Monday, November 19, 2012

PHAN BỘI CHÂU: NHỮNG MÙA XUÂN VONG QUỐC

                                                                                               MƯỜNG GIANG  

            Dân tộc VN có nền văn hiến lâu đời, luôn tự hào về truyền thống bất khuất của mình, vì vậy qua bao thế hệ đã cố gắng gìn giữ những lễ nghi tập quán tốt dẹp của ông cha truyền lại. Một trong những mỹ tục thiêng liêng trọng đại nhất, có ý nghĩa tinh thần và tình cảm trong đời sống của người VN xưa nay, vẫn là những ngày Tết Nguyên Ðán. Ðây là dịp để mọi người xa xứ vì bất cứ một lý do nào, cũng mong muốn có cơ hội được trở về để cùng gia đình đoàn tụ, lễ bái, hàn huyên, đổi trao mặn nồng ấm lạnh với nhau, trước bàn thờ tổ tiên, trong niềm hạnh phúc diễm tuyệt, không cần biết là giàu nghèo. Ai đã từng sống ly hương, mới biết thế nào là những giây phút chạnh lòng, giữa đêm ba mươi Tết buồn thảm lạnh căm ở một phương trời nào đó, để nhớ tới quê làng, cố quận,rồi òa khóc trong cô đơn ngậm ngùi, mà lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang.

 

Trời hởi xuân về thương với nhớ

ngồi đây mà ngóng tết xa mờ

quán khuya vắng bóng người muôn dặm

tiếng sếu càng thêm mộng ngẩn ngơ

 

Giờ đâu còn đủ giòng dư lệ

để khóc mùa xuân lạc bến chiều

nhớ mẹ nên buồn rầu mộng mị

những ngày tết nhỏ vẹn thương yêu

 

            Ly tán muôn đời vẫn là niềm đau của nhân thế, tha phương trong đêm trừ tịch lặng nhìn thiên hạ vui vầy đoàn tụ bên trong song cửa, là nổi hận hờn đứt ruột vỡ tim, cho dù là ai chăng nữa cũng thế thôi. Ta ngày xưa vì nghiệp lính, từng sống buồn rầu xa xứ những tết tha phương, những đêm xuân lạnh nơi đồn canh biên tái thảm tuyệt nhưng dù gì thì cũng vẫn còn được ở trong nước, để mà vui lây gíó bãi trăng ngàn, hương đồng cỏ nội và chút hơi hướng của thôn làng. Nhưng hận thảm nhất, vẫn là những người vì nước phải vướng vào tù ngục. Và trong lúc thiên hạ vui vầy bên tiệc rượu ngâm thơ vịnh nguyệt, hả hê vui xuân đón Tết hay son phấn, áo quần, rủng rỉnh tiền vàng về quê nhà vinh qui bái tổ, thì những nam nữ dũng liệt của dân tộc Việt, vì sự sống còn của đất nước đã liều mạng đối mặt với bạo quyền CS, cam chịu tù tội giữa bốn bức tường lạnh trong hàng song sắt đếm giọt mưa đêm  mà uất hận nhìn quê hương bao nhiêu năm vẫn tang tóc não nùng .Rồi càng thêm tủi thẹn, trước thói đời cứ bon chen lợi bùn danh xú, ngày nọ tháng kia không biết mệt khi khạc nhổ vào nhau, để được người đời biết tên nhận mặt :


" Ðêm khuya mờ bóng ngựa hồng

Hận liền ba mãnh, sầu đong một bề

Những ai đi có không về

Bên cầu Tư Mã, trăng thề còn đây

năm năm những tháng những ngày

nằm trong ngục lạnh vẹn vầy núi sông "

( Trúc Khanh )

 

            Càng thêm thương kính Phan Bội Châu vô vàn. Hơn một trăm năm trước (1905) , ông bắt đầu bỏ nước xuống tàu tới Hương Cảng rồi sang Nhật Bản. Cũng từ đó mải miết bôn ba khắp các nẻo đường hải ngoại, gõ cửa thiên hạ để tìm kiếm phương tiện vật chất và tinh thần, mưu toan công cuộc đánh đuổi giặc Pháp ra khỏi non sông đất Việt. Vì thế gần như cả đời người chiến sĩ cách mạng, làm sao có thể yên bụng để mà vui xuân đón tết ? Rồi bất hạnh ập tới, năm 1925 lại bị hai tên Việt gian Lý Thụy (Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh) và Lâm Ðức Thụ, mà hầu hết sử liệu trong và ngoài nước đều xác quyết là thủ phạm đã chỉ điểm cho mật thám Anh-Pháp bắt tại tô giới và giải về Hà Nội để tử hình . May có quốc dân VN cực lực chống đối, vì vậy chỉ bị giặc giam hãm phần đời còn lại tại Bến Ngự, Huế, tới khi mãn phần vào năm 1940. Trong cảnh cá chậu chim lồng nhân ngày Tết năm 1927, một mình thui thủi ngóng quán gió cầu sương ở chốn quê người buồn cho thân phận nhược tiểu, Phan Bôi Châu có làm bài hát nói, gữi chúc mừng thanh niên cả nước :

 

" Xuân ơi xuân, xuân có biết cho chăng !

Thẹn cùng sông, buồn cùng núi, tủi cùng trăng

Hai mươi năm lẽ đã từng chua với xót

Chữ rằng ' nhật nhật tân, hựu nhật tân '

Dậy ! dậy ! dậy !

Bên án tiếng gà vừa gáy.. ' '

 

            Hỡi ơi lời chúc Tết của người chiến sĩ Quốc Gia, thời nào cũng buồn tủi não nuột, khiến cho ai nghĩ tới cũng đứt ruột đau lòng.


