Monday, February 27, 2012

Cái toilet và quyền làm người


Cái toilet và quyền làm người

Nguyễn Hưng Quốc

Một lần, tôi vào phòng vệ sinh trong một trung tâm thương mại ở Bangkok. Tôi nhìn trước cửa thấy hình đàn ông và một chữ "Man" (Nam) to tướng. Nhưng mới bước qua khỏi cánh cửa chính, tôi giật thót người khi thấy một phụ nữ khoảng 40-50 tuổi đang lom khom quét dọn trên sàn nhà. Nhìn chung quanh, bốn hay năm người đàn ông đứng quay lưng lại…tè. Người tè thì cứ tè; người quét dọn thì cứ quét dọn. Thật tự nhiên.

Cảnh ấy, về sau, tôi thấy đi thấy lại nhiều lần. Các nữ công nhân hết sức thoải mái bước vào phòng vệ sinh nam quét dọn, lau chùi. Ai tiểu tiện hay đại tiện cũng mặc, họ cứ cắm cúi làm việc của họ. Cả họ lẫn những người đàn ông chung quanh hình như cũng đều thấy đó là chuyện bình thường. Không ai ngượng ngùng hay khó chịu cả.

Tôi nhớ đến các phòng vệ sinh ở Hàn Quốc. Nói chung, so với phần lớn các nước Á châu khác, phòng vệ sinh ở Hàn Quốc hiện đại và sạch sẽ hơn hẳn. Có lẽ hiện đại và sạch sẽ hơn ở Úc. Tuy nhiên, hầu hết các nhà vệ sinh ở Hàn Quốc, từ trong khách sạn đến các đại học và các khu vực công cộng đều có một đặc điểm giống nhau: chỉ có một lớp cửa chính (không kể cửa phòng nhỏ nơi có bồn cầu).

Ở Tây phương, các nhà vệ sinh thường có hai lớp cửa chính: Bước qua cánh cửa thứ nhất, hoặc người ta sẽ gặp khu rửa tay hoặc một bức tường chắn ngang. Người ta phải qua khỏi cái ngách sau bức tường chắn ngang hoặc đẩy thêm cánh cửa khác mới đến khu vực làm vệ sinh. Cách kiến trúc như vậy có hai mục đích: một, người đứng ngoài không thể nhìn thấy người ở trong phòng vệ sinh; và hai, người mới làm vệ sinh xong, có đủ thì giờ riêng tư để lấy lại tư thế tự tin khi bước ra bên ngoài.

Ở Hàn Quốc thì khác. Tất cả chỉ có một lớp cửa. Mở cánh cửa ấy là thấy ngay dãy bồn tiểu ở khu vực dành cho nam giới. Mà ở những nơi đông người, có lẽ để cho tiện, người ta rất ít khi khép cánh cửa chính ấy. Cứ để mở thông thống. Bước dọc theo hành lang trước nhà vệ sinh nam, liếc mắt vào, người ta sẽ thấy ngay cảnh một số người đang quay lưng lại đứng tè vào bồn. Mà có vẻ như người ta cũng rất tự nhiên khi đứng tè như thế. Lúc đầu, trong một phòng vệ sinh ở tiệm ăn, tôi rất ngạc nhiên khi thấy cảnh ấy. Nhưng lại nghĩ: đó là tiệm ăn. Mấy ngày sau, làm việc ở một trường đại học, tôi cũng lại thấy cảnh ấy. Sau, đi đâu cũng thấy. Cũng cảnh những khu vực vệ sinh chỉ có một lớp cửa và cửa thì lúc nào cũng mở toang hoang như thế.

Ở Trung Quốc, trừ trong phi trường và khách sạn hạng sang, hầu hết các toilet công cộng đều là xí xổm, tức loại hố xí chỉ có bệ chứ không có bồn, theo kiểu các hố xí cổ điển ở Việt Nam trước đây. Ngồi trên hố xí ấy, chúng ta phải ngồi chồm hổm. Điều lạ là ngay ở những nhà hàng thuộc loại sang trọng, người ta cũng xây những kiểu hố xí như vậy. Tuy nhiên, điều đặc biệt là ở các phòng vệ sinh kiểu như thế nhiều khi không hề có giấy! Ngày đầu tiên ở Bắc Kinh, khi ghé lại tham quan một khu di tích lịch sử, mấy người phụ nữ trong tour du lịch của tôi vào nhà vệ sinh. Mấy phút sau, họ nháo nhác chạy ra, hỏi: Ai có khăn giấy (tissues) không? Cả bọn lục trong túi quần túi áo, có bao nhiêu khăn giấy đều giao hết cho họ. Sau đó, từ nhà vệ sinh ra, họ cho biết: trong đó không có giấy!

Hiện tượng không có giấy trong các nhà vệ sinh công cộng ở Trung Quốc có vẻ khá phổ biến. Hỏi người hướng dẫn tour du lịch thì được giải thích: để bao nhiêu giấy mất trộm bấy nhiêu nên người ta hoặc là không cung cấp giấy hoặc là để đâu đó ở phòng ngoài, có nhân viên canh gác.

Nhưng nói chung các phòng vệ sinh công cộng ở Trung Quốc, ít nhất ở các nơi tôi đã đi qua, từ Bắc Kinh đến Vô Tích, Tô Châu, Hàng Châu và Thượng Hải, đều khá sạch. Lúc nào cũng có người quét dọn. Có lẽ nhờ dân số nhiều, lực lượng lao động đông, nhất là lao động đơn giản với mức lương rẻ nên ở Trung Quốc nơi nào cũng thấy người quét dọn. Trước khách sạn và các trung tâm thương mại lớn cũng như trên các đường phố chính, lúc nào cũng có những nhân viên vệ sinh canh trực. Du khách mới ném một tàn thuốc xuống lề đường, vài phút sau đã thấy có người đến gắp mẩu tàn thuốc ấy. Các gạt tàn thuốc công cộng cũng có người đến dọn dẹp liên tục.

