Sunday, February 6, 2011

Việt Nam Năm Mão - Thế Nước Lòng Dân

Việt Nam Năm Mão - Thế Nước Lòng Dân
Triệu Châu


" Nếu chúng ta cần một bộ sử hữu ích cho Việt Nam trong thế kỷ 21 thì nên có bộ sử về kinh tế, xã hội và bang giao của Đàng Trong, trải qua các thế kỷ từ 17 đến 19. Tìm trong đó sẽ thấy nhiều bổ ích cho hoàn cảnh hiện nay, khi Việt Nam đang muốn hội nhập vào Hiệp hội 10 Quốc gia Đông Nam Á, và ra khỏi quỹ đạo Trung Quốc..."


Bất cứ ai lên lãnh đạo một quốc gia cũng thường nghĩ rằng từ nay mọi chuyện sẽ khác hẳn. Từ khi có ta đây, một kỷ nguyên mới đã bắt đầu. Một sự chủ quan đáng yêu và đáng quý. Nhưng vẫn chỉ là một sự chủ quan.

Thật ra, con người ta bị chi phối bởi hoàn cảnh địa dư của nơi chôn rau cắt rốn. Khung cảnh địa dư hình thể ấy mới là động lực âm thầm mà mãnh liệt gây ảnh hưởng tới mọi người, kể cả lãnh đạo, và dẫn tới những quyết định kinh tế chính trị từ đời này qua đời kia. Khái niệm mơ hồ này có thể được tạm gọi "địa dư chính trị", "geopolitics". Lãnh đạo giỏi là người nương vào địa dư chính trị mà bảo vệ quyền lợi cho quốc dân.

Nói cho đơn giản, vì hoàn cảnh địa dư chính trị đó, cùng bước chân vào kinh đô hoa lệ của Pháp, người Việt lại nhìn Paris khác hẳn người Mỹ, người Úc: xuất xứ và hành trang tâm lý mỗi người mỗi khác. Cũng hoàn cảnh ấy khiến người miền Bắc có cách hành xử khác người miền Nam hay miền Trung của nước ta. Cái lối sống và suy nghĩ của người dân tại vùng sông Hồng có khác dân miền Trung khô cằn, cũng khác với người dân vùng châu thổ Cửu Long phì nhiêu và bát ngát.

Hoàn cảnh đó kết tinh vào văn hoá, là phép hành xử bất thành luật, có khi chỉ là ca dao, thành ngữ, khiến một cộng đồng cùng có chung một thái độ sống hoặc cách đối phó với nghịch cảnh hay ngoại bang không giống các cộng đồng kia. Muốn hiểu rõ một dân tộc thì ta phải thấy ra nền tảng địa dư chính trị và nếp văn hoá, thường được thể hiện rõ rệt nhất qua văn chương.

Nói thi vị và thần bí thì có thể gọi đó là "mệnh nước", yếu tố có vẻ vô hình mà cuốn hút một dân tộc vào một lối xử thế nào đó khác hẳn các dân tộc khác.

Một cách thiết thực thì người làm kinh tế ở trong Nam không thể có chánh sách kinh tế đúng đắn - thích hợp - nếu không... đọc đi đọc lại các tác phẩm của Vương Hồng Sển, Bình Nguyên Lộc hay Sơn Nam. Những truyện tưởng là tầm phào đó mới nói rõ đặc tính tâm lý của người dân. Các cố vấn kinh tế của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF hay Ngân hàng Thế giới thì đều có sẵn bài bản quy phạm của các định chế này. Nhưng khi áp dụng thì họ vẫn có thể gặp kết quả khác nếu không hiểu rõ văn chương, văn hoá và địa dư chính trị của vùng đất họ mà họ được gửi tới để yểm trợ.

Nói cho quá khích hơn thì thị trường chứng khoán tại Sàigon cũng vận hành khác thị trường Hà Nội và nếu hiểu được tâm tình dân cư, người ta có hy vọng dự đoán chính xác hơn nhiều nhà phân tách tài chánh tại... Singapore! Xin quý độc giả thử nghiệm lại điều ấy mà xem...

