Sunday, December 12, 2010

Chiếc Ghế Trống Và Người Tù Vô Tội

LØRDAG 11. DESEMBER 2010

Chiếc Ghế Trống Và Người Tù Vô Tội





Chiếc Ghế Trống Và Người Tù Vô Tội.

Oslo, ngày 10 tháng 12. Trước tòa thị sảnh, những bước chân đưa tôi đến gần hơn với chiếc ghế trống dành cho một người vô cùng đặc biệt ngày hôm nay. Một người Trung Quốc được vinh dự đoạt giải Nobel Hòa Bình- nhà hoạt động ly khai Lưu Hiểu Ba, nhưng trớ trêu thay anh vẫn bị tước mất tự do, tước mất quyền được đón nhận giải thưởng mà anh xứng đáng được trao.




Đứng xếp hàng chờ đến phiên mình trước toà thị sảnh cùng anh Nguyễn Đức Hóa, hội trưởng Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Nauy, tôi nhận thấy xung quanh mình là những gương mặt quen thuộc của những nhà chính trị cấp cao của Nauy xen lẫn những gương mặt của những khách mời đến dự lễ. Không khí nhộn nhịp với những bài nhạc của đội kèn, và tiếng hô trả tự do cho ông Lưu Hiểu Ba của những nhóm ủng hộ đứng xa xa.

Trước khi vào, mọi túi xách mang theo đều được kiểm soát qua máy, và mọi người đều phải đưa giấy mời có tên họ của mình cũng như giấy chứng minh để cảnh sát kiểm tra xem có đúng người không. Sau khoảng 5 phút chờ đợi, tôi đã được đặt chân vào bên trong. Đập vào mắt tôi là những bông hoa trang trí kết rất đơn sơ mà nét đẹp hài hòa thanh tú. Hội trường trao giải cho tôi cảm giác thật ấm cúng và nghiêm trang với những hình tạc của nhà sáng lập giải Nobel được đặt ở hai bên. 

Chúng tôi được hướng dẫn xuống lầu phía dưới treo áo khoác và chờ đến giờ khai mạc lễ trao giải Nobel cho năm 2010. Đứng lẫn lộn giữa những nhà chính trị gia lãnh đạo Nauy và những gương mặt nổi tiếng, cả tôi và anh Hội Trưởng đều có cảm nhận là nơi đây, mọi người dù quyền cao chức trọng hay vô danh tiểu tốt đều được đối xử như nhau. Rất đáng để các nhà lãnh đạo nước ta học hỏi. 

Còn 5 phút nữa thôi thì buổi lễ sẽ bắt đầu. Chúng tôi trở lại hội trường và tôi vô cùng xúc động khi thấy tấm hình của nhà ly khai Lưu Hiểu Ba đang được treo lên trang trọng giữa hội trường, nơi 7 chiếc ghế được dành cho sáu người trong Uỷ Ban Trao Giải Nobel Hoà Bình và người đoạt giải. 

Thêm hai chiếc ghế danh dự dành cho nhà vua và hoàng hậu Nauy.

Mọi người vào chỗ, cả hội trường hầu như không còn chỗ trống.

Uỷ ban trao giải Nobel Hòa Bình từ từ tiến vào chỗ ngồi trong tràng pháo tay không dứt của những người tham dự. 

Marita Kvarving Sølberg mở đầu buổi lễ trao giải với giọng ca ngọt ngào làm lắng lòng người nghe với bài nhạc «solveigs sang»

Thorbjørn Jagland, chủ tịch Ủy Ban Nobel Hoà Bình bắt đầu bài phát biểu của mình trong không khí vô cùng nghiêm trang của thính giả. Sau khi tuyên bố giải thưởng được trao về nhà đấu tranh dân chủ Lưu Hiểu Ba và lý do Ủy Ban trao giải này cho ông, Jagland đã xin lỗi rằng người được đón nhận vinh dự hôm nay không thể có mặt ngày hôm nay, ông đang bị giam giữ tại nhà tù phía Đông bắc Trung Quốc, cả vợ và người thân của ông cũng không thể có mặt. Do đó hôm nay sẽ không có nghi lễ trao huy chuơng và bằng danh dự tại đây. 

Ông Jagland cũng nhấn mạnh rằng: chỉ việc này thôi cũng đã cho thấy sự cần thiết và thích hợp của giải Nobel Hoà Bình năm nay. Và ông chúc mừng ông Lưu Hiểu Ba. 

Chiếc ghế trống dành cho người đoạt giải!

