Tuesday, October 23, 2012

NĂM NGƯỜI TRONG ĐỜI TỔNG THỐNG DIỆM

 
Lý Nguyên Diệu
 
Tiếp nối vua Bảo Đại của triều đình nhà Nguyễn, ông Ngô Đình Diệm là vị Tổng thống đầu tiên của miền Nam Việt Nam. Trong dòng lịch sử giải thực cuồn cuộn sau đệ nhị thế chiến, ông đã đến và ông đã đi sau 9 năm cầm quyền như một vị quan lại đi trong mưa bão mà hai tay thì giữ chặt cái mũ cánh chuồn sơn son thếp vàng trên đầu. Tính lại thì trong cuộc đời 62 năm của ông, ta thấy có năm người cũng đã đến và đã đi qua đời ông như một duyên nghiệp của định mệnh.
 
 
Điều đặc biệt về năm người nầy là một nhóm gồm hai người biết rất thấu đáo về ông Diệm, một nhóm hai người khác thì biết rất sơ lược về ông, và một người chỉ biết vừa đủ để quyết định số mạng của ông dựa trên thực tế chính trị và đòi hỏi lịch sử của miền Nam vào đầu thập niên 1960 của thế kỹ trước. Ôn lại mối liên hệ của năm người nầy với ông Diệm cũng là một cách nhìn ở chiều kích khác để phân tích một giai đoạn lịch sử cho được chính xác và đầy đủ hơn.
 
 
■ Trong nhóm năm người nầy, ông Đỗ Mậu (1918-2002, Quảng Bình) là người biết và ủng hộ ông Diệm sớm nhất. Kể từ năm 1942, khi ông Diệm còn là một vị Thượng Thư về hưu tìm cách chống thực dân Pháp qua đảng Đại Việt Phục Hưng với khuôn mặt lãnh đạo biểu tượng là Hoàng thân Cường Để, cháu 5 đời của Hoàng tử (Nguyễn Phúc) Cảnh, ở Nhật. Ông Mậu, lúc đó là huấn luyện viên tại Trung tâm Huấn luyện Hạ sĩ quan quân đội Việt Nam ở Huế, đã quyết định theo ông Diệm chống Pháp dành độc lập. Và từ đó là một chuổi dài những tháng ngày gian truân của cả hai người đối đầu với thực dân Pháp và quân đội Việt Minh cho đến năm 1954. Sau đó, khi ông Diệm từ hải ngoại về nước thiết lập chế độ Cộng Hoà trong chín năm sóng gió, thì ông Mậu đã góp phần xây dựng nền Cọng hòa đó qua Phong trào Cách mạng Quốc gia, qua Quân ủy đảng Cần Lao, và qua 5 năm trách nhiệm điều hành Nha An ninh Quân đội. Cho đến năm 1963, sau 21 năm cộng tác mật thiết với ông Diệm xuyên qua mọi thăng trầm để phục vụ tổ quốc, ông Mậu đã phải quyết định từ bỏ ông-Diệm-cởi-ấn-từ-quan để cùng với quân dân miền Nam tổ chức chống lại ông-Diệm-độc-tài-gia-đình-trị trong một cuộc chính biến hợp lòng dân và hợp thời đại.
 