Khi đọc lại Vương Hồng Sển - một nhà khảo cứu và khảo cổ, chứ không là một sử gia hay kinh tế gia ở miền Nam - rồi kiểm chứng qua các bộ sử về thời Nam tiến, thời Pháp thuộc, ta mường tượng ra một khuôn khổ địa dư chính trị có thể giải thích được rất nhiều chuyện tại miền Nam.

Nhìn lên miền Bắc, ta cũng nên tìm ra mệnh nước, khuôn khổ địa dư chính trị của nước Nam. 

***

Đấy là vùng sinh hoạt ngàn đời của người Việt cổ, qua ngàn năm Bắc thuộc rồi mà vẫn vùng lên giành lại nền độc lập từ chế độ cai trị Trung Hoa. Nơi đây, từ năm 940 đến giờ, trong khoảng thời gian 1.050 năm - ngẫu nhiên sao, cũng bằng với 1050 năm Bắc thuộc, từ 111 trước Tây lịch đến năm 939 - dân ta thường xuyên phấn đấu trong một nghịch lý: vừa tự Hán hóa một cách có ý thức để tổ chức hệ thống giáo dục và chính trị, vừa tìm cách bảo vệ nền độc lập đó với phương Bắc của Hán tộc.

Vừa mê vừa sợ nước Tầu là một nghịch lý ngàn đời, khiến các danh sĩ của ta có thể làm thơ ca tụng Lý Bạch, Đỗ Phủ. Rồi viết hịch... chửi cha quân xâm lược phương Bắc. Giành lại độc lập xong thì tổ chức thi cử như Bắc phương. Từ hệ thống giáo dục và tuyển cử đó, chúng ta lấy hệ thống văn hoá chính trị Trung Hoa làm chuẩn.

Chữ gì có vẻ nôm na thô tục thì tránh, phải dùng tiếng Hán-Việt thì mới ra người văn minh. Chỉ trong Nam mới có gia đình đặt tên con gái theo điệu "Bình bán vắn" như nhân vật của Bình Nguyên Lộc: Hương, Hồng, Hoa, Quá, Thơm! Chứ trên đất Bắc văn vật, dân ta có đầy chữ Hán-Việt hoa mỹ hơn nhiều!

Trong cái mệnh nước có vẻ mơ hồ đó, nỗ lực "Nam tiến" là một quy luật địa dư chính trị khác.

Nước Nam phải có một hậu cứ rộng lớn hơn trước sức ép thường xuyên của Trung Quốc. Nguyễn Bỉnh Khiêm nói không khác! "Hoành sơn nhất đái..." không là lời sấm mà là một thực tế địa dư chính trị.

Giành lại độc lập rồi, sau trăm năm đầu còn bị kẹt trên dải đất hẹp của miền Bắc Trung phần, bước Nam tiến của dân ta thành vũ bão nhờ địa dư hình thể: càng xuống sâu càng mở rộng, từ Quảng Bình bung tới Hà Tiên ngày một mạnh hơn. Trước khi được như ngày nay, trong bốn ngàn năm lịch sử, diện tích lãnh thổ đã tăng gấp đôi chỉ qua bốn trăm năm sau cùng, từ thế kỷ 15 đến 19.

Dân ta đã chinh phục Vương quốc Chàm, tiêu diệt văn hoá Chàm rồi chiếm phân nửa Chân Lạp và gọi đó là Nam kỳ Lục tỉnh. Đọc Vương Hồng Sển thì thấy ra tình trạng "sống chung" rất phong phú và ly kỳ giữa người Việt, người Miên, người Hoa, người Ấn trong thời Pháp thuộc, và cả sự tiếp cận với nhiều sắc tộc khác của Đông Nam Á trong cõi Lục tỉnh đó.

Nơi ấy, như tại vùng châu thổ Cửu Long, chẳng ai sợ Tầu như bà con - hay tổ tiên - trên sông Hồng. Nơi ấy, dân Việt tại Đàng Trong là thành phần "quốc tế" nhất. Kể từ đấy, là cũng gần đây, ta mới có "ba miền đất nước".

