Sunday, March 6, 2011

Lời tâm huyết của thế hệ trí thức trẻ 8x, trong nước


Lời tâm huyết của thế hệ trí thức trẻ 8x, trong nước

Nguyễn Bình


Tôi viết bài này như một lời tâm tình với tất cả trí thức trẻ Việt Nam và hải ngoại. Mục đích duy nhất bài viết là mong muốn trí thức Việt Nam hãy làm điều gì đó để cứu lấy Việt Nam, cứu lấy chính mình. Tôi là một người Việt trẻ sinh trong thời bình, với kiến thức hạn hẹp nên tôi rất mong được sự góp ý của tất cả các bậc tiền bối. Tôi xin nhấn mạnh một điều: Bài viết của tôi chỉ là một lời chia sẻ gửi đến trí thức mang dòng máu Việt Nam.

Việt Nam hiện nay có nhiều điều kiện để trở thành nước có nền kinh tế phát triển: nguồn lao động trẻ, thuận tiện giao thông, có nhiều loại tài nguyên. Tuy vậy, nước ta vẫn trong cái vòng luẩn quẩn của nghèo nàn, lạc hậu. Nguyên nhân chính là do đất nước chúng ta không tôn trọng tri thức.

Một xã hội bảo thủ, coi thường sư tiến bộ của khoa học dương nhiên sẽ tụt hậu. Và Việt Nam đã tụt hậu. Nếu chỉ so sánh trong Đông Nam Á chúng ta cần tới 18 năm để đuổi kịp Indonesia, 34 năm với Thái Lan và 197 năm với Singapore. Hậu quả của một chính phủ xem thường trí thức.
Ngay trong định hướng của đảng: "Giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo" đã sai lầm trầm trọng, phản khoa học.

Vấn đề đầu tư vào giáo dục luôn quyết định hưng, suy của một quốc gia. Nền giáo dục của Việt Nam và cả xã hội Việt Nam làm nhân tài không có đất dụng võ. Với bằng cấp tràn lan, người Việt có khi ảo tưởng về mình. Mỗi năm chúng ta có rất nhiều kỹ sư, cử nhân, tiến sĩ, giáo sư mới nhưng nền kinh tế của chúng ta èo uột, đất nước chúng ta lạc hậu. Hoàn toàn thiếu một sản phẩm Việt sánh ngang tầm các quốc gia khác trên thế giới. Nhắc đến Samsung, Hyundai, người ta nghĩ đến Hàn Quốc, nhắc tới Sony nhớ tới Nhật… Thực tế này cho thấy chất xám Việt đang bi lãng phí.

Có thể nói Việt Nam đã tụt hậu, người lãnh đạo đất nước không phải là tinh hoa của dân tộc, học thứckém xa nhiều người trong xã hội. Bằng cấp Việt Nam không có giá trị quốc tế. Theo tôi, đã đến lúc trí thức Việt Nam nhìn thẳng vào chính mình, nhìn nhận thực tế và thực hiện vai trò của mình để cứu chính mình và cứu xã hội. Thực tế cần phải chấp nhận: nước ta là nước nghèo nàn, lac hậu. Và nếu chúng ta không khắc phục được sự yếu kém của đất nước nạn nhân cũng chính là chúng ta.

Bất cứ xã hội nào, trí thức và tinh thần dân tộc luôn dẫn đầu để đưa đất nước đi lên. Nước Mỹ phồn vinh với giấc mơ Mỹ, Người Hàn Quốc chấp nhận "ăn mày chất xám" ở phương tây, tinh thần Samurai của Nhật… Các dân tộc khác đã làm rạng danh dân tộc họ. Việt Nam kém phát triển chứng tỏ trí thức Việt chưa phát huy được vai trò của mình. Trí thức Việt đang bị gông cùm, bị cuốn vào vòng xoáy của xã hội lưu manh và mất đi trí thức, ý chí.

Là một người sinh sau 75, tôi chỉ nêu ra cái vòng xoáy mà người trí thức trẻ phải chịu. Sau năm 75, thế hệ 8x là lực lượng trí thức đông đảo nhất. Rất tiếc, không ít phải thỏa hiệp với cái lưu manh trong xã hội "hành hạ nhau mà sống". Xã hội mà trí thức vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm. Tôi đưa ra vài ví dụ cho thấy cái vòng luẩn quẩn mà chí thức phải chịu:
VD: Một bác sĩ với mức lương chết đói, anh ta tìm cách làm khó bệnh nhân để nhận "lót tay". Nhưng khi anh ta sử dụng các dịch vụ khác, anh ta lại bị làm khó lại.

Vụ sập cầu Cần Thơ, những kỹ sư làm việc trên công trình đó đã làm hại hoặc tiếp tay cho người khác làm hại rất nhiều người. Sẽ ra sao nếu như những kỹ sư này đứng dưới công trình của chính họ.

Mỗi người trong xã hội tự hại mình và hại người khác. Có thể nói trí thức Việt Nam cũng như bao người Việt khác là nạn nhân của nhau, nạn nhân của định hướng xã hội, nạn nhân của sự lãnh đạo tồi tệ. Một nền giáo dục tồi tệ.

