Thursday, February 3, 2011

Phó thường dân (6): Bình vôi - Bái vật - Bà đồng

Phó thường dân (6): Bình vôi - Bái vật - Bà đồng

Vietsoul:21

(tiếp theo kỳ trước: (1) Anh tám hồ hởi(2) Nôị-thực-dân(3) Sợ(4) Kỳ đà – cắc ké – kỳ nhông(5) Con dân – con cá – cò mồi)

Thời gian trôi qua hơn 35 năm tôi mới dám nghĩ lại đến phận đời phó thường dân của mình. Chuyện cũ, chuyện mới, chuyện ngắn, chuyện dài, chuyện bên ni, bên nớ.

Bình vôi

Đầu năm mới phó thường dân tôi rảnh rỗi chẳng có việc gì làm nên bắt chước các nhà văn nho xưa tập tành khai bút đầu xuân. Tết nhất nên trong đầu phó thường dân tôi chỉ đặc kín bánh chưng, bánh tét, dưa món, củ kiệu, thịt đông, dưa hành, chè kho, và những món mứt. Thảo nào ngồi mạy mọ mãi chẳng ra chữ nào!

Không rặn ra một chữ nên phó thường dân tôi bỏ giấy bút sang một bên, ngồi gác chân rồi bò càng đọc sách mong chờ sẽ tìm ra nguồn cảm hứng. Ngờ đâu khi đi tìm những bài viết, truyện kể về mùa xuân thì gặp được một tài liệu khá thú vị.

Cũng vào muà xuân năm ấy, cách đây tròn 55 năm, một số nhà văn và trí thức Bắc Hà quần tụ với nhau và cho ra đời hai đặc san có tên là Nhân Văn – Giai Phẩm. Chắc hẳn ai đã sống lớn lên vào thời đó hay tìm tòi nghiên cứu thì vẫn nhớ hoặc nghe bàn về chuyện sóng gió sau khi hai đặc san ấy chào đời. Cuộc bể dâu đã giáng xuống nhiều người – không chỉ những người thai nghén, trực tiếp tham gia xuất bản mà cả những ai gián tiếp và không ít người chẳng liên quan gì đến hai tác phẩm này. Năm ấy, năm Bính Thân, là năm con khỉ nên sau đó rất nhiều chuyện khỉ xảy ra.

Giai Phẩm Mùa Xuân được ấn hành nhân dịp Tết nguyên đán năm Bính Thân 1956. Những số tiếp theo sau đó là Giai Phẩm Mùa Thu 1-2-3, và Giai Phẩm Mùa Đông. Bên cạnh tác phẩm (bài thơ) "Nhất định thắng" nổi bật "có vấn đề" nhất của Trần Dần là bài thơ Bình Vôi ngắn gọn súc tích của nhà thơ Lê Đạt.

Bài thơ "Nhất định thắng" được truyền miệng, rỉ tai vào tận cả các vùng hẻo lánh miền Trung. Thập niên trước 75 thì phó thường dân "Bắc di cư" chúng tôi đang học trung học phổ thông cũng đã được nghe được những câu thơ ấn tượng: "Tôi bước đi, không thấy phố, không thấy nhà.Chỉ thấy mưa sa, trên màu cờ đỏ."

Chỉ đến mãi sau này khi thời đại "mạng" rộng mở, nhất là khi diễn đàn talawas đăng loạt bài khảo cứu chuyên đề Nhân Văn – Giai Phẩm, thì phó thường dân chúng tôi mới biết đến bài thơ Bình Vôi:

"Những kiếp người sống lâu trăm tuổi
Y như một cái bình vôi
Càng sống càng tồi
Càng sống càng bé lại.
"

Nhà thơ Lê Đạt đã dùng hình tượng bình vôi như một ẩn dụ. Ông ám chỉ và phê phán tệ nạn sùng bái cá nhân lãnh tụ. Tệ nạn này tương tự với với hiện tượng văn hóa thờ ông bình vôi ở miền Bắc và miền Trung.

