Tuesday, July 3, 2012

LẠI NGHỈ ĐẾN TIỀN !!!

LẠI NGHỈ ĐẾN TIỀN !!!


Phật giáo là một tôn giáo nặng về hạnh thí hơn là mưu lợi vật chất. Từ rất xa xưa, từ khi có mặt trên đất Việt, nhà chùa luôn thể hiện hạnh xả kỷ, bố thí và lợi tha.

Trong các lễ lớn của nhà Phật, chư Tăng Ni cũng như Phật tử thường tổ chức chẩn bần cho người nghèo, chẩn tế cho người âm và thí pháp cho mọi loài. Có những chùa luôn thiết đãi thức ăn cho bá tánh khi bước vào cổng Tam quan bất cứ lúc nào; và ngày nay, ngoài những bữa ăn thanh đạm miễn phí cho các ngày chay, nhiều chùa và tín đồ còn ban phát cơm chay miễn phí cho các bệnh nhân, cho dân nghèo và học sinh, sinh viên trong các thành phố lớn. Về vật chất đã như thế, về tâm linh – chùa luôn mở rộng cho bá gia đến để thỏa mãn niềm tin, cũng như chiêm bái các thắng cảnh, thánh tich để thỏa mãn nhãn quan nghệ thuật. Nói tóm lại, chùa luôn "làm chùa" cho tất cả lợi lạc quần sanh.

Ngày nay, tuy kinh tế thị trường đã thúc dục khốc liệt về những quyền lợi vật chất béo bở cho nhà kinh doanh trên thế giới cũng như tại Việt Nam, nhưng đâu đâu cũng phải chừa lại lãnh vực tín ngưỡng tôn giáo cũng như tâm linh, một vùng phi kinh tế để tôn trọng đức tin quần chúng và đạo đức cổ truyền, thể hiện nét văn hóa của một dân tộc từng phong phú về tâm linh.

Tuy nhà chùa chưa từng lấy cơ sở tín ngưỡng để kinh doanh bằng cách thu phí quần chúng, nhưng nhà chùa vẫn thừa kinh phí để bảo tồn vật chất và cung dưỡng đời sống tu tập cho Tăng Ni, quần chúng. Ví dụ chùa Hoằng Pháp, Hốc Môn, hàng ngày đều cung cấp thức ăn cho du khách, hàng tháng có khóa tu cho nhiều tầng lớp, mùa hè có hàng ngàn sinh viên tham dự khóa tu, thế mà chùa chưa hề thu nhận bất cứ của ai một đồng, chẳng những thế còn tặng băng đĩa kinh sách không hạn chế. Các danh lam thắng cảnh của Phật giáo từ Nam chí Bắc cũng vậy, chưa bao giờ thu phí khách tham quan, vì nhà chùa không phải là khu du lịch giải trí hay vùng quy hoạch kinh tế.

Các cơ sở Trúc Lâm Yên Tử do Hòa Thượng T. Thanh Tử đứng ra kiến tạo khắp nơi với tầm vóc vĩ mô, hàng tỷ bạc đầu tư mà cũng không bao giờ đặt vấn đề thu phí bá tánh, cơ sở vật chất vẫn được bảo trì tốt và còn tốt hơn những cơ sở vật chất của xã hội do nhà nước quản lý.

Gần đây, chính quyền TP Uông Bí tái đề xuất thu phí Tăng Ni Phật tử đến viếng non Yên Tử. Ông Nguyễn Thành Phố chủ tịch UBND TP Uông Bí , Quảng Ninh đề nghị: : "Triển khai thu phí tham quan khu di tích Yên Tử nhằm mục đích "tạo nguồn kinh phí chủ động chi cho công tác hoạt động quản lý, bảo tồn và một phần để đầu tư trùng tu, tôn tạo khu di tích danh thắng Yên Tử".

Theo thống kê từ UBND TP Uông Bí, từ năm 1997 đến nay tổng số tiền tôn tạo và xây dựng tại Yên Tử do Nhà nước đầu tư là 41 công trình với tổng số tiền 142 tỉ đồng, trong khi đó chỉ từ năm 2007 đến nay, số công trình xã hội hóa là 12 công trình với tổng số tiền lên tới 402 tỉ đồng với các công trình tiêu biểu:

Có nghĩa nhà nước chỉ bỏ ra một phần tư chi phí, quần chúng đóng góp hết ba phần, giờ đây quần chúng muốn viếng thăm phải móc thêm tiền túi để đến nơi đất Tổ của mình từng góp công xây dựng.