Khi một người nước ngoài nói: "Giáo dục Việt Nam tồi tệ", chúng ta phải công nhận họ đúng. Nền giáo dục của chúng ta mang tính chất bịt miệng, giáo điều. Học sinh phổ thông học khổ hơn đi cày. Học, học như điên, như bị ma đuổi. Học sinh cố gắng vào trường A, trường B mà đôi khi không biết học ngành đó làm gì, ngành đó ra sao, mình có thích ngành đó hay không. Học sinh bị nhồi vào đầu những kiến thức mang tính giáo điều. Ngay cả văn chương, nhạc họa cũng sặc mùi đảng, đảng, đảng..... Họ không được cung cấp kiến thức xã hội để có thể định hướng cuộc đời. Phương tiện truyền thông đưa những thông tin láo khoét. Cứ coi điểm chuẩn của các trường đại học sẽ thấy nực cười. Có ngành năm trước cao ngất, năm sau xấp xỉ xuống sàn. Học sinh chạy theo ngành nghề đan g nổi. Những năm gần đây, kinh tế lên ngôi, sự bùng nổ của ngân hàng, chứng khoán làm mức lương ngành này cao ngất và đương nhiên điểm chuẩn tăng theo. Bên cạnh đó, nhiều ngành kỹ thuật lại không phát triển, lương kỹ sư bèo bọt. Có thể nói giáo dục không định hướng, nền giáo dục ăn theo. Nhìn nhận lại nền giáo dục, chúng ta thấy hầu như các trường đào tạo theo kiểu đem con bỏ chợ, lãng phí thời gian và tiền bạc của sinh viên. Việt Nam có rất nhiều trường thuộc bộ nhưng ngành chính thì mờ nhạt so với các ngành khác.

Các trường này chỉ biết cấp bằng còn sinh viên ra trường sẽ như thế nào họ không quan tâm. Sinh viên bị buộc đóng tiền và lãng phí rất nhiều thời gian cho các môn vô bổ hoặc vô lí. Triết học Mác- Lê tốn khá nhiều thời gian, kinh tế chính trị, học xong bỏ xó, lịch sử đảng tách thành 1 môn riêng biệt. Có những trường đào tạo Anh Văn cho sinh viên với giáo trình cơ bản mà học sinh phổ thông đã học qua. Nếu tính số tiền đầu tư cho một sinh viên đại học ta thấy sự lãng phí rất lớn, cái bằng không có giá trị thực thụ. Bốn năm học tiêu tốn cả trăm triệu và sau ra trường phải đi "đào tạo lại".

Điều chắc chắn là nếu giáo dục không được đầu tư đúng sẽ rất lãng phí thời gian, tiền bạc và chất xám.Thực tế là kỹ sư Việt Nam có rất nhiều người làm bảo trì nhưng nếu máy hư, kỹ sư chỉ được phép gỡ, chờ kỹ sư nước ngoài. Có người đã nói : Kỹ sư Việt Nam thầy không ra thầy, thợ không ra thợ.

Cả xã hội đang đuổi theo một thứ rất hư ảo: Bằng cấp. Một thứ mà ngay tại Việt Nam cũng chưa được tôn trọng. Nếu những năm trước đây, tiến sĩ, giáo sư hiếm thì nay tràn lan. Có vẻ như bậc đại học bây giờ chỉ là phổ cập. Cả xã hội đua bằng cấp trong khi giá trị của cái bằng lại ngày càng giảm. Tư tưởng học lấy bằng rất đáng lo ngại.

Với hệ thống giáo dục tệ hại, người Việt không phát huy được năng lực, không sánh tầm được với đồng nghiệp thế giới. Trí thức Việt sống trong môi trường thiếu lành mạnh, khoa học.

Đảng cộng sản Việt Nam và hệ thống truyền thông nô dịch đã lừa bịp toàn dân. Họ làm cho người dân tưởng đất nước đang đi lên một cách mạnh mẽ bằng cách đưa ra những con số mị dân trên phương tiện truyền thông.

Nhưng nếu chúng ta thử đặt bên cạnh những con số khác thì sẽ ra một kết quả cười ra nước mắt. Ví dụ: tăng trưởng 7% bên cạnh lạm phát 11%. Nhà nước ra rả nói đã thoát nghèo nhưng trên VTV1 ngày 21-1-2011, khi nói về một gia đình "cận nghèo", thu nhập 300 ngàn/ người/tháng. Mức cận nghèo là 0.5 USD/người/ngày. Nhiều người vì không để ý đã tin tưởng vào thông tin họ nghe thấy và ảo tưởng về Việt Nam.