1 – PHAN BỘI CHÂU TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC :

            Trong tâm khảm của mọi người, Phan Bội Châu (1867-1940) là một chiến sĩ quốc gia kiệt xuất với tinh thần yêu nước nồng nàn, tiêu biểu cho tầng lớp thanh niên nam nữ qua nhiều thập niên đầu thế kỷ XX, khi tham gia các phong trào chống giặc Pháp cứu nước. Nghiên cứu văn chương Phan Bội Châu, các thế hệ sau này đều ngây ngất trước những dòng thơ dậy sóng, tâm huyết, xúc cảm, gần như đã đạt tới phong cách chân thiện mỹ của mọi thời đại. Theo sử liệu, những năm cuối thế kỷ XIX , tình hình đất nước thật bi thảm, hầu hết các phong trào chống Pháp lần lượt bị tan rã, từ những cái chết oanh liệt của Cao Thắng, Ðinh Công Tráng, Phan Ðình Phùng, Mai Xuân Thưởng.. nên dường như chỉ còn có lực lượng của Hoàng Hoa Thám, đang đơn độc chiến đấu trên rừng núi Yên Thế. Nhưng dân tộc VN vốn có truyền thống chống xâm lăng từ ngàn xưa, nên tầng lớp khoa bảng sĩ phu trong các phong trào Văn Thân-Cần Vương vừa nằm xuống, lập tức đã có ngay một tầng lớp Nho sĩ trí thức trẻ tuổi đầy nhiệt huyết, đứng lên kê vai gánh vác trách nhiệm còn dang dở của cha anh. Ðó chính là những phong trào Duy Tân, Ðông Du, Ðông Kinh Nghỉa Thục, Việt Nam Quốc Dân Ðảng... ngay từ đầu thế kỷ XX.. cho tới khi giặc Pháp bị đánh đuổi ra khỏi non nước Việt.

            Trong bối cảnh đó, từ năm 1905 Phan Bội Châu đã bắt đầu một cuộc đời bôn ba nơi hải ngoại, hết Thái Lan, Trung Hoa tới Nhật, ở đâu cũng là kiếp sống không nhà. Trước khi bước chân xuống tàu xa cố quốc, Phan Bội Châu có làm bài thơ thất ngôn bát cú ' Xuất dương lưu biệt ' với lời lẽ thật hào hùng , tư tưởng vô cùng mới mẻ, nói lên sự quyết tâm ra hải ngoại tìm đường cứu nước của nhà cách mạng trẻ tuổi trí thức xứ Nghệ.

            " Nhất phiến hoa phi giảm khước xuân ", khúc mở đầu cái triết lý sống vui, sống vội mà Ðổ Phủ đã nhắc tới từ ngàn năm trước. Ðây cũng là quan niệm chung của thế nhân, đứng trước sự đổi thay của thời gian, bởi mỗi năm mỗi tuổi như đuổi xuân đi. Vì vậy hầu hếu đều cố tìm cách hưởng lạc, kẻo thời gian qua mất vì tuổi già chẳng đợi chờ ai. Nhưng đối với Phan Bội Châu, thì những năm tết nước người , coi như không biết thế nào là hoa pháo và niềm hạnh phúc gia đình. Hỡi ôi đời người, dù là ai chăng nữa, chắc hẳn sẽ không khỏi có giây phút chạnh lòng, nhất là trong cái giờ khắc thiêng liêng, lúc năm cũ gần tàn, khi mọi nhà đều chặt cửa cài then, đề cười vui hạnh phúc đón mừng năm mới. Chính trong giây phút này, những kẻ bơ vơ không nhà cửa, mới cảm thấy lạc lõng trơ trọi giữa bóng tối vả đêm mưa lạnh lẽo nơi đất lạ quê người. Ðây chính là cảnh buồn của lính trận và những nhà cách mạng quốc gia, trong giây phút cuối cùng của ngày tàn tháng tận, họ làm gì có được một chỗ đứng , dù nhỏ nhoi , trước bàn thờ tiên linh để mà sụt sùi giọt thương niềm nhớ.

            Lại một tối ba mươi tết nửa sắp tới, mà ta và còn hằng triệu người vẫn không nhà không cửa, phải yên lặng nép mình bên hiên người trong cô đơn hiu hắt như từ trăm năm trước, Phan Bội Châu và các chiến sĩ quốc gia trong phong trào Ðông Du từng cảm nhận, qua nhiều năm bôn ba khắp các nẻo đường hải ngoại. Theo sử liệu, lúc bấy giờ trong đoàn người nam nữ dấn thân cứu nước có hơn vài trăm người, ai cũng đều chứng kiến được nổi gian truân tân khổ của đời tha phương hoài cố quốc. Các sự kiện lịch sử trên đã đuợc Sào Nam ghi lại một cách cảm động trong " Phan Bội Châu niên biểu " và một bài ký sự đặc biệt đăng trên báo Phong Hóa Ngày Nay của Tự Lực Văn Ðoàn vào năm 1939.

 

2 - TẾT THA PHƯƠNG CỦA PHAN BỘI CHÂU TẠI NHẬT :

            Trong khi tại VN xuân về tết đến,vạn vật cỏ cây xanh tốt khoe hương, thì nước Nhật đang lúc đông sang, trời rét căm căm, buốt cóng dưới nhiệt độ từ 0 độ C tới 10 độ C, nên tuyết gần như nhuộm trắng đất trời. Tại Hokkaido, Nigata.ở Bắc đảo.. tuyết dày cả thước, cho tới cuối tháng hai âm lịch vẫn chưa tan hẳn. Từ khi Minh Trị Thiên Hoàng canh tân đất nước nhưng Nhật vẫn giữ nguyên tập quán cũ, cả nước hầu hết đều ăn tết theo âm lịch và ngày Nguyên Ðán mùng một tháng giêng, được gọi là ngày Gantan.

