Friday, December 31, 2010

Người Tỵ nạn và đời sống chính trị

Người Tỵ nạn và đời sống chính trị
Đinh Lâm Thanh

  

Đã là người bỏ nước ra đi vì không chấp nhận chế độ cộng sản, vậy, sau khi thành công ở nước ngoài thì đừng bao giờ vô tình hay cố ý tuyên truyền rằng vấn đề chính trị không liên quan gì đến cuộc sống thường nhật của người Việt Quốc Gia hải ngoại.

Xin ghi nhớ một điều, thân phận của chúng ta là người tỵ nạn, tạm thời bỏ xứ ra đi thì phải có bổn phận giành lại đất nước và một ngày nào đó trở về xây dựng quê hương. Nhưng gần đây người ta thường nghe câu 'tôi không làm chính trị', phát ra từ miệng của những cá nhân mà trước đây bỏ nước ra đi vì lý do kinh tế, trong đó đa số 'ba Tàu' Chợ Lớn và thành phần chợ trời ăn nên làm ra nhờ lừa bịp tổ chức vượt biên hoặc gạt vợ giựt chồng người khác rồi ôm vàng trốn ra biển. 


Còn một vấn đề tệ hơn nữa, trong mấy năm vừa qua,(xin bấm vào hình để xem toàn bài) nhiều hội thân hữu đồng hương, những tổ chức nghệ thuật, văn hóa cũng như ngay cả vài tổ chức cựu quân nhân, cảnh sát…công khai xác định lập trường không làm chính trị…mà cá nhân tôi đã ghi nhận được trong một dịp thuyết trình tại Paris. Thật ra, chuyện nầy không lạ, nếu nói riêng thành phần tỵ nạn kinh tế, ra đi vì 'bao tử' thì một khi đã no cơm ấm áo, họ lộ nguyên hình là những khối thịt biết đi mà cuộc đời chỉ biết đôi đũa, chiếc giường và dollar…


Nhưng điều ngạc nhiên là chính thành phần cựu quân-cán-chính của VNCH, đã đi tù nhiều năm mà còn cổ võ cho âm mưu không làm chính trị của cộng sản, thì đây là một điều làm đau lòng nhiều người. Những hạng người nầy, trước miếng ăn và chút danh hão, họ sẵn sàng cúi đầu làm tay sai cho cộng sản. Chúng ta không lạ khi họ gập mình trước mặt kẻ thù để van xin ân huệ mỗi khi chui vào tòa đại sứ hay có dịp huênh hoang áo gấm về làng. Như vậy, nói chuyện tranh đấu nhân quyền, dân chủ cho quốc gia dân tộc với thành phần nầy thì không lợi ích và cũng chẳng thú vị gì !


Vậy, việc trước tiên xin hiểu danh từ 'chính trị' một cách thật rộng rãi và bao quát. Đừng gò bó trong một nghĩa hạn hẹp rằng, chính trị chỉ đơn giản chung quanh những hành động hội họp, xuống đường, tranh đấu, biểu tình ủng hộ, chống đối…như một số người vẫn suy nghĩ và nhầm lẫn từ trước đến nay. Thật vậy, nếu biết nhìn và suy nghĩ một cách chính xác, chúng ta sẽ thấy rằng, không ít thì nhiều, những hoạt động chính trị lúc nào cũng gắn liền với cuộc sống. Nếu xét từ tư tưởng đến hành động chúng ta có thể hiểu một cách rộng rãi hai khía cạnh chính trị qua phân loại theo thiển ý của người viết: 


A. Tư tưởng chính trị, hành động chính trị trong mỗi cá nhân và của mỗi con người : 


Nếu người nào biết suy nghĩ và có tinh thần cầu tiến thì phải ý thức về cuộc sống, biết tìm và thực hiện cho cá nhân, gia đình cũng như xã hội những điều hay lẽ phải, biết giáo dục con cái, biết tránh dữ làm lành, biết bất bình trước cảnh chướng tai gai mắt, biết bỏ thói xấu và thực tâm muốn sửa đổi tệ đoan xã hội … thì đây chính là những suy nghĩ của một người có tư tưởng chính trị. 

