Thursday, November 3, 2011

Một thế giới mới đang ra đời ?

Một thế giới mới đang ra đời ?

Nguyễn Hoài Vân
Kỳ họp G20 tại Cannes ngày thứ năm tuần này sẽ cho thấy một thế giới mới. Tiền bạc đang tách ly khỏi những giá trị thật của kinh tế. Dân chủ đang phải đối đầu với thế lực tài chính. Và, sau hết, các nước giàu đang ngã quỵ phải quay sang cầu khẩn sự giúp đỡ cũa những nước « đang phát triển » đặc biệt là Trung Quốc.

Tư thế của Trung Quốc :

Thật vậy, những ông chủ cũ của trần gian sẽ phải cúi đầu nghe những lời khiển trách đến từ các quốc gia đã từng bị mình « giáo hóa » cách đây vài thập niên, từng bị ép buộc phải thắt lưng buộc bụng, tăng thu giảm chi, để được nhận đầu tư và được Quỹ Tiền Tệ Thế Giới cho vay ... Riêng với Trung Hoa, ngay sau cuộc họp thượng đỉnh Âu Châu vừa qua, Tổng Thống Sakozy đã điện thoại cho Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào để yêu cầu nước này tham gia vào quỹ ổn dịnh tài chính Âu Châu. Phía bên kia Đại Tây Dương, Hoa Kỳ, con nợ lớn nhất của Trung Quốc, vỗ tay tán thưởng...

Trung Hoa hiện có ba lợi thế kinh tế :

- Có tiềm năng sản xuất lớn nhất thế giới
- Là một thị trường tiêu thụ vĩ đại
- Có trữ lượng tiền tệ lớn nhất

Ba lợi thế ấy đều đi kèm với những khó khăn :

- Sản xuất càng cao càng đòi hỏi nhiều tài nguyên, nguyên liệu, và thị trường tiêu thụ. Các thứ này đều mỗi ngày mỗi suy giảm. Cấp bách nhất là nguy cơ tiêu thụ suy sụp ở Âu Châu và Hoa Kỳ, do khủng hoảng kinh tế. Một khía cạnh khác đáng chú ý đối với người Việt Nam là hình ảnh xấu về chính mình mà Trung Quốc hiện phơi bày qua những tranh chấp về chủ quyền lãnh hải. Điều này chắc chắn không thuận lợi cho việc xuất cảng hàng hóa Trung Hoa sang các lân bang, bao gồm gần 1 tỷ rưỡi người tiêu thụ (không kể Nga).

- Thị trường tiêu thụ nội địa khiến Trung Hoa có nhiều nét hấp dẫn đối với nền sản xuất tại các nơi khác, đồng thời cũng cho phép hấp thụ phần nào sự tụt giảm xuất cảng sang các nước đang khủng hoảng. Để người dân mạnh dạn tiêu thụ, Trung Quốc cần tăng lương (+ 20,8% vào đầu năm 2011), tăng bảo hiểm sức khỏe và hưu trí (+ 13,8% năm 2011). Giữa tháng giêng và tháng tám năm 2010, sự tiêu thụ quần áo và dày dép tại Trung Quốc đã tăng 23,7%. Tổng quan, số hàng bán lẻ tăng 18,4% trong năm 2010, hơn năm 2009 khoảng 1,5%. Tuy nhiên các biện pháp « phát tiền cho dân » ấy làm tăng giá thành của hàng hóa và là một trở ngại cho xuất cảng. Chúng cũng hạn chế khả năng đầu tư của Trung Hoa ra nước ngoài, như viễn tượng giúp đỡ Âu Châu.

- Có nhiều tiền để dành cũng sanh ra lắm vấn đề ! Trước hết là phải luôn tìm chỗ đầu tư để món tiền ấy sinh lợi, hay ít ra cũng không bị mất giá. Trung Quốc nắm hàng trăm tỷ nợ xấu của Hy Lạp và Ý, chưa kể những món khác. Làm sau cứu được những món nợ ấy ? Nắm giữ nợ của một quốc gia cũng là một hình thức bị tùy thuộc vào quốc gia này. Qua thí dụ của Hy Lạp (và Nga 10 năm trước), chúng ta thấy một quốc gia có thể thản nhiên quỵt nợ ! Mặt khác, tiền Trung Quốc hiện giữ là Đô La, khiến nước này cũng bị ràng buộc chặt chẽ vào chính sách tài chính của Hoa Kỳ.

