Wednesday, July 11, 2012

Ngoại trưởng Clinton thúc ép Việt Nam về hồ sơ nhân quyền


Tác giả: Patrick Barta từ Phnom Penh và Vu Trong Khanh từ Hà Nội

Người Dịch: Trần Văn Minh

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton kêu gọi thắt chặt hơn nữa quan hệ giữa Washington và Việt Nam, cựu thù thời chiến, ngay cả khi bà phê phán chính quyền Hà Nội vẫn chưa làm đủ để tôn trọng nhân quyền.

Trong buổi nói chuyện tại thủ đô Việt Nam vào giữa chuyến du hành xuyên Á châu, bà Clinton khen ngợi quan hệ thương mại đang phát triển giữa hai nước, với trao đổi mậu dịch lên tới 22 tỷ đô la vào năm 2011, từ một tỷ trong năm 2001. Hai quốc gia cũng đã xích lại gần nhau hơn trong những năm gần đây khi Việt Nam tìm kiếm sự hỗ trợ về các tranh chấp kéo dài với Trung Quốc. Các tuyên bố chủ quyền rộng lớn của Bắc Kinh trong vùng Biển Đông giàu tài nguyên chồng lấn với chủ quyền của Việt Nam và những quốc gia Đông Nam Á khác, đã dẫn tới sự lo ngại về một cuộc xung đột khu vực.

Bà Clinton nói rằng, bà hy vọng các nhà lãnh đạo châu Á cùng làm việc với nhau để đi đến một giải pháp cho các tranh chấp lãnh thổ. Bà khuyến khích sự hình thành một quy tắc ứng xử mới cho những hoạt động trên biển tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN trong tuần này ở Cam Bốt, để bảo đảm cho những bất đồng tương lai được giải quyết trong tình hữu nghị.

Bà Clinton nói tại một buổi họp báo sau buổi họp với Ngoại trưởng Việt Nam, ông Phạm Bình Minh: "Hoa Kỳ đánh giá cao sự đóng góp của Việt Nam trong việc giải quyết các tranh chấp bằng con đường hợp tác, ngoại giao, và giảm căng thẳng ở biển Đông".

Nhưng bà Clinton nói, bà vẫn quan tâm đến việc chính quyền Việt Nam chưa làm đủ để bảo vệ những quyền căn bản cho người dân Việt Nam, gồm bảo đảm quyền tự do phát biểu trên mạng. Thỉnh thoảng Việt Nam ra lệnh cho các nhà cung cấp dịch vụ internet ngăn chặn những trang mạng như Facebook và Twitter trong những năm gần đây, trong lúc công an bắt giữ vài blogger nổi tiếng. Các nhóm bảo vệ nhân quyền cho rằng những hành động như thế nhằm mục đích hạn chế bất đồng quan điểm.

Bà Clinton nói: "Tôi biết có một số người lập luận rằng, phát triển kinh tế cần phải đặt tăng trưởng kinh tế lên hàng đầu, còn lo nghĩ về cải cách chính trị và dân chủ thì hãy để sau, nhưng đó là một kiểu mặc cả thiển cận. Cho nên tôi cũng lo ngại về vấn đề nhân quyền, bao gồm việc tiếp tục giam giữ các nhà hoạt động, các luật sư và các blogger phát biểu ý kiến ôn hòa".

Ông Minh nói tại buổi họp báo, ông hy vọng quan hệ giữa hai nước sẽ tiếp tục nồng ấm, nhất là thông qua các mối liên hệ kinh tế.

Ông nói: "Tiềm năng để gia tăng hợp tác kinh tế giữa hai nước là rất lớn, và chúng tôi hy vọng Hoa Kỳ sẽ trở thành nhà đầu tư ngoại quốc hàng đầu ở Việt Nam trong tương lai không xa".

Các viên chức Hoa Kỳ mong muốn tiếp tục thúc đẩy các mối quan hệ thương mại giữa hai nước, để tạo ra các cơ hội mới cho các công ty Mỹ ở nước ngoài và tranh thủ mối liên hệ với Hà Nội, khi Washington tìm cách ngăn chặn sự ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Mặc dù Việt Nam từng là một điểm đến quan trọng cho đầu tư Hoa Kỳ trong những năm gần đây, nhưng Việt Nam trở nên bớt hấp dẫn hơn vì sự mất ổn định kinh tế vĩ mô, đánh dấu bằng tỷ số lạm phát cao và một loạt những đợt hạ giá tiền tệ. Các nhà phân tích cho rằng Việt Nam cần theo đuổi nhiều bước tái cấu trúc kinh tế hơn, bao gồm tư nhân hóa các công ty quốc doanh, để tạo cho nền kinh tế một sức đẩy mới.

Tại một sự kiện Phòng Thương mại Hoa Kỳ [tổ chức] ở Hà Nội hôm thứ Ba [10/7/2012], bà Clinton đã khuyến khích giới quan chức Việt Nam tiếp tục cải cách kinh tế, đặc biệt mở cửa thị trường hơn nữa cho đầu tư tư nhân. Bà nói, Hoa Kỳ cũng sẽ làm phận sự của mình bằng cách kết hợp với những công ty địa phương và những tổ chức phi chính phủ để thúc đẩy việc huyến luyện ngành nghề chuyên môn và xây dựng một đội ngũ công nhân có trình độ cao hơn – mà từ lâu nay là mối quan tâm của các công ty đa quốc gia hoạt động tại Việt Nam như Công ty Intel.

Liên lạc với Patrick Barta về bài viết này tại địa chỉ: patrick.barta@wsj.com

Nguồn: Wall Street Journal

No comments:

Post a Comment