Đây là lần đầu tiên trong 65 năm qua của giải Nobel Hoà Bình mà chiếc ghế của người nhận giải phải bỏ trống. Trong bài phát biểu của mình, ông Jagland đã nhắc lại nhiều trường hợp những người đoạt giải trước đây cũng bị ngăn cản không cho đến dự như Carl von Ossietzky- năm 1935, Andrej Sakharov năm 1975, Lech Walesa- năm1983, Aung San Suu Kyi -năm 1991. 

Ông Jagland cũng nhấn mạnh là những giải thưởng Nobel này không hề có ý muốn xúc phạm bất cứ ai, mà Uỷ Ban Nobel chỉ muốn truyền tải thông điệp về mối liên hệ giữa nhân quyền, dân chủ và hoà bình. Những giải thưởng nhắc cho chúng ta nhớ rằng những giá trị mà phần lớn trên thế giới có được là nhờ sự đấu tranh của những người đã hy sinh rất nhiều. Họ làm vì người khác và ông Lưu Hiểu Ba là người xứng đáng được sự ủng hộ của chúng ta. 

Ông Lưu cũng nhờ vợ mình nói lại là ông muốn dành giải thưởng năm nay cho những linh hồn đã hy sinh trong trận Thiên An Môn ngày 4.tháng 6, năm 1989. Và uỷ ban Nobel rất vui được làm theo ý ông. 

Tôi lắng nghe Jagland và thầm ngưỡng mộ khi ông nói về giá trị đích thực của mối quan hệ hòa bình thật sự giữa các quốc gia với nhau không thể được tạo ra nếu thiếu yếu tố nhân quyền và dân chủ. Về sự thiếu quân bằng khi phát triển kinh tế mà thiếu tự do ngôn luận sẽ chỉ làm gia tăng tham nhũng và thói kiêu ngạo quyền lực. Ông cho rằng mỗi bộ máy quyền lực phải được cân bằng bằng sự kiểm soát từ nhân dân, tự do truyền thông và quyền chỉ trích của mỗi cá nhân. 

Jagland cũng nêu rằng Trung Quốc đã ký kết một số phê chuẩn của Liên Hiệp Quốc và ILOs về nhân quyền. Điều thú vị là Trung Quốc đã chấp nhận cơ chế giải quyết xung đột siêu quốc gia trong WTO. 

Ông còn nêu: "Hiến pháp của Trung Quốc bảo vệ các quyền cơ bản của con người. Điều 35 của hiến pháp để rằng: "Công dân của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp và tự do hội họp, tự do biểu tình ." Điều 41 bắt đầu bằng:"công dân của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có quyền chỉ trích và nêu quan điểm của họ trên bất kỳ cơ quan nhà nước và bất kỳ người đại diện chính phủ nào ".

Dựa trên tất cả những điều này thì Lưu Hiểu Ba hoàn toàn vô tội. Ông không làm điều gì sai trái, chỉ xử dụng quyền công dân của mình mà thôi. Và ngược lại chính phủ Trung Quốc đang làm ngược lại những gì mình đã cam kết.

Kết thúc bài phát biểu của mình, ông Jagland đặt huy chuơng và bằng danh dự vào chiếc ghế trống dành cho người thắng giải.

Những tràng pháo tay vang dội cả trong lúc Jagland phát biểu và sau khi ông kết thúc. 

Tôi chưa từng được nghe bài phát biểu nào hay đến thế. Cả hội trường như cùng òa vỡ trong những tràng pháo tay không ngớt.

Nhạc lại trỗi lên. Lynn Chang với tiếng violin êm dịu và réo rắt như muốn đưa những thông điệp này đến xa hơn, cao hơn. 

Khán phòng lại im phăng phắc khi Liv Ullmann đọc bài viết của ông Lưu Hiểu ba «I Have No Emies.My Final Statement». 

Tôi không thể nhớ hết được cả bài nhưng tôi nhớ nhất là ông đã luôn lấy tình yêu thương để đáp lại những đàn áp, bất công mình phải gánh chịu, ông không hề mang thù hận trong lòng mà chỉ mang một tình yêu quê hương tha thiết với ước muốn cho một Trung Quốc tốt đẹp hơn. Một bài viết làm cả khán phòng vô cùng xúc động. Tôi thích nhất điều ông viết rằng không có quyền lực nào có thể ngăn cản nổi khát vọng vươn đến tự do, khi người ta ngăn cản quyền tự do cũng là lúc người ta chà đạp quyền làm người và che giấu sự đi sự thật. Nươc mắt tôi rơi không kềm được và xung quanh nhiều người cũng đưa tay lau mắt. Hơn bao giờ hết tôi cảm nhận được giá trị của giải Nobel năm nay và cảm nhận được sự xứng đáng của người nhận giải. Từ giây phút này, ông đã trở thành một thần tuợng của tôi. 

