Friday, February 17, 2012

Lưu vong trên chính quê mình

Lưu vong trên chính quê mình

 Phan Châu Thành


Chưa bao giờ tôi nghĩ mình là kẻ lưu vong. Tôi đang sống trên đất nước mình, nơi ông cha tôi đã sống. Thế mà nhìn kỹ lại, tôi thấy mình đúng là kẻ đang lưu vong trên chính quê hương yêu dấu của mình. Tại sao vậy?

Bởi vì, gần suốt cuộc đời trưởng thành tôi sống mà không muốn tham gia vào guồng máy chính trị xã hội hiện hữu. Bởi vì tôi hoàn toàn không đồng ý với cái thể chế cộng sản này, hoàn toàn không đồng ý với những gì họ đã và đang làm trên đất nước tôi, với dân tộc tôi. Tôi đã phải sống ở trong nó, nhưng tôi không thể thay đổi nó từ bên trong, mà nó có thể thay đổi tôi, sẽ nghiền nát tôi. Nó bắt tôi tham gia công cuộc tàn bạo phá hoại đất nước con người, dân tộc Việt của nó mà tôi không đồng ý.

Để khỏi bị thay đổi hay bị nghiền nát, tôi đã phải thoát ra khỏi nó. Và tôi đã và đang cố sống "ngoài cuộc" và "ngoài xã hội" đó (không biết có khái niệm đó hay có thể gọi như thế được không?) suốt hơn mấy chục năm qua với tư cách một người trưởng thành.

Thế nào là "cuộc sống ngoài cuộc", "ngaoì xã hội" của tôi: là tôi từ chối vào đảng hay tham gia mọi hoạt động chính trị của chính quyền từ thời sinh viên, tôi từ chối và chưa bao giờ đi bầu cử, tôi không làm việc cho cơ quan nhà nước, tôi dậy các con không vào đội vào đoàn vào đảng CS dù chúng có bị phân biệt đối xử và bị áp lực từ nhà trường, bị không được thi đại học… Có thể nói: tôi tự lưu vong cuộc sống tinh thần mình của mình và gia đình vì tôi cho rằng đó là cách tốt nhất để chúng tôi có cuộc sống tinh thần trong sạch và tự do trong xã hội CS đang thoái hoá hiện nay trên đất nước này.

Tôi chợt nhận ra, nếu nghĩ thế, cha tôi cũng là kẻ suốt đời đã lưu vong, và con gái tôi hôm nay cũng đang lưu vong phiêu bạt xứ người…

Vậy chúng tôi là ai?

Cuộc lưu vong của cha tôi

Ông bà nội tôi là nông dân miền Tây Nam bộ nghèo và đông con nên cha tôi đã phải theo chị Hai mình phiêu bạt lên Sài gòn kiếm sống từ bé. Cha tôi giúp chị bằng nghề đánh giày, đến 14 tuổi thì được vào làm thợ học việc ở Bason… Trong thời gian đó ông nội tôi bị chết trong tù do đã tham gia cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940. Cha kể, ông nội bị bắt cùng với một cán bộ CS cấp trên và người này sau đó đã khai chính ông nội mới là cán bộ cấp trên… (điều này sau này bà nội tôi cũng nói vậy, tôi không kiểm chứng được).

Mười bảy tuổi cha trốn cô Hai tôi lên chiến khu Đồng tháp, gia nhập Tiểu đoàn 307, làm lính quân giới. Năm 1954 cha tôi tập kết ra Bắc làm công nhân cơ khí tại các nhà máy nhiệt điện ở miền Bắc, gặp và cưới mẹ chúng tôi, sau 75 đưa cả nhà tôi vào Nam…

Ông ngoại tôi là giám đốc một nhà máy lớn, một cán bộ cách mạng tiền khởi nghĩa ở miền Bắc, mến anh cán bộ miền Nam tập kết tài hoa, hiền lành mà cô đơn, nên gả con gái cho.

21 năm cha tôi sống trên đất Bắc, bây giờ tôi mới hiểu đó là cuộc sống bị lưu vong của ông. Suốt mười năm trước khi ra nước ngoài học (tử 7 đến 17 tuổi) tôi đã được sống rất gần cha, đã được chứng kiến nhiều thăng trầm của cha mà tôi khi đó chưa hiểu. Cha là người thợ cơ khí tài hoa hiếm có, có bàn tay vàng, "có thể sửa chữa mọi hư hỏng của máy móc", cha luôn phải có mặt sau những trận bom xuống các nhà máy điện để phục hồi chúng vì cha tôi là một trong số ít người giỏi nhất…và cha tôi đã làm việc không quản ngày đêm. 21 năm đó sức lực tài năng của cha tôi đã bị vắt kiệt để lại cho ông bệnh tim bệnh lao nặng, nhưng người ta không trọng dụng cha tôi. Cha tôi bị coi là cán bộ "bất mãn" vì ông cực ghét tham nhũng, ông căm thù giả dối, ông khinh bỉ bọn cán bộ hủ hoá đạo đức giả, ông sống rất thẳng không biết thủ đoạn là gì…

