Wednesday, October 31, 2012

MỘT CÁI NHÌN LỊCH SỬ - Bài số 19

MỘT CÁI NHÌN LỊCH SỬ

Bài số 19
HỒ TẤN VINH

Còn Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu thì sao?

Khi viết bài này, tôi không còn nhớ có đọc ở đâu câu chuyện một tướng rủ ông Thiệu đảo chánh. Thay vì ông hỏi làm như vậy có ích lợi gì cho đất nước, thì ông lại hỏi 'người Mỹ có đồng ý chưa?' Thời Đệ Nhị Cộng Hòa, Tổng Thống Thiệu nằm trong tay Mỹ lộ liễu hơn.
'Trong hồ sơ Nguyễn Văn Thiệu lưu giữ tại Tòa Đại Sứ Mỹ ở Saigon đã phê y với câu sau: 'Very receptive to American advices'. Người bạn Mỹ tên là R.W.J tiết lộ câu ấy với tôi. Tôi bình phẩm:
Đó là lời phê 'bảng vàng' đã đưa Nguyễn Văn Thiệu lên đến địa vị tối cao, nắm giữ vận mệnh của Miền Nam?'Nguyễn Chánh Thi, tr. 327.
Nguyễn Tiến Hưng có thuật lại rằng năm 1971, thầy mình là ông Warren Nutter lúc bấy giờ là Phụ Tá Bộ Trưởng Quốc Phòng có khuyên rằng VNCH nên tìm cách chủ động hơn. Nguyễn Tiến Hưng đem bàn với ông Thiệu và được 'ông cũng đồng ý chấp thuận đề nghị mà tôi gọi là 'hai Miền trong một đơn vị kinh tế'. Tuy nhiên ông lại dặn tôi thử thăm dò ý kiến Mỹ xem sao? Tôi thầm nghĩ rằng mình muốn phía VNCH đưa ra sáng kiến, ông lại bảo mình hỏi Mỹ.' (Tr. 453)
Chính vì có đầu óc vọng ngoại như vậy mà ông Thiệu mới được Mỹ chọn làm Tổng Thống.
Đệ nhứt và Đệ nhị Cộng Hòa đều có những hình ảnh xấu xa để thế giới và dân chúng Việt Nam xem, nào là gia đình trị, độc  tài, kỳ thị tôn giáo, kỳ thị địa phương, tham nhũng, buôn lậu, mua quan bán tước v.v… Có người cho đó là những lý do để thua. Nhưng thật ra đó chỉ là những triệu chứng ngoài da của một căn bịnh nội tạng. Những điểm tiêu cực đó chỉ là tiêu tỏi ớt để cho Việt Cộng lớn lên. Còn VNCH đã thua không phải vì tim ngưng đập hay lỗ mũi không thở mà vì chứng lỏng ruột kinh niên.
Nguyễn Tiến Hưng diễn đạt một cách khác với nhiều chi tiết hơn:
'Tôi vẫn khẳng định rằng sự lệ thuộc vào Hoa Kỳ gần như hoàn toàn, cả về vật chất lẫn tâm lý là yếu tố quyết định'
Hảy nhìn lại cuộc chiến 1945-1954, chính nước Pháp
Cũng đã phải lệ thuộc vào Mỹ như vậy. Mức độ chiến tranh càng cao, Pháp càng phải dựa vào tiền bạc của Mỹ. Tới khoảng thời gian 1950-1954, trên 75% ngân sách chiến tranh Đông Dương là do Mỹ đài thọ. Đến thời VNCH, cũng trên 75% ngân sách Quốc Phòng (trả lương cho quân đội) là do viện trợ Mỹ. Rồi toàn bộ quân trang, quân dụng, từ khẩu súng, viên đạn, lít xăng, tới xe tăng, đại bác, máy bay, cái gì cũng có nhãn hiệu MDAP (Military Defense Assistance Program).
V mt kinh tế, khi chiến tranh leo thang, sn xut trong nước không phát triển được, lại còn tụt hậu, cung ứng cho nhu cầu của nhân dân phải dựa vào đôla của Mỹ để nhập cảng. Những sản phẩm cho nhu cầu từ ăn, ở, mặc, tới vận chuyển, một tỷ lệ rất quan trọng được đáp ứng từ 'viện trợ Mỹ' . . .
