Tuesday, November 22, 2011

LIÊN SÔ SỤP ĐỔ

LIÊN SÔ SỤP ĐỔ
 
 
1.- CÁC SỰ KIỆN LỊCH SỬ
1 - Tại Đại hội đảng CS Liên Sô ngày 25-2-1956 ở Moscou. Kruschev đọc diễn văn nổi tiếng, tố cáo tội ác của Staline và vai trò công an, mật vụ dưới quyền điều khiển của Béria.
2 – Hung gia lợi thành chư hầu của Liên Sô sau Đệ Nhị Thế Chiến. Năm 1956, dân chúng nổi dậy, kéo sập tượng của Staline. Tân Thủ Tướng Imré Nagy đặt kế hoạch rút ra khỏi khốiWarsaw thì bị quân đội Liên Sô đem xe tăng đàn áp và Imré Nagy bị hành huyết.
3 - Tại Tiệp Khắc, Mùa Xuân Prague năm 1968, Dubcek định cải tổ chủ nghĩa cộng sản cho nó có  'khuôn mặt người', cũng lại bị Hồng Quân dẹp tan. Nhơn cơ hội, quân Liên Sô đóng luôn tại chỗ.
4 - Tại Balan năm 1980-81, các lãnh đạo Công Đoàn Đoàn Kết đều bị bắt nhốt.
5 - Khối Warsaw hết hoạt động từ 1989-90, nhưng chính thức tan rã năm 1991.
6 – Djilas Milovan (1911-1995) nhà cách mạng và văn sĩ Nam Tư, tác giã:
1955 – The new class: an analysis of the communist system.
1961 – Conversation with Stalin.
1971 – Under colours
1972 – Land without justice
             Unperfect society: beyond the new class
1973 – Memoir of a revolutionary
1975 – Part of lifetime
1980 – Wartime with Tito and the partisans
1981 – Tito: the story from inside.
1986 – Of prisons and ideas.
1986 – Rise and fall.
7 – Mikhail Gorbachev sanh năm 1931, học luật tại Đại học Moscow và học nông nghiệp tại Stavropol Agricultural Institute, năm 1945 làm thợ vận hành máy (Công việc thấp nhứt bằng tay chơn, machine operator) trong hảng xưởng, gia nhập đảng CS năm 1952. Từ 1956 đến 1970 leo dần lên trong cấp đảng tại Stavropol.  Năm 1971 làm Ủy Viên Trung Ương, năm 1979-80 làm Ủy Viên dự bị Bộ Chánh Trị. Năm 1980-85 làm Ủy Viên Thực Thụ Bộ Chánh Trị. Năm 1985, Chernenko chết, Gorbachev lên làm Tổng Bí Thư (1985-91). Năm 1988 ông cũng là Chủ Tịch Chủ Tịch Đoàn Sô Viết Tối Cao, chức vụ như là Chủ Tịch nước. Vừa lên chức Tổng Bí Thư đảng, ông đã đưa ra perestroika là chủ trương cải tạo cơ cấu kinh tế và chánh trị. Ngoài ra còn có chánh sách glasnost là sự cởi mở về văn hóa.
Về quốc phòng và ngoại giao, ông chủ trương giãm ngân sách quốc phòng, hòa dịu và giải trừ vũ khí, Năm 1989, rút binh khỏi Afghanistan và dẹp bỏ khối Warsaw.
8 - Ngày 23-4-2007, Boris Yeltsin mất. Gorbachev cho rằng
Yeltsin có lập nhiều công và cũng có làm nhiều lỗi. Những lỗi lầm nào thì ông không nói, nhưng ông cho rằng Putin đang chấn chỉnh lại các lỗi lầm của Yeltsin. Tờ Time (theo quan điễm của Mỹ) thì nhận định lúc đầu có đem lại dân chủ cho Nga nhưng cuối cùng thì giao nước lại cho độc tài (mixed legacy). Nhưng không ai có thể chối cải là Yeltsin dứt điễm chủ nghĩa cộng sản ở Nga. Cái công này vượt hẳn.
 
2.- CÁI ĐUÔI CON RỒNG
 Khối Liên Sô sở dĩ đứng vững là vì có quân đội Liên Sô đứng sau lưng yểm trợ. Khi Hung gia lợi nổi dậy thì quân đội Liên Sô dẹp. Khi Tiệp khắc nổi dậy thì cũng bị quân đội Liên Sô dẹp. Quân đội Liên Sô lúc cao điễm có đến năm triệu quân đóng rải rác ở các nước chư hầu, ngoài mặt là thành trì để đương đầu chống Nato (khối Bắc Đại Tây Dưong) nhưng thực tế bên trong là thành trì bảo vệ các đảng CS địa phương, chống nhân dân nổi dậy.
        Đại cương mà nói, nhân dân Đông Đức chống CS Đông Đức. Đảng CS Tiệp đói rút ra khỏi Liên Sô. Còn đảng CS Balan thì thương lượng với Thiên Chúa Giáo.