Dù còn bé, tôi đã thấy cha mình đơn độc, thỉnh thoảng có mấy người bạn tâm giao thì họ cũng bị cô độc giống cha tôi. Tôi đã từng thấy cha mình nửa đêm tỉnh dậy và khóc một mình nhiều lần chỉ có tôi nghe và giả vờ đang ngủ... Tôi đã từng nghe cha cùng các bạn chửi cán bộ là "tụi nó độc ác, vô lương tâm, mất tính người…". Tôi đã cười khi thấy cha vô cùng sợ cái rét miền Bắc mà không biết 21 năm đó cha còn có 21 mùa đông CS khác trong lòng dài và rét buốt hơn nhiều. Lớn lên, tôi không còn nghe cha tôi hát bài "Tiểu đoàn 307" nữa, mà cha tôi chỉ hát duy nhất bài "Con kênh xanh xanh"…

Sau 1975, trở lại Sài gòn với "tư thế người chiến thắng" mà tôi thấy cha mình luôn buồn rười rượi. Cha bỏ bao công sức đi bảo lãnh, đi cứu những người bạn bè, bà con "ở phía bên kia" khỏi sự trả thù tàn ác của các "đồng chí" của cha – những kẻ cha nguyền rủa. Cha tôi sớm ra đi sau một cơn đau tim gây nên bởi cuộc đấu tranh chống tham nhũng của ông chống những người đồng chí của mình. Hơn chục năm "sống trong chiến thắng" với cha tôi tiếp tục là chiến bại trong lòng. Cha tôi đã từ bỏ lý tưởng cộng sản ít lâu trước khi mất, cha tôi đã rất đau khổ vì đã góp phần làm đất nước mình đau khổ. Vậy là cha tôi suốt đời lưu vong, trên đât Bắc rồi lại trên chính đất Sài gòn nơi bà nội và cô Hai đã nuôi cha lớn…

Cuộc sống lưu vong trên chính quê hương mình của tôi

17 tuổi, tôi được chế độ cộng sản cho đi du học Đông Âu vì lý lịch tốt (cha ông cộng sản) và thành tích học tập tốt. Nhưng ở Đông Âu tôi đã nhanh chóng nhận ra bộ mặt thật thiếu tính người của các chế độ cộng sản, như cha tôi đã nhận ra trong 21 năm ông cùng các bạn tâm giao bị lưu vong trên miền Bắc.

Tôi từ chối vào đảng từ thời sinh viên đó. Sau hơn 10 năm du học nghiêm túc với vài bằng cấp đại học và sau đại học, tôi được nhận vào làm nhân viên đại sứ quán VN tại Đông Âu, nhưng tôi lại chọn trở về vì muốn được cống hiến cho đất nước đã cho tôi đi học (dù sao tôi cũng là "sản phẩm tốt" của mái trường XHCN!). Nhưng sau 10 năm tận tụy "cống hiến", tôi nhận ra mình càng cố gắng làm việc nhiều và càng làm tốt bao nhiêu thì mình càng vô tình càng làm hại nước hại dân nhiều hơn. Ở cơ quan, người ta muốn tôi vào đảng, người ta muốn tôi vào "dây lợi ích" thì người ta sẽ cho tôi làm giám đốc, tổng giám đốc (vì tôi có đủ mọi điều kiện) và tôi "sẽ có mọi thứ", mà tôi chỉ muốn là một giám đốc kỹ thuật đứng ngoài đảng… vì những thất vọng về đảng CS của cha tôi đã được tôi tự kiểm chứng là đúng.

"Một giám đốc kỹ thuật kiên quyết không vào đảng" như tôi trở thành cái gai của chế độ, dù tôi có làm việc tốt đến thế nào họ - cả một bộ máy tổ chức - cũng luôn cố tình hãm hại tôi. Cuối cùng, tôi thấy cách cống hiến cho dân nước tốt nhất và an toàn của một công dân là đừng tham gia vào bộ máy hại nước hại dân. Và đó là điều tôi đã lựa chọn: an toàn cho mình và vợ con, tôi bỏ nhà nước.

10 năm đầu làm cho nhà nước, tôi cô đơn và chỉ có công việc làm niềm vui. Gần 20 năm sau ra ngoài làm ăn và kiên quyết không dính vào bọn nhà nước với các dây tham nhũng của chúng, tôi càng tiếp tục cô đơn hơn và tất nhiên rất khó làm giàu. Nhưng tôi được tự do tinh thần và tư tuỏng, được giữ lương tâm trong sạch, tấm lòng thanh thản…Chúng tôi đã mất gần 20 năm để (hai kẻ trí thức) tay trắng làm lại tất cả trên thị trường tư nhân "tự do nửa với" này: nuôi hai con, lập và tập làm doanh nghiệp, giữ mình, dạy con, kinh doanh và sống theo ý mình cho là đúng là tốt…

Cảm giác xã hội chung của tôi những năm qua vẫn là cô đơn, sống bên ngoài xã hội, nhưng chúng tôi tự do và thanh thản và tất nhiên là rất hạnh phúc trong gia đình!