Sau bài viết đầy xúc đông của chính người đoạt giải. Ca đoàn thiếu nhi của Den Norske Opera og Ballett đã hoàn thành nguyện uớc của ông với nhiều bài hát. Ông Lưu Hiểu Ba đã nhờ người truyền đạt lại uớc muốn này đến ban tổ chức. Ông ao uớc sẽ có một ca đoàn thiếu nhi hát trong lễ trao giải của ông, vì đối với ông, thiếu nhi là thế hệ tuợng trưng cho tuơng lai. Ông luôn mong muốn một tuơng lai tốt đẹp hơn cho TQ nói riêng và mọi người nói chung nên ông rất chú trọng vào thế hệ mai sau. 

Buổi lễ đã kết thúc, nhưng những tràng pháo tay vang mãi. Một buổi lễ trao giải Nobel lịch sử. Tôi thấy mình thật may mắn và vinh dự được chứng kiến và tham dự cho sự kiện trọng đại và ý nghĩa như hôm nay. Và không khỏi hãnh diện khi mình được là một trong những người đại diện cho cộng đồng người Việt ở Nauy có mặt nơi đây để thể hiện sự ủng hộ và biết ơn nhà đấu tranh dân chủ Lưu Hiểu Ba. Trong khi đại sứ quán Việt Nam tại Nauy từ chối tham gia thì tôi mong rằng sự hiện diện của mình sẽ nói thay cho sự ủng hộ của bao người Việt ở hải ngoại cũng như trong nuớc đối với giải Nobel này.

Khán phòng thưa dần nhưng chiếc ghế trống vẫn giữ buớc chân tôi ở lại. Tôi đến gần hơn và tự hỏi cả thế giới sẽ nghĩ gì khi nhìn vào chiếc ghế trống ấy ? 

Riêng tôi, trong lúc nhìn vào chiếc ghế trống, tôi cảm thấy rất lòng. Đau lòng khi nghĩ đến ông Lưu Hiểu Ba và những người đã hy sinh hay vẫn trong vòng tù tội chỉ vì họ nói lên niềm khao khát tự do và một tương lai tốt đẹp hơn, chỉ vì họ hy sinh quên bản thân mình để mong muốn mang lại một sự thay đổi tốt hơn cho đất nước cho dân tộc mình, chỉ vì họ muốn quyền làm người phải thực sự được tôn trọng. Tôi đau lòng vì tôi nhìn thấy một chính quyền Trung Quốc độc tài mù quáng. Thay vì song song với việc phát triển kinh tế, họ phải quan tâm hơn, bảo vệ quyền lợi của người dân, nhưng ngược lại, Trung Quốc đang chà đạp những giá trị đích thực để đem đến sự hùng mạnh cho một quốc gia. Tôi đau lòng vì khi một quốc gia tiêu cực như thế, cả thế giới này cũng bị ảnh hưởng dù ít dù nhiều. Và tôi đau lòng hơn khi biết rằng hiện trạng quê huơng mình cũng không hơn gì so với Trung Quốc.

Nhưng chiếc ghế trống cũng mang lại cho tôi cảm giác hạnh phúc. Đó là tôi biết rằng những hy sinh lớn lao của những người không mệt mỏi đấu tranh cho nhân quyền, tự do dân chủ không bị mai một hay quên lãng. Những hy sinh đó vẫn được cả thế giới tâm. Bốn bức tường của nhà tù không đủ để ngăn cản sự đồng cảm và chia sẻ giữa những người đang hiện diện nơi này với những người đang mòn mõi trong chốn lao tù. 

Chiếc ghế trống còn cho tôi hy vọng. Hy vọng về những điều tốt đẹp mà bao người đang hy sinh rất nhiều để đạt đến. Hy vọng rằng một ngày nào đó một trong những nhà đấu tranh dân chủ Việt Nam cũng sẽ có được vinh dự ngồi vào chiếc ghế trống ấy. 

Hôm nay là một ngày ý nghĩa nhất trong đời tôi. 

Oslo 10.12.2010.

Nguyệt Minh.



Người Quốc Gia là những người đặt Tổ Quốc lên bản vị tối cao, tối cao có nghĩa là trên tất cả mọi vật, kể cả tôn giáo, đảng phái, và cả chính bản thân mình.


No comments:

Post a Comment