Cho nên năm 1989, khi Gorbachev rút quân Liên Sô về Nga, Gorbachev đã biết trước rằng dân chúng ở các nước chư hầu sẽ có cơ hội đòi dân chủ và các đảng CS tại các nước chư hầu sẽ không sống sót. Vì vậy quyết định rút quân về Nga đồng thời cũng đã là quyết định khai tử các đảng CS của các nước chư hầu.
        Một vấn đề nghiêm trọng thứ hai của việc rút quân là thái độ của quân đội.
Chỉ có quân đội Liên Sô trú đóng ở các nước chư hầu là sướng, vì họ có trại binh, chỗ ăn chỗ ở đàng hoàng. Có cả bạn gái địa phương nữa. Khi rút binh về nước, quân đội sẽ không còn có nơi ăn chốn ở tươm tất như trước và một số lớn sẽ được giải ngũ, nó sẽ đưa đến thất nghiệp và đói kém. Có thể người lính không biết gì, chỉ tuân lệnh thượng cấp, biểu sao làm vậy. Nhưng các đại tướng thì đương nhiên phải biết cái gì sẽ xẩy đến cho chính họ và các đàn em nên họ có nhiều lý do để chống đối. Tiết chế được cái bất mãn này phải là một kỳ công.
Rút binh luôn luôn là một việc khó nên phải giao việc đó cho một tướng tài ba, mà sự thành công biểu hiện đầu tiên là cái có giữ được hàng ngũ trật tự hay không và cái chung cuộc là có hao binh tổn tướng hay không. Chính cái 'lâm nguy bất loạn' là điễm phân biệt cái lui binh khéo léo với cái tháo chạy lấy mạng. Thật ra đây không phải là một cuộc lui binh bình thường của một tướng Nga rút binh từ các nước chư hầu về đóng  lại ở Nga mà Gorbachev đang đóng vai một tướng lãnh hành quân dẹp chủ nghĩa CS. Đây là một chiếc xe đổ dốc. Đổ dốc từ từ hay đổ dốc một cái ào. Đổ dốc mà chiếc xe có bị lật  ngang  triền hay không và người tài xế có giữ được mạng hay bị xe đè?
Đây là một cuộc lui binh vô tiền khoáng hậu, nó không phải liên quan đến vài triệu quân mà nó là đi tìm lại cuộc sống cho một trăm năm chục triệu dân Nga nói riêng và hòa bình thế giới nói chung.
         Gorbachev đã ngang ngang, nhiên nhiên, đi đi, lại lại, điều động cổ xe khổng lồ và ngoại trừ vào giờ chót ông có bị bọn CS cực đoan (Phó Chủ Tịch nước Yanaev và Bộ Trưởng Quốc Phòng Yazov) bắt giam lỏng trong một thời gian ngắn (tháng 8 năm 1991) cuộc đổ dốc kể như là hoàn hảo.
Có một lần tôi đọc được một ý nghĩ ngộ nghỉnh. Nếu như ông Nông Đức Mạnh trong một phút tham thiền giác ngộ rằng CS là sai lầm hết thuốc chữa và chủ trương 'đàng sau, quây' thì sẽ ra sao nhỉ?
Thì ông ta chết chắc chớ làm sao!. Vậy sao Gorbachev cũng chủ trương 'đàng sau quây' mà không bị giết, lại thành công?
Trong việc tổ chức, có khi vì một sơ hở nhỏ mà chết, mà cũng có khi chính vì cái sơ hở đó mà còn sống. Những cái khó giải thích này thì thôi cứ giao cho thiên định. Nhưng một điều kiện mà không có là không thành, đó là đồng chí yễm trợ. Khi Gorbachev công khai tuyên bố chánh sách perestroika thì ông đã phải có sẳn cả ngàn đồng chí, không phải thứ đảng viên thường mà phải thuộc hàng tướng lãnh, thủ trưởng cơ quan, chủ nhiệm các cơ quan quyền lực như an ninh, tình báo, hải lục, không quân v.v.v. bởi vì kẻ thù của chủ trương thay đổi là những kẻ sẽ mất quyền lợi,  cũng có một quyền lực tương đương và họ sẽ không ngoan ngoản cúi đầu chịu bị đẩy ra rìa. Vì vậy, đây là một cuộc đọ sức vĩ đại nhứt, chuẩn bị lâu dài nhứt và tiến hành cẩn mật nhứt trong lịch sử của nhân loại.
Xét cái quá trình tiến thân của Gorbachev, năm 1980. ông làm Ủy Viên Bộ Chánh Trị và năm 1985 mới làm TBT, trong thời gian năm năm này, ông chỉ có đủ thời gian cài êm cao lắm một hay hai chục đồng chí vào chức vụ then chốt mà thôi. Số lượng này không gánh nổi cái an ninh bản thân của ông đâu. Ông cần cà ngàn người lận. Vậy số đó ai cài?

