Friday, October 5, 2012

Sự điên khùng của một bạo chúa (phần 1)


1958 – 1961: "Đại nhảy vọt"

Gesa Gottschalk
Phan Ba dịch từ chuyên san lịch sử "Trung Quốc của Mao Trạch Đông" do GEO EPOCHE xuất bản

Năm 1957, Mao ra lệnh thực hiện thêm một cuộc cách mạng nữa: với một cuộc "Đại Nhảy Vọt", nền nông nghiệp Trung Quốc cần phải được hiện đại hóa và xuất khẩu những lượng ngũ cốc khổng lồ trong thời gian ngắn nhất, nhà máy điện cần phải sản xuất điện và lò luyện kim cần phải nấu chảy thép ở khắp nơi để đất nước qua đó mà trở thành một quốc gia công nghiệp. Thế nhưng kết quả của sự hiện đại hóa bị cưỡng bức này thật là khủng khiếp. Thép được sản xuất ra thường là vô dụng, hồ nước thủy điện bị nghẽn bùn – và hàng triệu người đã trở thành nạn nhân của nạn đói hẳn là lớn nhất trong lịch sử.

Khi Xuân về ở Judong, những người đàn ông trẻ tuổi bỏ đi. Họ bỏ lại đồng ruộng mà trên đó không còn gì mọc nữa, vợ họ, những người không còn mang thai được nữa, con họ, những đứa bé sưng húp lên vì đói, cha mẹ họ, những người quá yếu ớt để mà có thể bỏ trốn. Nhà của họ bị phá tan, nồi nấu của họ bị tịch thu. Dân quân trong vùng săn lùng bất cứ người nào bỏ làng trốn đi, đánh chết hàng ngàn người.

Thế nhưng những người đàn ông từ Judong [Để ngăn ngừa sự đàn áp – ngay cả đến ngày nay – tên làng và tên những người dân của nó đã được thay đổi.] thoát được, họ chạy đến một tuyến đường sắt mà không bị phát hiện, leo lên một con tàu hỏa, bí mật đến được với những con tàu hỏa khác, đi cho đến tận rìa của Cao nguyên Tây Tạng, nơi vẫn còn có thức ăn.

Ở làng quê của họ, những người phụ nữ, trẻ em, người già và người bệnh đã chết trong vòng hai năm sau đó. Họ là nạn nhân của một nạn đói ngay cho Trung Quốc cũng là không tiền khoáng hậu – được gây ra bởi đảng đấy, cái đã nhận lấy quyền lực mười năm trước đó với lời hứa hẹn rằng không bao giờ sẽ có một người Trung Quốc nào chết đói nữa. Được gây ra trước hết là bởi người đứng đầu đảng này, người 16 tháng trước đó đã quyết định phóng đất nước này với một nổ lực vĩ đại vào thời Hiện đại công nghiệp – và đồng thời vào Chủ nghĩa Cộng sản.

Phân nửa người dân của Judong và có lẽ thêm 30 triệu người Trung Quốc nữa đã trả giá bằng mạng sống của mình cho giấc mơ "Đại Nhảy Vọt" này. [Con số nạn nhân dựa trên ước lượng. Nó dao động giữa 15 và 55 triệu. Ý kiến thống trị cho rằng đã có 30 triệu người chết.]

Cơ khí hóa nông nghiệp để tăng sản lượng lên gấp nhiều lần, ví dụ như qua tưới nước nhân tạo, mà nền tảng của nó cần phải được kiến tạo trong cuộc Đại Nhảy Vọt.

Cơ khí hóa nông nghiệp để tăng sản lượng lên gấp nhiều lần, ví dụ như qua tưới nước nhân tạo, mà nền tảng của nó cần phải được kiến tạo trong cuộc Đại Nhảy Vọt. Vì tám năm sau khi lên cầm quyền, Đảng Cộng sản vẫn còn chưa thể cung cấp lương thực thực phẩn một cách chắc chắn cho người dân Trung Quốc. Mao Trạch Đông lo sợ một cuộc khủng hoảng lớn, cái mà ông ấy cố ngăn chận bằng một trận đánh giải phóng. Ảnh: GEO Epoche.

JUDONG TRONG TỈNH HÀ NAM ở giữa Trung Quốc là một ngôi làng nghèo. Nó nằm giữa những cánh đồng trồng khoai lang và lúa mì trong vùng Tín Dương. Hồ nước lóng lánh giữa đồng ruộng.Người dân thường phải chịu đựng, họ quen với chiến tranh và thiên tai. Trong cuộc nội chiến, người nông dân đã đi xin ăn khắp nơi để mà sống qua ngày. Sau khi nắm lấy quyền lực năm 1949, Đảng đã gán cho họ một thể chế giai cấp tùy theo sở hữu của họ cho tới nay, cái đảo ngược trật tự của ngôi làng: "nông dân nghèo" được ưu đãi so với "đại địa chủ". Ruộng đất của những người giàu nhất được chia lại, để cho tất cả nông dân có thể làm ruộng trên đất có giá trị khoảng như nhau.

