Wednesday, March 9, 2011

Tại sao tôi bi quan về Tổ quốc?

Một độc giả Dân Luận
Thứ Tư, 09/03/2011


Càng đọc nhiều, càng quan sát kỹ, tôi càng có cái nhìn bi quan hơn về hiện tình đất nước. Xin chia sẻ cùng Dân Luận những gì tôi cảm nhận được:

1/ Lãnh đạo đất nước là những kẻ khốn nạn. Họ ra những chính sách tùy tiện và sai lầm, nhưng lại không phải chịu trách nhiệm gì về những quyết định của mình. Ngay cả một lời xin lỗi cũng không có.

2/ Nền kinh tế sẽ sớm bị phá sản, bởi lẽ tài nguyên thì sắp cạn kiệt, lao động giá rẻ mất dần sức hấp dẫn, trong khi năng suất lao động và trình độ khoa học kỹ thuật sau bao năm vẫn dậm chân tại chỗ.

3/ Lãnh đạo vẫn dùng "chiến tranh" để bào chữa cho tình hình hiện tại, mặc dù chiến tranh đã kết thúc hơn 35 năm rồi. Người Việt trong và ngoài nước vẫn còn chia rẽ một cách sâu sắc về cuộc chiến, thay vì hòa hợp tìm một giải pháp chung cho đất nước.

4/ Trước năm 1980, ở miền Bắc là hệ thống kinh tế tập thể, mọi thứ đều thuộc về nhà nước, không có doanh nghiệp tư nhân, không có sở hữu tư nhân, người dân không có tự do cá nhân trong việc chọn hàng hóa, bởi mỗi loại hàng hóa chỉ có một nhãn hiệu duy nhất, người ta sống trong đói nghèo và đau khổ... Ngày nay kinh tế tư nhân được phép phát triển, cuộc sống vì thế trở nên tốt hơn ngày xưa. Nhưng cũng vì lý do đó, khi điều gì đó tồi tệ xảy ra, tất cả mọi người đều nghĩ rằng dù sao vẫn đỡ hơn so với trước đây, và họ trở nên lạc quan một cách thái quá.

5/ Nho giáo cắm rễ sâu trong xã hội, nó dạy mọi người về thứ bậc trong mối quan hệ giữa chồng và vợ, giữa người lớn và trẻ em, giữa giáo viên và học sinh, giữa bố mẹ và con cái, giữa lãnh đạo và nhân dân... Đa số cho rằng nhân dân phải biết ơn và tôn trọng lãnh đạo, và chuyện phê phán hoặc trách móc chính phủ là điều mà nhiều người thậm chí không dám nghĩ đến.

6/ Người dân mù tịt về các cuộc nổi dậy ở Châu Phi và Trung Đông,bởi vì tâm trí họ quá bận rộn vào việc khác. Tuổi trẻ dành cả ngày học tập, tới trường và các lớp học thêm, làm bài tập ở nhà, chuẩn bị cho các kỳ thi và kiểm tra. Kinh nghiệm 13 năm trên ghế nhà trường của bản thân tôi cho thấy Đảng Cộng Sản đã thực sự thành công trong việc tạo ra "người Việt Nam thế hệ mới". Hệ thống giáo dục Việt Nam buộc học sinh phải tự nhồi vào đầu mớ kiến thức khoa học tự nhiên chẳng cần thiết cho cuộc đời, và khiến học sinh chán ghét văn học, không nhìn thấy nét đẹp trong văn học, kinh sợ những cuốn sách khơi nguồn tư duy bởi sau mỗi ngày dài mệt mỏi ở trường, họ chẳng thấy có lý do gì để làm mình thêm đau đầu bằng những cuốn sách nặng nề (khi tôi học lớp 10 ở trường phổ thông trung học X., tôi chủ yếu đọc tiểu thuyết lãng mạn, truyện trinh thám, thậm chí sách cho trẻ em...) Những người lớn đi làm thì luôn phải lo lắng về giá cả leo thang, đa số phải chạy ăn từng ngày, phải làm những điều trái lương tâm để sinh tồn...

7/ Một số người, tôi không biết cụ thể là bao nhiêu, cảm thấy bất mãn, nhưng tin rằng sự thay đổi sẽ diễn ra mà không cần có cách mạng, và vì thế họ ngồi đó và chẳng làm gì cả. Sự thay đổi mà họ chờ đợi rất khó có khả năng xảy ra, bởi một số yếu tố khác mà tôi liệt kê ở đây.