Nhưng tùy theo trình độ giáo dục, khả năng, kiến thức, vị trí, hoàn cảnh và môi trường sinh sống của từng cá nhân, các tư tưởng trên được phát triển nhiều hay ít để có thể xếp vào họ thành phần tiêu cực hay tích cực trong tư tưởng. Nếu tiêu cực thì tư tưởng chính trị trước sau gì cũng bị xoi mòn và mai một trước một xã hội phát triển đầy năng động. Và một khi đầu óc trở thành khối đá, họ tự động rút vào bóng tối và sống yên phận, rồi trước sau gì tư tưởng tiêu cực cũng đi từ chỗ mặc cảm đến chủ bại…


Trường hợp tích cực, tư tưởng chính trị sẽ bộc phát thành hành động và hành động nầy giúp con người bước vào lãnh vực thuần túy tranh đấu hay tham gia làm chính trị. Như vậy có thể tạm thời kết luận, hành động chính trị của mỗi người là do kết quả bộc phát của tư tưởng tích cực để biến thành người tranh đấu vô vị lợi hay một nhà chính trị với hậu ý của họ. Đến đây xin nói thêm, người làm chính trị có thể tốt hoặc xấu tùy theo mục đích và con đuờng theo đuổi của họ : 


Trường hợp xấu, người làm chính trị thường dùng đường tắt với âm mưu lợi ích cho cá nhân, họ không nhìn thấy và bất chấp khả năng yếu kém cũng như liêm sỉ thiếu sót của mình để bằng mọi cách bám lấy quyền lực, dù là quyền lực ảo. 


Thành phần nầy cố chấp và chường mặt ra tranh giành chức vụ lãnh đạo đoàn thể, quấy động môi trường chính trị bằng những trò múa rối và hung hăng của những người thiếu văn hóa. Trong số nầy không quên nhắc đến một vài người tự đánh bóng cá nhân mình bằng những 'huyền thoại không tưởng' nhằm mưu đồ vật chất cũng như tìm chỗ đứng chính trị một cách rẻ tiền. 


Nhóm nầy chiêu dụ dưới tay những người thiếu khả năng, với hàng chục nick name trên các diễn đàn để tung hô vái lạy chủ, đồng thời dùng thói côn đồ lớn tiếng chụp mũ, chưởi thuê chém mướn bất cứ ai không đồng quan điểm với chúng. Chính thành phần lợi dụng chính trị bằng hình thức ấu trĩ và ma giáo nầy đã làm mất niềm tin của đại đa số người Việt Quốc Gia thầm lặng. 


Trường hợp tốt, như một số nhân vật có tinh thần tại hải ngoại nhưng lại gặp phải trở ngại bởi những chiến trường chính trị bát nháo, do một số nhân vật thiếu khả năng cũng như đức độ và những tên cò mồi do cộng sản dàn dựng ra để phá cộng đồng theo nghị quyết 36 của chúng. Thực vậy, hình ảnh sinh hoạt chính trị hải ngoại hiện nay, một phần nào đang bị kẻ thù lũng đoạn, đã tạo cho cộng đồng cũng như người địa phương nhiều ấn tượng không đẹp mắt. 


Họ xem đây như võ trường dành cho số người đã có quá khứ không trong sạch cũng như thành phần bất tài đón gió mới nổi lên múa gậy vườn hoang. Vậy những người có đức độ và khả năng vẫn còn ẩn mình từ trước đến nay trong bóng tối, xin hãy xuất hiện vì thời điểm đã đến, đừng để vuột mất những cơ hội ngàn vàng mà chúng ta có thể đánh đổ chế độ cộng sản như trong thời gian qua. 