             Lúc này tiết trời vô cùng lạnh lẻo, chính người bản xứ còn chịu không nổi thì thử hỏi người VN quen sống với khí hậu miền nhiệt đới, sẽ khổ sở đến mức nào ? Căn cứ vào những trang nhật ký ghi trong ' Tự Phán ' của Phan Bội Châu, cho biết vào cuối năm Mậu Thân 1908, đời vua Thành Thái, phong trào Ðông Du nở rộ hơn bao giờ hết.

             Trong thời gian này, nhờ sự giới thiệu của nhà cách mạng Trung Hoa là Lương Khải Siêu đang lưu vong tại đây, nên Phan Bội Châu mới quen biết được với các chính khách Nhật đương thời như Shigenobu Okuma (Ðại Ôi) , Tsuyoshi Inykai (Khuyển Dưỡng Nghị) giới thiệu và giúp đỡ nên có hơn 400 nam nữ thanh niên VN khắp ba kỳ, xuất dương theo Phan Bội Châu, vào học tại Ðồng Văn thư viện và Chấn Võ học hiệu trên đất Nhật.

            Giữa lúc hy vọng tràn trề, thì thực dân Pháp đem quyền lợi tại thuộc địa Ðông Dương chia xẻ với quân phiệt Nhật Bổn, để yêu cầu chính phủ nước này đuổi hết thanh niên nam nữ VN, đang theo Cường Ðể và Phan Bội Châu trong phong trào Ðông Du. Vì vậy vào tháng 10/1908 tất cả học sinh người Việt phải rời Nhật trong vòng hai tuần lễ. Phan Bội Châu và Cường Ðể cũng không ngoại lệ mà chỉ được gia hạn thêm tới hạn chót 3/1909.

            Vì là người đứng đầu, nên ông phải có trách niệm trả nợ cho mọi người từ tiền ăn uống tới chi phí học hành, ngụ trọ. Theo tài liệu ghi lại, Sào Nam lúc đó không có tiền bạc gì cả. Nhưng người vì nước luôn có quý nhân phù trợ, nên Phan Bội Châu đã được nhiều nhà quí tộc Phù Tang như Văn bộ đại thân kiêm Thủ tướng Khuyển Dưỡng Nghị, phú gia Thiển Vũ Tá Hỷ Thái Lan và nhất là bác sỹ Asaba đã giúp 100 vé tàu thủy cho các du sinh VN từ Nhật về nước hay sang Trung Hoa Xiêm La. Ngoài ra còn giúp thêm 2700 dồng , để thanh toán hết các chi phí nợ nần. Cũng vì thế mà vào tháng 3/1918 Phan Bội Châu đã trở lại Nhật dựng một tấm bia tưởng niệm bác sỹ Asaba Sakitaro đã qua đời vào năm 1910 lúc mới 43 tuổi, để nhớ ơn người có lòng từ tâm bác ái luôn giúp đỡ cho du học sinh VN trong thời gian sống tại Nhật.

            Mọi việc giải quyết xong xuôi thì thời gian cũng vừa đúng chiều ba mươi Tết Nguyên Ðán nhưng tất cả người thân bao lâu cùng bôn ba nơi đất người  nay đã trở về cố quốc, chỉ còn lại có một mình Phan Bội Châu đón xuân trong cảnh vắng ngắt lạnh lùng chốn quê người, đâu đâu cũng chỉ thấy có tuyết lạnh mà thôi, vì các cửa hiệu hầu như đều đóng cửa nghĩ tết.

            Tết ! Tết Nhật Bản rồi. Xưa nay nước Nhật vui xuân cũng giống như người Việt, nhất là ở thôn quê và các vùng ven đô thị. Nói chung. chỉ có người Nhật theo đạo Thiên Chúa mới ăn mừng lễ giáng sinh và đón tết theo dương lịch nhưng không tổ chức gì, ngoài việc tụ tập trước Hoàng Cung, để chúc tết Nhật Hoàng và Hoàng gia mà thôi. Theo Phan Bội Châu ghi lại, thì Tết Nhật chỉ vỏn vẹn có nửa ngày. Tuy vậy nước này vẫn theo đúng các tập tục của Á Ðông, duy trì các tục lì xì và lễ tết cho thầy cô giáo và những thượng cấp. Tại Nhật ngày tết cũng có trồng cây nêu gọi là kadomatsu, thường được bày bán trên hè phố vào khoảng hạ tuần tháng mười hai. Thật ra kadomatsu chỉ là ba cây tre tươi cắt chéo, cây giữa cao hơn, có thêm vài cành thông và được quấn lại bằng rơm. Nhiều nhà khi mua về, còn treo thêm các mảnh giấy màu trắng cắt xoắn, gọi là shimenawa, cắm ở giữa cửa chánh để trừ tà. Bên trong cũng có bàn thờ gia tiên nhưng nhỏ và đặt ở một góc nhà, chứ không để ở chính diện như các gia đình người Việt. Cũng có bánh dầy (omochi), hoa quả và đặc biệt có một đỉa bầy con tôm giả với rong biển, mà người Nhật nói là để tượng trưng cho tuổi thọ.