Điều đáng tiếc là vẫn còn nhiều trí thức trẻ đang tiếp tay cho sự dối trá. Về mục đích, họ cũng vì mưu sinh. Họ chấp nhận mua việc làm ở các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước với cái giá không nhỏ và tin tưởng rằng họ sẽ ổn định. Họ bước vào vòng xoáy, đầu hàng nghịch lí. Nhưng nếu xét kỹ họ cũng không khá hơn được. Ai hiểu về cơ quan, doanh nghiệp nhà nước đều phải công nhận rằng càng ngày xin chỗ làm càng khó, giá càng cao. Trong khi hoạt động của doanh nghiệp nhà nước yếu kém còn nguồn nhân lực tăng nhanh (do con cháu, quen biết trong ngành) thì việc hiếm là đương nhiên. Với 40% tổng vốn của nền kinh tế quốc doanh chỉ tạo ra 26 % GDP. Vinashin là bài học nhãn tiền.

Nhìn sâu vào hoạt động của các tập đoàn nhà nước, chúng ta có thể thấy các tập đoàn này đang tìm mọi cách để giành giựt lợi nhuận của nhau. Việc các tập đoàn kinh doanh đa ngành không nói lên sự phát triển: Dầu khí, EVN, nhảy vào viễn thông. Viettel, VNPT cũng giành giựt nhau từng ngày. Các tập đoàn đang bế tắc, tìm cách kiếm tiền bằng cách đầu tư vào ngành đang ăn khách. Hiện tại,Vinashin đang gây ảnh hưởng lớn đến sự tồn vong của các tập đoàn khác. Trái phiếu chính phủ xuống hạng rác, các tập đoàn khó khăn với ngân hàng nước ngoài. Nếu như các tập đoàn này phá sản như Vinashin , những trí thức đã mua việc vào cảnh tiền mất tật mang. Họ cũng khó thích ứng với công việc ngoài quốc doanh.

Nhiều trí thức chọn con đường du học. Họ đi và phải tìm cách ở lại nước ngoài vì so với mức đầu tư của họ, mức lương trong nước không thích ứng được. Họ vào cảnh tha phương cầu thực.

Vài trí thức bước vào con đường của doanh nhân và không ít đã bị gẫy nặng trước một cách thức làm ăn lưu manh. Trí thức Việt bị bít đường sống.
Với hiện trạng, tôi nghĩ đến tư tưởng của Lỗ Tấn: Chữa bệnh thể xác không quan trọng bằng chữa bệnh tinh thần. Đã đến lúc người trí thức Việt phải tự giải cứu mình để trở thành trí thức thực thụ, để nhận đồng lương một cách công khai, xứng đáng và không phải áy náy với bất cứ ai.

Trong lịch sử, các cuộc cách mạng thường được một lực lượng trí thức dẫn đầu. Trong dân tộc cũng có những người đã từng đưa thanh niên đi du học để giải phóng đất nước.

Tôi nghĩ trí thức Việt nên nhìn nhận xã hội và hành động thiết thực bằng cách đưa tin tức chân thực đến với mọi người. Truyền thông luôn đóng vai trò quan trọng để thay đổi xã hội. Chúng ta hãy tự đào tạo mình, hãy viết suy nghĩ của mình, hãy phân tích bẻ gẫy luận điệu dối trá của đảng. Gửi những thông tin, bài viết có giá trị về tình hình đất nước cho bất cứ ai qua email hay bất cứ phương tiện nào có thể. Tôi mong muốn những trí thức ở hải ngoai hãy giúp đỡ trí thức trong nước bằng những tài liệu, giáo trình của các đại học tân tiến trên thế giới qua internet để người muốn học có cơ hội tiếp cận. Chúng ta sẽ có một lực lượng mạnh nếu đoàn kết. Đảng cộng sản xử dụng chiêu chia rẽ, đưa vào chúng ta những ranh giới: hải ngoai- trong nước, khen người này chê người kia nhằm ngăn cản sự đoàn kết. Chúng ta hãy sát cánh bên nhau để trí thức tiền bối chỉ dạy trí thức trẻ, một khối đại đoàn kết Việt Nam. Tôi góp ý vài điều mà bất cứ ai cũng có thể làm:

- Tích cực tự học hỏi và chia sẻ tài liệu cho người khác, xích lại gần nhau qua email (chúng ta không cần biết nhau, chỉ cần là người Việt )
- Viết báo, phân tích báo chí nô dịch để vạch mặt kẻ nói dối.
- Tham gia tuyên truyền (Gửi email cho bất cứ ai)


Hãy cùng tôi tích cực dọn đường cho sự thay đổi của Việt Nam. Vì chính chúng ta, vì Việt Nam, để không còn nỗi nhục nhược tiểu, để không có cảnh phụ nữ Việt phải đi lấy chồng ngoại, trẻ em Việt bị mua bán, bị đẩy vào các nhà chứa, để trí thức Việt không còn phải tha phương cầu thực, nông dân, công nhân không phải vất vả và còng lưng trả nợ cho kẻ cầm quyền. Chúng ta hãy hành động. Tự cứu mình và cứu những người khác nữa. Vì tương lai, xin tất cả hãy tìm cách liên kết với nhau trong tình dân tộc.


Nguyễn Bình


 

Con Dân Nước Việt là những người đặt Tổ Quốc lên bản vị tối cao, tối cao có nghĩa là trên tất cả mọi vật, kể cả tôn giáo, đảng phái, và cả chính bản thân mình.


No comments:

Post a Comment