3. - CÁI ĐẦU CON RỒNG
Bài báo này tôi dự định viết nó đã ba năm nay, nhưng dường như thời cơ chưa đúng và không biết khởi đầu từ đâu.
May nhờ Yeltsin mới từ trần không lâu trở về báo mộng. Ổng bảo rán mà trả lời câu này:
'Ai là người đầu tiên biết chính xác chủ nghĩa cộng sản là sai lầm?
Yeltsin là tay nhậu, mà kẻ nào hay nhậu thì khó mà biết được khi nào họ nói chơi khi nào họ nói giởn. Nhưng vì tôn kính Yeltsin như một bực trưởng thượng nên tôi rán trả lời, còn nếu quí vị nào không đồng ý thì thôi, cứ coi như chuyện gíó thoảng mây bay.
Thường, đối với những câu hỏi hốc búa, người ta trông cậy vào các cao nhân. Có phải là các nhà kinh tế học của trường Harvard, các Giáo Sư trường Chính Trị Paris, các triết gia của Sorbonne hay Cambridge hay Kim Dung?
Với cái thụt lùi của thời gian, bây giờ ta có thể thấy rằng nhận định đúng sai của chủ nghĩa CS bằng thuần lý luận không đi đến đâu, chỉ có cãi vã để mà cãi vã chớ không có mực thước đo lường.
Nhưng chính vì mục tiêu của chủ nghĩa này là cái hạnh phúc của người dân sống trên trái đất này mà điều kiện đầu tiên và căn bản là cái ăn no, mặc ấm. Cho nên chỉ có đem chủ nghĩa này ra áp dụng thì mới biết nó có hữu hiệu hay không. Đây là một vấn đề hoàn toàn kinh tế và thực tế chớ không cần lý luận gì cả.
Phát triển kinh tế theo chủ nghĩa xã hội là việc thực hiện các kế hoạch ngũ niên.
Kế hoạch ngũ niên đầu tiên của Liên Sô bắt đầu năm 1928. Cho đến năm 1948 là đã có bốn kế hoạch rồi. Tuy nhiên trong khoảng thời gian này có Đệ Nhị Thế Chiến, cho nên ta có thể không xét đến sự thành bại của các kế hoạch này vì trong chiến tranh mọi sự bất trắc đều có thể xẩy ra.
Tuy nhiên, sau năm 1945, mặc dầu có chiến tranh lạnh, nhưng không có súng bắn đạn bay, không có mìn nổ phá hoại, nên Liên Sô có thể dồn nổ lực để thi hành kế hoạch và sự thành bại của các kế hoạch sau này là hoàn toàn trách nhiệm của chủ nghĩa xã hội.
Một kế hoạch là năm năm dài. Năm năm làm việc cực khổ, nên nếu kế hoạch mà thất bại thì hậu quả thê thãm lắm. Tuy nhiên vẫn phải rán sức kiên nhẫn, phấn đấu để làm tồt hơn ở kế hoạch sau. Nhưng nếu ba kế hoạch liên tiếp đều thất bại hết thì đâu còn lý do gì để mà bào chữa.
Từ năm 1945 đến khoảng năm 1964 là 19 năm dài trong bình yên,  thừa đủ để phát triển kinh tế, đem ấm no cho nhân dân. Nhưng vì dồn toàn lực vào những tiến bộ khoa học, kỹ thuật không gian, kỹ thuật quân sự, kỹ nghệ nặng để tranh hùng, các kế hoạch ngũ niên không có sản xuất để phục vụ dân sinh. Lương thực phải nhập cảng. Người dân Liên Sô vẫn nghẻo đói, ăn không no, mặc không ấm. Các cửa hàng trống trơn, không có gì để bán. Đời sống thiếu thốn mọi tiện nghi tối thiểu (như cái radio để giải trí, cái tủ lạnh, cái quạt máy lúc mùa hè, cái lò sưởi lúc mùa đông, cái bàn ủi điện, cái máy say sinh tố, chiếc xe hơi. . .) mà người dân ở các nước tư bản đã được hưởng từ lâu. Năm 1964, Đệ Nhứt Bí Thư của đảng CS Liên Sô Nikita Khrutchev bị hạ bệ vì không cải thiện nổi nền kinh tế của Liên Sô.
Ở vào thời điễn đó, dựa vào giấy trắng mực đen của các báo cáo mật, các lãnh tụ Liên Sô đều biết sự thật rồi: Các kế hoạch ngũ niên đều thất bại, không có sản xuất đủ nhu yếu phẫm (1)
Tới đây thì tôi  chắc mọi người đã đoán ra rằng người đầu tiên biết chính xác rằng chủ nghĩa CS là sai lầm không phải là các tay trí thức tư bản, mà chính là ông Tổng Bí Thư đảng CS Liên Sô.