            Tết Nhật cũng có lễ đón giao thừa nhưng khác với người Việt, vì không cúng kiếng đón ông bà ở nhà, mà kéo nhau tới lễ bái tại các Jinra (Thần xã), tức là các ngôi đền của Thần đạo (Shinto) mà làng nào cũng có . Ngoài ra người Nhật cũng tới lễ cúng tại các Otera (Chùa ) thờ Phật và các vị thần linh và bỏ tiền vào các thùng công đức (phước sương). Ngày tết đặc biệt nam cũng như nữ ở thôn quê, hầu như mặc kimono và mang đôi geta (guốc gỗ). Ðiểm đặc biệt là người Nhật không đốt pháo vào ngày tết vì mùa pháo nhằm vào tháng tám hằng năm. Do thời tiết quá lạnh lẻo, nên phần lớn người Nhật lợi dụng dịp tết để nghĩ ngơi, thăm viếng mộ phần các người thân trong gia đình hay tụ họp quanh lò sưởi để uống Saké. Ðể thay tiếng pháo, là các bài hát ca tụng tinh thần võ sĩ đạo của người Nhật như bài Ðại Hòa Hồn, được cất vang lên khắp các ngỏ ngách, khu phố. Rồi còn có chiếu phim ở các nơi công công. Tết quê người thật buồn, nên cụ Phan chỉ còn biết giam mình trong bốn bức tường lạnh, hiu hắt nhìn tuyết rơi trắng xóa bên ngoài, qua khung cửa sổ, để gậm nhấm nổi nhớ nhà, thương nước và xót cho thân phận nhược tiểu VN.

            Truớc khi rời nước Nhật, Phan Bội Châu được Khuyển Dưỡng Nghị và Bá Nguyên Văn Thái Lan dặn dò nên trở lại, sau khi tình hình bớt căng thẳng và khuyên nên hết sức bí mật để tránh tai mắt của mật thám Pháp. Do đó vào năm Duy Tân thứ 5, Sào Nam lại đáp tàu thủy từ Trung Hoa sang thành phố hải cảng Trường Kỳ, cũng vào đúng ngày 30 tháng chạp. Do sợ mật thám Pháp theo dõi gây khó khăn cho chính phủ Nhật, nên Phan Bội Châu không dám dùng xe lửa hay tàu thủy để tới Tokyo mà chỉ đi bộ.

             Ðường xa lại ngày Tết, nên Sào Nam vô cùng khổ sở. Dọc đường không dám mở miệng với ai, chỉ khi nào gặp được nhà hay người Hoa, thì mới tự xưng mình là Hoa kiều từ Quảng Ðông qua Nhật làm ăn nhưng bị thất nghiệp, nên phải hành khuất. Tóm lại như đã ghi trong Phan Bội Châu niên biểu, thì ông đã đi ăn xin mười ngày, khi đi bộ từ Trường Kỳ tới Ðông Kinh, lần thú hai. Ðọc nhật ký của người chiến sĩ cách mạng quốc gia, sao mà thảm thiết quá, đâu có khác gì kiếp đời của những quân, công, cán, cảnh VNCH.. sau năm 1975 mãn tù, từ trại giam về quê nhà, cũng phải hành khuất thiên hạ để xin cơm và phương tiện, vì có mấy ai còn tiền bạc, sau khi đã bị VC trấn lột hết lúc bước vào cổng thiên đường xã nghĩa.

 

3 - TẾT THA PHUƠNG TRÊN ÐẤT TÀU :

             Những ngày hoạt động trên đất Tàu, Phan Bội Châu gần như bôn ba khắp mọi nơi, từ Bắc Kinh, Thượng Hải xuống tới Hoa Nam, nhất là các tỉnh Quảng Ðông, Quảng Tây và Vân Nam, sát biên giới Hoa-Xiêm-Lào-Việt. Tết Tàu và VN từ ngàn xưa do ảnh hưởng của các yếu tố lịch sử, nên gần giống nhau qua các phong tục , nhắm vào phần nghi lễ ' Tống cựu ' , bắt đầu với lễ cúng tiễn Táo quân về trời vào đêm 23 tháng chạp và trở lại dương thế , trong buổi chiều cuối năm.

             Cùng thời gian này, mọi người dù ở thôn quê hay thành thị, đều lo dự trữ nước dùng cho đầy đủ trong mấy ngày Tết. Sau đó làm lễ Phong Tỉnh, cúng và đậy kín miệng giếng, cho tới mồng hai năm tới, mới mở giếng bằng lể khai tỉnh, cúng với bánh kẹo nhang đèn. Rồi thì lo quét dọn nhà cửa trong ngoài vào ngày 30 tháng chạp, cho tới hết ngày mùng ba năm mới .Tập tục kiêng cữ này được bắt nguồn từ câu chuyện Âu Minh đi buôn bán ở phương xa, được thần nhân tặng cho một cô hầu xinh đẹp tên Như Nguyệt, nên từ đó làm ăn rất phát đạt.

             Năm kia vào ngày Tết, trong lúc quá nóng giận, nên đánh cô ta làm nàng sợ hãi trốn vào đống rác và biến mất. Từ đó Âu Minh làm ăn thất bại và sạt nghiệp, nên mới phát sinh ra tập tục ' tảo địa ', kiêng cữ quét rác trong ba ngày Tết, để tránh mất mát những sự may mắn trong nhà. Ngoài ra vào ngày cuối năm, hầu như nhà nào cũng cúng rước ông bà hay tổ chức tiệc đoàn tụ cuối năm trong gia đình, để con cái mừng tuổi ông bà cha mẹ và nhận tiền lì xì mừng năm mới. Sau lễ cúng giao thừa là năm mới với nhiều nghi lễ Nghênh Tân như cúng ông bà cha mẹ vào ba ngày tết, thăm viếng, lễ chùa, xin xăm hái lộc..