Theo tục này, những bình vôi hoặc lâu cũ, hoặc vỡ mẻ không còn dùng được nữa thì được đem ra đặt ở gốc cây cổ thụ, cây đa để thờ. Riêng phó thường dân tôi cũng chưa từng thấy hoặc nghe ai trực tiếp bình về tục thờ ông bình vôi này dù định cư ở miền Trung. Bây giờ không biết tập tục này còn hay mất nữa?

Chủ nghĩa cộng sản cũng giống như cái bình vôi thôi. Sau một thời gian dài hơn bẩy thập niên đem ứng dụng ở thành trì cách mạng Liên Bang Sô Viết và hơn 40 năm áp đặt ở Đông Âu, thì người ta đã thất vọng khi nghiệm được rằng nó không khác gì hơn là một chủ nghĩa không tưởng, vô nhân.

Vậy là những người dân sống trong các nước cộng sản Liên Sô và Đông Âu cuối cùng cũng không sống nổi với chủ nghĩa cộng sản. Họ quyết định làm cuộc cách mạng phá vỡ độc tài chuyên chính để xây dựng đất nước tự do, dân chủ. Họ đã tự vạch ra và lên án những tội ác của CS cho mọi người trên thế giới để tránh khỏi hậu họa về sau.

Thế nhưng ở nước Việt Nam ta thì lại khác. Cái bình vôi "thời kỳ quá độ chủ nghĩa xã hội" tiến lên "thiên đường cộng sản" đã bị đa số mọi người vất bỏ vào thùng rác của lịch sử thì lại được đảng CSVN trịnh trọng đem ra gốc cây đa của đảng và lập bàn thờ tổ quốc để vái thờ. Đây là một hành động cực kỳ phản động: hoàn toàn đi ngược với cao trào tiến bộ của nhân loại, làm kỳ đà cản mũi cản trở tiến trình phát triển xã hội của đất nước VN, và tự tách biệt mình ra khỏi cộng đồng thế giới. Đó là tội lỗi mà không tiền nhân và hậu thế nào có thể tha thứ được.

Phó thường dân tôi cảm thấy ngại ngùng khi sử dụng từ "nô lệ", "ăn mày" để gán cho tập đoàn tội phạm Bộ Chính Trị, Trung Ương Đảng CSVN. Bởi lẽ sự có mặt người nô lệ và ăn mày thì chủ yếu là do ngoại cảnh của áp bức và bất công xã hội bắt buộc họ phải kẹt nằm ở vị thế đó. Còn tập đoàn này thì hồ hởi tự nguyện làm nô lệ và ăn mày. Nô lệ cho chủ thuyết ngoại lai và ăn mày với dĩ vãng "bách chiến bách thắng" (ăn cắp) từ những mồ hôi nước mắt hy sinh xương máu của toàn dân và dân tộc.

Chủ nghĩa Cộng sản là bình vôi quá cũ, mẻ vỡ lại được tôn thờ để mụ mị thiên hạ. Đảng CSVN là kẻ lừa đảo đánh tráo "dân tộc" với "xã hội chủ nghĩa". Không gì hùng hồn hơn để lột trần sự lừa đảo trắng trợn đó bằng lời tuyên cáo của Luật sư Cù Huy Hà Vũ qua các phương tiện thông tin đại chúng khẳng định " … người Việt Nam chỉ có một Tổ Quốc là Việt Nam. Chủ nghĩa xã hội không phải là Tổ Quốc của người Việt Nam."[1]


Bái vật

Bình vôi là một bái vật được thờ cúng bởi tập tục người Việt Nam xưa. Cây đa với tàn lá xum xuê, với rễ to lớn che mát ban ngày và âm u ban đêm nên tạo ấn tượng huyền bí, uy nghi. Vì lẽ đó dễ làm con người, nhất là những ai yếu bóng vía, trở nên sợ và phải cúng thờ để được thần thánh bảo vệ cũng như tránh bị quở phạt. Ngoài bình vôi còn vô số các hình tượng và vật dụng khác được thờ cúng sử dụng làm bái vật. Tựu chung thì người ta cảm nhận cái "thiêng" trong bái vật đó.