■ Người thứ hai là bác sĩ Trần Kim Tuyến (1925-1995, Thanh Hóa), đã gặp gỡ ông Ngô Đình Nhu từ năm 1946 trong một cuộc trốn chạy Việt Minh tưởng đã chấm dứt trong tuyệt lộ. Nhưng thời gian ông Tuyến thực sự hợp tác với gia đình nhà Ngô thì chẳn chòi 9 năm từ mùa Hè 1954 cho đến mùa Hè 1963. Trong 9 năm đó của Đệ Nhất Cọng Hoà, ông Tuyến được dân miền Nam, nhất là giới trí thức hoạt động chính trị trong hay ngoài các đảng phái quốc gia, coi như là người nắm quyền sinh sát thứ tư sau ba anh em ông Ngô Đình Diệm, Nhu và Cẩn với chức vụ Giám đốc Sở Nghiên cứu Chính trị và Xã hội phủ Tổng thống. Tượng trưng rõ nét cho mối liên hệ chặt chẽ và gần gủi giữa hai ông Nhu, ông Diệm với ông Tuyến là văn phòng uy quyền của chính ông Tuyến được đặt ngay trong khuôn viên phủ Tổng thống. Bản chất tình báo và chính trị của công việc cũng  đã làm cho vị trí và vai trò của ông Tuyến còn quan trọng hơn bất cứ vị bộ trưởng, tướng tá nào khác trong sự hiểu biết sâu xa những điểm mạnh và yếu, điểm đúng và sai của chính phủ. Nếu ông Tuyến đã im lặng đồng lõa hoặc quyết tâm ủng hộ chế độ thì chắc chắn ông sẽ tiếp tục vinh thân phì gia, nhưng bác sĩ Tuyến, cũng như ông Đỗ Mậu, đã thấy rõ hơn ai khác, nguy cơ của chế độ, kéo theo nguy cơ của miền Nam, đang bị một gia đình độc tài đưa vào con đường tự hủy. Với phân tách chiến lược đó, ông Tuyến đã cùng một số đồng chí đã lấy quyết định tổ chức đảo chánh để chấm dứt một chế độ hư mục đến mức không còn có thể sửa chữa được.
 
■ Người thứ ba là Hoà thượng Thích Quảng Đức (1897-1963, Khánh Hòa). Vị chân sư nầy đến từ quận lỵ Ninh Hoà phiá Bắc Nha Trang hẳn là không biết gì nhiều về vị Tổng thống "bao năm lê gót nơi quê người" hiện đang cầm quyền ở thủ đô Sài Gòn. Cho đến khi những đàn áp của chính quyền trong và sau  lễ Phật Đản đọng lại thành những giọt nước cuối cùng làm cho cái lưng của người Phật tử vốn đã oằn xuống và nay phải gãy đi, thì nhà sư già đó mới quyết định giúp mở mắt chính quyền và toàn thế giới qua hành động tự thiêu đại hùng đại bi với hy vọng ngọn lửa từ bi sẽ làm sáng cõi u minh để chấm dứt một pháp nạn mà cũng là một quốc nạn. Di chúc của Hoà thượng có một câu cho thấy giá trị căn bản của "lòng bác ái từ bi" cần phải có nơi vị lãnh đạo quốc gia và câu nầy cũng là một nhắc nhở cho chính quyền Tổng thống Diệm: Không thi hành "chánh sách bình đẳng tôn giáo" thì không thể "giữ vững nước nhà":
 
"Trước khi nhắm mắt về cảnh Phật, tôi trân trọng kính gởi lời cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm nên lấy lòng bác ái từ bi đối với quốc dân và thi hành chánh sách bình đẳng tôn giáo để giữ vững nước nhà muôn thủa."
 
