Tuesday, December 20, 2016

Những ngôi trường cổ quái ở Việt Nam

Những ngôi trường cổ quái ở Việt Nam

Tôi đã viết về chuyện giáo dục ở VN với khổ nạn của những thầy cô giáo trẻ đẹp phải đi tiếp khách cho các quan, lại phải "đòi nợ thuê" cùng những cảnh khốn khổ của thầy cô giáo. Và đáng chú ý là ông Bộ trưởng Giáo Dục và Đào Tạo Phùng Xuân Nhạ nói rằng mức độ chưa đến nỗi trầm trọng và quan trọng hơn cả nếu các giáo viên ấy có thái độ im lặng đồng tình, không có kiến nghị, phản ứng gì thì trước tiên phải quy trách nhiệm cho các giáo viên này trước xong mới tính chuyện đến người ép buộc.

Ông Bộ trưởng yêu cầu từng cô giáo trước tiên phải nghiêm túc trước đã. Phát ngôn này đã bị đả kích tơi bời vì ông Nhạ đổ lỗi cho các cô giáo trẻ đồng tình chứ không phải tại các quan. Lời phát biểu của ông Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục là một sự sỉ nhục các cô giáo bị cấp dưới của ông "điều động" (có nghĩa là bắt buộc) phải đi tiếp khách cho các quan. Che giấu tội của quan cùng hội cùng thuyền cùng những chuyện quan bịt miệng dân như thế ở VN quá nhiều rồi, tôi không nhắc đến nữa.

Tôi tường thuật chuyên những ngôi trường "cổ quái" ở VN. Tôi gọi là "cổ quái" bởi nó đúng từng chữ, cổ ở đây là xưa cũ, quái ở đây là quái đản. Có những ngôi trường xây dựng cả chục tỷ đồng rồi bỏ hoang. Có hàng trăm công trình xây dựng tốn kém nhiều tỷ đồng của dân rồi để đó cho cỏ mọc, bìm leo. Trong khi có những nơi rất cần một mái trường cho con em theo học. Như ở vùng sâu vùng xa.

Học sinh chỉ ăn cơm nắm với muối chan nước lạnh
Các em học sinh xã Mường Lý phải vượt suối, băng rừng, hàng trăm học sinh huyện vùng cao biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) dựng lều tạm trọ học gần trường với trăm bề thiếu thốn để đeo đuổi việc học, mong học được "cái chữ" sau này sẽ giúp thoát đói nghèo.

Xã Mường Lý hiện có gần 300 học sinh tiểu học và Trung Học Cơ Sở (THCS) phải trọ học tại trường - đông nhất huyện. Bữa ăn trưa của các em Vàng A Sự, Vàng A Tu, Vàng A Mỵ ở căn lều trống hoác cạnh Trường THCS Mường Lý chỉ có cơm với muối trắng, chan nước lạnh.
Trường tiểu học Minh Khai 2 và những dãy nhà cấp 4 được xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ trước.
Bữa ăn chỉ có cơm và chan nước lã của học sinh Trường Lồ Sử Thàng.
Các em kể, "Mỗi tháng em phải về nhà hai lần lấy gạo. Tụi em tự kiếm thức ăn, đứa nào nhà khá thì có thêm một, hai chục ngàn mỗi tháng để mua vài con cá khô, đậu phụ thôi. Ở nhà bố mẹ và các em vẫn phải ăn độn ngô, sắn, bạn em nhiều đứa không đủ gạo ăn."

Thầy Nguyễn Văn Hà, Trường THCS Mường Lý, kể, "Cuối tuần, thầy trò chúng tôi lên rừng đào măng, hái rau dại, trứng kiến để các em cải thiện bữa ăn." Sống ở lều tạm, thầy trò ở đây còn lo mùa mưa thì lũ quét, lũ ống hất lều xuống sông Mã, mùa khô thì nguy cơ cháy rình rập, bởi các túp lều làm bằng tre, nứa lợp lá, nằm sát nhau rất dễ bắt lửa.

Trường tiểu học cụm xã Trà Nam nằm sát một ngọn đồi, cạnh đó là dãy nhà tre, vách nứa, che bạt để các em trú ngụ. Có đến 130 học sinh tiểu học và gần 180 học sinh THCS tá túc trong các lều bạt này đã hai năm qua, trong lều là những chiếc giường tre tự làm ọp ẹp.

Đấy chỉ là một trong nhiều trường học ở những nơi xa thành phố. Vậy mà vẫn có những nơi xây trường rôi bỏ hoang, cái nghịch lý ấy chẳng thấy ông hay bà đại biểu Quốc Hội hoặc ông bộ trưởng nào nhắc tới, toàn nói chuyện tranh quyền đoạt chức, chuyện cấm các quan đi tết nhau túi bụi mà thật ra chẳng ông nào dám quên đi chúc tết các quan trên. Chắc chưa có ông bà nào đặt chân tới những nơi học sinh ăn cơm muối uống nước lã này. Có lẽ vì các làng xã ấy chưa có đường xe hơi chạy vào, sức mấy mà các quan chịu đi xe ôm, xe thồ hay lội bộ vào xã. Mặc người dân chịu khổ suốt đời.

