hẫng, bên trong cái vẻ ngoài đắc thắng. Nó phủ nhận đường lối tuyên truyền của miền Bắc về một miền Nam khốn khổ, "oằn oại dưới gót ngoại xâm".

Sài Gòn ngày ấy cũng ngạt thở với lựu đạn cay trong các cuộc biểu tình triền miên của các phe tranh đấu, từ Cộng sản đến dân chủ.
Sài Gòn ngày ấy, văn chương và văn nghệ giải trí cực thịnh, tự do và phong phú. Sự kiểm duyệt đối với báo chí minh bạch và đủ để cho những tiếng nói đối lập được lắng nghe. Cho dù chính quyền lệ thuộc Mỹ, nhưng Sài Gòn đã có những sinh hoạt chính trị đa nguyên và dân chủ.

Toàn bộ nền văn học và mô thức tiến bộ đó đã bị xóa sổ sau ngày giải phóng.

Tiến xa hơn cách mạng
Cho đến tận bây giờ, Sài Gòn vẫn là trung tâm của báo chí cả nước. Báo Sài Gòn hay vì ít tính khuôn phép và người dân Sài Gòn cũng là những người có thói quen đọc báo nhiều nhất nước.

Những ngày đầu sau 30.4.1975 Sài Gòn trở nên hoang vắng. Trên một trong những con đường chính theo tuyến Bắc – Nam, đường Hai Bà Trưng, chúng tôi ngồi trước cửa cơ quan chờ đếm số từng chiếc xe hơi chạy qua để đánh bài cào.

Nhiều gia đình di tản, hoặc đi kinh tế mới, bỏ lại những ngôi nhà trống. Thành phố ngày một nghèo đi, tàn tạ bởi chính sách cải tạo công thương nghiệp và "vội vã vào, vơ vét về" Bắc (một kiểu nói thông dụng thời đó).

Thành phố cũng ăn độn. Tôi nhớ ở cơ quan tôi, mỗi bữa cơm chỉ có mấy sợi rau muống và vài miếng thịt mỏng như móng tay.

Nhưng Sài Gòn không chịu chết. Người Sài Gòn đã biết cách tự sống bằng những công nghệ gia đình mà nền kinh tế quốc doanh không cung ứng nổi. Những nhà lãnh đạo ở Sài Gòn cũng năng động hơn để tự cứu trước khi có cuộc đổi mới.
Bây giờ Sài Gòn đã tìm thấy lại bộ mặt của mình. Một khu vực phồn thịnh và năng động nhất nước trên mọi mặt. Một thành phố đóng góp trên 30% ngân sách quốc gia.

Với dân số trên 8 triệu người và được mở rộng đến hết tỉnh Gia Định ngày xưa, Sài Gòn nay là một Mega City. Đó là một thế giới thu nhỏ với tất cả cái xa xỉ và tồi tệ của nhân loại. Sài Gòn hiện đại có những gì mà New York có. Nhưng Sài Gòn cũng có những cái lạc hậu của phần nhân loại còn lại.

Sài Gòn hiện nay là một thành phố dở dang với rất nhiều dự án, qui hoạch. Công trình kênh Nhiêu Lộc là một ví dụ tiêu biểu. Nó cũng tiêu biểu như những gì mà các nhà thầu Trung Quốc đang làm ở Việt Nam. Vừa chậm, vừa xấu, vừa kém chất lượng.

Cái vấn nạn của sự dở dang thể hiện như nước ngập mỗi khi triều cường hay mưa xuống, nạn kẹt xe tràn lan… làm dấy lên bao nỗi bức xúc trong dân chúng. Những qui hoạch treo cũng là những bản án treo với người dân. Nó giống như cái chết đứng.

Sài Gòn ngày nay tràn ngập hàng quán và khách sạn cho thuê giờ. Ở đâu có đường phố là có cửa hàng buôn bán.

Bất cứ lúc nào các quán cà phê cũng đông nghẹt. Từ bình dân đến sang trọng. Đúng kiểu "Vui cũng nhậu, buồn cũng nhậu, không vui không buồn cũng nhậu". Nhậu trở thành một thứ văn hóa ứng xử và thù tạc. Ngay cả khi mang nỗi buồn hay uất ức về thời thế, người ta cũng nhậu.

Về phía những người kinh doanh, dường như mở quán cà phê hay quán ăn, phòng cho thuê, là cách dễ nhất để kiếm sống mà không cần nghiệp vụ chuyên môn nào.

Đôi khi tôi vẫn tự hỏi, ở thành phố hay đất nước này, nếu không có quán nhậu và không có nạn tham nhũng thì nó sẽ vận hành ra sao?

Sài Gòn cũng sẽ mỗi ngày một đông hơn, ngoài sự phát triển dân số cơ học, đó là dòng người nhập cư đủ mọi thành phần, từ một nông dân đến một trí thức trẻ, từ Nam chí Bắc. Ai cũng sẽ tìm được cho mình một chỗ đứng, một cơ hội trong nền kinh tế tương đối tự do này.

Sài Gòn ngày nay giàu có, và những người giàu có nhất mang tính đặc trưng, có lẽ không cần tránh né, cũng như thời kỳ sau 1954, là những người miền Bắc di cư sau 1975.

Dù sao, Sài Gòn lúc nào cũng là vùng đất của sự dung nạp và độ lượng. Sài Gòn là cửa ngõ của Việt Nam với thế giới và sẵn sàng tiếp nhận mọi loại người, mọi nền văn hóa. Ở đây, người ta có thể tìm thấy mọi khác biệt mà không hề có xung đột.

Mặc dù vẫn có những phong trào do Thành phố phát động cho thanh niên, nhưng nó chỉ chủ yếu mang tính chính trị, không ảnh hưởng gì đến đời sống cũng như suy nghĩ của người thành phố.

Người thành phố thực dụng và tiến xa hơn những gì còn được gọi là truyền thống dân tộc hay cách mạng. Người Sài Gòn ngày nay ít nhiều đã mang tính toàn cầu của sự hội nhập.

Hơn ở đâu hết, trí thức trẻ là một nguồn nhân lực vô cùng lớn và luôn được bổ sung từ khắp mọi miền của đất nước. Họ thật sự là niềm hy vọng cho thành phố, cũng như đất nước này. Họ có một lối sống thị dân với những hoài bão đích thực.

Hưởng thụ và làm việc cật lực. Họ cũng mang đến cho thành phố một dáng vẻ văn minh, không chỉ vật chất với các phương tiện của cuộc sống hiện đại, mà còn là một phong thái văn hóa trên ngưỡng cửa của ý thức tự do.

Sài Gòn bây giờ được chính thức gọi là Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng không vì thế mà hai tiếng Sài Gòn mất đi, ngay cả với người Hà Nội, khi nói về nó.

Nhà văn Nguyễn Viện



No comments:

Post a Comment