■ Gần một tháng sau cuộc tự thiêu của Hoà thượng Thích Quảng Đức là cái chết bi hùng của nhà văn hóa kiêm nhà cách mạng Nhất Linh Nguyễn Tường Tam (1906-1963, Hải Dương). Sự nghiệp đấu tranh cho đất nước của ông Nhất Linh không chỉ giới hạn trong những hoạt động chính trị đảng phái mà còn lan rộng ra cả trong lãnh vực văn hoá qua những văn phẩm và báo chí có định hướng cải cách xã hội của nhóm Tự Lực Văn Đoàn mà ông là người sáng lập và dẫn đạo. (Xin mở một dấu ngoặc ở đây về khôn ngoan chánh trị: Uy tín của Nhất Linh bao trùm đến mức ông Hồ Chí Minh cũng phải chấp nhận ông làm Bộ trưởng Ngoại Giao trong Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến (1946). Trong khi ông Ngô Đình Diệm thì chẳng những không mời hợp tác mà còn dùng tiểu xảo kiểm duyệt và dùng nhà phát hành Thống Nhất để giết chết tờ Văn Hoá Ngày Nay của nhóm ông Nhất Linh). Có thể nói ông Nhất Linh và Tổng thống Diệm đã không có một tiếp xúc trực tiếp nào cho đến cuộc đảo chánh năm 1960 của binh chủng Nhảy Dù mà hậu quả là Nhất Linh bị đưa ra toà về tội "phản loạn". Ông từ chối sự phán xét của toà án của chế độ Diệm bằng cách tự tử vào đúng ngày kỷ niệm Song Thất (7/7) của chế độ và để lại một tuyệt mệnh thư bắt đầu bằng 6 chữ quyết liệt: "Đời tôi để lịch sử xử …". Quyết định tự tử của ông thì triệt để và toàn diện đến mức không những đã gây bàng hoàng cho  từ các giáo sư Đại học Huế đến các em nữ sinh Trưng Vương ở Sài Gòn mà còn tạo phẫn nộ cho cả giới quân nhân xã thân chống Cọng để đưa đến cuộc đảo chánh như một phản ứng đặc thù của thành phần mang chiến bào nầy.   
 
"Ðời tôi để lịch sử xử, tôi không chịu để ai xử tôi cả. Việc bắt bớ và xử tội tất cả các phần tử đối lập Quốc gia sẽ làm cho nước mất vào tay Cộng Sản là một tội nặng. Tôi chống đối việc đó và tự hủy mình như hòa thượng Thích Quảng Ðức tự thiêu để cảnh cáo những người chà đạp mọi thứ tự do".
 
Cũng như di ngôn của Hoà Thượng Thích Quảng Đức, câu này của Nhất Linh là một quy luật chính trị chính xác: Hể "chà đạp mọi thứ tự do" thì sẽ "làm cho mất nước". 
 
Đến đây ta có thể thấy như một tình cờ hay một sắp đặt lịch sử cho chế độ Ngô Đình Diệm của năm 1963: Hai người đã từng ủng hộ từ đầu (một là Phật giáo gốc Quảng Bình, một là  Công giáo gốc Thanh Hóa) lại ở trong lòng chế độ nên thấy và biết rất rõ chế độ, thì đều đi đến cùng một phản ứng là phải lật đổ chế độ đó. Còn hai người biết chế độ như hai nguời dân có ý thức, từ vị trí quần chúng và ở góc độ văn hóa, thì dùng sinh mạng của chính họ để mở mắt cho cả nước, cho cả thế giới đều hay.
 
■ Trong số những thành phần được mở mắt đó có quân đội Việt Nam Cộng Hoà với Tướng Dương Văn Minh (1916-2001, Mỹ Tho), một lãnh đạo đầy uy tín mà vận mệnh đất nước đã đẩy ông trở thành người thứ năm đi qua đời ông Diệm. Từ năm 1955, ông Minh đã từ bỏ quân đội Pháp và quay lại ủng hộ một ông Thủ tướng vốn từ hải ngoại trở về, thân cô thế cô trong một vòng vây Bình Xuyên, Hoà Hảo, Cao Đài, và các nhóm cựu thần nhà Nguyễn. Trong tình thế chông chênh chính trị đó của ông Diệm, ngoài ô dù chính trị và tình báo của Mỹ lúc bấy giờ, thì  chính những chiến thắng quân sự của tướng Minh trong hai năm 1955-1956 đã là yếu tố quyết định cho công cuộc bình định miền Nam thành một miền đất an toàn trong niềm tin của toàn dân là ông Diệm đã có được cơ hội để dựng lên trên nền móng nầy một nước giàu dân mạnh. Ông Diệm cũng đã ghi nhận công lao đó khi đứng trên thềm dinh Độc Lập đón ông Minh từ Rừng Sát trở về sau chiến dịch Hoàng Diệu và thăng ông lên chức tướng hai sao.
 