Nhưng chưa hết những trường ọp ẹp như thế còn ở ngay trước mắt những thị trấn, tỉnh thành "hoành tráng" nhất nhì tại VN. Tôi chỉ lấy hai thí dụ điển hình.

Ngôi trường cổ quái xây theo kiểu có lối đi hai con dê qua cầu
Trường Tiểu học Minh Khai 2 nằm giữa trung tâm thành phố Thanh Hóa, phường Trường Thi được xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ trước hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn của học sinh và giáo viên.

Bà Nguyễn Thị Hường, Hiệu trưởng Trường Tiểu Học Minh Khai 2 cho biết, đây là ngôi trường cấp 4 được xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ 20, gồm 4 dãy nhà, 21 phòng học, mái được lợp bằng tôn.
Trường tiểu học Trần Phú 14 phòng học bị đóng cửa bởi xuống cấp nghiêm trọng.
Các em học sinh đang đánh cược tính mạng trong ngôi trường sập xệ.
Ngôi trường dù đã qua nhiều lần sửa chữa nhưng đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Mái ngói, tường gạch cũ kĩ luôn trong tình trạng chờ sập. Lớp học nào cũng bị nứt vỡ, dột nát, bờ tường bong tróc, cửa mối mọt rơi xuống bất cứ lúc nào… Đồ dùng học tập, cơ sở vật chất hư hỏng do ẩm thấp.

Đặc biệt, đường xuống các dãy nhà chỉ vỏn vẹn vừa một người đi. "Mỗi giờ vào lớp, học sinh nhốn nháo vì phải chờ đợi đi qua các dãy nhà. Đường đi như kiểu hai con dê qua một cây cầu. Một giáo viên cho biết, "Nhiều hôm trời mưa, học sinh và giáo viên đi qua cửa này quệt phải bờ tường gạch bẩn hết người."

Trường học mà xây theo kiểu hai con dê qua cầu tre để học trò cọ quẹt vào cô giáo, phải gọi là "cổ quái" đúng nghĩa, cổ quái nhất VN và có lẽ nhất thế giới!

Bà Nguyễn Thị Hường, Hiệu trưởng nói thêm, "Sở dĩ trường này không được xây mới hay nâng cấp là do đất của trường thuộc đất nhà thờ. Trước kia, UBND thành phố có ý định chuyển trường đến vị trí mới. Đã có lần chính quyền về đây khảo sát, cho nhà trường đi tham quan mô hình xây dựng của các trường bạn, và đã đặt mũi khoan dự định xây dựng rồi, nhưng không hiểu sao lại thôi."

Bà Hiệu trưởng tế nhị không muốn nói các quan còn bận chuyện vinh thân phì gia nên trường học chẳng là cái quái gì đối với ông. Xây thêm trường ông không được lợi bằng cho doanh nghiệp xây công trình lớn ông kiếm được nhiều hơn. Chuyện hàng ngày ở huyện người dân ai cũng biết nhưng đành ngậm miệng cho êm, nói vô nói ra chưa biết chừng bị trả thù, bị trù ém còn mệt hơn.
Trường THCS Cao Xanh với số vốn đầu tư 10 tỷ đã phải bỏ hoang hai năm nay do lo ngại tình trạng xuống cấp ảnh hưởng đến tính mạng học sinh.
Đường xuống các dãy nhà chỉ vừa vỏn vẹn một người đi.
Một thí dụ điển hình khác.

Trưởng tiểu học Trần Phú 14 phòng học phải đóng cửa
Trường này nằm ở trung tâm thành phố Hà Tĩnh, nhưng cơ sở vật chất của Trường Tiểu Học Trần Phú đang xuống cấp trầm trọng.

Học sinh thiếu phòng học trong khi 14 phòng của trường phải đóng cửa, các lớp học được ngăn ra bởi một tấm phên mỏng, hoặc học ở nhà ăn bán trú. Trường được xây dựng từ năm 1995. Hiện có 730 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Bề ngoài trông còn đẹp, tuy nhiên, toàn trường chỉ có 12 phòng học đang sử dụng được, còn lại 14 phòng học bị đóng cửa bởi xuống cấp, hỏng nghiêm trọng.

Có những phòng học ngăn nhau bởi tấm phên mỏng, làm ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh. Nhiều phụ huynh phẫn nộ.

Chị H.N. môt phụ huynh học sinh nói, "Tôi thật sự không hiểu nổi vì sao một trường học ở trung tâm thành phố mà để xuống cấp như vậy. Học sinh không có chỗ học, phải học thay ca. Đặc biệt, lớp học mà ngăn cách nhau bởi tấm phên, lớp bên này học môn âm nhạc, lớp bên kia học toán thì ồn ào sao mà học được? Tôi thật sự lo lắng về chất lượng học tập của con mình."

