Wednesday, March 7, 2012

Nơi nương náu cuối đời của các cụ cô đơn

Nơi nương náu cuối đời của các cụ cô đơn


Đây là nguồn an ủi của các Cụ già. Nhờ chốn này mà nhiều Cụ sống thêm ít năm cuối cùng cuộc đời. Nhà Chùa làm được việc phước thiện là rất đáng quý, vì lẽ ra, đây là nhiệm vụ của nhà cầm quyền.

Tuy nhiên, có một điểm tôi muốn nhấn mạnh là, không nên kỳ thị dù là khác tôn giáo với nhau. Hoan-nghênh nhiệt liệt sáng kiến và hành động của những người có từ tâm.
 
MINH-HÙNG

image
Bại liệt, câm điếc, lú lẫn, không nơi nương tựa, hằng trăm cụ già ngoài 70 tuổi đã đến nương náu trong vòng tay của các sư cô chùa Lâm Quang, quận 8, Sài Gòn từ gần 20 năm nay.

Ngụ tại 301/117H 70 bến Bình Đông, phường 14, Sài Gòn, 17 năm nay, chùa Lâm Quang là nơi nhận tất cả các cụ già không người thân, đặc biệt là những cụ bị bệnh tật.

"Nếu không có nhà chùa, chúng tôi có lẽ đã chết bờ chết bụi từ lâu rồi", một cụ bà thều thào nói.

Mỗi ngày, các cụ được đánh thức từ 6h30. Đến cứ 7h30, những bệnh nhân được người của chùa và những người làm công quả pha nước, tắm rửa, thay quần áo.

Việc vệ sinh thân thể được làm 2 lần trong ngày. Những cụ bị sốt hoặc sức khỏe không tốt thì nằm luôn trên giường để được chăm sóc.

Người của chùa luôn có mặt để lắng nghe và giúp đỡ mỗi khi có ai đó kêu lạnh, than khó thở hoặc bệnh trở nặng. Bệnh nhân ở đây là người mắc chứng tim mạch, huyết áp, tiểu đường, liệt người. Hầu hết đều không tự chăm sóc được cho bản thân.

Trụ trì chùa Lâm Quang, ni sư Thích Nữ Huệ Tuyến cho biết, chùa chỉ chăm sóc chứ không có lương y. "Mỗi khi có người trở bệnh, chúng tôi sẽ đưa đến bệnh viện và thanh toán viện phí", bà nói.

Theo sư cô Diệu Sơn, người gắn bó với các cụ, chăm người già đã vất vả, chăm hàng mấy chục cụ già mắc bệnh càng vất vả hơn. "Điều quan trọng nhất là động viên chăm sóc sao cho các cụ vui".

"Không có con cái, ngày trước tôi phải đi xin để kiếm ăn, may mà nhà chùa có lòng từ bi đưa về nuôi nấng", một cụ bà sống 5 năm tại chùa cho biết.

Theo các sư cô, sạch sẽ, ngăn nắp là điều mà nhà chùa luôn quan tâm, bởi không khéo, các cụ có thể nhiễm bệnh và lây cho nhau. Quần áo luôn được giặt sạch, đồ của ai dùng riêng cho người ấy.

Thức ăn dành cho người lớn tuổi cũng phải chọn lọc và chế biến kỹ. Món măng luộc dù mềm vẫn cũng phải được đập dập trước khi chế biến. "Cứng tí là các cụ không nuốt trôi", một sư cô nói.


                
Không chỉ chăm sóc, khi ai đó qua đời, việc hậu sự cũng được nhà chùa lo tươm tất. Chiều 16/2, một người trong số họ ra đi sau gần 10 năm được chăm sóc. "Ai già mà không ra đi, hơn nữa chúng tôi lại có bệnh. Nếu không có các sư cô, nhiều người trong chúng tôi có lẽ đã chết từ lâu rồi", một bệnh nhân nói.

Ngoài những nữ bệnh nhân cao tuổi, chùa còn nhận chăm sóc cho những người cao tuổi không có gia đình. Hiện có 115 người đang được cưu mang. Những người muốn vào ở với chùa phải được chính quyền địa phương xác nhận "không có người thân".

Độc giả quan tâm xin liên hệ:
Trụ trì Ni sư Thích Nữ Huệ Tuyến,
điện thoại 0838.549.467

No comments:

Post a Comment