Đầu Xuân, đọc lại bài "Cảm đề Lịch sử" của Nhượng Tống, chúng ta chợt thấy bàng hoàng!


Ba xứ non sông một dải liền,
Máo đào xương trắng điểm tô nên.
Cơ trời dù đổi trò tang hải,
Mặt đất chưa tàn nghiệp tổ tiên.
Có nước có dân đừng rẻ rúng
Muốn còn muốn sống phải đua chen.
Giật mình nhớ chuyện nghìn năm cũ:
Chiêm-Lạp xưa kia vốn chẳng hèn...


Nhà thơ viết không sai: "Ba xứ non sông một dải liền, Máu đào xương trắng điểm tô nên." Câu thơ kết tinh một cách văn hoa những nỗ lực dựng nước trên ba miền, mỗi miền lại có những gian truân riêng.

Nhưng ngày nay hãy nhìn lại mà xem: nói về cơ sở pháp lý thì với những dấu tích khó chối cãi, dân Chiêm dân Lạp có thể "đòi lại" lãnh thổ của họ mà người Việt đã thôn tính và đồng hóa bằng xương máu của nhiều thế hệ. Dù vậy, chuyện thiên hạ đòi hay chúng ta trả lại thì không thể xảy ra được! "Khôn không qua lẽ, khỏe chẳng qua lời?" Có thể lắm! Nhưng thật ra, yếu tố chính lại là sức mạnh.

Bây giờ, Trung Quốc đang sử dụng sức mạnh đó. Sau khi đã mất đất mất biển, ta nên nhìn các tỉnh miền Bắc giáp giới với Trung Quốc, hoặc cả Hoàng Sa hay Trường Sa trong tinh thần địa dư chính trị này. Và biết sợ, vì nếu mất thì chưa chắc đã đòi được!

Mà hiện thì rất dễ mất. Có khi "mạch đất ĐANG tàn nghiệp tổ tiên..."

***
 
Nhìn lại mệnh nước trong năm Tân Mão như năm nay, ta nên nhớ đến năm Tân Mão 1471.

Nó là một bản lề lịch sử của đất nước thời Hồng Đức, khi Lê Thánh Tông vào kinh đô Chà Bàn (Đồ Bàn) của Chiêm Thành rồi chiếm phân nửa miền Bắc của Vương quốc này, từ đèo Hải Vân vào tỉnh Phú Yên ngày nay. Đó là dấu mốc Nam tiến quan trọng nhất, nó báo hiệu sự suy tàn tất yếu của Chiêm Thành.

Một thời điểm thứ hai là gần trăm năm sau, khi Nguyễn Hoàng... vượt biên mở cõi...

Năm 1558, ông nhờ chị ruột xin với anh rể của ông là Trịnh Kiểm cho đem quân vào giữ đất Thuận Hoá mịt mờ ở trong Nam. Mục đích là để lánh nạn - khỏi bị Trịnh Kiểm hãm hại. Chủ đích là do lời khuyên về địa dư chiến lược của Nguyễn Bỉnh Khiêm: "Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân".

Hậu quả là 230 năm Trịnh-Nguyễn Phân tranh. 

Nhưng kết quả lâu dài là sự bành trướng lãnh thổ của chín đời Chúa Nguyễn, những bậc hào kiệt anh hùng. Việc ấy chấm dứt đúng 300 năm sau, là năm 1858, khi Pháp bắt đầu tấn công nước ta. Nếu không có Pháp, biết đâu chừng sau Thủy Chân Lạp, dân ta đã có thể nuốt luôn cả Lục Chân Lạp, xứ Cao Miên ngày nay!

Ngẫm lại thì khi Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông của Lục tỉnh và nhòm ngó ba tỉnh miền Tây, có lẽ Phan Thanh Giản là người sáng suốt một cách bi thảm: nhượng đất cho Pháp và quyên sinh để tạ tội với một triều đình bất lực. Nhờ đó, đất Nam kỳ trong chế độ thuộc địa của Pháp vẫn còn nguyên Lục tỉnh để năm 1954 lại trở về là lãnh thổ của nước Nam sau thời Pháp thuộc.