Đảng CSVN đã cổ súy chủ thuyết vô thần, đả phá các tập tục truyền thống, đập phá đền, chùa, nhà thờ và hủy hoại các di tích lịch sử nào chúng đánh giá là không phục vụ cho chủ nghĩa cộng sản của họ. Thay vào đó họ sử dụng hình tượng búa liềm và đặt để các ông Mác, Nin, Hồ làm bái vật rồi bắt buộc toàn dân phải (tôn) thờ.

Cả mấy thế hệ đã bị tẩy não, nhồi sọ, ép buộc trong sợ hãi để tôn thờ những bái vật đó. Ở đâu cũng có những bái vật đó được trưng bày trịnh trọng. Rất nhiều nơi trong và ngoài nước hình tượng Hồ phải ngang hàng với bàn thờ Phật và Tổ Tiên. Từ nhà trẻ, nhà trường, công sở, đầu đường, xó chợ nào cũng có những bái vật này. Thêm vào đó các loa phường, các làn sóng (kênh) truyền hình hàng ngày ra rả ngợi ca xướng tụng tôn vinh các bái vật đó.

Sang đến thời kinh tế thị trường mở cửa hiện nay thì Đảng CSVN vẫn tiếp tục thòng cái đuôi "xã hội chủ nghĩa" sử dụng bái vật lở loét biến dạng này làm bùa hộ mạng. Dù không còn có một người dân nào tin hoặc hiểu nổi cái "quá độ chủ nghĩa xã hội" này là cái quái gì nhưng Đảng CSVN cứ bất chấp và ép buộc.

Ở Việt Nam, không một trường nào sản xuất nhiều "tiến sĩ" bằng trường Chính trị đảng Nguyễn Ái Quốc. Những ai học tốt nghiệp thầy mo cho bái vật này thì được phong vị "Tiến sĩ Chính trị học", kiểu chương trình "Bồi dưỡng Lý luận Mác – Lê Nin" hoặc "Xây dựng Đảng" theo hệ "tại chức".

Nói thế nhưng thật ra cái bình vôi "Chủ Nghĩa Xã Hội" là một bái vật giả. Bái vật thực sự được tôn thờ hiện nay là đồng Đô-la. Tư bản đỏ của (tập đoàn) Đảng (mafia) CSVN bề ngoài thì tôn thờ cái bình vôi CNXH nhưng bên trong thì bọn chúng lại suy tôn và vơ vét bái vật mới tích trữ cho bản thân, gia đình và đồng bọn. Ai còn lạ gì vô số chuyện "con ông cháu cha", "con cháu các cụ" sử dụng bái vật này để ăn chơi trác táng, phung phí như thế nào.

Đem một bái vật để thờ trong phạm vi cá nhân thì không gì đáng ngại lắm. Khi bái vật đó được dùng để mê hoặc hay rủ rê thuyết phục người khác tham gia thì đã có vấn đề. Đáng ngại nhất là khi nào toàn bộ tập thể dân chúng bị ép buộc và tẩy não để tôn thờ một bái vật. Đấy trở thành một quốc nạn.

 

Bà đồng

Ngày xưa mẹ tôi có dắt phó thường dân tôi đi xem một buổi lên đồng. Khi đến đền thì tôi thấy rất đông người, chật như nêm với khối đứa trẻ con. Tôi nghe chiêng trống, thấy áo mũ, mâm quả mọi người chộn rộn, chờ bà lên đồng. Đám trẻ con chúng tôi thì nào biết chuyện linh thiêng, thần thánh. Chỉ thấp thỏm chờ đợi cho xong để được phát lộc có oản, có bánh ăn mà chẳng phải làm gì. Đó là ngày xưa. Bây giờ thì sao nhỉ?

Phong trào "đồng bóng" ở thời cửu vạn, ô sin ngày nay xem ra đang trở thành "mốt" có vẻ rất thịnh hành. Những người muốn đạt được quyền lợi và danh vọng luôn mong được "thần thánh" siêu hình tạo thuận lợi cho mình.