Đối với 14 phòng học có nguy cơ sập, rạn nứt, nhà trường đã rào các lớp học này lại bằng những tấm lưới thép đề phòng tai nạn xảy ra bất cứ lúc nào.

Tại các phòng học này, trần nhà và hành lang bong tróc từng mảng lớn, hệ thống cột chịu lực đã hư hỏng nặng, nứt nẻ không bảo đảm an toàn cho việc dạy học.

Cô Nguyễn Thị Hoa, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu Học Trần Phú cho biết, "Hơn 20 năm rồi nên hệ thống phòng học bị xuống cấp. Nhà trường đã tận dụng nhà ăn bán trú và một số phòng chức năng để sắp xếp phòng học cho 20 lớp, và phải học 2 ca - buổi sáng khối lớp 3, 4, 5 và buổi chiều khối lớp 1, 2."

Năm nào cũng đóng tiền xây dựng trường
Được biết, những năm về trước, khi học sinh đang ngồi học có tình trạng vữa xi măng trên trần nhà rơi xuống, khiến cô trò hoang mang lo lắng.

Phòng học lớp 3A và lớp 3B được ngăn cách bởi tấm phên mỏng. Em Đặng Ngọc L. học sinh lớp 3A cho biết, "Lớp học bọn em rất ồn ào, em cũng thấy khó chịu."

Trong khi đó, một phụ huynh thông tin, "Năm nào chúng tôi cũng đóng tiền xây dựng trường, trung bình mỗi năm nhà trường thu về hơn 400 triệu đồng, thì thử hỏi số tiền đó dùng để làm gì?"

Giải thích về điều này, cô Hoa cho biết nhà trường sẽ "khắc phục" điều này. "Sắp tới chúng tôi sẽ cho xử lý bằng tấm cách âm để bảo đảm việc học tập của các em". Cô cho biết thêm, "Năm nay chúng tôi thu mỗi em 600 nghìn đồng tiền xây dựng, chủ yếu là để tu bổ khu vực phía ngoài, bổ sung thiết bị dạy học cho giáo viên, ví dụ như ti vi để kết nối. Hiện trường đã gửi tờ trình lên UBTP về việc xin hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng công trình nhà học 3 tầng, 18 phòng để phục vụ công tác dạy học. Hy vọng trường sớm được xây dựng để đảm bảo chất lượng dạy và học của cô trò."

Năm trước thu được hơn 400 triệu đồng các ông bà Hiệu Trưởng dùng để làm gì bà Hiệu trưởng không trả lời được. Tại sao không thông báo rành mạch cho các phụ huynh biết? Năm nay lại thu thêm mỗi em 600 ngàn đồng nữa. Số tiền đó là quá lớn với những gia đình bình thường chưa nói đến những gia đình nghèo. Họ lấy tiền đâu mà đóng tiền xây trường? Lo ăn từng bữa còn chưa đủ, ốm đau không có tiền đi bệnh viện, đành nằm chờ chết. Nên nhiều phụ huynh đành cho các con nghỉ học về chăn trâu cắt cỏ, mất hết tương lai.

Trong khi đó nhiều ngôi trường xây dựng xong bỏ hoang. Còn những chuyện kỳ quái hơn như tình Sơn La là tỉnh nghèo mà xây dựng tượng đài với tổng vốn đầu tư đến 1,400 tỉ đồng ($60 triệu đô). Đây có thể xem là tượng đài quy mô nhất tại Việt Nam từ trước đến nay.

Cũng như ga Cái Lân bắt đầu hoạt động năm 2014, ga Cái Lân khai thác được một lô hàng duy nhất 10,000 tấn thép từ Thái Nguyên về, rồi đến nay chưa đón thêm chuyến hàng nào khác. Đến nay vẫn bỏ không. Chính phủ bỏ ra tổng vốn hơn $30 triệu Mỹ kim, và đó là tiền thuế của dân.

Tỉnh nghèo, dân đói mà các quan tiêu tiền như rác để đẹp mặt các quan thì đúng là lũ bất nhân. Trường học là tương lai của thể hệ trẻ không được ai đoái hoài tới.

Một cậu bé học sinh lớp 8 tên Vũ Thạch Tường Minh mới 14 tuổi học tại trường Armsterdam đã có những lời nói khiến cho nhiều người lớn phải giật mình, "Con không có tính từ nào khác nên con phải dùng tính từ này, là giáo dục Việt Nam bây giờ con thấy là quá thối nát rồi."

Đó là lý do trả lời câu nói nền giáo dục VN bây giờ "hết thuốc chữa rồi, đang suy sụp toàn diện."

Văn Quang
Viết từ Sài Gòn ngày 19.12.2016

No comments:

Post a Comment