Đây là cái bi kịch hay cái hài kịch? Nhưng chắc chắn đây là vỡ kịch hoang đường nhứt của nhân loại ở cuối thế kỷ hai mươi.
Các tay trí thức tư bản chỉ là những người đứng ngoài xa, thu lượm tin tức, có cái đúng cái sai rồi dựa theo đó mà lập luận (2). Dầu họ có được tin tức chính xác và lập luận chính xác thì họ vẫn biết sau một người. TBT đảng CS là người trực tiếp nhận các báo cáo tiến trình thực hiện kế hoạch, nên khi kế hoạch đổ vở thì ông là người biết liền nó đổ vở ở mức độ nào, tại sao nó đổ vở, có cách nào khắc phục không . . .
Chủ nghĩa này trật rồi. Phản ứng đầu tiên là phải che dấu.
Ngay từ những kế hoạch đầu tiên, các báo cáo kết quả đều có hai đối tượng. Một  cái báo cáo về sự thật của các thất bại và một báo cáo láo để đọc trước Quốc hội. Cái báo cáo thứ nhứt mới tới tay TBT và có thể chỉ có Bộ Chính Trị (có từ mười hai tới mười lăm người) mới biết, chưa chắc gì tất cả Ủy Viên Trung Ương được phổ biến.
Tại đây, ta có thể nói tình trạng thật là khôi hài. Trong lúc các lãnh tụ biết rằng chủ nghĩa là sai thì guồng máy tuyên truyền vẫn ầm ầm la to rằng kế hoạch thành công  100% và chủ nghĩa CS bách chiến bách thắng. Và trận hỏa mù này kéo dài hơn ba chục năm.
Vào khoảng năm 1960, có chừng 50 người lãnh đạo cao cấp nhứt của Liên Sô biết chắc chắn rằng chủ nghĩa CS trật. Cá nhân từng người có phản ứng ra sao?
Trước khi tìm hiểu phản ứng của họ thì ta phải biết kỹ họ là ai? Những người cộng sản leo lần lên tới chức vụ Ủy Viên Trung Ương là đã leo lên tới tột đỉnh quyền hành. Thời phong kiến, những người này gọi là 'vương gia'. Ngày nay thì gọi là cán bộ cao cấp. Thời đại có khác, danh xưng có khác, nhưng phú quý, vinh hoa thì giống nhau. Đây là những người muốn mưa là có mưa, muốn gió là có gió. Đây là những người ho ra lữa, khạc ra đạn. Dưới tay của họ có đông đảo người mộp lưng, vâng vâng, dạ dạ, sẳn sàng để cho họ sai khiến. Họ nắm quyền sinh sát của người khác. Và họ đứng trên pháp luật. Chủ nghĩa CS đã đưa họ lên đến tột đỉnh vinh quang, bây giờ họ phát giác rằng chủ nghĩa này trật, làm sao đây?
Có ba cách phản ứng
1 –Ý thức có sai lầm nhưng không phản ứng gì cả.
Vì khi tới địa vị đó rồi thì ai cũng đã mờ ảo tin tưởng là mình siêu nhân và ngược lại xem quần chúng là thứ nô tỳ. Những người ngày xưa ôm mộng tưởng ấm nồng đi làm cách mạng bây giờ nắm được quyền lực và có địa vị trở thành cực kỳ phản động. Cái xã hội  hứa hẹn là một xã hội công bằng, không có bốc lột. Cái xã hội mà họ tạo ra là một xã hội nghiệt ngã gồm có những người cai trị ngang ngược và người dân uất ức. Những gì mà họ chửi rủa bọn tiểu tư sản ngày xưa bây giờ tư sản đỏ cũng làm y như vậy, nhưng trơ trẻn hơn và thô bạo hơn. Có một danh từ mà họ thường lạm dụng, đó là hai chữ 'nhân dân'. Bây giờ họ ngang nhiên đạp lên nhân dân. Viên 'xuyên tâm hoàn' mà họ cho nhân dân uống để nhân dân không còn biết mình là người nữa, bất ngờ cũng làm cho họ tẩu hỏa nhập ma. Đâu còn chủ nghĩa gì nữa. Chủ nghĩa có  trật thì dân chúng khổ, chớ họ và gia đình vẫn bổng lộc dư thừa.
Chẳng những họ không phản ứng gì cả mà lại còn quyết liệt bảo vệ chế độ, để được tiếp tục ăn trên ngồi trước. Đó là phản ứng ích kỷ nhưng rất bình thường của con người. Đừng có chê họ vội. Ai ai vào chỗ của họ cũng sẽ phản ứng như vậy. Ta không nên mất thì giờ nhiều với mấy người này.
Nếu có người phản ứng khác thì đó mới là chuyện đáng suy ngẫm.
2 – Ý thức có sai lầm nên chỉ trích công khai.