Thế nhưng năm 1957, tám năm sau khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân, ĐCS vẫn còn chưa thể lo được cái ăn cho tất cả mọi người Trung Quốc một cách đáng tin cậy. Cho tới năm 1952, tuy sản lượng thu hoạch có tăng lên – nhưng hầu như không đạt được đến mức của những năm 1930. Sau đấy, Đảng tập trung xây dựng công nghiệp.

Thêm vào đó, từ năm 1955, người nông dân phải làm việc trong các hợp tác xã, những cái thường bao gồm nhiều làng và có cho tới 300 hộ dân. Bây giờ họ không còn được phép bán đất đai, trâu bò và dụng cụ nữa, họ không còn được phép quyết định gieo trồng những thứ gì. Họ là một phần của nền kinh tế kế hoạch.

Vẫn còn có lỗ hổng: tuy là người nông dân phải bán mọi ngũ cốc lại cho nhà nước, cái còn lại sau khi trừ đi một phần làm lương thực nhỏ, thức ăn cho gia súc và hạt giống như là "phần dư ra". Vì giá mua của nhà nước thấp nên phần lớn họ đều giữ lại thu hoạch của họ hay mang chúng ra chợ ở địa phương, nơi có thể bán với giá cao hơn.

Nhưng khẩu phần lương thực, tiền ốm đau, tiền hưu thì chỉ có người dân thành phố là mới nhận được. Nông dân Trung Quốc, người đã đấu tranh cho ĐCS và đã hy sinh nhiều trong cuộc nội chiến, cảm thấy mình bị bỏ rơi. Báo chí tường thuật về sự bất bình ngày một tăng của con người ở nông thôn. Nông dân liên kết lại để ly khai ra khỏi hợp tác xã – về mặt chính thức, sự tham gia là tình nguyện.

Những người khác khinh bỉ các cán bộ trong làng của họ, còn tấn công cả gia đình của những người đó. Cả ở gần Judong, chỉ qua đêm là có những khẩu hiệu chống Cộng sản đã xuất hiện trên tường của một hợp tác xã. Nhiều người biểu quyết chống Cộng sản bằng chân: họ rời bỏ những nhóm sản xuất của họ và tìm những công việc được trả công tốt hơn ở nơi khác. Sản xuất nông nghiệp đình trệ: như sản lượng thu hoạch năm 1957 chỉ tăng có một phần trăm so với năm trước đó. Thêm vào đó, một cuộc điều tra dân số năm 1953 đã cho thấy rằng không phải tròn 475 triệu người như dự đoán mà là 582,6 triệu người dân sống ở nông thôn.

Trung Quốc hướng đến một cuộc khủng hoảng xã hội và kinh tế. Do vậy nên Mao cố thử nghiệm một bước đột phá và thề thốt với các đồng chí về một dự án mới: cuộc "Đại Nhảy Vọt". Chỉ trong vòng ít năm, đất nước đang phát triển này cần phải trở thành một quốc gia công nghiệp; đồng thời, ông ấy muốn cải tạo triệt để nền nông nghiệp.

Người Trung Quốc cần phải tăng sản lượng trên đồng ruộng, sản xuất năng lượng với những đập nước, sản xuất thép, làm việc trong nhà máy, xây đường lộ và đường sắt.

Nếu như mỗi người đều sẵn sàng từ bỏ gia đình và cộng động làng quê và mang mình vào trong một đạo quân sản xuất mới, thì sau một vài năm khó nhọc sẽ thành hình không chỉ một Trung Quốc hùng mạnh về kinh tế mà cả một xã hội mới.

Con người Cộng sản sẽ sống ở trong đó, những người đặt cái "chúng ta" lên trên cái "tôi": sẵn sàng hy sinh, không có yêu cầu, đầy nhiệt tình cách mạng.

Người chủ tịch muốn tái đánh thức dậy tinh thần hăng hái từ thời của cuộc nội chiến và chính bản thân mình cũng đầy sự thôi thúc muốn hành động, khi ông ấy tin rằng đã cảm nhận được sự nhiệt tình cách mạng mới. Nhưng dấy cũng là niềm tự hào quốc gia và lòng khao khát muốn được công nhận của Mao, những cái đã dẫn đến việc ông ấy quất roi đẩy dân tộc của ông ấy tiến lên phía trước một cách không thương xót.

Vì trong tháng 11 năm 1957 ông ấy đã đứng trên Lăng Lênin ở Moscow như là người khách danh dự và nhìn cuộc duyệt binh kỷ niệm lần thứ 40 Cách mạng Tháng Mười. Người Xô viết vừa mới đưa chiếc Sputnik thứ hai lên quỹ đạo. Sếp Đảng Cộng sản Khrushchev khoe khoang trước những người khách của ông ấy đến mức Mao cảm thấy bị thách thức và trả lời rằng. "Đồng chí Khrushchev nói với chúng tôi rằng 15 năm nữa Liên bang Xô viết sẽ vượt qua Hoa Kỳ. Tôi có thể nói với các bạn rằng rất có thể là 15 năm nữa chúng tôi sẽ đuổi kịp hay vượt qua Liên hiệp Anh."

(Còn tiếp)

Gesa Gottschalk

Phan Ba dịch

http://bit.ly/SOqP3A

No comments:

Post a Comment