"Cũng theo UBND TP Uông Bí, số lượng khách đến với Yên Tử đã tăng từ 100.000 lượt (năm 2006) lên 2 triệu lượt (năm 2011). Có thể thấy rất rõ là từ khi dừng việc thu phí tham quan Yên Tử thì số lượng du khách tăng đột biến, thêm nữa là các công trình văn hóa tâm linh được xây dựng quy mô, đầu tư có hiệu quả hơn mà hoàn toàn chỉ dựa trên nguồn kinh phí xã hội hóa (do người dân đóng góp)".

Chúng tỏ, cái gì dân tự nguyện đóng góp vẫn phong phú hơn điều kiện bắt buộc do nhà nước đưa ra. Tâm linh là việc tùy hỷ, không thể quy ra tiền. Kinh tế chỉ có giá trị trong lãnh vực kinh doanh; nhà chùa không phải là môi trường để địa phương lấy cớ thu chi. Cuộc sống phải có tính toán là chuyện đương nhiên, nhưng tín ngưỡng và cơ sở tín ngưỡng do dân đóng góp không thể là nơi làm ăn kinh tế dù dưới bất cứ nhãn hiệu nào. Huống nữa, Yên Tử là một địa linh đối với dân tộc, một ân điển đối với nhân dân từng được Đức vua Trần Nhân Tông đem lại hưng thịnh, độc lập cho nước nhà, ngày nay ông chủ tịch lại ghi ân bằng cách lợi dụng danh thắng Yên Tử để móc túi quần chúng! Chẳng lẽ xã hội nầy chỉ biết có tiền thôi sao? Đạo đức và giá trị tâm linh của tổ tiên bằng những đồng tiền như thế thì chả trách xã hội bạo loạn vì tệ nạn hiện nay. Ngay cả vị lãnh đạo tỉnh xem nhẹ phẩm chất đạo đức của dân tộc và lạm dụng niềm tin quần chúng, tất cả chỉ tính bằng tiền mà quên tấm lòng của nhân dân đối với tiền nhân thì thử hỏi đất nước này sẽ đi về đâu? Trên thế giới, chưa có cơ sở Phật giáo nào bị thu phí như ý tưởng của ông chủ tịch Uông Bí thì chả trách một xã tại Đà Nẵng đã có sáng kiến biến Tượng Quán Thế Âm thành cô du kích để chống giặc giữ nước còn có ý nghĩa hơn.

Không bao lâu trước đây, một ông Huỳnh Vĩnh Ái đề nghị quản lý thùng công đức của chùa, cũng vì nghĩ đến tiền, giờ đây cũng vì tiền mà ông Nguyễn Thành Phố lại đề nghi thu phí Tăng Ni Phật tử tham quan non Yên Tử.

Con người luôn nghĩ đến tiền thì đầu óc mụ mẫm, làm sao đủ sáng suốt lãnh đạo nhân dân. Không thiếu cán bộ tha hóa đã vì tiền mà thân bại danh liệt, cho dù moi tiền bất cứ kiểu nào, trong khi người dân đầu tắt mặt tối, ăn bữa sáng lo bữa tối mà còn dám bỏ tiền cúng chùa để trùng tu thánh địa của tổ tiên, chẳng lẽ ông Nguyễn Thành Phố nghèo hơn những người dân như thế?

Nhờ thế mới thấy người dân ta tuy nghèo nhưng giàu lòng đạo đức và tín ngưỡng. Nếu xem non Yên Tử là nơi kinh doanh thì chắc chắn Phật giáo không bao giờ đứng ra trùng tu xây dựng. Một công trình được xã hội hóa thì không thề kinh doanh hóa như các công ty doanh nghiệp; và sở dĩ người dân đóng góp là vì tâm linh chứ không phải đầu tư thương mãi. Quảng Ninh, Uông Bí đã đầu tư vào công trình Yên Tử được bao nhiêu so với người dân đóng gop? Và khi chính quyền Quảng Ninh chấp nhận tái thiết Yên Tủ, có đặt vấn đề kinh doanh với Phật giáo ?

Các quan chức khi thực hiện vấn đề thuộc lãnh vực tín ngưỡng tôn giáo và tâm linh nên xét kỷ, không nên đặt ngang hàng với lợi lộc vật chất. Yên Tử không phải là đặc quyền của Quảng Ninh thì không thể khống chế quần chúng và cơ sở tâm linh bằng việc thu phí. Yên Tử luôn là quê cha đất tổ của người dân Việt, không nên hạ thấp giá trị văn hóa, chính trị và tâm linh của tiền nhân bằng tiền, làm như thế là bỉ mặt dân tộc, bêu xấu đất nước trước thế giới. Hãy thể hiện nét văn hóa của một thể chế hơn là quyền lơi vật chất của một địa phương.

Hy vọng chính quyền Quảng Ninh không bao giờ chấp nhận một đề nghị nông nổi như thế. Đừng xem Tăng Ni Phật tử là con bò sữa.


MINH MẪN

02/07/2012

No comments:

Post a Comment