Cô đơn bởi vì tôi thậm chí không có bạn tâm giao mà chia sẻ như cha tôi. Với tôi đó là sự nguy hiểm. Tôi chỉ thấy bớt cô đơn khi mình lên mạng và tìm được nhiều người bạn ảo tâm đầu ý hợp. Tôi cũng buồn vui theo cuộc sống trên mạng của mình. Nhưng tôi tin ở trong nước, những người đang sống và "tự lưu vong chính trị" như tôi rất nhiều. Có khi họ là hàng xóm của tôi mà tôi không biết.

Thế đấy, ngoài đời thật, đúng là tôi có cuộc sống tự lưu vong chính trị hoàn toàn trên chính quê hương mình. Tôi cảm thấy mình đang đợi những người bạn tâm giao. Chúng tôi đã tự đến với nhau, trên mạng. Một ngày tới, chúng tôi sẽ gặp nhau trên quê hương.

Cuộc lưu vong giáo dục của con tôi

Cũng 17 tuổi, con gái tôi khoác balô du học Mỹ theo học bổng cháu tự thi được, không có sự hỗ trợ nào của cha mẹ. Trước đó cháu không hề nghĩ học xong sẽ ở lại. Thế mà, sau khi học MBA về nước cháu nhận ra quê hương thân yêu không phải môi trường sống phù hợp cho mình. Cháu không muốn tham gia vào bất cứ việc gì của chế độ CS này. Cháu chọn nước Mỹ để đi làm, để sống, để tiến thân. Rồi cháu lập gia đình và gia nhập quốc tịch bển. Thế là cháu sẽ lưu vong hoàn toàn?

Tôi không biết, có lẽ không hẳn thế. Dù sao, con gái tôi cũng đã được tự do lựa chọn nơi sống và cách sống của mình. Nhưng vô tình đó lại là một cuộc sống lưu vong, bắt đầu từ "lưu vong giáo dục" để không phải sống lưu vong trên chính quê hương mình như ông cha cháu. Nhưng tôi rất tin một ngày không xa cháu sẽ trở về lập nghiệp trên quê hương mình mà sẽ không phải sống "lưu vong" như tôi đang sống nữa.

Có một điều thú vị bất ngờ của cuộc sống, đó là người mà cháu chọn gắn kết cuộc đời lại là con trai một gia đình công chức VNCH cao cấp đã phải bỏ đất nước ra đi sau 1975 vì "chiến thắng" của ông nội ông ngoại cháu và các đồng chí của ông, giống như con gái TT Dũng lấy chồng Việt kiều vậy. Chỉ có điều chàng rể Việt kiều của tôi không giúp cha vợ và vợ xây dựng chế độ cộng sản để vơ vét mà thôi…

Và thử rút ra kết luận

Như thế, ba thế hệ chúng tôi đều đã phải hoặc tự chọn cuộc sống lưu vong theo cách nào đó.

21 năm lưu vong của cha tôi và các đồng chí mình là lưu vong CS, lưu vong "đỏ", đã góp phần làm nên cuộc tan rã và ly tán của dân tộc trên một đất nước "thống nhất'. Cha tôi đã lưu vong vì nhìn nhận ra cái sai trái của con đường CS mình lỡ đã theo.

Cuộc sống tự lưu vong chính trị của tôi mấy chục năm qua là hậu quả trực tiếp từ thế hệ ông cha tôi: chúng tôi đã bị mất hướng đi và niềm tin, không tìm thấy chỗ đứng của mình trên chính quê hương mình và chấp nhận tự lưu vong "trắng" để không sai lầm tiếp như cha ông. Tôi nghĩ có rất nhiều người thế hệ tôi không chịu hợp tác với chế độ cộng sản như tôi và chấp nhận cưộc đời lưu vong trắng, dù cha anh chúng tôi đã ở bên nào cuộc chiến trước đó.

Cuộc lưu vong thế hệ thứ ba của con gái tôi với con con trai "những cựu kẻ thù" của cha tôi là để hàn gắn sai lầm và hậu quả của cuộc lưu vong "đỏ" thứ nhất. Đó có thể gọi là cuộc lưu vong màu xanh, lưu vong của hy vọng, sau "lưu vong giáo dục". Rằng một ngày gần đây dân tộc ta sẽ lại hoà hợp lại để mọi con em mọi thế hệ Việt không còn phải sống lưu vong trên đất nước mình hay nơi xa xứ nữa.

Đó sẽ là cuộc hoà hợp dân tộc trong nền Dân chủ tự do, không cộng sản, tôi tin thế.

Sài gòn, ngày 14/2/2012.

Phan Châu Thành

No comments:

Post a Comment