Cách phản ứng thứ hai này mới nghe qua là lùng bùng lỗ tai rồi. Có ai điên rồ như vậy. Nếu có thật tình ăn năn, giác ngộ thì ít ra cũng phải rán chạy qua Mỹ hay Pháp rồi mới la làng chống đối. Chớ la tại chỗ là mắc bịnh thần kinh rồi, nều không thì phải là la làng cuội.
Nhưng nếu có một lãnh tụ CS tâm trí bình thường, thật lòng thật dạ tố cáo chế độ CS mà mình đang lãnh đạo thì người đó phải tính toán như thế nào? Hơn ai hết, họ phải biết những nguy hiểm đang chờ đón những kẻ phản đảng. Chính họ đã được đào tạo bằng thử thách và thực tập những kỹ thuật rình mò, theo dõi, bắt người, tra tấn, hâm dọa, khủng bố tinh thần hay thủ tiêu.
Đã biết như vậy mà vẫn làm thì người đó có thật không?
Tôi không biết có một Ủy Viên nào trong Bộ Chánh Trị đảng CS Liên Sô dám làm như vậy, nhưng tôi biết có một người ngang vai vế trong Bộ Chánh Trị đảng CS Nam Tư đã làm thật hẳn hòi.
Đó là ông Djilas Milovan.
Milovan không phải là người làm đơn xin gia nhập đảng. Ông là lý thuyết gia sáng lập đảng CS Nam Tư. Cùng với Tito, Djilas Milovan có công lớn nhứt trong thời kháng chiến chống phát xít Đức. Sau Đệ Nhị Thế Chiến, Milovan trở thành Phó Tổng Thống Nam Tư. Nhưng trực diện với các sai lầm của chủ nghĩa cộng sản mà chính ông đã trực tiếp khai sanh, ông chỉ trích kịch liệt chủ nghĩa này bằng mười cuốn sách. Ông bị khai trừ khỏi đảng năm 1954 và bị bỏ tù lần thứ nhứt năm năm (1956-1961) và lần thứ hai bốn năm (1962-1966). Sau này, năm 1985 ông mới được phục hồi danh dự.
Để lấy một thí dụ cho dễ hiểu, cứ so sánh địa vị của Djilas Milovan với Jean Paul Sartre. Sartre là người học hành thông minh từ nhỏ. Lớn lên thấy chủ nghĩa CS  hay ho nên gia nhập đảng CS. Nhưng khi Hồng quân đàn áp cuộc nổi dậy của nhân dân Hung gia lợi thì ông hiểu rằng chủ nghĩa CS nói một đàng làm một nẻo – ông xé thẻ đảng. Việc này có hai ý nghĩa. Nghĩa thứ nhứt là một người thông minh phi phàm như Sartre mà vẫn bị gạt. Cái nghĩa thứ hai là khi biết mình bị gạt thì ông thẳng thắn thú nhận trước tiền đình Sorbonne. Đây là cái chân thành mà người trí thức phải có. Cái lổi lầm thì người sống ai cũng có làm. Nhưng cái chân thành nhận lỗi thì không phải ai cũng có. Trong quá trình điều chỉnh suy tư, Sartre không có mất ghế dạy học, không bị bớt lương và thân thuộc không bị ảnh hưởng xấu nào.
Nhưng Djilas Milovan ở trong nước đường là một Phó Tổng Thống mà cứ đứng ngay tại Belgrade chỉ trích đảng của mình thì đương nhiên phải bị khai trừ khỏi đảng. Và khi ông in cuốn sách đầu tiên thì ông bị bắt vào tù. Một người đã từng đứng dưới chỉ có một người và trên vạn người, dám bình tỉnh bỏ cái dinh thự để vào nhà đá, bỏ cái ghế da để vào nằm sàn xi măng thì phải là một người phi thường chứ. May mà ông không bị chúng hành hạ cho chết, nhưng chắc chắn vợ con của ông cũng đã phải thê thảm vì sinh kế. Một người bị kết án phản đảng dưới chế độ CS đâu có bà con nào dám nhìn hay đến gần mà giúp đở. Cái hèn hạ giả bộ không quen biết này là đặc tính cuộc sống dưới chế độ CS, vì chế độ đã biến con người muốn sống thì phải hèn hạ. Milovan phải trải qua cái khổ mạng đó là tại cái gì?
Thói thường vì thù hận cộng sản, ta cho tất cả người CS đều là kẻ mất trí, sống như thú vật không bằng. Chủ nghĩa đã cố nhồi sọ đảng viên có bổn phận trong gia đình phải theo dỏi nhau, phải báo cáo. Chủ nghĩa đã dùng việc 'con tố cha, vợ tố chồng' để lấy mất cái lương tri của con người. Con người không có lương tri mới thành con thú vật được.
Nhưng cái lương tri là cái Trời cho, nó chạy lòng vòng, tránh qua tránh lại, nhưng chính tự mình còn không lấy nó ra được để tối ngũ cho yên thì người ngoài đâu có ai lấy nó ra như ý được. Milovan đã bình tỉnh vào tù chính vì cái lương tri đó.