            Cũng trong nghi thức tống cựu, còn có lễ phong môn nhà cửa bằng hai miếng giấy đỏ dán chéo vào nhau, trên có viết ' khai môn đại cát ', cửa được mở vào lúc giao thừa. Tóm lại Tết Tàu lẫn Tết Ta, đều là những ngày trọng đại, vui vẻ và náo nhiệt nhất trong năm. Với truyền thống các dân tộc Á Ðông nói chung, thì Xuân tiết được bắt nguồn từ lễ Lạp Tế vào tháng chạp, từ lúc xã hội còn nguyên thủy. Rồi theo thời gian , lễ này biến thành phong tục khánh chúc năm mới, trong đó có các nghi lễ cúng tế thần linh và tổ tiên trong gia đình.

            Theo Phan Bội Châu đã ghi lại thì tết của người Trung Hoa vào thời đó, cũng không khác bây giờ là mấy, phần lớn là niềm vui trong gia đình, nhất là tại miền quê. Nói chung đối với người Tàu hay người Việt, thì ngày Tết là dịp duy nhất trong năm. để mọi người quay về nhà đoàn tụ với người thân. Cho nên những ngày thiêng liêng này, nếu những ai còn lạc lõng bơ vơ nơi xú lạ, hầu hết là những kẻ bất hạnh , nên người sắt đá như Phan Bội Châu trước cảnh cô đơn nơi xứ người, cũng cảm thấy hiu hắt buồn rầu.

             Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ, nhất là khắp các nơi chốn ở trên đất Trung Hoa, hầu như chốn nào tập quán cũng ít nhiều hao hao giống quê nhà. Ðây là sự thật vì cả vùng rộng lớn, từ Chiết Giang cái nôi của nền văn hóa Ngô Việt, xuống tới Phúc Kiến (Mân Việt), Lưỡng Quảng và Vân Nam ( Âu Việt).. cùng với Việt Nam (Lạc Việt), đều có nguồn gốc phát xuất từ Bách Việt, với những phong tục tập quán, vẫn còn được duy trì và tồn tại tới ngày nay.

             Ðọc ký sự của người chiến sỹ quốc gia năm nào càng thêm chua chát đắng cay, qua những lời viết khôi hài cười ra nước mắt khi ông cho biết trong ba ngày Tết, cả nước Tàu bỗng dưng hiền khô và dễ thương, nên ông đi đâu cũng được thiên hạ ân cần mời cơm ăn, rượu uống, làm cho người lạc xứ phải say mèm, phần vì rượu nhưng trên hết vẫn là say cái cảnh đầm ấm hạnh phúc nới đất người.

 

4 - TẾT THA PHƯƠNG Ờ XIÊM LA :

            Thời Pháp thuộc, số lương Việt kiều sinh sống tại Thái Lan không ai biết được, kể cả chính quyền Xiêm La và thực dân Tây ở Ðông dương, ngoại trừ những tổ chức cách mạng bản địa. Sỏ dĩ có vấn đề đó là vì hầu hết Việt kiều tại Thái Lan đều tham gia vào các lực lượng chính trị, do đó không ai muốn cho Tòa Lãnh sự Pháp tại Xiêm La, biết rõ lý lịch để mang phiền lụy hay bị bắt bớ .

             Phần khác đa số người Việt tại Thái do mặc cảm bị quốc nhục khi tới đây, qua những lời hạ bạc như ' Xào Mương Khữu ' tức ' Dân Vong Quốc ' hay ' Keo, Duồn, Khẩu, Nậm ' tức ' Thằng An-Nam kiếm ăn ở nhờ'. Cũng vì vậy mà ai cũng muốn học tiếng Thái và cố gắng làm ăn cho có tiền, để mau chóng được nhập tịch Thái. Có vậy họ mới thoát được pháp lý , vì không phải là người VN đang bị thực dân thống trị tại Ðông Dương. Từ sau năm 1954, VNCH có liên lạc ngoại giao với Thái Lan, nên phần nào tổng kết được một cách đại khái số lương Việt kiều và những địa phương có đông người Việt cư ngụ trên đất Thái tại Na Khon, Nong Khai, U Bon, Mar Keng, Ou Then, Xieng May và Vọng Các.

            Căn cứ vào báo chí của Người Việt xuất bản tại Thái, thì Người Việt đến đây qua bốn đợt, bắt đầu từ thời Minh Mạng (1820-1840) cấm đạo Thiên Chúa, thời kỳ thứ hai (1885-1897) xảy ra phong trào Cần Vương đánh Pháp, thời kỳ thứ ba chiến tranh biên giới Lào-Thái vào năm 1939 và thời kỳ cuối cùng (1946-1954) chiến tranh Ðông Dương. Thái Lan hiện có 10 tỉnh, trong đó hai tỉnh lớn nhất là Korat (Kho Rat) và Udon (Oudonne), chiếm tới 2/5 diện tích cả nước. Theo sử liệu, hai tỉnh này là lãnh thổ của Lào nằm phía bên kia sông Cửu Long, đã bị Xiêm La dùng bạo lực cưởng chiếm. Hai tỉnh này có rất nhiều Việt kiều trú ngụ, tại các Phủ Na Khon, Houthène, Sakhon, Counfvapit, Nong Khai, Bang Hen, Khon Khen, Ta Bot, Loeui, Fanranat, Phanonte, Nakés, Mouk.. Ngoài ra Việt kiều còn ở rải rác tại các tỉnh Parnamfo, Fichit và Chiengmay thuộc miền tây bắc Thái. Riêng thủ đô Vọng Các có it Việt kiều sinh sống, mặc dù đây là thương cảng có bến tàu từ tứ xứ tới.