Trung Quốc có thể sẽ dành cho Âu Châu khoảng 100 tỷ USD, hoặc trực tiếp, qua công khố phiếu, hoặc gián tiếp, qua Quỹ Tiền Tệ Thế Giới. Tuy nhiên, họ sẽ phải đối đầu với những chỉ trích từ trong nội bộ. Nhiều người Trung Hoa sẽ không sẵn sàng chấp nhận việc bỏ tiền giúp đỡ Âu Châu trong khi Trung Quốc vẫn còn là một nước với hơn 100 triệu người rất nghèo (mức thu nhập dưới 220,72 USD 1 năm), thiếu hạ tầng cấu trúc, lương bổng, hưu trí và an sinh xã hội thấp kém. Vì thế Trung Quốc sẽ chỉ bỏ tiền ra nếu tranh thủ được những quyền lợi tương xứng, như quy chế « kinh tế thị trường » cho phép họ xâm nhập dễ dãi hơn vào một số thị trường. Họ cũng có thể đòi được mua những công ty có tầm vóc chiến lược của Âu Châu với giá hạ (các hải cảng lớn của Hy Lạp đã nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc). Bên cạnh đó, các mũi dùi tấn công Trung Hoa quanh hối suất cực thấp của đồng Yuan chắc chắn sẽ phải bị nới lỏng. Riêng người Việt Nam cũng cần tự hỏi thái độ của quốc tế, đặc biệt là Hoa Kỳ và Âu Châu, đối với những tranh chấp trên biển Đông sẽ bị ảnh hưởng ra sao ?

Đối đầu giữa Dân Chủ và các thế lực tài chính :

Sau vô số khó khăn, Hội Nghị Thượng Đỉnh Âu Châu cách đây vài hôm đã đi đến được một thỏa hiệp trong việc cứu nguy cho Hy Lạp. Thị trường chứng khoán hân hoan đón chào « thắng lợi » ấy với những chỉ số tăng vọt (CAC : + 6 % trong một ngày !). Nhưng người ta đã không để ý đến một chi tiết : người dân Hy Lạp. Theo một thăm dò, 60 phần trăm dân chúng chống lại chương trình trợ giúp vừa được quyết định. Trước tình thế ấy Thủ Tướng Hy Lạp Papandreou quyết định tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý. Một phản ứng hoàn toàn phù hợp với tinh thần dân chủ ! Mặc dù thế, toàn thể chính giới Âu Châu lên án Papandreou là vô trách nhiệm, coi ông như một tội phạm ... Các thị trường chứng khoán lại tụt dốc (CAC : - 5,38%). Biến cố này cho thấy một sự đối nghịch giữa các thế lực tài chính và nguyện vọng của người dân. Chúng ta có thể nói : các thế lực tài chính « thông minh » hơn người dân, và quyết định của họ sáng suốt hơn nguyện vọng của dân chúng. Trong trường hợp ấy chúng ta bước sang một thế giới trong đó dân chủ chỉ còn là một thủ tục hình thức.

Tôi cũng muốn chia sẻ với bạn đọc một chi tiết có vẻ nhỏ nhặt khác, không phải xảy ra ở Hy Lạp mà ở Đức. Fianancial Times, ngày 16 tháng 10 vừa qua cho biết Deutsche Bank vừa đầu tư gần 5 tỷ USD vào ... sòng bạc Las Vegas. Đây là một đầu tư được coi như nhiều rủi ro. Đức hiện là nước tiên phong trong việc hô hào giúp vốn cho các ngân hàng. Thử hỏi nếu người dân Đức biết chuyện này, họ có vẫn tiếp tục vui vẻ bỏ tiền vào cho ngân hàng Deutsche Bank để ngân hàng này nâng đỡ hoạt động của sòng bạc Las Vegas ? Mặt khác, làm sao cấm được các ngân hàng có tầm vóc quốc tế đầu tư vào bất cứ nơi nào họ nghĩ là có lợi ?

Tiền bạc và kinh tế :

Một điều thú vị là trước những khủng hoảng « rùng rợn » vừa kể, chúng ta buộc phải nhận xét là các nhà máy vẫn chạy tốt, nền sản xuất vẫn thừa sức đem lại cho chúng ta mọi thứ hàng hóa và nông nghiệp vẫn cho ra dư thừa thực phẩm. Tức là kinh tế thực sự, dựa trên sản xuất, không có vấn đề. Vấn đề chỉ đến từ ... tiền bạc. Mà vấn đề tiền bạc ở đây không liên hệ gì đến giá trị thật của hàng hóa, mà chỉ là những con số đến từ sự trao đổi của chính bản thân ... tiền bạc ! Tiền bạc tự nó tạo ra khủng hoảng cho chính nó...