Tóm lại bất cứ ai, nhất là những người đã bỏ nước ra đi đều mang sẵn trong đầu một tư tưởng chính trị là không chấp nhân chế độ cộng sản, mơ ước một ngày giải phóng quê hương và quay trở về xây dựng đất nước. Như vậy người Việt Quốc Gia không thể đứng ngoài sinh hoạt chính trị của cộng đồng, mà cần tích cực đóng góp công sức mình vào một trong hai lãnh vực : Thuần túy tranh đấu hay xuất thân làm chính trị.


B. Sự khác biệt giữa người tranh đấu và người làm chính trị: 


Hành động chính trị được thể hiện dưới hai góc cạnh : Thuần túy tranh đấu hay tham gia chính trị. Tuy hai lãnh vực có vẽ liên hệ và bổ túc lẫn nhau, nhưng mục đích và thành quả cuối cùng của các hoạt động nầy hoàn toàn khác biệt. Vấn đề then chốt để phân biệt người tranh đấu thuần túy với người ra làm chính trị, là một khi tranh đấu thành công, người làm chính trị sẽ tham gia vào quyền lực góp phần lãnh đạo đất nước và không quên đòi hỏi ân huệ cho gia đình 'ngựa chàng đi trước, võng nàng theo sau'. Nhưng với người thuần túy tranh đấu, họ sẽ lui về ở ẩn với thú điền viên như một người dân bình thường trong xã hội.

Tranh đấu thuần túy: Là một hành động chính trị, nhưng người đi tranh đấu không mưu đồ, không hậu ý cho quyền lợi cá nhân cũng như gia đình. Người tranh đấu chỉ biết làm theo tiếng gọi của trái tim, khối óc và lương tâm…nhằm đem quyền lợi cho tập thể, xã hội cũng như quốc gia dân tộc. Người đi tranh đấu không chủ trương bè nhóm, không mục đích xin phiếu cữ tri, không cần chức vụ trong các tập thể và cũng không màng đến lợi danh cho mục đích riêng tư cũng như phần thưởng vật chất cho ngày sau. 


Người tranh đấu làm theo tiếng nói của lương tri và chấp nhận tất cả rủi ro cũng như hiểu lầm, thù oán của các thành phần cộng sản và tay sai đang âm mưu phá hoại cộng đồng. Người tranh đấu không cần phải môi miếng, giữ kẻ hoặc áp dụng phương pháp ngoại giao để ve vuốt nịnh bợ kẻ thù, không cần lấy lòng bất cứ một ai…


Do đó người tranh đấu thường thẳng thắng trong lời nói cũng như việc làm, không ngại ngùng sợ sệt trước các thách đố và hăm dọa. Có thể nói, người tranh đấu thuần túy là người đi đường thẳng, không lừa bịp, không mị người, không nịnh bợ và không thể bị mua chuộc bởi bất cứ một thế lực nào cũng như lãnh vực nào.…mà chỉ biết đứng thẳng người, hiên ngang tranh đấu để góp phần trong việc giải thể chế độ cộng sản. 


Tóm lại đa số người Việt Quốc Gia đều là những người đứng dưới lá Cờ Vàng và đóng góp hoạt động tranh đấu của họ bằng sự nhiệt tình cũng như vô vị lợi. Từ những công việc nho nhỏ như tiếp tay truyền thông bằng cách theo dõi tình hình trong nước cũng như hải ngoại rồi chọn lọc chuyển đến bạn bè, người thân, diễn đàn những tin tức nhằm phổ biến cho cộng đồng cũng như đồng bào tại quê nhà. Nếu tích cực hơn nữa, tham gia các sinh hoạt cộng đồng trong đó có các chương trình tranh đấu đi từ việc nhỏ đến việc lớn như hội họp, sinh hoạt, hội thảo, biểu tình tranh đấu nhưng không có ý định dùng con đường tranh đấu để tiến thân cầu vinh cho mục đích chính trị. 