            Thời đó để đối phó với các tổ chức chính trị của người Việt, từ VN và Trung Hoa sang đất Thái, nên thực dân Pháp đả đặt Tòa Lãnh sự và một mạng lưới công an mật thám như mạng nhện, để giăng bắt những nhà cách mạng tới đây hoạt động. Do đó Vọng Các cũng là nấm mộ đã chôn không biết bao nhiêu nhà ái quốc chí sĩ VN. Chính Tăng Bạt Hổ, Mai Lão Bạng, Lưu Khai Hồng, Ðặng Thái Thuyên, Lê Ðại, Ngô Chính Quốc, Ðặng Tử Mẫn, Bùi Chính Lộ.. những chiến sĩ của phong trào Ðông Du, Quang Phục và Thanh Niên Ðồng Minh Hội.. đều rời vào cạm bẫy của thực dân Pháp tại Vọng Các. Riêng Phan Bội Châu vào năm 1911, đã may mắn trong gang tấc thoát được mật thám Pháp cũng ở nơi này. Do trên trong ' Tự Phán' Phan Bội Châu đã viết rằng Vọng Các là một hang hùm, ổ rắn độc của chúng ta.

            Ðặng Thúc Hứa tự Ngọ Sanh người Nghệ An, là đồng chí của Cường Ðể, Nguyễn Thượng Huyền, Phan Bội Châu trong phong trào Ðông Du, Duy Tân và VN Quang Phục Hội, đã tới Nhật theo học Trường Khổ Công Học Hiệu tại Ðông Kinh. Năm 1908, sau khi bị chính quyền sở tại trục xuất, Ðặng Thúc Hứa được lệnh của tổ chức tới Xiêm La, để lãnh đạo các tổ chức cách mạng VN tại đây. Trước khi phong trào Ðông Du từ Nhật sang Xiêm La, Việt kiều tại Thái dù chưa có một tổ chức cách mạng nào, dù đa số đều thuộc các đội nghĩa quân Cần vương miền Nam của Trương Công Ðinh, Thủ Khoa Huân, Nguyễn Trung Trực, Thiên Hộ Dương, Phan Thanh Tòng.. hay ở miền Trung của các lãnh tụ Trần Hải, Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn, Lê Trung Ðình, Nguyễn Hiệu, Mai Xuân Thưởng.. sau khi các căn cứ bị Pháp phá vở, đã theo đường biển, đường núi, xuyên qua Hạ Lào, Cao Mên, chạy sang đất Thái , để xây dựng các cơ sở cách mạng tại Oubon, Xỉ Xã Kệch.. nhờ vua Thái là Fraonchant 6 che chở., từng nhiều lần vượt sông Cửu Long , tấn công các đồn Pháp tại Paské, Attopeu.. ở Hạ Lào.

            Từ năm 1908 về sau, qua sự lãnh đạo của các chí sĩ cách mạng trong phong trào Ðông Du, cơ sở cách mạng của Việt kiều tại Thái Lan đã phát triển rất nhiều như Bạn May, Bạn Vatapas, Bạn Banboche, thuộc tỉnh Lakhon. Ở phủ Oudonne có Bạn Nôông Bùa, Bạn Nôông Ổn. Khi Phan Bội Châu tới Xiêm, đã lập Bạn Ðông Thầm tại Phi Chịt, với các nam nữ chiến sĩ can trường , hùng liệt, được người địa phương gọi là ' Sứa Mường Thày ' (Cọp ở Thái) .

             Ðó là Võ Trọng Ðài, Lê Xuân Ngân, Nguyễn Trung Chánh, Nguyễn Tài, Nguyễn Ðức Thảo, Trạch Phong.. Tóm lại sau ngày phong trào Ðông Du tại Nhật Bổn bị tan vở, một nửa cỡ sở sang Tàu, phần còn lại tới Xiêm tiếp tục hoạt động cách mạng, với các lãnh tụ Phan Bội Châu, Tăng Bạt Hổ, Ðặng Tử Kính, Ðinh Doãn Tế, Ðặng Thúc Hứa, Võ Trọng Ðài, Nguyễn Thức Ðường, Mai Lão Bạng. Năm Tân hợi 1911 cuộc cách mạng lật đổ nhà Mãn Thanh ở Trung Hoa thành công như một luồng gió mới thổi vào các chiến sĩ cách mạng VN đang bôn ba đấu tranh chống thực dân Pháp tại hải ngoại. Từ đó tổ chức VN Quang Phục Hội ra đời ở Tàu và trong các địa phương tại Thái Lan có Việt kiều cư ngụ. Vì vậy Phan Sào Nam lại phải rời đất Xiêm sang Tàu và giao các cơ sở cách mạng ở đây cho Ðặng Tử Kính, Võ Trọng Ðài và Ðặng Thúc Hứa .

            Dưới sự lãnh đạo của VN Quang Phục Hội, các tổ chức chính trị của Việt kiều tại Thái Lan đã hoạt động rất tích cực , từ việc ấn hành các tài liệu cứu nước như Ái quốc ca, Ái chủng ca, Ái đoàn ca, Hoán tình quốc dân, Quang phục quân phương lược .. Song song, VN Quang phục hội còn cử Tùng Nham Nguyễn Văn Ngôn, từ Xiêm về Việt Bắc , giúp Hoàng Hoa Thám đẩy mạnh cuộc chống Pháp tại căn cứ Yên Thế, Phồn Xương, Thái Nguyên. Lại cử Sư Ông Rau về Cao Mên và Nam Kỳ lập các tổ chức VN Quang phục cách mạng.

