Monday, November 19, 2012

NÓNG TỪ NGHỊ TRƯỜNG ĐẾN ĐƯỜNG PHỐ

Văn Quang

Trong tuần vừa qua, người dân Việt Nam chú ý đến nhiều nhất là cuộc chất vấn và trả lời trước Quốc Hội (QH) của các Bộ Trưởng và Thủ Tướng chính phủ. Có thể nói không khí nghị trường QH chưa bao giờ "nóng" như thế.

Có quá nhiều vấn đề thiết yếu đã và đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, từ ông giàu nứt đố đổ vách cất giữ hàng trăm, hàng ngàn lạng vàng đến anh khố rách áo ôm, cả nhà chỉ có mỗi chiếc xe gắn máy cũ thay nhau đi làm mọi thứ công việc trên đời.

Bỗng dưng vàng bị coi là "vàng không đúng tiêu chuẩn", xe cũ đang ngon lành bị coi là xe "lậu" vì không "chính chủ", tức là người đi xe không phải là chủ xe thực sự trện giấy tờ…

Đấy mới chỉ là hai vấn đề nhỏ, chưa nói tới những vấn đề lớn, đã làm người dân "bức xúc". Xin nói rõ hơn, "bức xúc" ở đây có nghĩa là người dân bất bình và lo bấn xúc xích. Lo đến nỗi nhiều gia đình làm bất cứ việc gì cũng không an tâm.  Cho nên những ngày này, VN đã  nóng còn nóng hơn từ hội trường QH đến hè phố.

Trước đó, vào đầu tháng 11-2012 này, một hội nghị khác cũng đã thảo luận vế các vấn đề quan trọng như bỏ phiếu tín nhiệm và văn hóa tứ chức cũng như việc kê khai tài sản của các vị đứng đầu các cơ quan và các ông có chức có quyền.

Những ông Bộ Trưởng bị "truy' nhiều nhất
Tôi không thể tường thuật chi tiết tất cả những điều mắt thấy tai nghe qua các đài truyền hình. Chỉ xin tóm lược những vấn đề quan trọng và những vị Bộ Trưởng được người dân quan tâm nhất. Có thể kể, 4 Bộ Trưởng được các ông đại biểu "chĩa mũi dùi" chất vấn sôi nổi và đặt những câu hỏi "hắc búa" hơn cả, đó là:

1- Ông Thống Đốc Ngân Hành Nhà Nước VN Nguyễn Văn Bình được chú ý hơn cả vì  những "thành tích" ông đã làm trong những tháng qua mong "ổn định" lại nền kinh tế VN đang xuống dốc tự do, nhưng lại khiến thị trường tiền tệ, ngân hàng và thị trường vàng "bấn loạn", nháo nhào. Dù không phải là bộ trưởng nhưng thực chất, nhiệm vụ và những quyết định của ông thống đốc đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế VN hơn cả những ông bà bộ trưởng khác.
Thống đốc Ngân Hàng nhà nước VN Nguyễn Văn Bình

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình trả lời về các vấn đề quản lý, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, vấn đề dư nợ tín dụng thấp mà doanh nghiệp không vay được vốn để sản xuất kinh doanh, tình trạng nợ xấu và nhiều tiêu cực chưa được giải quyết, giải pháp căn bản xử lý nợ xấu; vấn đề quản lý nhà nước về thị trường vàng miếng thời gian qua gây nhiều bức xúc cho người dân, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới gây thiệt hại cho người dân; thực trạng các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn và điều kiện tiếp cận vốn để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

2- Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ trả lời các vấn đề thuộc phạm vi trách nhiệm của bộ trưởng trong quản lý nhà nước về giá đối với các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, thuốc chữa bệnh, mức trả tiền bệnh viện (gọi là viện phí), gây ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân; việc điều chỉnh lương cho các đối tượng theo kết luận của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI).
Bộ Trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

3- Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời về trách nhiệm trước những tiêu cực, sai phạm ở một số bệnh viện; việc quản lý tiền chất, dược phẩm yếu kém dẫn đến để kẻ xấu lợi dụng sản xuất, điều chế ma túy trái phép; tình trạng giá viện phí mới quá cao, giá thuốc trong nước cao hơn giá thuốc thế giới nhiều lần; thời gian qua nhiều sản phụ, trẻ em dưới 5 tuổi tử vong, nhiều bệnh viện cho bệnh nhân xuất viện trong tình trạng bệnh nhân chưa hoàn toàn bình phục; tình trạng nạo phá thai ở trẻ vị thành niên và hiện tượng mất cân bằng giới tính ở mức cao gây nhức nhối xã hội; tình trạng quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm yếu kém và giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Phòng khám bệnh chật cứng, bệnh nhân ngồi tràn ra bên ngoài chờ khám 

4- Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trả lời các giải pháp của bộ trưởng trong việc xử lý tồn đọng bất động sản và giải quyết đồng bộ cơ sở hạ tầng tại các khu đô thị mới; vấn đề chất lượng các công trình xây dựng, trong đó có các công trình thủy điện gây bức xúc trong nhân dân như thủy điện Sông Tranh 2…
Khu vực đập thủy điện Sông Tranh bị vỡ
Đấy là 4 vị được chú ý nhiều nhất, chưa nói tới các vị Bộ Trưởng khác như :
- Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng nhận được nhiều câu hỏi về chất lượng hàng hóa, tồn kho xây dựng các nhà máy thủy điện, chiến lược xuất nhập khẩu, thương hiệu quốc gia và quản lý xăng dầu...
- Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng giải trình về chất lượng công trình, an toàn của các nhà máy thủy điện, việc quản lý các tập đoàn thuộc bộ và giải pháp cho thị trường bất động sản…

Và trước đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày Báo cáo về thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, thứ 3. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng tham gia trả lời chất vấn các vấn đề về giáo dục.

Trong thời gian các bộ trưởng trả lời chất vấn, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng có mặt tại nghị trường chú ý theo dõi để cuối cùng chính Thủ Tướng đăng đàn hơn một giờ, trả lời chất vấn, bổ sung, làm rõ hơn những câu trả lời của các bộ trưởng và cương vị của chính ông.

Lời hứa và sự thực hiện như thế nào?
Người dân theo dõi qua đài truyền hình VN nhận thấy không khí tại nghị trường rất nóng bởi những câu hỏi khá sát với thực tế và đôi khi có phần gay gắt của các đại biểu QH. Người dân hy vọng sẽ nhận được những câu trả lời cũng thực tế, giải quyết được những vấn đề vô cùng khó khăn, phức tạp của nền kinh tề èo uột và những tệ nạn đang làm cho người dân đã nghèo còn khốn đốn hơn.

Nhưng nhìn những vấn đề quý bạn đã đọc ở trên, quả thật là quá nhiều vấn đề nghiêm trọng và quá rối rắm, không thể nào tóm tắt trong vài dòng mà hết được. Nhìn chung, người dân tạm hài lòng với những câu hỏi, càng "bình dân", càng cụ thể càng tốt của một số lớn đại biểu QH. 

Nhưng người dân không thể nhớ những gì các ông bộ trưởng giải thích rồi hứa "sẽ thực hiện, sẽ kiểm tra, sẽ sửa đổi…" Những lời giải thích có khi lại nặng về phần "vĩ mô", thiếu thực dụng nên người dân càng "ù ù cạc cạc", may lắm chỉ nhớ những nét đại cương. Đành phải nhờ QH nhớ giùm và kiểm tra giùm xem các ngài bộ trưởng có thực hiện lời hứa được không. Bởi từ lâu lắm rồi, nhiều quan chức cứ hứa và chẳng ai biết các ông ấy có thực hiện không và thực hiện đến đâu.

Như lời bà Nguyễn Thị Hoài Thu, Nguyên Chủ nhiệm Ủy Ban Các vấn đề xã hội nói nguyên văn: "Đó là món nợ với dân suốt 11 năm qua chưa trả. Quốc hội trải qua nhiều nhiệm kỳ nhưng vẫn còn nợ lại thì nay phải dứt khoát trả nợ với dân".

Sau hai ngày rưỡi chất vấn và trả lời, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá là nghiêm túc, cầu thị, thể hiện được tinh thần trách nhiệm của trưởng ngành. Dù vậy, đâu đó vẫn còn những nét gợn như việc trả lời chệch ý đại biểu, "đá bóng" trách nhiệm cho nhau hay việc một Bộ trưởng chưa thể trả lời ngay câu hỏi tại nghị trường do "tài liệu để ở nhà".
Còn một số vấn đề các Bộ trưởng chưa trả lời hết ý, khiến Chủ tịch Quốc hội phải đề nghị Thủ tướng trao đổi thêm trong phần chất vấn của mình.

Thủ thuật tránh né của các ngài Bộ Trưởng, trả lời "nước đôi"
Về phía dư luận của người dân, có lẽ ai cũng thấy nhiều ông bộ trưởng rất "thuộc bài" khi đề cập tới những ưu điểm và những "quyết sách của bộ mình" dù có đem lại kết quả cụ thể hay không. Còn khi gặp những câu hỏi tương đối "khó nuốt" thì các vị bộ trưởng có những thủ thuật tránh né rất tài tình. Xin nêu một nhận định khá minh bạch về "thủ thuật tránh né" này.

