Wednesday, March 7, 2012

Một cái nhìn về phong trào ký thỉnh nguyện thư ở Mỹ 2012


Một cái nhìn về phong trào ký thỉnh nguyện thư ở Mỹ 2012

Kinh Thư

Phong trào ký Thỉnh nguyện thư đòi hỏi nhân quyền cho Việt Nam của người Việt tại Mỹ đã lên đến cao trào 130,000 chữ ký tính đến thứ Hai ngày 3/5/2012. Đây là một kỷ lục, một hiện tượng theo như ngôn ngữ của đại diện Nhà Trắng khi tiếp xúc với các đại biểu tại phòng tiếp tân Eisenhower Executive. Thật vậy, kết quả của cuộc vận động này đã thành công ngoài ý muốn. 130,000 chữ ký chưa đầy một tháng. Kể từ sau 75 cho đến nay, đây là cuộc tập hợp ý chí lớn nhất của người Việt tại hải ngoại. Cả mấy trăm năm nay, chưa có một dân tộc ngụ cư nào làm được điều này. Sở dĩ được như vậy một phần cũng nhờ nhạc sĩ Trúc Hồ có sẵn phương tiện truyền thông mạnh mẻ trong tay đài SBTN. Thứ đến, kết hợp Trúc Hồ - Nguyễn Đình Thắng là một khuôn mặt mới chưa bị lem luốc bởi những tham vọng chính trị, hay có lấp ló những thế lực không rõ ràng điều khiển từ phía sau. Thứ 3, là nhắm vào mục tiêu cụ thể đầy tình cảm; trả tự do cho nhạc sĩ Việt Khang với 2 bài hát lay động tình yêu nước và lòng người.

Thử xem sau cuộc gặp gở tại nhà trắng 3/5 và quốc hội 3/6 của phong trào này sẽ đạt được kết quả gì? Thật ra không cần với cái nhìn hiểu biết chuyên nghiệp của một chính trị gia, cũng có thể đoán được rằng ảnh hưởng của cuộc vận động này không nhiều lên chính sách đối ngoại giữa Mỹ và Việt Nam. Thử nhìn xem tình hình hiện nay của Mỹ:

A- Đối nội:

1- Đây là năm bầu cử. Đảng Cộng Hoà cũng như Dân chủ không muốn bị trói tay vào những chuyện chưa thiết thực.

2- Nền kinh tế nội địa đang bấp bênh tiến thoái chưa rõ ràng. Tỷ lệ thất nghiệp và tình trạng lên giá của xăng dầu đang là mối lo số một, chưa ai rãnh tay để tính chuyện khác.

B- Đối ngoại:

1- Trung Đông, chuyện Israel, Iran, Syria, Afghanistan…đang là cơn sốt nhức đầu trầm kha của Mỹ.

2- Quyền lợi tại vùng Thái Bình Dương, đối tác và mối lo chính là Trung Quốc.

Bằng vào những lý do trên chuyện nhân quyền cho Việt Nam có thể nói là chuyện nhỏ, rất nhỏ. Trong bất kỳ một chính sách đối ngoại nào, quyền lợi thiết thực của Hoa kỳ cũng phải được đặt vào ưu tiên số một. Hơn ai hết người Việt đã có kinh nghiệm đắng cay về chuyện này. Tình hình hiện nay là Hoa Kỳ đang ở trong thế muốn kéo Việt Nam vào vòng tay của mình để cân bằng đối lực trên vùng biển Đông. Bất cứ một động thái nào quá đáng cũng có thể đẩy Việt Nam về phía Trung Quốc. Mất con cờ Việt Nam có thể nói Hoa kỳ đã thất bại hoàn toàn trên vùng Đông Nam Á, và là cơ hội cho cánh tay Trung Quốc vươn dài đến Ấn Độ Dương, đặt nền móng cho việc bá chủ toàn cầu.
Nhìn như thế để đánh giá lại toàn cục cho chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ khi trả lời về vấn đề nhân quyền của Việt Nam.

