Thursday, December 30, 2010

Khi Nào Kinh Tế Của Trung Quốc Sẽ Lớn Nhất Thế Giới?

Khi Nào Kinh Tế Của Trung Quốc Sẽ Lớn Nhất Thế Giới?

NGUYỄN QUỐC KHẢI

Năm hết tết đến, tờ báo The Economist đưa ra một chủ đề để mọi người tìm câu trả lời. Ngay chính tờ báo này cũng sẽ đưa ra một một vài con số giải đáp.

Conference Board, một tổ chức nghiên cứu về kinh doanh vừa mới tiên đoán rằng kinh tế Trung Quốc sẽ lớn nhất thế giới vào 2012 tính theo mãi lực quân bình (purchasing power parity – PPP). Cách tính này cho phép tổng sản phẩm nội địa (gross domestic product – GDP) được điều chỉnh theo giá sinh hoạt ở mỗi nước. Thí dụ như giá sinh hoạt ở Trung Quốc thấp hơn ở Hoa Kỳ. Phương pháp này có một bất lợi là những kinh tế gia thường không đồng ý với nhau về cách đo lường mãi lực quân bình, thí dụ như về cách lựa chọn những sản phẩm và dịch vụ tiêu biểu cho sức tiêu thụ của người dân ở mỗi nước.

Trên thực tế, để so sánh độ to lớn của các nền kinh tế khác nhau, cách thực tiễn nhất vẫn là đo lường GDP của mỗi nước bằng US$ theo hối suất (tỷ giá hối đoái) thị trường. Theo cách tính toán này, hiện tại, GDP của Trung Quốc chỉ bằng 40% của Hoa Kỳ. Như vậy ngày mà Trung Quốc qua mặt Hoa Kỳ còn xa, nhưng thực tế là mỗi ngày Trung Quốc càng tiến đến gần Hoa Kỳ hơn. Vào năm 2003, công ty Goldman Sachs lần đầu tiên đoán kinh tế của bốn nước Ba Tây, Nga, Ấn Độ, và Trung Quốc. Theo đó, Trung Quốc sẽ vượt qua Hoa Kỳ vào năm 2041. Tiên đoán mới bây giờ là 2027, sớm hơn được 14 năm. Standard Chartered tiên liệu là việc này sẽ xẩy ra trước 2020 một phần do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chánh vừa qua. Vào tam cá nguyệt thứ 3 của năm 2010, GDP hiện thực (real GDP), tức là GDP sau khi đã loại bỏ ảnh hưởng của lạm phát, của Hoa Kỳ thấp hơn mức GDP hiện thực vào cuối năm 2007, trong khi đó GDP hiện thực của Trung Quốc tăng 28% trong cùng một giai đoạn.

Nếu GDP hiện thực tại Trung Quốc và Hoa Kỳ tiếp tục tăng trưởng theo cùng một tốc độ như trong 10 năm vừa qua (10.5%và 1.7%) và giả sử không có thay đổi nào khác, GDP của Trung Quốc sẽ lớn hơn của Hoa Kỳ vào năm 2022. Nhưng cách dựa vào quá khứ để tiên đoán tương lai theo lối ngoại suy này (extrapolation) là không tốt. Thí dụ như vào giữa thập niên 1980s, người ta đã ước đoán sai lầm rằng kinh tế của Nhật Bản sẽ lớn nhất thế giới. Ngoài ra, mức phát triển của Trung Quốc sẽ chậm lại trong những năm tới và dân số trong tuổi làm việc bắt đầu giảm và năng suất bắt đầu đi xuống.

Không những thế, GDP tính theo US$ của Trung Quốc và Hoa Kỳ không chỉ phụ thuộc vào mức tăng trưởng mà còn chịu ảnh hưởng của nạn lạm phát và hối suất của đồng nhân dân tệ đối với đồng Mỹ kim. Trong một kinh tế đang lên với năng suất cao, hối suất hiện thực (real exchange rate) sẽ tăng do nạn lạm phát gia tăng hoặc do hối suất hiện hành (current exchange rate) tăng. Trong mười năm vừa qua, nạn lạm phát trung bình là 3.8% ở Trung Quốc so với 2.2% ở Hoa Kỳ. Kể từ khi Trung Quốc ấn định giá đồng nhân dân tệ theo US$ vào năm 2005, đồng nhân dân tệ đã tăng giá trung bình hàng năm là 4.2%.

Giả sử rằng GDP tăng mỗi năm trung bình 7.75% tại Trung Quốc và 2.5% tại Hoa Kỳ trong 10 năm tới, tỉ lệ lạm phát của hai nước lần lượt là 4% và 1.5% và đồng nhân dân tệ tăng giá 3% mỗi năm, Trong điều kiện này kinh tế của Trung Quốc sẽ vượt qua Hoa Kỳ vào năm 2019. Nếu GDP của Trung Quốc chỉ tăng 5% mỗi năm, kinh tế của Trung Quốc sẽ dẫn đầu thế giới vào năm 2022.