Hãy thử tưởng tượng một kịch bản không hoang đường: Pháp tiến hành việc chia để trị, chiêu dụ Cao Miên với món quà là trả lại cho họ ba tỉnh miền Tây của ta. Khu vực này, ta mới chỉ chiếm được chừng trăm năm trước đó thôi! Với thực dân Pháp, toàn cõi Đông Dương có năm "nước", Laos, Cambodge, Tonkin, Annam và Cochinchine, đều ở trong tay họ. Chỉ có bản đồ và hành chánh là thay đổi chút đỉnh: một phần (lớn) của Cochinchine là của nước Cambốt, thuộc Pháp.

Nhớ đến đấy thì ta cũng thấy Cao nguyên Trung phần - nơi có các dự án bauxite đỏ ngòm ngày nay - mới chỉ do Minh Mạng sát nhập năm 1830. Tức là còn nóng hổi. Và... dễ bốc.

Không tin ư?

Vùng Alsace-Lorraine của Pháp bị Đế quốc Đức chiếm năm 1871 và sát nhập đến năm 1918 mới trở về tay Pháp. Rồi lại bị Đức chiếm năm 1940. Ngày nay, thủ phủ Strasbourg là một thành phố của Pháp, một trung tâm hành chánh của Liên hiệp Âu Châu, nhưng đa số đến hơn 86% dân chúng vẫn nói tiếng Đức hơn tiếng Pháp!

Thật ra, những chuyện đổi cột biên giới như vậy là quy luật bình thường, rất dễ gặp, vì chuyện địa dư chính trị. Mà nói chi chuyện Tây, chuyện Đức rất xa xôi của thời xưa?

Tháng Tám năm 2008, Liên bang Nga đã đưa quân... yểm trợ hai khu vực tự trị của Cộng hoà Georgia, là vùng Nam Ossetia và Abkhazia. Thực tế là xâm lăng và chia cắt xứ Georgia. Cả thế giới bàng hoàng, lên án một cách yếu ớt. Rồi lại thôi.

Cũng là địa dư chính trị!

***

Nhìn vào trang sử nước nhà thì chúng ta có các danh nhân Nguyễn Hữu Cảnh, Lê Văn Duyệt hay Trương Minh Giảng, đại công thần triều Nguyễn. Nhưng nếu có mò vào sử Miên, đôi khi ta thấy họ gọi các bậc anh hùng ấy của nước ta là.... giặc vì đã là "khâm sứ" hay "toàn quyền" trên lãnh thổ của họ!

Nhiều danh tướng Trung Quốc cũng có hoàn cảnh "lưỡng diện" đó, như Mã Viện thời Trưng nữ vương hay Lục Dận thời Triệu trinh nương, nếu họ không phơi thây trên đường... Nam tiến cho Thiên triều. Phơi thây? Nhiều lắm, kể ra không hết. Nào chỉ có Hầu Nhân Bảo, Liễu Thăng, Mộc Thạnh hay Toa Đô, Sầm Nghi Đống? Hay Hứa Thế Hanh, Đề đốc Quảng Tây thuộc tộc Hồi ở đất Tứ Xuyên, được Tây Sơn hóa kiếp... thành liệt sĩ Mãn Thanh trong trận Đống Đa năm Kỷ Dậu 1789...

Sau này, có cháu chắt Hứa Thế Hanh là Hứa Thế Hữu, Thượng tướng đầu tiên của Quân đội Trung Quốc thời Mao Trạch Đông, Ủy viên Bộ Chính trị từ 1969 đến 1982. Và Tổng chỉ huy quân xâm lược của Trung Quốc vào năm 1979. Năm đó, ông tướng này hụt mất cơ hội báo thù cho tổ phụ. Nhưng giờ này thì nhiều ông tướng khác của họ đã sẵn sàng.