Trong một số trường hợp, cách ứng xử của cá vị Bộ Trưởng na ná nhau. Lựa chọn thông thường nhất là trả lời dạng... nước đôi: "chúng tôi đang nghiên cứu", "đang sửa đổi", "sẽ tiếp thu"... còn bao giờ mới sửa xong thì bộ trưởng quên không nói. Thông thường nhất là đưa thông tin chung chung. Như khi bị truy về con số thất thoát hơn 10 ngàn tỷ ở tập đoàn Sông Đà, Bộ trưởng Xây dựng trả lời theo kiểu ai muốn hiểu thế nào thì hiểu, rằng "số tiền này không phải mất đi mà là tiền vi phạm nguyên tắc".

Dù đại biểu đã đặt ra một vấn đề cụ thể, muốn truy trách nhiệm rõ ràng, có thời gian, địa chỉ, song cách lựa chọn phổ biến nhất vẫn là những lời nói chung chung: "mọi việc vẫn đang được nghiên cứu".
Mời đến "đại bản doanh" để nghe, để… sờ thấy câu trả lời

Kiểu ứng phó thứ hai với câu hỏi khó là … chiến thuật "để quên câu trả lời". Lấy thí dụ cụ thể như Thống đốc Nguyễn Văn Bình mời ngay một đại biểu đến ngân hàng để "nghe các vụ chức năng giới thiệu bảng cân đối của toàn ngành".
Y như Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Minh Quang ở kỳ họp trước khi trả lời chất vấn những vụ "nóng" về đất đai, lần này, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng "Xin mời đại biểu sang chỗ chúng tôi, chúng tôi sẽ báo cáo".

Tất nhiên, không ai nắm hết thông số chi tiết, đại biểu cũng không hỏi riêng một việc để bộ trưởng thanh minh mà chỉ có lãnh đạo các vụ, cục (tức là những cơ sở cấp dưới bộ trưởng) mới nắm hết đầu mối. Những câu hỏi bị "khất nợ" chính là hỏi về tham nhũng, tiêu cực của bộ này.

Với vai trò giám sát, đại biểu sẽ có nhiều cách để lấy thông tin chứ đâu cần đợi đến khi bộ trưởng đăng đàn giải trình mới hỏi. Điều họ trông đợi là bản lĩnh dám đối diện với những câu hỏi "hóc búa". Nên đứng trước các "lời mời" ghé thăm trụ sở, có lẽ đại biểu cũng đành cười trừ mà từ chối. Câu hỏi lại bị bỏ qua.

Không nghe, chưa thấy, chưa biết
Nhiều bộ trưởng khi vấp câu hỏi xoáy lại chọn giải pháp "chưa hề biết vấn đề này".
Các vị ấy cho rằng thông tin đại biểu cung cấp là "lần đầu được nghe", hoặc "mới chỉ nghe qua báo chí, dư luận". Ngay cả khi các con số sai phạm được trưng ra rõ ràng thì bộ trưởng vẫn kiên quyết "không nghe, không thấy".

Điển hình là trong phiên chất vấn Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, khi được hỏi về "sức khỏe" của ông lớn xăng dầu Petrolimex qua kết quả kiểm toán, ông vẫn khăng khăng "đến giờ phút này chúng tôi chưa nhận được, chưa có thông tin chính thức. Chúng tôi cũng như Đại biểu QH chỉ được đọc trên báo".

Có mặt tại phiên họp, Tổng Kiểm toán Nhà nước đứng lên nói, kết quả kiểm toán đã gửi đến Bộ Công thương, Thủ tướng. Thậm chí, Thủ tướng đã chỉ đạo liên bộ thực hiện kết luận nói trên. Đến nỗi Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng hóm hỉnh nhận xét: "Chắc do mới quá thành ra anh Hoàng chưa nhận được".

Xin "khất nợ" hoặc đá bóng sang sân khác
Ngoài những cách tránh né như trên, thì phổ biến nhất vẫn là xin khất đến lúc khác, kỳ sau. Hoặc, nhờ tới sự phối hợp của bộ này, ngành kia. Đặc biệt là "đá" quả bóng trách nhiệm về cho Thủ tướng.

Rõ ràng, không phải ai cũng có đủ bản lãnh để thẳng thắn đối diện với những câu hỏi khó tại nghị trường. Mỗi kỳ chất vấn chỉ như một cuộc "sát hạch" tín nhiệm. Nhiều chuyện vẫn còn lại dai dẳng, "bức xúc" trong lòng cử tri.