Câu hỏi Hoa Kỳ có thể dùng áp lực của mình lên chính quyền cộng sản Việt Nam để thỏa mãn đòi hỏi về nhân quyền theo như thỉnh nguyện thư hay không? Dĩ nhiên là có, nhưng sẽ không thay đổi tình trạng giống như hiện nay là bao. Điều này có thể thấy qua những câu trả lời ừ hử nước đôi của nhân viên đại diện cho toà Bạch Ốc. Theo luật sư Đỗ Văn Quang Minh người có mặt trong buổi họp trên: "Câu trả lời của giới chức Mỹ, mang tính tổng quát, không có gì cụ thể, còn hơi mơ hồ nữa". Dĩ nhiên là thế, có ai dại gì để hứa cho một điều rõ ràng không thể thực hiện.

Tuy nhiên để xoa dịu và lấy lòng người Việt trong chuyện bầu cử sắp tới, theo thiển ý thì sau hậu trường sẽ có những cuộc dàn xếp như thế này:

Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ thương lượng với chính quyền Hà Nội để thả nhạc sĩ Việt Khang và có thể thêm một vài người khác như Lê Công Định v.v. và sau đó đưa những người này sang Mỹ.

Phía Việt Nam, thả Việt Khang hay ai đó chỉ là chuyện nhỏ. Thả người này bắt người khác chỉ là chuyện bình thường; nhưng qua đây họ sẽ đòi hỏi một số điều kiện tương đối nào đó và Mỹ sẽ sẳn sàng thỏa mãn để giữ thể diện cho nhau.
Các bên kể cả phong trào ở hải ngoại rồi sẽ tuyên bố chiến thắng, đạt được mục đích đã đòi hỏi. Đây là dự đoán tốt nhất, có thể thực tế sẽ không tốt như thế. Tình huống xấu nhất là không có điều gì xảy ra, chính phủ Việt Nam làm ngơ trước những thương thảo của Mỹ, lẳng lặng bắt tay với Trung Quốc.

Dù sao với phong trào rầm rộ ký thỉnh nguyện thư như hôm nay, dù không được gì cũng là một thành công, một tiếng vang rực rỡ, tạo được một lợi thế nhất định trong chính trường của Mỹ sau này. Nhưng thử đặt trường hợp nếu Việt Khang được thả thì sau đó sẽ là gì? Còn gì?

Tiếp tục đấu tranh cho nhân quyền với khí thế như hôm nay? Hay phong trào sẽ tan, sẽ xẹp, ai về nhà đó tiếp tục làm ăn? Đợi phong trào khác? Chắc là sẽ thế, chút ngọt ngào hưng phấn hôm nay rồi sẽ đi vào kỷ niệm. Tại sao thế? Bởi không được dẫn dắt bởi một tổ chức, bởi không có lãnh tụ. Bất cứ một cuộc đấu tranh nào muốn thành công cũng cần một tổ chức chuyên nghiệp là các đảng chính trị, đứng sau, dẫn đầu. Chính các tổ chức đó mới có những phương sách dài hạn, ngắn hạn. Biết vận động tập trung vào mục tiêu chính, phụ, có thực lực nuôi dưỡng phong trào, có khả năng ứng biến với những tình thế đột xuất, giữ lửa cho phong trào v.v. Nhìn trong phong trào thỉnh nguyện thư đấu tranh cho nhân quyền cho đến hôm nay vẫn chưa thấy được tổ chức nào nổi bật tác động hay đứng sau. Đây chỉ là một phong trào tự phát không hơn không kém. Nói mà không sợ sai, e rằng sau cuộc họp mặt tại quốc hội 3/6/2012 khi những sôi nổi, khích động lắng xuống, lại lòi ra những kẻ xâu xé đòi chia phần chiến thắng, công tôi, công anh.

Tình dân tộc, lòng yêu nước của người Việt luôn sâu sắc mạnh mẽ. Khi cần trong phong trào có thể tập họp đoàn kết thành một khối duy nhất. Nhưng thật ra cái cần thiết nhất cho người Việt hôm nay là một đảng chính trị có đủ uy tín, cương lĩnh rõ ràng và trên hết là một lãnh tụ.

Kinh Thư

No comments:

Post a Comment