Trong điều kiện ấy, tiền bạc có còn thực sự cần thiết hay không ? Để trả lời câu hỏi ấy chúng ta có thể hình dung những siêu thị đầy hàng hóa nhưng không có ai vào mua vì không có tiền (trường hợp deflation), những hãng xưởng hoàn toàn chạy tốt nhưng không có thợ làm việc vì không được trả lương ... Chúng ta có thể họp nhau phá cửa siêu thị để xông vào lấy hàng hóa, nhưng sau đó siêu thị sẽ trống trơn vì không còn ai bán hàng cho nó nữa. Kịch bản giả tưởng này sẽ không xảy ra vì khủng hoảng sẽ không một sớm một chiều trở thành toàn diện. Mặc dầu thế, dù khủng hoảng tài chính có chỉ xảy ra một cách hạn chế, như hiện nay, đời sống của chúng ta cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Lý do vì mọi khía cạnh nhỏ nhặt nhất của đời sống của chúng ta đều phải qua trung gian của tiền bạc. Trong căn bản, điều này không có gì tai hại. Người ta đã tạo ra tiền bạc, từ những thời xa xưa nhất, vì sự tiện ích của tính trung gian ấy. Tuy nhiên, tiền bạc chỉ thực sự tiện ích khi nó là trung gian giữa những giá trị thực sự. Mà giá trị thực sự không thể là gì khác hơn là giá trị tạo ra bởi công việc làm. Kỳ dư chỉ là những giá trị ảo. Một cổ phần trên thị trường chứng khoán có trị giá 100 hay 1000 USD tùy số người xông vào mua nó, bất chấp giá trị thật của nó. Đó là giá trị ảo. Vấn đề là dần dần tiền bạc bị gắn liền với giá trị ảo hơn là với giá trị thật. Tình trạng này đưa đến thiếu tiền (deflation) hay tiền mất giá trị (inflation), trong khi guồng máy kinh tế, tự nó, vẫn dư thừa tiềm năng.

Chờ đợi gì ở G20 ?

Các nguyên thủ quốc gia có thể sẽ lại lập lại những quyết định của các G20 trước : tách ngân hàng tín dụng với ngân hàng tài chính, kiểm soát các « thiên đường thuế vụ », hạn chế các hoạt động đầu tư rủi ro của các ngân hàng, tăng cường những « ngân sách an toàn » để tránh nợ dây chuyền, siết chặt chính sách tăng thu giảm chi, v.v... Thêm vào đó người ta có thể nâng vốn cơ bản của các ngân hàng, bằng công quỹ hay bằng chính tiền của các ngân hàng ấy. Trong cả hai trường hợp, đầu tư sẽ suy giảm, đưa đến kinh tế suy thoái, giảm thu thuế khóa, và nhu cầu xiết chặt chi tiêu hơn nữa.

Có thể nói là phần lớn các biện pháp được đề ra sẽ quay quanh việc tăng nợ của các quốc gia đang khủng hoảng để bảo đảm cho những món nợ sẵn có của nhau. Trong tình trạng nợ chồng thêm nợ ấy, các nước đang phát triển sẽ trao đổi sự trợ giúp của họ với một số lợi ích như trong lãnh vực xuất cảng nông sản vào các nước tiền tiến, không kể đến những đòi hỏi của Trung Quốc đã nói ở trên. Khía cạnh tích cực của điều này là nó khiến cho các quốc gia vốn có thể ở tư thế đối nghịch nhau, phát triển một ý thức chung, để tham gia vào cùng một cuộc phiêu lưu, thay vì mỗi thành phần (thí dụ Trung Quốc) theo đuổi những phiêu lưu của riêng mình.

Xa hơn một bước, chúng ta có thể hy vọng các nguyên thủ quốc gia có can đảm đi đến kết luận rằng họ không đủ khả năng để giải quyết trong lâu dài cuộc khủng hoảng, và quyết định trao quyền cho một cấu trúc « siêu quốc gia », được hình thành một cách thực sự dân chủ, với quyền hạn và phương tiện đủ để quản lý các vấn đề kinh tế, tài chính trên toàn cầu./.


Nguyễn Hoài Vân

No comments:

Post a Comment