Nhiều viên chức khác của Bắc Kinh cũng vậy....

***

Không phải là khi người Pháp chiếm nước ta thì mình mới chú ý đến hai yếu tố địa dư trong cái tên Indochine bị dịch sai là "Đông Dương": yếu tố Ấn Độ và Trung Hoa.

Địa dư hình thể của bán đảo Ấn-Hoa này có rặng Trường Sơn là cái đuôi của Hy Mạ Lạp Sơn vươn tới Đông hải. Ở giữa là các đồng bằng, châu thổ của những con sông lớn nhỏ. Trên bán đảo ấy, người ta tiếp nhận cả hai nền văn hoá Ấn Độ và Trung Hoa. Bài địa dư thuở nhỏ dạy rằng Việt Nam là cái bao lơn trông ra Thái bình dương và là vùng giao thoa của hai nền văn hóa Ấn Độ và Trung Hoa.

Quả như vậy, văn hoá Ấn Độ đã vào nước ta từ khá sớm, cùng với Phật giáo, và nay vẫn còn vết tích dưới đáy tầng của Hoàng thành Thăng Long - hèn chi mới bị đảng ta lật đật phủ lấp! Ngay cả khu Văn Miếu, trên mặt đất vẫn còn dấu tích của kiến trúc Ấn Độ, điển hình là ao Văn Trì...

Sau đó, ngàn năm Bắc thuộc đã xóa dần ảnh hưởng Ấn Độ, rồi đưa cả miền Bắc vào quỹ đạo văn hóa độc tôn của Hán tộc.

Sau khi giành lại nền độc lập, qua các đời Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, triều đình và các nho thần đã tự Hán hóa để bảo vệ quyền lực và cao điểm là thời Lê Thánh Tông. Thời ấy, Đại Việt thành cường quốc Đông Nam Á, nhưng là một loại Trung Hoa nối dài, với cách viết, cách học và cách sáng tác hay tổ chức cũng rập khuôn Trung Hoa.

Cơ may giải phóng đã đến qua hai cái mốc vừa nói ở trên, là năm 1471 của Lê Thánh Tông và năm 1558 là khi Nguyễn Hoàng rời đất Thăng Long vàng vọt mà đi mở nước.

Trong 230 năm "nội chiến" giữa hai phe Trịnh-Nguyễn, các Chúa Nguyễn chỉ giữ thế thủ trước bảy lần tấn công của binh đội Lê-Trịnh. Nhưng triệt để mở mang xứ sở và... tái ngộ văn hoá Ấn Độ qua các lân bang tại khu vực Đông Nam Á. Chẳng ngẫu nhiên mà khu vực này lại nằm trên dòng giao lưu buôn bán từ ngàn xưa: cũng vì địa dư hình thể.

Từ ngàn xưa, phân nửa miền Nam của nước ta sau này - cái nửa dưới của chữ S - đã khoắng chân vào Đông hải và tiếp xúc với đủ mọi đợt thương nhân. Cam Ranh hay Hội An là những trạm giao dịch hàng hải vượt xa vùng biển ế ẩm trong Vịnh Bắc Việt.

Nói về địa dư chính trị thì lịch sử nước ta xuất phát từ chau thổ sông Hồng, sông Cả, sông Mã, nhưng tương lai và sự hội nhập với thế giới bên ngoài chính là khu vực Cửu Long.

Cho nên, lần đầu tiên trong lịch sử từ thời độc lập, "Đàng Trong" - một chữ có lẽ phát minh năm 1622 tại... miền Nam - đã bứt khỏi ảnh hưởng Trung Hoa. Không chỉ ra khỏi quỹ đạo Trung Hoa, dân Đàng Trong còn sống và suy nghĩ theo khuôn khổ "quốc tế" vì tiếp xúc và buôn bán bình đẳng với các dân tộc và quốc gia láng giềng trong khu vực, như với Xiêm La, Chân Lạp, Mã Lai Á, Nam Dương quần đảo, thậm chí với cả thương nhân và lái súng phương Tây... Và hoàn toàn không sợ Trung Quốc.