Ai đã từng ở tù cộng sản và khi có cơ hội bỏ nước ra đi mới có thể hiểu hết cái can trường của những người có cơ hội trốn tránh tù CS mà không trốn, giữ lấy trận địa, thách thức cái tù tội CS, coi đó như một thi gan, đem sinh mạng ra để tố cáo với Đất Trời.
Trong giới giang hồ có một tước vị để tỏ sự kính trọng và quí mến mà không có một bằng cấp đại học nào có gíá trị bằng, đó là hai tiếng 'Đại ca'. Milovan là một 'Đại ca'.
Có nhiều cách đánh giá người trí thức. Nếu đánh giá họ qua mức độ hy sinh, chịu đựng thì Milovan là thứ sĩ phu siêu đẳng.
Jean Paul Sartre, Trương Như Tảng cũng là những sĩ phu đáng kính đó. Nhưng Sartre đứng ở Paris la làng, còn ông Tảng thì chạy ra khỏi Việt Nam được rồi mới la nên chỉ là sĩ phu hạng ba hay tư mà thôi. Andrei Sarkharov ở Sibérie chịu khổ lạnh hơn nhiều.
Các sĩ phu này trong đó có cả Hà Sĩ Phu, Hoàng Minh Chánh, Trần Độ . . . đã làm được gì? Việc làm của họ là vạch ra các sai lầm của đảng CS. Mà để cho ai biết? Thế giới Tự do vì phản ứng tự nhiên đã chống cộng từ lâu rồi, bây giờ có biết thêm vài thâm cung bí sử thì cũng chỉ mĩm cười, chứ việc chống cộng thì cứ chống tới.
Để giác ngộ các cấp lãnh đạo chăng? Có thể Djilas Milovan đã lên tiếng rất sớm (cuốn sách đầu tiên năm 1955 đã làm chấn động Paris) đã cảnh tỉnh họ phần nào, nhưng sau 1960, Lãnh Đạo CS cũng đã mở mắt lắm rồi. Chỉ có các đảng viên thường thì chưa biết vì không được đọc sách vở phản động.
Vì vậy, ngoài việc gây ra một luồn dư luận chống cộng trong dân gian, các sĩ phu thật sự chỉ làm một việc cá nhân đó là chứng tỏ sĩ khí của mình và lương tri của mình.
3 – Ý thức có sai lầm nên đứng tại chỗ bí mật hành động.
Để quí vị không giựt mình hay bực mình, tôi xin nói liền là tôi tưởng tượng  ra người này và để dễ nói chuyện tôi gọi người này là 'Đại Nhân'.
Nếu có một người ở cấp bậc Ủy Viên Bộ Chánh Trị  biết rằng chủ nghĩa CS sai lầm hết thuốc chữa rồi, chỉ còn cách lật đổ nó để cứu đồng bào của mình và nhân loại nói chung thì vị Đại Nhân phải làm gì?
Việc làm chuyển động đất trời đó nói ra rất là dễ dàng. Việc đó tóm gọn lại có ba chữ 'kết bè phái'. Cụ thể là đưa ra khỏi địa vị quyền lực những người CS ngoan cố và đưa đồng chí của mình vào các vai trò quyền lực.
Không cần phải nói, ai cũng hiểu rằng việc làm này phải hoàn toàn bí mật và cẩn thận nên nó phải kéo dài thời gian, mà mỗi giờ, mỗi phút qua là có cả ngàn, cả vạn nguy cơ thất bại, trên thực tế nó đã kéo dài tới ba chục năm.
Để có thêm ý niệm về việc làm của vị Đại Nhân này, tôi lại lấy Đức Thích Ca ra để so sánh.
Khởi đi, Thái Tử Tất Đạt Đa có một đại nguyện là tìm cách diệt khổ để cứu mình. Còn cứu nhân loại là chuyện sau. Trên đường đi tầm đạo, kẻ nào gặp Ngài đều đảnh lễ, dâng hoa quả, lương thực, vì ai cũng tôn kính Ngài. Ai cũng biết Ngài là người tu hành mà. Và nếu rủi ro cuối cuộc đời, Ngài không Đại Ngộ được thì vợ con Ngài cũng không sao. Bà Công Chúa vẫn là Bà Công Chúa và ông Hoàng Tử vẫn là ông Hoàng Tử.
Vị Đại Nhân này ra đi không có tâm nguyện cho riêng mình vì nếu chỉ muốn cứu riêng mình thì ông dư súc rồi. Ông chỉ ôm có một tâm nguyện là cứu nhân loại khỏi cái họa CS mà thôi. Vì cái đại nguyện đó mà ông phải chịu làm khổ nhục kế. Nếu ông để cho người ta thấy ông cởi mở, lương thiện, hiền lành và có các đức tánh  tốt khác nữa thì con đường đi đã bị chận đứng trước khi mưu toan gì đại sự.
