Wednesday, July 18, 2012

Rắc rối trên biển ở châu Á: Có giải pháp nào cho khủng hoảng trên Biển Đông?

Tác giả: David Brown

Người dịch: Thủy Trúc

Cũng giống như có thể dự đoán được hàng năm về những cơn gió mùa thổi qua Biển Đông, câu hỏi nước nào, hay những nước nào, sở hữu phần nào trên Biển Đông, đang ngày càng trở nên phiền phức qua mỗi năm.

Qua mùa bão, những đội tàu đánh cá lại nhổ neo và các dự án thăm dò dầu khí dưới đáy biển lại tiếp tục. Thế là một loạt những đối đầu căng thẳng đã xảy ra giữa Trung Quốc và Việt Nam, hoặc giữa Trung Quốc và Philippines. Các nhà ngoại giao yêu cầu tất cả các bên tự kiềm chế, cố gắng xa tránh những hành động đổ dầu vào lửa.

Câu chuyện rất quen thuộc, và cả một loạt đòi hỏi thách thức của các bên đều quá phức tạp, đến mức độc giả rất có thể muốn chuyển sang đọc một chuyện gì khác.

Tuy nhiên, sự thực là những vụ việc gần đây đã làm thay đổi đánh giá của giới chuyên gia về tranh chấp trên Biển Đông, và có thể cho thấy con đường đi tới một sáng kiến có ý nghĩa thay đổi cả ván cờ.

Vài năm gần đây, cách hành xử của Trung Quốc với Việt Nam và Philippines quá đỗi hiếu chiến, đến mức ngay cả những chuyên gia thân thiện nhất của Trung Quốc cũng khó tìm được lời biện hộ cho họ. Tới gần đây, tính toán khôn ngoan của Washington vẫn chỉ là, Trung Quốc là một siêu cường mới nổi, tự mãn, nếu đối xử cẩn thận và tôn kính đối với họ thì có thể thuyết phục họ trở thành "đối tác chín chắn".

Tuy nhiên, việc Bắc Kinh khăng khăng yêu sách rằng họ có chủ quyền "tuyệt đối" trên Biển Đông, tới tận gần bờ biển Singapore, là không phù hợp với mô hình này. Mà cũng chẳng tương thích với hành động quấy rối không ngớt của họ nhằm vào ngư dân Philippines  và Việt Nam, hay các nỗ lực phần nào thành công của họ nhằm đe dọa những công ty dầu khí nào có ký hợp đồng với Manila hay Hà Nội để thăm dò trong vùng đặc quyền kinh tế của hai nước. Những hành động như thế không thể đi cùng với tuyên bố của Trung Quốc, cho rằng mục tiêu của họ là hòa bình và ổn định khu vực.

Mộng ước ta vỡ đã bắt đầu với ASEAN và từ bên trong ASEAN.  Nhóm 10 nước này cho thấy chưa đủ đoàn kết để đương đầu với những thách thức của Trung Quốc. Mặc dù Mỹ, Nhật Bản, Úc và một loạt các nước khác mong muốn ủng hộ một lối tiếp cận mang tính khu vực nhằm bảo vệ hòa bình, nhưng ASEAN không thể tiến lên phía trước được. Họ hoạt động trên nguyên tắc đồng thuận; thật không may cho Manila và Hà Nội, chủ tịch đương nhiệm của ASEAN lại lệ thuộc vào Trung Quốc, tức là Campuchia. Đáng chú ý, Thái Lan, Myanmar và Lào cũng không thích va chạm với Bắc Kinh.

Các nước ASEAN đã và đang cố gắng thúc đẩy đồng thuận về một "bộ quy tắc ứng xử" có tính ràng buộc trên Biển Đông. Vào ngày 9 tháng 7, trước ngày khai mạc Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) thường niên với sự tham dự của Mỹ, Trung Quốc và các "đối tác đối thoại" khác, có những thông tin cho rằng các quan chức cấp cao ASEAN cuối cùng đã đạt được thỏa thuận về bản dự thảo quy tắc ứng xử. Tuy nhiên, ngược lại, hội nghị đã kết thúc trong hỗn loạn; các bên tham gia thậm chí không nhất trí nổi với nhau để cho ra một thông cáo chung.

"Cực kỳ vô trách nhiệm" – Ngoại trưởng Indonesia cằn nhằn với báo giới. "Trung Quốc đã mua ghế [chủ tịch], chỉ đơn giản có thế thôi" – một vị quan chức ẩn danh cho biết.