Tham gia Chính trị: Đã ra làm chính trị thì phải có mục đích, phải có chủ trương, đường lối (tốt hay xấu) cũng như phải có kế hoạch, khả năng, mưu lược, sáng suốt để thu phục nhân tâm và lãnh đạo đoàn thể, tổ chức, đảng phái. Ngoài ra, người làm chính trị cần phải biết và xữ dụng thủ đoạn để giải quyết, đối đầu, đánh lừa, và nếu cần, lấn áp đối phương. Làm chính trị không thể ngây thơ, đặt nặng tình cảm phe nhóm và hành xử theo lối quân tử Tàu mà phải biết xữ dụng thủ đoạn mềm dẽo, đúng chỗ, đúng lúc và đúng đối tượng để bảo vệ quan điểm, đường hướng và tổ chức. Nhưng phải biết làm thế nào để tránh mất nhân tâm thì đó là một nhà làm chính trị giỏi. 


Một nhà sư, một ông cha chân chính là một người tranh đấu tốt nhưng không thể trở thành một nhà chính trị giỏi vì những vị nầy thiếu những điều kiện căn bản và cần thiết đối với một lãnh tụ chính trị. Nếu một đoàn thể, một đảng phái hay một chính quyền nằm trong tay những vị nầy thì xã hội, đất nước sẽ dẫn đến tình trạng hổn độn vô tổ chức và loạn quân loạn quyền. Và nếu quốc gia hoặc chính quyền rơi vào tay một nhóm thủ lãnh vô học của đảng cướp (như trường hợp đảng cộng sản) thì trước sau gì chúng cũng trở thành bạo chúa và quốc gia đi sẽ vào chỗ diệt vong. 


Vậy một nhà chính trị tốt cần phải hội đủ điều kiện tài và đức, nghĩa là một nhà lãnh tụ phải có kiến thức và khả năng để thu phục vận động quần chúng, đủ nhân cách và uy tín để chỉ huy người cộng tác hay kẻ dưới quyền. Muốn vậy, trước tiên người lãnh đạo chính trị phải có một quá khứ trong sạch, một khả năng văn hóa, một kinh nghiệm tranh đấu và một lý tưởng trong sáng thì may ra mới thành công trong việc thuyết phục toàn dân đứng dậy chống cộng sản (trong nước) hoặc kêu gọi đoàn kết và lãnh đạo cộng đồng người Việt Quốc Gia (hải ngoại) trên con đường tranh đấu chống cộng sản. 


Vậy thử xem lại trong giới chính trị Việt Nam hiện giờ, ai có đủ hai điều kiện căn bản kể trên giữa một số đông lãnh tụ bị xem như què quặt không ở khía cạnh nầy thì cũng phương diện khác. 


C. Trách nhiệm chính trị của những người đã một thời phục vụ dưới cờ quốc gia: 

Phải thành thật nhận rằng, ngày nay tại hải ngoại, số người trước kia đã sống và biết thế nào là cộng sản thì đang từ từ vắng bóng, trong lúc đó, thành phần thuộc thế hệ một rưởi cũng như hai và ba đang chiếm đại đa số trong cộng đồng. Ngoại trừ một số hậu duệ VNCH đã tiên phong nối tiếp con đường tranh đấu của cha chú ngày trước, còn lại đại đa số thanh niên nam nữ lớn lên và thành công trong môi trường mới…họ đứng xa và quan sát. 


Nếu thế hệ thứ nhất không biết hướng dẫn, dạy bảo và có những hành động chính trị chính đáng để soi sáng công cuộc tranh đấu thì tương lai cộng đồng sẽ mai một và gốc Việt sẽ biến mất trong đầu óc của các thế hệ sau nầy.


Trách nhiệm chính trị đối với cao trào tranh đấu cũng như tương lai của cộng đồng nằm trong tay ai ? Xin thưa trước tiên là của các chính đảng, tiếp đến, thành phần Quân-Cán-Chính VNCH ngày trước, và cuối cùng, là chính tất cả những người Việt Quốc Gia.


Nói đến chánh Đảng Việt Nam là phải đề cập đến vấn đế chính trị, không thể chối cãi và trốn tránh vào đâu được, vì các chính đảng Việt Nam được thoát thai và lớn lên trong lòng dân tộc. Một dân tộc bất khuất trước đô hộ ngoại bang và là kẻ thù không đội trời chung với chế độ cộng sản. 