8/ Một số người chán ghét chính quyền, nhưng cũng chẳng biết làm gì để thay đổi nó, nên họ cũng chỉ biết pha trò cười, phàn nàn hoặc nguyền rủa đám lãnh đạo.

9/ Người dân đang đánh mất niềm tin. Bản thân tôi là một người Việt Nam, tôi chẳng tin cái gì. Người dân nước tôi chẳng tin vào lãnh đạo, chẳng tin vào các tổ chức chính trị, chẳng tin vào điều thiện và không tin lẫn nhau. Họ không tin rằng có ai có thể hi sinh cho người khác mà không đòi hỏi trả ơn. Nhiều bài báo gần đây khiến tôi nhận ra rằng không nhiều người Việt theo đuổi một tôn giáo một cách nghiêm túc, nhưng mọi người lại rất mê tín dị đoạn. Tôn thờ bất cứ điều gì và bất cứ ai. Người dân có thể cảm thấy rất bức xúc với chính quyền hiện tại, nhưng họ cũng không tin rằng một thể chế mới sẽ tốt đẹp hơn. Nếu bạn hỏi tôi, trung thực mà nói, mặc dù tôi kêu gọi một cuộc nổi dậy và khẳng định cần phải có sự thay đổi ngay bây giờ, ngay tại thời điểm này, tôi có quen biết nhiều người (được cho là) nhà hoạt động dân chủ người Việt ở nước ngoài và tôi không có niềm tin vào họ.

10/ Bàng quan trở thành một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng. Nhiều lần tôi xem các đoạn video về ẩu đả hay tai nạn giao thông, và thấy không ai tới giúp nạn nhân. Vài tuần trước, một người đàn ông tự thiêu trên đường phố để phản đối cách hành xử bất công của chính quyền. Có nhiều người tụ tập xem, nói gì đó nhưng không làm gì. Và sau đó cũng chẳng có điều gì xảy ra cả.

11/ Nhiều người, suy nghĩ sao đó, đã đưa ra một khẳng định kỳ lạ rằng dân chủ vào thời điểm hiện tại là không thích hợp cho những dân tộc như Việt Nam. Tôi không rõ chính xác quan điểm của họ là gì, nhưng rõ ràng khi có một thể chế mới, ban đầu xã hội sẽ phải hỗn loạn, vì mọi thứ đều cần thời gian để điều chỉnh. Nếu ngay bây giờ họ không thể sống trong một đất nước dân chủ với luật pháp và trật tự, với tự do ngôn luận, thì ai dám kết luận rằng trong tương lai họ sẽ làm điều đó thành công hơn? Bạn không nghĩ rằng nếu cứ để thời gian trôi qua, thì càng khó thay đổi hơn khi con người ta đã quá quen với một xã hội độc tài, và trở nên "khoan dung" hơn (tôi cho rằng phải dùng từ "thuần hóa hơn" ở đây) và thụ động hơn?

12/ Người Trung Quốc làm hết sức mình để duy trì các chế độ cộng sản tại Việt Nam và Bắc Triều Tiên. Họ không muốn người Mỹ bước vào khu vực này. Bên cạnh đó, sau những gì đã xảy ra với các ngư dân Việt Nam, tôi có thể thấy sự hèn nhát các nhà lãnh đạo Việt Nam, và thấy rằng họ sẵn sàng hi sinh lợi ích của đất nước để đánh đổi lấy chiếc ghế của họ.

13/ Chẳng có quốc gia bên ngoài nào muốn can thiệp vào chuyện của Việt Nam. Họ được lợi ích gì khi Việt Nam thay đổi tốt đẹp hơn?

Có thể còn có những lý do khác. Tôi không biết, ít nhất là bây giờ tôi chưa nghĩ ra.
Và bạn biết không?

Tôi chỉ ước tôi đánh giá tình hình sai. Tôi thực sự ước như thế.



Con Dân Nước Việt là những người đặt Tổ Quốc lên bản vị tối cao, tối cao có nghĩa là trên tất cả mọi vật, kể cả tôn giáo, đảng phái, và cả chính bản thân mình.


No comments:

Post a Comment