Những hỏi và câu trả lời "vui nhất"
Khi Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đăng đàn trả lời, ông Dương Trung Quốc đặt vấn đề: "Thủ tướng nghĩ gì khi mình nặng trách nhiệm với đảng, nhẹ trách nhiệm với dân". Ông Quốc cũng đề nghị hướng tới văn hóa từ chức trong đội ngũ cán bộ để đoạn tuyệt với những lời xin lỗi".
Ông Dương Trung Quốc đặt câu hỏi với Thủ Tướng VN

Ông Quốc có ý nói QH không muốn nghe những lời xin lỗi nữa, ông nào thấy không làm tròn nhiệm vụ hãy từ chức đi.
Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời đại ý là "Gần suốt cuộc đời tôi theo đảng, tôi không chạy, không xin hay thoái thác bất cứ nhiệm vụ gì đảng giao".

Nhưng vui nhất là lời đề nghị của bà bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kêu gọi mọi người gửi hình chụp bác sĩ nhận phong bì cho bà, chắc là bà sẽ phạt rất nặng. Tức khắc lời đề nghị này khiến dư luận nổi sóng. Như thế chẳng khác nào người mất trộm đi trình báo Công An, được CA hỏi lại: "Ông cho tôi biết tên và địa chỉ kẻ trộm, tôi sẽ bắt nó ngay".

Có ông bác sĩ nào ngố đến nỗi đưa tay nhận phong bì của người nhà bệnh nhân để cho người khác chụp hình bao giờ đâu. Có đưa thì cũng phải kín đáo, giấu trong bóng tối mơ hồ hoặc người nhà bệnh nhân dúi váo túi áo rông thùng của bác sĩ. Bác Phương Nguyên cho rằng bà bộ trưởng Bà Bộ Trưởng đánh đố người dân:

"Xin Bộ trưởng (Y tế) gợi ý cho vài cách có thể chụp ảnh được bác sĩ nhận phong bì. Chúng tôi là nông dân, đến điện thoại di động còn chẳng có lấy đâu ra máy có chức năng chụp hình. Chúng tôi không thể một hai chạy theo mong bác sĩ lưu ý đến trường hợp người nhà mình đang nằm kia để rồi có thể nghĩ ra cách "gài" cảnh bác sĩ nhận phong bì để rồi chụp hình người ta làm bằng chứng. - Hơn nữa, những "bác sĩ" kia thừa độ chuyên nghiệp và kinh nghiệm để có thể nhận phong bì ở những nơi "nguy hiểm" hay rủi ro cho bản thân họ. Xin bà hãy đưa ra giải pháp ngăn chặn sự tiêu cực và cần hành động để giảm thiểu những tồn tại gây bức xúc trong dân chứ".

Còn ông Thống Đốc NHNN VN lại có một lời cam đoan muốn nổ tung nghị trường. Ông kêu gọi doanh nghiệp (DN) nào không vay được tiền ngân hàng hãy đến gặp ông, ông sẽ chỉ đạo cho ngân hàng cho vay, miễn là DN đó không quá yếu kém.

Ngoại trừ vài chục ngàn DN đã chết hẳn hoặc bỏ của chạy lấy người, nay vẫn còn hàng mấy chục ngàn DN đang ở trong tình trạng sống dở chết dở hay gọi là "chết lâm sàng", nghe tin này chắc ngỏm cả dậy mừng rơn. Nếu họ đồng loạt kéo đến Ngân Hàng Nhà Nước như một cuôc biểu tình, chẳng hiểu ông thống đốc sẽ giải quyết ra sao. Không biết tài kinh bang tế thế của ông thống đốc sẽ làm cho các DN VN đứng dậy được thì dân Viêt có phúc lắm lắm.

Thưa bạn đọc,

Đó là vài nét chấm phá về cuộc chất vấn và trả lời của một số Bộ Trưởng quan trọng hàng đầu VN. Còn sau cuộc chất vấn này, những gì sẽ được cải cách lại là một vấn đề khác. Người dân còn phải chờ đợi ở những ngày tháng tiếp theo. Họ chưa thể hy vọng chắc chắn bất cứ vấn đề nào trong đời sống quá khó khăn hiện tại.

Bài viết đã dài, chuyện "nóng ngoài đường phố" xin để kỳ tới tôi tường thuật cùng bạn đọc.

Văn Quang - Viết từ Sài Gòn, ngày 16.11.2012

No comments:

Post a Comment