Dĩ nhiên dân Hoa Kỳ vẫn giầu có hơn dân Trung Quốc tính theo đầu người. Theo tài liệu của Ngân Hàng Thế Giới, vào năm 2009 GDP đầu người tính theo giá hiện hành (nominal GDP) của Việt Nam, Trung Quốc, và Hoa Kỳ lần lượt là US$1,052, US$3,744, và $46,436.

Trung Quốc sẽ đứng đầu thế giới về mức sản xuất công nghệ vào năm 2011
Về mặt sản xuất, GDP gồm có ba thành phần chính là nông nghiệp, công nghệ, và dịch vụ. Nông nghiệp của Trung Quốc chiếm 10.6% của GDP, so với công nghệ và dịch vụ là 46.8% và 42.6%. Nếu tính cả ba thành phần của GDP thì đến 2019 Trung Quốc mới bắt kịp và vượt qua Hoa Kỳ. Nhưng riêng về công nghệ, Trung Quốc sẽ trở thành một nước sản xuất lớn nhất thế giới vào năm tới.

Vào năm 2009, sản phẩm công nghệ của Hoa Kỳ chiếm 19.8% tổng số giá trị của sản phẩm công nghệ của thế giới so với con số của Trung Quốc là 18.6% mặc dù mức sản xuất của Hoa Kỳ giảm đáng kể vì kinh tế suy thoái.
Hoa Kỳ trở thành một thành một nước sản xuất công nghiệp lớn nhất thế giới vào cuối thập niên 1890 sau khi đoạt ngôi vị này của nước Anh. Thành công của Trung Quốc vào năm 2011 sẽ chấm dứt ngôi bá chủ của Hoa Kỳ về lãnh vực công nghiệp trong 110 năm.

Trung Quốc có dân số gấp 4 lần nước Mỹ và giá nhân công bằng 10% của Hoa Kỳ, và cả thế giới đổ tiền vào đầu tư vào ngành công nghiệp tại Trung Quốc, hiển nhiên là mức sản xuất của các sản phẩm công nghiệp tại Trung Quốc sẽ gia tăng.

Trước đây, Global Insight, một công ty cố vấn của Hoa Kỳ, đã tiên đoán rằng Trung Quốc sẽ trở thành một nước dẫn đầu về mức sản xuất công nghiệp vào năm 2013. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chánh và kinh tế trì trệ trong các năm 2007-2009 đã làm cho mưc sản xuất của Hoa Kỳ thuyển giảm đáng kể, trong khi đó Trung Quốc vẫn tiếp tục phát triển. Điều này khiến cho Trung Quốc vượt qua Hoa Kỳ sớm hơn về khu vực công nghiệp cũng như toàn bộ kinh tế.

Mạnh vì gạo bạo vì tiền
Trong những năm gần đây, nền kinh tế của Trung Quốc đã lần lượt vượt qua các nước như Anh, Pháp, và Đức. Vào tháng 8 vừa qua, những con số thống kê của Nhật Bản cho thấy rằng kinh tế của của quốc gia này là $1.28 ngàn tỉ trong đệ nhị tam cá nguyệt, thua con số của Trung Quốc là $1.33 ngàn tỉ. Ngôi vị kinh tế thứ hai trên thế giới trong 40 năm qua của Nhật Bản đã rơi vào tay Trung Quốc.

Chỉ trong hơn 30 năm với mức phát triển nhanh chóng sau khi bắt đầu cải tổ kinh tế vào 1978 do Đặng Tiểu Bình chủ xướng, Trung Quốc đã trở thành một cường quốc kinh tế. Mạnh vì gạo bạo vì tiền. Thế giới sẽ phải tính toán cẩn thận hơn với Trung Quốc. Các quốc gia láng giềng sẽ mua bán nhiều hơn với Trung Quốc trong tương lai hơn cả Hoa Kỳ và Nhật Bản. Là một nước đang phát triển, Trung Quốc còn có thể thực hiện nhiều cải tổ khác để vươn lên nữa. Không ai thắc mắc rằng Trung Quốc nay trở thành một đầu máy để lôi kéo nền kinh tế toàn cầu.

NGUYỄN QUỐC KHẢI

Tài liệu tham khảo:
(1)The World's Biggest Economy – Dating Game, the Economist, December 18, 2010.
(2)China To Overtake US As World's Biggest Manufacturer In 2011, EU Times, June 22, 2010
(3)China To Overtake U.S, As Largest Manufacturer, Peter Marsh, Financial Times, August 10, 2008.
(4)China Passes Japan as Second Largest Economy, New York Times, August 15, 2010.



Người Quốc Gia là những người đặt Tổ Quốc lên bản vị tối cao, tối cao có nghĩa là trên tất cả mọi vật, kể cả tôn giáo, đảng phái, và cả chính bản thân mình.


No comments:

Post a Comment