Thường, đó là cái chậu được đổ đầy cát để dọc theo bờ tường. Người hút thuốc sẽ dụi mẩu tàn thuốc xuống cát cho tắt lửa. Nhân viên vệ sinh đến nhặt các mẩu tàn ấy và cào cát lại phẳng phiu như cũ. Khi đi vào trung tâm thương mại ở Thượng Hải, tôi thấy có một nhân viên thường trực trong phòng vệ sinh nam. Anh cần mẫn đến độ cứ đứng ngay sau lưng khách khi họ rửa tay, thấy nước văng lên bàn, anh lại chùi ngay tức khắc. Khách tè văng xuống sàn nhà, anh cũng lại cầm giẻ lau. Buổi trưa, mới đến, tôi thấy anh ở đó. Buổi chiều, trước khi về, tôi ghé vào nhà vệ sinh lần nữa, cũng lại thấy anh đứng đó và làm những động tác tương tự.

Điều đáng nói là cách kiến trúc nhà vệ sinh ở Trung Quốc phần lớn cũng giống ở Hàn Quốc: chỉ có một lớp cửa. Tệ hơn Hàn Quốc, có khi người ta còn thường đặt khu vực rửa tay của nam và nữ chung. Ví dụ, bước vào cửa chính, chúng ta sẽ gặp ngay các bồn nước rửa tay cho cả nam và nữ, rẽ sang tay mặt là phòng vệ sinh nam; tay trái là phòng vệ sinh nữ. Từ phòng rửa tay vào hai dãy phòng vệ sinh cả nam lẫn nữa ở hai bên đều không có cửa. Bên phụ nữ, ít nhất người ta cũng có các phòng nhỏ tương đối riêng tư. Bên nam giới, trừ khi đại tiện, người ta mới vào các phòng nhỏ ấy; còn tiểu tiện thì cứ đứng quay mặt vào tường tè vào các bồn sứ dọc bờ tường. Đứng ở phòng rửa tay, người ta sẽ thấy rõ mồn một. Với người Trung Quốc, nhìn thế thấy quen. Nhưng tôi và bạn bè thì cứ ngường ngượng.

Như vậy, liên quan đến nhà vệ sinh, tôi nghĩ có đến hai cấp độ tiến hoá: Cấp thứ nhất, từ thiếu vệ sinh đến vệ sinh và cấp thứ hai, từ việc thiếu riêng tư đến riêng tư.

Nói đến nhà vệ sinh, chúng ta hay nghĩ đến cấp thứ nhất. Dĩ nhiên đó là một cấp quan trọng, quan trọng đến độ nhiều nhà khoa học cho việc phát minh ra nhà vệ sinh là một trong những phát minh quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại: nhờ đó, các bệnh dịch giảm hẳn, sức khoẻ con người tốt hơn và tuổi thọ cũng tăng cao hơn. Nhưng còn một khía cạnh khác cũng được một số nhà tư tưởng chú ý: chính việc phát minh ra nhà vệ sinh dẫn đến ý niệm về sự riêng tư, và từ đó, cùng với một số yếu tố khác, dẫn đến việc hình thành chủ nghĩa cá nhân vốn là một trong những trụ cột chính trong nền văn minh và văn hoá Tây phương.

Thời gian ngồi trong toilet, người ta không những giải quyết các vấn đề sinh lý thiết yếu mà còn được hưởng thụ cảm giác một mình, hoàn toàn một mình mình, với thân thể và những vật thải từ thân thể của chính mình. Hoàn toàn một mình. Không chia sẻ với ai được. Cảm giác ấy dần dần làm nảy nở ý niệm về riêng tư. Và ý niệm về riêng tư dần dần trở nên một cốt lõi của chủ nghĩa cá nhân.

Những năm tháng đầu tiên khi người Việt ra sống ở hải ngoại, phần lớn, với những mức độ khác nhau, đều có kinh nghiệm về các cú sốc văn hoá. Chỉ giới hạn trong phạm vi gia đình, cú sốc văn hoá đầu tiên là trong quan hệ với con cái. Con cái, sau một thời gian ngắn đến trường, đã học được bài học đầu tiên của Tây phương: bảo vệ sự riêng tư của mình và tôn trọng sự riêng tư của người khác. Do đó, từ trường về nhà, chúng vào phòng riêng, khép cửa lại. Bố mẹ muốn vào: phải gõ cửa. Thư từ của chúng, bố mẹ không được mở ra đọc. Với chúng, đó là quyền. Là nhân quyền. Nhưng bố mẹ, từ Việt Nam sang, không thể không thấy khó chịu. Phải mất nhiều năm, người ta mới hiểu và mới chấp nhận được điều đó.

Chúng ta hay nói đến dân chủ và nhân quyền nhưng thường hay quên: tôn trọng sự riêng tư của người khác cũng là một hình thức dân chủ và nhân quyền.

Cách xây dựng nhà vệ sinh, do đó, cũng là cách thiết kế những nền tảng đầu tiên của nhân quyền. Và dân chủ.

Nguyễn Hưng Quốc
http://www.voanews.com/vietnamese/blogs/quoc/toilet-va-quyen-lam-nguoi-02-22-2012-140016563.html

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

No comments:

Post a Comment