Theo một phóng sự thì "Lao vào thế giới đó, ngoài những người làm ăn buôn bán, còn có cả những người được gọi là trí thức, thậm chí, có cả những người đang nắm quyền chức ở bộ nọ, ngành kia…" và trong danh sách của một cậu đồng thì "Danh hiệu đứng đầu thuộc về một quan chức của ngành hàng không tên Đ. Mỗi lần mở phủ chỉ tính khách thôi thì mỗi người cũng đã được chiếu lộc không dưới bạc triệu/người. Ngoài ra còn tiền bồi dưỡng cho thầy đồng và đoàn hát văn."[2]

Muốn giữ được quyền chức họ cần có thêm sức lực "cõi âm" phù trợ thêm. Đảng CSVN cầm quyền cũng muốn như thế. Miệng họ tuy lúc nào cũng bô bô "duy vật biện chứng" nhưng lại rất "mê tín" vào bái vật, bà đồng. Một lần phó thường dân tôi tình cờ gặp được Thầy Ba ở miền Trung đã khoe khoang với mảnh bằng khen lộng kiếng và thiệp chúc Tết của chủ tịch nước Trần Đức Lương vì giúp ông này phát tài bằng múa võ lên đồng và xử dụng bùa chú ngãi thiêng.

Trong buổi hầu đồng mở phủ lần thứ XI tại Hà Nội vừa qua, "cô" cậu Bộ chính trị (BCT) đã lên cơn, đổi suất hết nhập vong Mác, vong Nin, đến vong Hồ. "" lẩm nhẩm khấn bằng tiếng "mọi" và phán những là "thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội" và "hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa". Còn mọi người tham dự thì xuýt xoa van lạy hầu mong được hưởng (bổng) lộc.

Đối với những tư nhân muốn có được một buổi hầu đồng trang trọng thì thân chủ phải bỏ ra bao nhiêu tiền mua mã, sắm lễ, trang bị quần áo, thuê phường hát văn. Nhưng trong các buổi hầu đồng hoành tráng của Đảng CSVN thì khổ chủ chính là nhân dân Việt Nam. Nếu trong lúc nhảy múa thì đồng cô đồng cậu phát lộc cho khách dự thì tương tự có bao nhiêu (bổng) "lộc" cậu đồng BCT đã đem ra chia chác cho những đại biểu tham dự. Nhân dân ta cứ è cổ, còng lưng nộp "thóc" (tiền) cho cậu.

Trong mỗi buổi hầu đồng mở phủ thì đoàn hát chầu văn cũng rất quan trọng. Muốn có một buổi nhảy đồng lôi cuốn mê hoặc thì không thể thiếu được đoàn hát văn với đầy đủ nhạc cụ: đàn, sáo, trống, nhị. Theo phóng sự "Tham gia trong buổi hầu đồng này, toàn là những nghệ sỹ chơi nhạc cụ dân tộc xuất sắc của các đoàn nghệ thuật truyền thống có tiếng của Trung ương, và người chỉ huy hát văn cũng là một nghệ nhân mà cách đây mấy năm đã đoạt giải cao trong cuộc thi hát văn toàn quốc. Nghệ nhân này vừa làm người hát vừa là pháp sư tuyên sớ."[3] Bên cạnh đó thì cũng có thủ nhang, đồng đền, thủ anh, lính chị xun xoe phụ hầu.

Chắc mọi người chưa quên màn xuất sắc trước buổi hầu đồng XI vừa qua. Thủ anh Đinh Thế Huynh—Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam—tuyên sớ "Ở Việt Nam không có nhu cầu đa nguyên, đa đảng và dứt khoát không đa nguyên đa đảng."

Chưa dứt, mới đây cái phèng la (Đông La) đồng thau của Hội Nhà Văn một mặt thì bôi nhọ Cù Huy Hà Vũ[4], mặt khác gài khung (framing)[5] để hướng dẫn dư luận trước khi nhà nước truy tố CHHV. Cái phèng la này đon đả tiếp thị lý(hý) luận với trích dẫn lời Tây (đa) để tuyên sớ nhất nhật phủ nhận bầu cử dân chủ trực tiếp và nhu cầu đa đảng:

Tiến trình dân chủ và tự do trong một nước tùy thuộc rất nhiều yếu tố xã hội, không thể nhập cảng từ ngoài vào. Yếu tố chính là trình độ dân trí. Trong cuốn "Bàn Về Tự Do" (On Liberty, 1859), John Stuart Mill có viết: "Giáo dục phổ quát phải đi trước quyền công dân, đặc biệt là quyền bỏ phiếu phổ quát" [Universal teaching must precede universal enfranchise ement (sic recte enfranchisement)], và "Tự do chỉ có thể trở thành hiện thực trong một cộng đồng văn minh [sic]"…

Thiệt tình, anh thủ nhang này vớ được một câu tưởng là đắt giá "ăn tiền" để bảo kê cho luận điểm của mình nhưng anh chỉ biết một mà không biết hơn. Ai đời một câu nói từ đời tám hoánh nào, về một xã hội gần hai thế kỷ trước mà đem nói chuyện thời nay. Sao không trích dẫn luôn câu "Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung" (Vua xử tôi chết, tôi không chết là không trung thành) cho nó đủ bộ Đông-Tây kim cổ hài hoà?

Không cần nghe chi kỹ cũng nhận ra tiếng phèng la này là lý luận con trời. Loại lý luận của thực dân, của nhóm phân biệt chủng tộc (người da đen không được đi bầu vì không đủ trí thông minh), của những người phân biệt giới tính (phụ nữ không được đi bầu vì họ chỉ quanh quẩn nội trợ phục vụ cho các ông) để đưa cá nhân mình lên trong cùng lúc loại bỏ quyền phổ quát của những người khác.

Có phải ông Đông La cho rằng nhân dân VN là đám ngu dân, chưa thể thực hiện quyền công dân của mình. Giời ơi là giời! ngu ơi là ngu, đến bao giờ đây hở giời? Hóa ra hơn 65 năm dưới chế độ XHCN thì hệ thống giáo dục "siêu việt" chỉ tạo dựng được những ngu dân hay sao? Nếu vậy thì càng phải lật đổ cái đảng CSVN đã và đang ngu dân hoá và nô lệ hóa đồng bào.

Bọn thực dân Pháp đã từng xem người thuộc địa An Nam là đám ngu dân cần khai hoá để cai trị dân bản xứ. Ông cũng muốn (làm "cai thầu văn hoá nô dịch ") theo đám nội-thực-dân, Đảng CSVN, để tiếp tục cai trị? Hay ông tự nhận mình là ngu dân không đủ "trí tuệ" để được vào trong đám thiểu số "đỉnh cao trí tuệ" tự bầu bán với nhau, ăn chia bổng lộc.

Những bình vôi mẻ vỡ thì phải vất đi. Các bái vật mê muội cần đem quẳng bỏ. Người dân Việt Nam quyết không nộp "thóc" hầu đồng (Đảng) CS.

Nhân dân Tunisia, Egypt, Jordan đang vượt qua sợ hãi tự vùng lên đòi lại quyền công dân chấm dứt tôn thờ các bình vôi bái vật của chế độ độc tài.

Đã đến lúc xá hầu, chấm dứt chế độ độc tài Cộng Sản trên đất nước Việt Nam.

© 2010 Vietsoul:21

http://vietsoul21.net/2011/02/03/pho-thuong-dan-6/

Chú Thích:

[1] Quan điểm của tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ gửi tới báo chí trong và ngoài nước, Dân luận

[2] Lạc vào thế giới hầu đồng, Việt báo

[3] cùng nguồn 2

[4] Một sự thật khác về Cù Huy Hà Vũ, Đông La

[5] Framing, a term used in media studies, sociology and psychology, refers to the social construction of a social phenomenon by mass media sources or specific political or social movements or organizations. It is an inevitable process of selective influence over the individual's perception of the meanings attributed to words or phrases. A frame defines the packaging of an element of rhetoric in such a way as to encourage certain interpretations and to discourage others.



Người Quốc Gia là những người đặt Tổ Quốc lên bản vị tối cao, tối cao có nghĩa là trên tất cả mọi vật, kể cả tôn giáo, đảng phái, và cả chính bản thân mình.


No comments:

Post a Comment