Đấy là thời phiêu lưu hào hùng tương tự như khi dân Mỹ mở mang miền "Viễn Tây" của họ.

Nếu chúng ta cần một bộ sử hữu ích cho Việt Nam trong thế kỷ 21 thì nên có bộ sử về kinh tế, xã hội và bang giao của Đàng Trong, trải qua các thế kỷ từ 17 đến 19. Tìm trong đó sẽ thấy nhiều bổ ích cho hoàn cảnh hiện nay, khi Việt Nam đang muốn hội nhập vào Hiệp hội 10 Quốc gia Đông Nam Á, ASEAN, và ra khỏi quỹ đạo Trung Quốc.

Ngày nay, đặc tính đa nguyên, phóng túng và dung dị của dân Đàng Trong còn đậm nét trong Nam. Vương Hồng Sển có ghi được một phần nào trong các tác phẩm của ông. Sau "Phủ Biên Tạp Lục" của Lê Quý Đôn vào thời Lê mạt thì cuốn "Lịch sử Nội chiến ở Việt Nam" của Tạ Chí Đại Trường cho ta cái nhìn của sử gia về khung cảnh kỳ lạ đó.

Ngẫm lại thì nếu Quang Trung Nguyễn Huệ không kẹt ông anh là Thái Đức Nguyễn Nhạc ở Quy Nhơn mà vào làm chủ được Gia Định, có lẽ sự tình Đông Nam Á cũng đã có thể khác. Tai họa xảy ra là khi Hoàng đế Gia Long thống nhất đất nước sau thời Nội chiến thì ông trở lại chế độ "tự Hán hóa" của thời Lê nhằm củng cố vương triều của ông.

Tệ hơn nữa, rập khuôn Mãn Thanh, bộ Hoàng triều Luật lệ đời Gia Long còn hẹp hòi lạc hậu hơn bộ luật Hồng Đức xuất hiện trước đó mấy thế kỷ. Từ đấy, cả Đàng Ngoài lẫn Đàng Trong đều bị đóng khung cứng ngắc, làm xã hội lụn bại dần. Triều đình còn mất hẳn phản ứng đã có trong bộ luật Hồng Đức là phải xây dựng khả năng chủ động đối phó với ngoại xâm.

Sáu mươi năm sau khi Gia Long thống nhất sơn hà năm 1802 thì xã tắc bị ngoại xâm. Lần này là từ Pháp, vào bằng biển Đông. Hai chục năm sau đó là dân ta bắt đầu mất chủ quyền...

Để vùng thoát thì từ thời chống Pháp của triều Tự Đức qua thời kháng Pháp của thế kỷ 20, nhiều lãnh tụ Việt Nam lại... nhìn lên phương Bắc. Mượn quân Tầu để đánh quân Tây trên đất Việt. Chúng ta vẫn chưa ra khỏi không gian chỉ có hai chiều Nam-Bắc. Sau này, miền Bắc cộng sản mà đòi "chống Mỹ cứu nước" thì cũng áp dụng chiến lược cũ, với bài bản mới, của Trung Cộng. Và mở đường Nam tiến cho Thiên triều đỏ.

Kết quả là ngày nay....

***

Địa dư chính trị, hay cái mệnh nước, xuất phát trước tiên từ một lẽ... trời cho, là địa dư.

Địa dư hình thể Trung Quốc khiến cường quốc này không thể bành trướng ra ngoài bằng đường bộ được. Từ dẫy Hy Mã Lạp Sơn đầy hiểm trở qua các vùng thảo nguyên hay sa mạc hoang vu phía Tây phía Bắc, xứ này chỉ có thể thủ hơn là công: dựng Vạn lý Trường thành và lập đồn điền bảo vệ các phiên trấn, là ngăn ngừa dị tộc vào làm chủ Trung Nguyên.