            Thế chiến 1 tại Âu Châu, Pháp bị Ðức đánh bại phải đầu hàng một cách nhục nhã. Dựa vào thời cuộc quốc tế, Phan Bội Châu chuyển hướng đấu tranh bằng võ trang khắp nơi trong nước, như vụ Hà Thành đầu độc,cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên của Trịnh văn Cấn-Lương Ngọc Quyến, ném bom Hà Nội-Thái Bình, cuộc khởi nghĩa của Vua Duy Tân-Thái Phiên-Trần Cao Vân ở Huế.. Ðồng lúc từ các tỉnh Vân Nam và Quảng Tây, các nhà cách mạng VN Quang Phục Hội gồm Nguyễn Hải Thần, Hoàng Trọng Mậu và Nguyễn Thúc Ðường, chỉ huy ba đạo quân Việt Quốc, kéo về tấn công các đồn Pháp ở biên giới Hoa-Việt. Trong nội địa nước Thái, Việt kiều trong tổ chức Quang Phục Hội, qua sự giúp đỡ của Tòa Lãnh sự Ðức ở Vọng Các, nên cũng tổ chức được 3 đạo Nghĩa quân, dưới quyền chỉ huy của Ðinh Doãn Tế, Ngô Quang.. vượt sông Cửu Long, tấn công các đồn binh của thực dân Pháp tại biên giới Thái-Lào ở Hin Bun, Savannakhek, Paksé..

            Ngày 11 tháng 5 năm Ất Sửu nhằm tháng 7-1925, Phan Bội Châu từ Hàng Châu lên Thượng Hải, định đáp tàu thủy về Quảng Ðông để kịp dự cuộc tế lễ , kỷ niệm cái chết của liệt sĩ Phạm Hồng Thái , do các đoàn thể cách mạng VN hải ngoại tổ chức. Nhưng không ngờ khi tới ga Bắc Tạm, Phan Bội Châu bị Việt gian chỉ điểm cho mật thám Pháp bắt cóc, chở bằng tàu hải quân về Hà Nội để tử hình.

            Tuy nhiên giặc Pháp đâu ngờ rằng, sau tiếng bom của người chiến sĩ Pham Hồng Thái nổ tại Sa Ðiện, đã làm người Việt trong và ngoài nước bừng bừng nổi dậy. Vì vậy vừa nhận được tin Lãnh tụ Phan Bội Châu sắp bị thực dân đem lên mây chém. Thế là đồng bào từ nam ra bắc, Sài Gòn,Hà Nội, Huế hay bất cứ nơi nào, sinh viên học sinh, nông dân thợ thuyền, người bình dân cho tới hàng trí thức, lớp lớp ào ạt đình công bãi thị, biểu tình đòi Pháp phải ân xá ngay cho vị anh hùng dân tộc VN.

             Tại Thái Lan, Việt kiều qua sự lãnh đạo của các nhà cách mạng VN Quang Phục Hội như Ðặng Thúc Hứa, Võ Trọng Ðài,Cố Khôn, Thạch Phong, Lưu Khai Hồng.. bất kể thuộc thành phần nào, Thiên Chúa giáo hay đạo Phật, khắp nơi trên đất Thái, từ Oubon, Vọng Các đến các xứ đạo Tha Hệ, Noóng Xến, đã tranh đấu bằng đủ mọi hình thức như biểu tình trước sứ quán Pháp ở Bangkok,đăng báo bằng Thái và Anh ngữ cũng như nhờ các Linh mục , vận động Tòa Thánh La Mã, bắt Pháp phải ân xá cho Phan Bội Châu. Do tất cả các lý do trên, khiến giặc Pháp không dám giết Phan Sào Nam, chứ thật ra chúng chẳng nhân đạo gì, nhất là đối với người lãnh tụ phong trào Ðông Du kiệt hiệt và có uy tín nhất với người Việt và hải ngoại lúc đó, cũng như mãi mãi sau này.

            Cũng từ đó về sau, dù Phan Bội Châu làm thân cá chậu chim lồng trong tử địa tại Bến Ngự Huế nhưng tiếng tăm của ông, cộng với tiếng bom Sa Ðiện và dư âm của hàng triệu người đã tham dự ngày quốc táng lãnh tụ phong trào Duy Tân là Phan Chu Trinh, đã mở đường cuộc đấu tranh giành độc lập cho đất nước, của nhiều đảng phái chính trị như VN Quốc Dân Ðảng, Tân Việt Cách Mạng Ðảng, VN Cách Mạng Ðồng Minh Hội (Việt Minh), Hội kín NguyễnAn Ninh.. nam nữ các thế hệ VN, nối tiếp con đường cứu nước dang dở của các sĩ phu Văn Thân, Cần Vương, Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân, Cường Ðể, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng .. và nhát là Phan Bội Châu.. cho tới khi cả nước, đồng chiến đấu chung trong Mặt Trận Việt Minh, đánh đuổi được giặc Pháp, ra khỏi bờ cõi Hồng-Lạc vào tháng 7-1954.

            Theo những trang ký sự còn ghi , cho thấy Phan Bội Châu đã sống lưu vong nhiều năm trên đất Thái. Theo ông, Tết ở Xiêm chỉ chú trọng tới lễ Phật là trên hết, tuy nhiên đối với người VN vẫn có nhiều khác biệt, dù cả hai đều tới chùa cúng lạy với hương hoa trà quả và pháo nổ vang trời. Nhưng đó là đối với Tết Xuân của người thiên hạ, với Phan Bội Châu lúc đó đang sống với các đồng chí tại đồn điền Bạn Thầm.