Nhưng sau vài năm ổn định, chế độ của ông Diệm đã thoái hoá và biến chất thành một triều đình gia đình trị và Công giáo trị độc tài, tham nhũng tồi tệ đến mức 18 nhân sĩ trí thức thuộc nhóm Tự Do Tiến Bộ đã phải lên tiếng cảnh báo (tháng 8/1960), binh chủng Nhảy Dù đã phải nổi dậy (tháng 11/1960), phi công của Không Quân cũng ném bom chống đối (tháng 2 /1962). Trước đó, vào tháng 11/1961, tình hình an ninh trên toàn miền Nam đã hoàn toàn suy sụp đến nỗi ông Diệm phải ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn lãnh thổ (sắc lệnh 209-TTP) và chỉ 4 tháng sau (3/1962), ông Diệm lại phải gửi thông điệp cho 92 quốc gia trên thế giới xin ủng hộ VNCH chống Cọng sản xâm lăng.
 
Đã thế, hành động kỳ thị và đàn áp Phật giáo năm 1963 quá trắng trợn nên đã làm tê liệt sức chiến đấu của người lính khiến cho tướng Minh không còn có thể ủng hộ ông Diệm trong vị thế một người chứng kiến tình trạng thui chột, phân hóa và thiếu hiệu quả của một quân lực mà ông là một trong những nhân vật có trách nhiệm lãnh đạo. Quyết định tổ chức đảo chánh để thay thế một chính quyền bất lực phải là một quyết định dứt khoát. Và ông Minh đã dứt khoát khi người lính dưới quyền ông không còn chiến đấu cho tổ quốc mà chỉ đứng trên đường phố để bảo vệ cho một chế độ độc tài mất lòng dân và phản lại đồng minh trong công cuộc chống Cọng. Có thể nói nét đặc thù của cuộc đời ông Minh là đã đóng những vai trò dứt điểm khi dòng vận động lịch sử bị bế tắc. Từ dẹp loạn giáo phái năm 1956 qua lật đổ ông Diệm năm 1963 đến đầu hàng cuộc chiến năm 1975, cả ba động thái đó đều cho thấy khi thế cuộc đi vào đường cùng, ông Minh là người đi nước cờ cuối cùng để "biến tắc thông".
 
Bên cạnh năm người đặc biệt nầy, lịch sử cũng sẽ phải nói về năm người khác đã đóng một vai trò oan nghiệt nhất trong cuộc đời của ông Ngô Đình Diệm. Đó là ông anh "quyền huynh thế phụ" Tổng Giám mục Ngô Đình Thục, ông em Cố Vấn Chính trị Ngô Đình Nhu, bà em dâu Đệ Nhất Phu Nhân Trần Lệ Xuân và ông em út Cố Vấn Chỉ Đạo Miền Trung Ngô Đình Cẩn. Họ chính là bốn người ruột thịt trong gia đình nhà Ngô mà ông Bộ trưởng Phụ tá Quốc phòng Nguyễn Đình Thuần đã từng khẳng định đúng đắn với người Mỹ trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng Phật giáo năm 1963 rằng "Tổng thống (Diệm) sẽ để cho gia đình của ông hũy diệt ông, không ai còn có thể làm gì để ngăn được chuyện nầy" ("The president is going to let the family ruin him, nobody can do anything to prevent it" – Trang 157, sách "Why Vietnam Matters", tác giả Rufus Phillips, Blue Jackets Books).

Còn lại người thứ năm trong gia đình đó phải chịu trách nhiệm nặng nhất và lớn nhất cho sự sụp đổ của Ngô triều dĩ nhiên là chính ông Ngô Đình Diệm, như được biếm họa lại một cách tài tình trong bià báo Tết nổi tiếng của hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí trên tờ nhật báo Tự Do số Xuân năm Canh Tý (1960), năm tuổi của ông Diệm:  Hình năm con chuột đang đục khoét trái dưa hấu miền Nam đã vỡ ra nhiều mãnh.
 
 
LÝ NGUYÊN DIỆU
Tháng 10 năm 2012

No comments:

Post a Comment