Hơn thế nữa, quan điểm cho rằng Trung Quốc thật ra không thích đối đầu có vẻ như ngày càng khó tin. Hồi cuối tháng 4, Tổ chức Nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế (ICG, một viện nghiên cứu có trụ sở ở Brussels) phát hành một báo cáo được lưu ý rộng rãi, trong đó họ đánh giá Bắc Kinh thật sự không kiểm soát được tình hình, mặc dù bề ngoài có vẻ ngược lại. ICG cho rằng, chính quyền trung ương Trung Quốc bị công luận lôi kéo, và bị tê liệt bởi những sáng kiến thiếu sự phối hợp giữa các lực lượng tuần tra bờ biển, công ty dầu khí và chính quyền địa phương tại các tỉnh ven biển. Đó là một bản báo cáo quan trọng, dựa vào rất nhiều cuộc phỏng vấn, và chắc chắn nó phản ánh thái độ của hàng trăm quan chức ở Trung Quốc và các nơi khác. Tuy thế, cho đến nay, chỉ trừ vài giờ đầu của cuộc va chạm giữa các tàu hải giám Trung Quốc được trang bị vũ khí hiện đại với tàu tuần tra của Philippines, tại một vỉa đá cách Luzon 140 cây số; ngoài ra chưa có gì xảy ra để có thể chứng minh giả định của ICG về sự thiếu thống nhất trong chính sách nội bộ của Trung Quốc.

Tháng 7 này, khi các nhà ngoại giao Trung Quốc gạt bỏ bản dự thảo của Bộ Quy tắc Ứng xử ASEAN, đó chỉ là một sự kiện tiếp theo cho thấy, về bản chất, [bản dự thảo] cần phải có sự phê chuẩn của Trung Quốc. Chuyện xảy ra ngay sau đó là Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đưa ra một lời mời rất ngạc nhiên, đề nghị các công ty dầu khí nước ngoài dự thầu quyền khai thác 9 lô dầu khí nằm ngay sát bờ biển Việt Nam. Và gần như cũng đúng vào lúc đó, Trung Quốc tuyên bố rằng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và bãi Macclesfield (mà theo Trung Quốc là bao gồm cả bãi cạn Scarborough mà họ tranh giành với Philippines gần đây) bây giờ là một đơn vị hành chính của Trung Quốc, gọi chung là thành phố Tam Sa. Tỉnh Hải Nam đã xúc tiến việc này từ nhiều năm nay; nhưng cho đến gần đây, chính quyền trung ương vẫn từ chối cấp phép.

Gần đây cũng đã xảy ra hai sự kiện nhập nhằng: Trung Quốc tuyên bố rằng tàu chiến của Cơ quan Hải giám Trung Quốc sẽ thường xuyên tuần tra quần đảo Trường Sa, và họ triển khai một con tàu "công xưởng" nặng 32.000 tấn để phục vụ cho hàng trăm tàu cá nhỏ, một việc mà các chuyên gia Singapore cho là sẽ làm cạn kiệt nhanh chóng tài nguyên của Biển Đông.

Đáp lại, đòn phản công của Hà Nội là việc bỏ phiếu của Quốc hội thông qua một đạo luật quản lý biên giới biển của Việt Nam nhưng không nêu cụ thể biên giới đó ở đâu – dường như là một hành động tương đối vửa phải.

Chính quyền Việt Nam và Philippines muốn làm nhiều hơn nữa để kềm chế đà tiến xuống phía nam của hải quân Trung Quốc, nhưng tổng tham mưu của hai nước nói trên, khác với những người dân trên đường phố, hay đa số thành viên của Quốc Hội hai nước, đều biết rằng lực lượng vũ trang của họ sẽ rất khó đối phó với quân lực Trung Quốc.  

Sau nhiều năm xao lãng, lực lượng vũ trang Philippines gần như chỉ còn khả năng duy trì trật tự trong nước, chứ đừng nói tới việc ngăn chặn sự xâm lăng của Trung Quốc. Hải quân, không quân và phòng không của Việt Nam đã đạt nhiều bước tiến trong thập niên qua và chắc chắn có thể tự vệ trong một cuộc xung đột với lực lượng hải quân viễn dương Trung Quốc cùng các tàu bảo hộ ngư nghiệp của nước này. Tuy nhiên, một vụ đụng độ có vũ trang sẽ tạo cớ cho Hải quân của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc ra tay can thiệp để – như những kẻ mị dân Trung Quốc thường xuyên đề xướng – "dạy cho Việt Nam một bài học".

Để tái lập thế cân bằng ở một mức độ nào đó, Manila và Hà Nội đã tìm kiếm viện trợ về quân sự ở bất kỳ nơi nào có thể. Tổng thống Aquino đặc biệt trông cậy vào sự sẵn sàng của Mỹ trong việc tăng cường hợp tác song phương, theo Hiệp định Phòng vệ Chung được ký giữa hai nước từ 60 năm nay. Việt Nam thì mở rộng mạng lưới quan hệ hơn, mua vũ khí của Nga, Pháp, Canada và Hà Lan, tranh thủ sự ủng hộ của Ấn Độ trong hoạt động huấn luyện tác chiến bằng tàu ngầm, và xúc tiến quan hệ hợp tác với quân đội của các nước Hoa Kỳ, Úc và Nhật Bản.