             Ðây là một miền đất hoang vu chừng 30 mẫu, được chính phủ Thái cấp cho các nhà cách mạng lưu vong VN như Ðặng Tử Kính, Ðặng Ngọ Sinh.. tất cả chừng 40 người. Lúc Phan Bội Châu từ Nhật tới đây, cũng đã cùng anh em dùng hai bàn tay trắng, khái phá đất hoang để kiếm gạo nuôi sống hàng ngày. Lúc đó ai cũng lao động suốt ngày, còn cụ Phan vì không quen chuyện cày cuốc nên cũng phải vào núi để hái trà hoang, đem về nấu cho anh em uống . Làm việc suốt năm chỉ được nghỉ có sáng mồng một Tết Nguyên Ðán nhưng không phải để ăn uống món ngon vật lạ, mà là ngồi quây quần bên nhau, để hướng về quê hương nơi cõi muôn trùng, rồi nhớ thương qua những lời ca tiếng hát Ái quốc ca, Ái chủng ca .. Lời ca hòa lẫn tiếng vỗ tay đánh nhịp thay tiếng pháo, giữa khung trời tự do mượn tạm nơi đất khách nhưng đối với mọi người, thì đó là niềm hạnh phúc không bao giờ có tại quê nhà đang quằn quại hận hờn dưới gót giầy đô hộ của thực dân Pháp.

            Cuối chạp gần sắp Tết Tân Hợi (1911), đang lúc mọi người hờ hững đợi một thêm một xuân tha hương trên đất người, thì cuộc cách mạng lật đổ nhà Mãn Thanh trên đất Tàu đã thành công . Do đó, các lãnh tụ Trung Hoa QuốcDân Ðảng như Tôn Văn, Hoàng Khắc Cường.. muốn giúp đỡ các chính khách VN , nhất là Phan Bội Châu. Nhưng từ Xiêm muốn qua Tàu lúc đó, tiền lệ phí không phải là ít, khi mặt thật tài chánh tại đồn điền Bạn Thầm , thu góp chung chỉ đếm được 30 bạc. Số tiền này theo thời giá lúc đó, cũng chỉ đủ để Phan Bội Châu và Ðặng Tử Mẫn mua vé xe lửa tới Vọng Các mà thôi. Cuối cùng hai nhà cách mạng VN đã phải dùng khổ nhục kế " Hành Khuất " giữ lại số tiền 30 bạc, mua hai vé tàu thủy tới Hương Cảng. Thời gian rời Bạn Thầm đúng 29 Tết, Phan Bội Châu tói Quảng Ðong vào những ngày đầu tháng giêng năm Quý Sửu (1912) để kịp thành lập VN Quang Phục Hội, trên đất Trung Hoa.

            Hơn 100 năm trước, hàng hàng lớp lớp những người trẻ tuổi , mà Phan Bội Châu ví như một con chim đầu đàn, lớp chết lớp kế tiếp nhau vào tù ăn tết ở trong tù hay bị giam lỏng mãn đời trong tử địa. Ngày nay tên tuổi Phan Bội Châu được gắn liền với bao thế hệ thanh niên nam nữ Bình Thuận, qua ngôi trường trung học công lập tại thị xã Phan Thiết hơn nửa thế kỷ thăng trầm biển dâu trầm thống. Nhớ Phan Bội Châu cũng đâu bao giờ dám quên những anh hùng liệt sĩ yêu nước làm rạng danh sông núi Bình Thuận như Nguyễn Thông, Nguyễn Xuân Ôn, Ưng Chiếm, Bùi Hành, Cao Hàng, Phan Chánh, Lê Công Chánh, Tống Hưng Nho, Nguyễn Ðặng Giai.. Vũ Anh Khanh và trăm ngàn thanh niên thiếu nữ anh hào cận sử mà mới nhất có nũ sinh viên Nguyễn Phương Uyên chưa đầy 20 tuổi, sinh quán tại Gia Le (Thiện Giáo hay Hàm Thuận Bắc) nằm triên liên tỉnh 8 (Phan Thiết-Ma Lâm-Di Linh), đã vào tù vì dám công khai chống Tàu xâm lược VN.

            Năm Tân Hợi 1911, những nhà cách mạng VN đón nhận tin " lật đổ nhà Mãn Thanh " của người Tàu, trong niềm phấn khởi vô biên với niềm hy vọng VN cũng sẽ đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi non sông Việt như người Tàu đã làm.

            Đầu năm Tân Mẹo 2011, đúng 100 năm sau, người Việt trong và ngoài nước, cũng đón nhận được tin " đồng bào Tunisie và Ai Cập cùng nhiều quốc gia khác " đã và đang thành công trong cuộc cách mạng " lật đổ và giực xấp " những chế độ độc tài khủng bố, tham nhũng, hại dân và bán nước, để dành lại tự do dân chủ và quyền sống, quyền làm người. Chế độ CSVN và Syria hiện nay cũng không khác gì những nước trên, nên chắc chắn không sớm muộn gì chúng cũng sẽ bị tiêu diệt, cho dù VC hiện nay có là chư hầu của Trung Cộng hay đồng minh của Nga Sô hay bất cứ một đế quốc nào khác..nhưng trước sức mạnh và lòng dân, ngụy quyền Hà Nội phải sụp đổ ! Đó là một chân lý ..mà ai cũng nhìn thấy trước, qua các biến cố chính trị đã xãy ra mới đây, qua vụ CSVN bị LHQ khước từ vào Ủy Ban Nhân Quyền và trên hết thái độ gần như khinh miệt ruồng bỏ VC của chính quyền Obama trong nhiệm kỳ tổng thống lần 2, khi ông công du Châu Á, thăm viếng Miến Điện, Thái Lan và dự những phiên họp thượng đỉnh của khối ASEAN và các quốc gia liên hệ tới sự " Trung Cộng dùng vũ lực " cưởng đoại lãnh hải và đải của các lân bang tại biển Đông, mà VN là nạn nhân đích thực.


Viết từ Xóm Cồn Hạ Uy Di

Tháng 11-2012

MƯỜNG GIANG

No comments:

Post a Comment