Ngày nay đảng viên đã an toàn tại hải ngoại thì phải tiếp tục bổn phận và trách nhiệm của mình trước tiền đồ tổ quốc, trước sự an nguy của đồng chí trong nước cũng như trước cao trào tranh đấu của toàn dân. Chính đảng không thể hoạt động lấy lệ với vài ba chục đảng viên rồi chỉ có làm lễ giỗ, truy điệu Đảng Trưởng là xong chuyện. Phải thực tế có kế hoạch để vừa chống cộng hiệu quả vừa làm đầu tàu cho các tổ chức tranh đấu trong cũng như ngoài nước nếu không muốn hào quang của chính đảng bị lu mờ vì lý tưởng và lòng nhiệt thành của đảng viên đã từ từ sứt mẽ. 


Những người phục vụ trong Quân Lực và Cảnh Sát VNCH ngày trước phải là đầu tàu để kéo nguyên khối người Việt Quốc Gia hải ngoại trong công cuộc tranh đấu giải thể chế độ cộng sản vì Cựu Chiến Sĩ, Cảnh Sát là những tổ chức lớn quy tụ hàng trăm ngàn người, đã một thời cầm súng chiến đấu chống cộng sản. Hơn nữa, một khi đã mặc lại trên người bộ quân phục và đứng dưới cờ Vàng Ba Sọc Đỏ thì không thể vô trách nhiệm nói rằng những người chiến sĩ hải ngoại không làm chính trị ! Vậy thì ai sẽ gánh trách nhiệm giành lại đất nước ? Không lý những người vỗ ngực là cựu chiến sĩ VNCH lại phó thác chính trị cho 'ba Tàu đỏ', đám vượt biên vì bao tử hay nhóm cò mồi hoà giải hòa hợp với cộng sản ?


Cũng có vài nhà chính trị, vì quyền lợi riêng tư, đã từ chối cờ Vàng Quốc Gia bằng cách biện luận rằng 'Cờ vàng chỉ ở trong tim tôi' ! Câu nói nghe thật chướng tai, trong lúc cuộc chiến đang đến hồi quyết liệt, những người thường hô hào tự do nhân dân chủ nhân quyền cho VN lại đi bắt tay với thành phần cộng sản và tuyên bố rằng không cần phải xuống đường biểu dương cờ Vàng Chính Nghĩa mà chỉ cần để ở trong tim là đủ ! Thật ra nhiều người không lấy làm lạ khi thấy âm mưu của những người trí thức làm chính trị hỏa mù đi hàng hai hàng ba. 


Nếu họ là một cấp lãnh đạo của một Chính Đảng hay Đoàn thể Chiến Sĩ - Cảnh Sát thì làm sao có thể thuyết phục được quần chúng đang trong cao trào tranh đấu ? Hay đây là một cách chạy chữa vụng về của những nhà chính trị cò mồi đón gió đang đi đêm với cộng sản ? Nhưng nếu lỡ tuyên bố như vậy thì chẳng khác gì lộ diện để thiên hạ thấy ngay cái đuôi cáo ở đàng sau ! 


Nếu Quân-Nhân-Cảnh-Sát các cấp tại hải ngoại chỉ chú trọng đến bộ quân phục để tưởng nhớ một thời quá khứ, hoặc tạo cơ hội tổ chức họp mặt tiệc tùng với anh em thân hữu…cũng như hoạt động các Chính Đảng, chỉ có tổ chức Lễ Giỗ Tưởng Niệm Đảng Trưởng…thì đó không phải là một hành động chính trị đúng nghĩa của những người đã một thời hy sinh xương máu để bảo vệ đất nước.



Đinh Lâm Thanh

Tháng 12 năm 2010


Người Quốc Gia là những người đặt Tổ Quốc lên bản vị tối cao, tối cao có nghĩa là trên tất cả mọi vật, kể cả tôn giáo, đảng phái, và cả chính bản thân mình.


No comments:

Post a Comment