Washington vui mừng ủng hộ các cuộc tập trận nhằm xây dựng năng lực cho các bằng hữu Đông Nam Á để tạo khả năng đánh chặn đáng tin cậy. Tuy nhiên, một cách nhất quán, phía Mỹ luôn gạt bỏ các đề xuất về việc Hạm đội Thái Bình Dương cần đóng một vai trò giám sát chủ động trong khu vực Biển Đông. Trong hoàn cảnh hiện nay, Hoa Kỳ cũng không đồng ý bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Quốc hội Mỹ – vốn dĩ lo ngại có thêm một vướng víu quân sự ở xa, không biết bao giờ mới kết thúc. Do đó, Quốc hội Mỹ sẽ đòi hỏi chính quyền Cộng sản phải có sự tiết chế rõ ràng trong cách hành xử với những nhân vật chỉ trích họ ở trong nước, một đòi hỏi có điều kiện mà đơn giản là Hà Nội sẽ không nhượng bộ.

Chỉ còn đường ngoại giao hay sao? Sau Campuchia, sẽ đến lượt Brunei là nước tiếp theo giữ ghế chủ tịch ASEAN, rồi đến Myanmar vào năm 2014 và Lào vào năm 2015.  Tóm lại, tuần qua, hy vọng đã thu hẹp nhiều về việc tổ chức ASEAN có thể đối phó với nguy cơ xung đột trên Biển Đông và có lẽ còn nhằm nuôi dưỡng các giải pháp thực sự cho các bên thù địch.

Một giải pháp "đi đường vòng" sẽ là, hình thành một tập hợp con của ASEAN – gồm 5-6 nước thật sự lo ngại về nguy cơ Biển Đông bị sáp nhập vào nước Trung Hoa rộng lớn – để họ đưa ra các sáng kiến riêng của họ. Tình huống lý tưởng là, Việt Nam, Malaysia, Philippines và Brunei, được Indonesia và Singapore khuyến khích, sẽ lựa chọn ra những gì họ có yêu sách đòi hỏi và những gì họ không có yêu sách, như được khuyến cáo trong hai bài viết gần đây của nhà phân tích độc lập là Greg Poling  và Dương Danh Huy.

Hai nhà phân tích cho rằng, sẽ không nước nào trong số các nước có yêu sách phải từ bỏ yêu sách của mình vào thời điểm này cả. Nhưng, thông qua việc làm rõ cơ sở pháp lý cho các yêu sách của họ về biển đảo, và phân biệt chúng với những tranh chấp phức tạp hơn (nhưng về mặt địa lý thì lại nhỏ hơn nhiều, căn cứ vào yêu sách đối với các cấu trúc địa lý trên đất liền), họ sẽ có khả năng tạo thành một mặt trận đoàn kết trước Trung Quốc vào thời điểm quyết định này:Cơ sở duy nhất sẽ cho phép xử lý các yêu sách biển đảo trên Biển Đông là luật quốc tế.

Quá trình vừa nêu trên sẽ thách thức năng lực chính trị của cả sáu nước ASEAN vừa đề cập, đặc biệt là Việt Nam và Malaysia. Việt Nam đã khẳng định rằng họ sẵn sàng dựa vào luật quốc tế để giải quyết yêu sách chủ quyền, nhưng làm như vậy có thể gây phản ứng tiêu cực ở một số công dân – những người mà, tương tự với các đối tượng bên Trung Quốc, luôn giữ quan điểm mang tính bành trướng rằng đây là "biển lịch sử" của Việt Nam. Đối với Malaysia, họ đơn giản chỉ cần đứng dậy và được tính đến. Cho đến nay, Malaysia (và Brunei) dường như vẫn cho phép mình tưởng bở rằng Trung Quốc sẽ thỏa mãn, một khi Bắc Kinh đã xơi no phần biển ngoài khơi Việt Nam và Philippines!

Trung Quốc vẫn căn cứ vào những khẳng định rằng thủy thủ và ngư dân của họ đã đi ngang qua "Biển Nam Trung Hoa" từ trong quá khứ, và họ nghiễm nhiên coi lập luận đó, cùng sức mạnh hải quân ngày càng gia tăng của mình, là đủ. Chừng nào yêu sách của những quốc gia ven biển khác còn mơ hồ, thế bế tắc chiến lược vẫn còn tồn tại – tình huống này tạo điều kiện lý tưởng cho Trung Quốc ngụy tạo thêm "dữ kiện thực tế" và đưa ra những thỏa thuận song phương mà các nước có yêu sách khác sẽ phải chịu thiệt hại.

Ngược lại, nếu những nước ASEAN có lợi ích liên quan nhiều nhất có thể xúc tiến một lập trường chung gắn chặt với các nguyên tắc trong luật quốc tế, thì họ sẽ có một yêu sách mà những nước khác thấy muốn ủng hộ hơn nhiều – một lần nữa, gương mặt đáng chú ý nhất trong những nước khác đó là Mỹ.


Tác giả: David Brown

Người dịch: Thủy Trúc

Nguồn:  Asia Times


No comments:

Post a Comment