Bộ binh của họ chỉ còn hai ngả tiến quân mà thôi. Từ Mãn Châu qua bán đảo Triều Tiên lạnh lẽo ở vùng Đông Bắc để bơi qua Nhật Bản, chuyện đã làm mà không thành. Ngả thứ hai là từ Lưỡng Quảng và Vân Nam vào Bắc Việt. Chuyện đã làm rất nhiều lần từ hai ngàn năm nay. Lần cuối là vào năm 1979.

Vì vậy, mượn quân Tầu ở gần để đánh Tây đánh Mỹ ở xa là một cách tự sát chậm rãi. Chỉ vì nghĩa vụ xã hội chủ nghĩa? Hay vì tinh thần Hán thuộc trong xương tủy?

Nhìn vậy, ta hiểu ngay là khi lãnh đạo Bắc Kinh rủ rê Hà Nội xây dựng các đặc khu kinh tế giáp biên với tỉnh Vân Nam, Quảng Tây, hoặc thuê rừng dài hạn, hoặc khai thác các dự án  baxite mờ ám tại xương sống Tây nguyên của Việt Nam, họ chỉ nương theo quy luật địa dư chính trị.

Thật ra, Trung Quốc chẳng sáng tạo ra điều gì!

Lãnh đạo của họ chỉ áp dụng bài bản khôn ngoan của các Chúa Nguyễn ở Đàng Trong, với những tay phiêu lưu gốc Hoa, như Mạc Cửu hay Dương Ngạn Địch, để buôn bán với Chân Lạp, mặc cả với Xiêm La. Trước là mua bán, sau là mua chuộc, là nhổ cọc biên giới, là lấn đất giành dân, là sinh con đẻ cái. Rồi dần dần đồng hóa vùng phiên trấn đó làm lãnh thổ của mình....

Cái mệnh nước của ta là như vậy. Còn lại là lòng dân.

Chiêm Thành hay Chân Lạp xưa kia vốn chẳng hèn. Nhượng Tống nhắc như vậy thật không sai, vì các Đế quốc Chàm hay Đế quốc Khmer từng là đại cường Đông Nam Á trước khi bị xẻ thịt. Việt Nam cũng thế, từng là đại cường Đông Nam Á, đã ba lần chiến thắng Nguyên Mông, đã đánh bại các "đế quốc đầu sỏ" như Nhật, Pháp, Mỹ, v.v...

Và nay đang bị Trung Quốc nuốt chửng từng phần, với sự ân cần hợp tác của một chế độ bị Hán hóa nhiều nhất, ở tại Hà Nội.

Từ ngàn xưa rồi, lòng dân không muốn tự Hán hóa mà cũng chẳng quy hàng theo triều đình. Lần này, lòng dân nghĩ sao, muốn gì? Lòng dân muốn gì khi thế giới đang có những thay đổi lớn vì quốc gia nào cũng nhìn thấy quy luật địa dư chính trị trong đà bành trướng của Trung Quốc và chuẩn bị phản ứng.

Lòng dân muốn gì khi Ấn Độ đã tăng cường hợp tác với Việt Nam, song song cùng Nhật Bản, trong cái thế rõ ràng là để ngăn ngừa Trung Quốc? Lòng dân muốn gì khi Liên bang Nga lại trở về thăm viếng Cam Ranh? Lòng dân muốn gì khi Hoa Kỳ xác định vai trò chiến lược của mình tại Á châu Thái bình dương? Lòng dân muốn gì khi các nước ASEAN đang cân nhắc lại về mối quan hệ đầy hiểm nguy với Trung Quốc? Có quốc gia nào trong số đó lại muốn chiếm đóng Việt Nam không?

Năm Canh Dần đã qua là một năm rất dữ. Hãy nhìn vào năm Mão với niềm hy vọng về một sự giác ngộ của Việt Nam. Trước khi quá trễ....


Triệu Châu

http://lotus-revolution.blogspot.com/2011/02/viet-nam-nam-mao-nuoc-long-dan-trieu.html


Người Quốc Gia là những người đặt Tổ Quốc lên bản vị tối cao, tối cao có nghĩa là trên tất cả mọi vật, kể cả tôn giáo, đảng phái, và cả chính bản thân mình.


No comments:

Post a Comment