Đó là chưa nói tới những nhu cầu khác như y tế, giáo dục, giải trí. Cũng chưa kể là từng khối lượng lớn hàng hóa (như đồ hộp, radio, TV, tủ lạnh, rượu mạnh, thuốc lá, quần áo) đã được chuyển ra bằng cách này hay cách khác, từ hệ thống tiếp liệu 'PX' của Mỹ, đặc biệt là từ căn cứ Long Bình. Như vậy, về vật chất, sự lệ thuộc hầu như toàn diện. Tình trạng này lại còn dẫn tới sự lệ thuộc tinh thần và tâm lý. Nếu Mỹ còn giúp, thì các nhà lãnh đạo và dân, quân Miền Nam còn chịu đựng, chiến đấu. Nếu có dấu hiệu là họ bắt đầu bỏ, thì tinh thần bắt đầu sa sút. Tới lúc bỏ thật là sụp đổ'(tr. 450)
Từ mấy ngàn năm nay, người Việt Nam nào khi chào đời cũng mang trong mình giòng máu 'chống xâm lăng'. Trong lúc ông Diệm, ông Thiệu múa may quây cuồng thì người Mỹ đã dâng cho Việt Cộng cái chánh nghĩa 'chống Mỹ cứu nước'
Trong tình trạng như vậy, Việt Nam Cộng Hòa bắt buộc phải thua. Và đã thua ngay từ ngày thành lập.
Mặc dầu không thay đổi được vận mạng của quốc gia, nhưng con người vẫn phải sống và con người hoàn toàn tự do và trách nhiệm chọn lối đi của mình. Ông Trần Văn Hương khi làm Đô Trưởng cởi xe đạp được tiếng là thanh liêm. Nhưng tới khi phái đoàn VC đến nhà ông, muốn trả lại quyền công dân cho ông – khác với Dương Văn Minh – ông từ chối, lấy cớ phải chờ đến người cải tạo cuối cùng, thì ông giáo già đã tuyệt vời tỏ cái sĩ khí của miền Nam. LS Trần Văn Tuyên, sanh năm1913 tại Hà Đông (Bắc Việt), vào Nam năm 1950, bị mật vụ của ông Diệm tra tấn tới què giò. Năm 1975, vào giờ chót được Mỹ đề nghị đưa cả gia đình sang Mỹ, nhưng đã trả lời 'nếu bỏ đi thì ai ở lại đấu tranh công khai với CS?. Năm 1976, ông bị bỏ thuốc độc tại nhà giam Hà Sơn Bình. Cái tận tụy đó, cái khí phách đó, trong lịch sử Việt Nam cận đại đâu có mấy người.
Khi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu nắm chánh quyền thì cờ đã tàn rồi. Ván cờ đã được Mỹ, Trung Quốc và Liên Sô sắp đặt rồi. Ông không có cách nào để xoay lại tình thế. Ông không có cách nào cản trở tiến trình mất nước. Không có một người khác nào ở vào chỗ của ông làm hay hơn ông. Cho nên Tổng Thống Thiệu không có chút trách nhiệm nào với chuyện mất nước. Nước đã mất trước đó lâu rồi, hồi thời Ngô Đình Diệm lận.
Trong lúc làm Tổng Thống nếu ông có thanh liêm, tận tụy, thì người dân ca ngợi ông. Nếu ông có sai trái, tham ô, nếu ông không biết thân là cá trong rọ mà tới giờ chót vẫn còn ham thì người ta chê ông.
Nhưng đối với dân tộc và đất nước, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu không có phạm tội làm mất nước.

HỒ TẤN VINH
Melbourne
Ngày 1 tháng 11 năm 2012
(Còn tiếp)

Những bài viết của tác giả Hồ Tấn Vinh được lưu trữ tại Khai Dân Trí

No comments:

Post a Comment