Cho nên ông phải là người thiên hạ ghét chớ không thương. Một con người mà thiên hạ nguyền rủa chớ không kính trọng. Mỗi bước chân ông đi phải thật là nặng nhọc, ê chề. Bước chân đó không chỉ mang sức nặng của thân xác mình và hồn vía của vợ con mà nó còn gánh luôn vận mạng của cả tỷ người.
Mục tiêu đó, đường đi đó, ai khổ hơn ai?
Trong suốt quá trình giải thể của chế độ CS ở Liên Sô, vị Đại Nhân này đã phải xuất hiện vào khoảng năm 1960 và cũng có thể không phải là một người mà có cả ba người, bí mật truyền y bát cho nhau sau khi hết nhiệm kỳ.
Gorbachev năm 1946 lúc bấy giờ mới mười lăm tuổi đã đi làm công trong hảng xưởng để kiếm sống, gia nhập đảng năm 1952, không phải là 'thiếu gia' hay 'đại gia' của một 'hoàng tộc' nào. Làm sao một đảng viên hạng bét thành một TBT ba chục năm sau nếu không có một Đại Nhân để mắt tới và đở đầu?
Trong khoảng thời gian từ 1960 đến 1980, Liên Sô có bốn TBT đó là Nikita Khruschev, Leonid Brezhnev, Yuri Andropov, Konstantin Chernenko, ai là Đại Nhân? Co thể là một trong mấy người này, cũng có thể là không phải mấy người này mà là một con rùa rút đầu, một người thầm lặng, vô danh trong Bộ Chánh Trị. Cái mà ta biết chắc là người này bắt buộc phải có hơn hai mặt. Người này phải có khả năng giữ được bình tĩnh, thản nhiên trong lúc bụng đang rối bời. Người này phải biết cười tươi mà trong tim khóc thầm. Muốn thắng CS, người này phải tàn độc và tráo trở hơn. Nếu cần hèn hạ thì cũng phải hèn hạ. CS đã từng gạt được cả thế giới chớ không phải chỉ có dân Việt Nam. Người này muốn gạt được CS thì đòn phép phải thuộc loại quỷ khóc thần sầu. Đó là tất cả những gì ta có thể biết về con người đó. Những huy hiệu 'cấp tiến' hay 'thủ cựu' không áp dụng cho người này được.
Người này đến không ai hay, chỉ khi bóng dáng khuất rồi thì người ta mới biết, qua dấu vết để lại.
Người Trung Hoa có một câu ngạn ngữ 'Rồng thiêng thấy được đuôi chớ không thấy được đầu'.

4. -NHỮNG NGƯỜI BẠN BẤT NGỜ
Kế hoạch giải thể chủ nghĩa CS đã chuẩn bị tinh thần và nhân sự xong, nhưng không thể thi hành suông sẻ được nếu không có sự đồng ý và giúp đở tận tình của Thế Giới Tự Do.
Lúc bấy giờ là còn chiến tranh lạnh. Những hỏa tiển mang đầu đạn nguyên tử của Mỹ và Nga chỉa qua chỉa lại. Nếu bấy giờ Liên Sô muốn hạ mấy cây hỏa tiển của mình xuống thì cũng phải điều đình với Nato để Nato cũng đáp lễ như vậy. Đó là thương thuyết giải trừ vũ khí. Nato phải đồng ý thì Gorbachev mới trấn an được  các tướng lãnh của mình. Nhưng tướng lãnh và quân đội chỉ mới là một bộ phận của đất nước. Còn một bộ phận lớn hơn nữa, đó là nhân dân. Mà nhân dân chỉ được trấn an bằng chén cơm hay ổ bánh mì mà thôi, làm sao đây?
Câu hỏi then chốt là Gorbachev lái chiếc xe chủ nghĩa CS đổ dốc để làm gì?
Chữ chủ nghĩa đây là một ảo ngữ cốt để làm rối trí, chớ thật ra mục tiêu của các sinh hoạt của con người là làm sao sinh sống thoải mái. Đã thử phát triển kinh tế bằng phương pháp hoạch định như CS  chủ trương đã thất bại thì bây giờ phải đổi qua cách phát triển theo thị trường. Chỉ có vậy thôi, không có chủ nghĩa gì trong đó cả.
Nhưng muốn đổi một nền kinh tế chỉ huy sang nền kinh tế tự do lấy sự cạnh tranh làm động lực thì phải giải quyết những người dư thừa, không sản xuất trong quân đội, trong các xí nghiệp quốc doanh, trong các cơ quan chánh phủ.
Để lấy một thí dụ đơn giản. Không còn kình chống nhau nữa, quân đội Liên Sô cần giải ngũ tối thiểu là một triệu quân. Một triệu người này hôm qua còn ăn cơm quân đội, ngày nay giải ngũ, ngày mai ăn cơm ở đâu?
Một triệu người này nếu thả ra thành phố, ăn không ngồi rồi thì sẽ quậy nát  nơi nào họ đang ở.
Muốn tránh tình trạng đó thì phải tìm kiếm việc làm cho họ liền. Nhưng Liên Sô đang kiệt quệ. Bắt buộc phải nhờ Thế Giới Tự Do. Nhưng đâu có cách nào tìm ra liền một triệu công ăn việc làm , may ra chừng một trăm ngàn thì miễn cưỡng được. Vậy còn 900.000 người kia  thì phải làm gì, chẳng lẽ đem họ ra biển trấn nước? Thế giới lại phải ra tay nữa, qua các hội từ thiện. Những  người thất nghiệp này trong lúc chờ đợi ổn định, mỗi buổi sáng phải có ổ bánh mì để dằn bụng và tối phải có một chén súp để ngũ. Công tác từ thiện này bắt buộc phải có thì mới tránh được các xáo trộn dữ dội trong xã hội.
Tôi đã lấy một con số nhỏ như chín trăm ngàn người để gợi ý, chớ thật ra lúc bấy giờ có cả chực triệu người khốn đốn. Trong công cuộc đưa bàn tay nâng đỏ này, Tây Đức đã tỏ ra vô cùng hào hiệp.
Một hướng đi sai, tám chục năm hận. Tội ác này ai gây? Tội ác này ai rửa? Hôm qua viết tới đây tôi bổng xây xẩm mặt mày, không còn biết ai bạn ai thù nữa. Ai là tình thâm quốc tế, môi hở răng lạnh? Ai là kẻ thù bất cộng đái thiên? Sao mà lộn xộn quá. Thôi không viết nữa. Đi tìm Yeltsin báo cáo. Hy vọng ổng cho một ly. Thật không dè cuộc đời là một chuổi bất ngờ. Yeltsin đã cai được rượu rồi.
Sau khi chăm chỉ nghe tôi kể hết câu chuyện Phong Thần, ổng bật cười  thoải mái và nói:
Sao hả, làm sao lấy tay ngăn gió, cản mây bay? - Người té sẽ đứng dậy mà!
 
Hồ Tấn Vinh
Úc châu
24 tháng 7, 2007
 
Chú thích
(1)            Ở đây tôi chỉ dựa trên kết quả thực tế mà tính tiền. Còn phân tách cặn kẻ tại sao phát triển kinh tế tập trung theo kiểu CS không thành công thì ít ai giải thích dễ hiểu và có uy tín bằng Djilas Milovan: THE NEW CLASS – an analysis of the communist system - đặc biệt ở chương Dogmatism in the Economy. Ấn bản tiếng Anh do Frederick A. Ptraeger, Publisher. New York. Fifth Printing August 1957.
Tôi xin trích dịch một đoạn lý thú sau đây:
Trong chế độ CS, ăn cắp và chiếm hữu phi pháp không thể tránh được. Không phải chỉ vì nghèo khó dục người ta ăn cắp 'tài sản quốc gia' mà thật ra vì tài sản đó dường như không thuộc về ai cả. . .Các lãnh tụ CS vận dụng tài sản quốc gia như của riêng mình nhưng đồng thời phí phạm nó như là của người khác. Đó là bản chất của chủ quyền và cách cai trị của chế độ. (trang 120).
Và đây là mấy lời kết thúc cuốn sách:
Nếu người CS hiểu thế giới một cách thực tế hơn thì họ có thể thiệt thòi, nhưng chắc chắn họ sẽ thắng lợi như một con người, như một thành phần của nhân loại.
Dầu thế nào, thế giới sẽ thay đổi, và sẽ tiến tới một hướng mà nó đã từng tiến và phải tiến tới sự đồng bộ hơn, tiến bộ hơn và tự do hơn. Cái sức mạnh của thực tế và sức mạnh của đời sống luôn luôn mạnh hơn mọi loại vũ lực và nó thực tế hơn mọi lý thuyết.
(2)            THE FINAL FALL ; AN ESSAY ON THE DECOMPOSITION OF THE Soviet sphere của EMMANUEL TODD (1979) Bản dịch ra Anh ngữ của John Waggoner. Karz Publishers, c1979. New York. Tác giã lấy số tử vong của con nít ở Liên Sô mà suy ra rằng chế độ CS phải tiêu, chỉ vì một lẽ duy nhứt là cha mẹ nào cũng thương con cái. Nên một chế độ không chăm sóc nổi để con nít  chết nhiều quá thì chế độ đó phải tiêu. Tiên đoán của nhà nhân số học người Pháp Emmanuel Todd có hơn mười năm trước khi Liên Sô thật sự sụp.
Bài này đã được đăng trên TIẾNG NÓI NGƯỜI VIỆT QUỐC GIA số 45 tháng 5-7 năm 2007.

No comments:

Post a Comment