Monday, May 19, 2014

Giàn Khoan Haiyang 198: Bước Ngoặt Trong Tranh Chấp Biển Đông

Giàn Khoan Haiyang 198: Bước Ngoặt Trong Tranh Chấp Biển Đông


Nhật ký Biển Đông trong tháng ghi nhận những diễn biến quan trọng như sau:

-VOA tiếng Việt ngày 1/5/2014: "Hoa Kỳ sẽ có phản ứng mạnh trong trường hợp Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh đang có tranh chấp chủ quyền với Việt Nam, Đài Loan, Philippines, Malaysia và Brunei. Tờ Wall Street Journal  trích dẫn các nguồn tin trong chính phủ nói rằng phản ứng của Washington sẽ bao gồm việc phái hàng không mẫu hạm hạt nhân tới Biển Đông, Biển Hoa Ðông và Eo biển Đài Loan."

-VnEpress ngày 4/5/2014 "Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, hôm qua, Cục Hải sự Trung Quốc đã thông báo cho biết giàn khoan có tên Hải Dương 981 (Haiyang 981) sẽ tiến hành khoan và tác nghiệp tại vị trí có tọa độ 15o29'58" vĩ Bắc – 111o12'06" kinh Đông từ ngày 02/5 đến 15/8. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định vị trí tọa độ hoạt động của giàn khoan HD-981 nêu trên nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý." Còn VOA tiếng Việt cho biết theo Tiến sỹ Ian Storey từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, "thì đây là chỉ dấu rằng Trung Quốc đang khẳng định quyền thăm dò và khai thác tài nguyên trong Đường Chín Đoạn của mình cho dù nguồn tài nguyên đó có nằm trong EEZ của quốc gia khác hay không. Ông Storey cảnh báo rằng sự kiện này có thể dẫn tớ́i một đợt bùng phát căng thẳng mới về chủ quyền Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc mà trong năm 2013 dường như đã lắng xuống đáng kể..

-VOA tiếng Việt ngày 5/5/2014 " Đáp lại, tại cuộc họp báo thường kỳ hôm nay của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh, nhấn mạnh giàn khoan trị giá 1 tỷ đô la do công ty CNOOC Trung Quốc làm chủ hoạt động hoàn toàn trong vùng biển của quần đảo Hoàng Sa thuộc Trung Quốc." Còn tờ Hòan Cầu Thời Báo đòi "dạy cho Việt Nam một bài học". Nhận đinh về hành động này của Bắc Kinh, tờ PetroTimes cho biết: Theo Ô. Mike McDevitt, một đô đốc đã nghỉ hưu và là một chuyên nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm phân tích hải quân thì,  "Động thái này là một trong nhiều bước tiến của Trung Quốc. Một động thái cá biệt sẽ không dẫn đến xung đột, nhưng nhìn chung theo thời gian sẽ dần dần làm thay đổi hiện trạng tranh chấp".

-Reuters ngày 6/5/2014 cho biết ông Daniel Russel, Phụ Tá Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á – Thái Bình Dương nói rằng Mỹ đang điều tra xem xét vấn đề này, nhưng thúc giục các bên cẩn trọng.

-AFP ngày 5/5/2014: " Cả chục ngàn lính Mỹ và Phi Luật Tân tiến hành cuộc tập trận lớn vào ngày Thứ Hai sau khi TT. Barack Obama cam kết 'mạnh mẽ' (ironclad) ủng hộ đồng minh ở Đông Nam Á đang kẹt trong cuộc tranh chấp căng thẳng với Trung Quốc." Bộ Trưởng Ngọai Giao Phi Luật Tân Rosaio không ngần ngại tuyên bố, "mười ngày thao diễn là cần thiết để đối phó với thách thức của láng giềng 'hung hăng' (aggressive) có ý đồ thay đổi hiện trạng."

-VnPlus ngày 6/5/2014: " Ngày 6/5/2014, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear đã ký chính thức Hiệp định hợp tác giữa hai quốc gia về sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân (Hiệp định 123). Trước đó, hiệp định này đã được ký tắt giữa Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry vào ngày 10/10/2013 tại Brunei trong khuôn khổ của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 23."

-VOV ngày 6/5/2014: " Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc điện đàm với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì về việc giàn khoan HD-981 và nhiều tàu của Trung Quốc hoạt động tại khu vực thuộc lô dầu khí 143 thuộc thềm lục địa Việt Nam từ ngày 1/5/2014 đến nay. Tại cuộc điện đàm, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh việc Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan HD-981 và một lượng lớn tàu các loại, kể cả tàu quân sự vào hoạt động ở khu vực này là bất hợp pháp, đi ngược lại luật pháp và thông lệ quốc tế, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Việc làm này cũng ảnh hưởng tiêu cực đến sự tin cậy chính trị và các mặt hợp tác giữa hai nước, tổn thương tình cảm của người dân Việt Nam. Việt Nam không thể chấp nhận và kiên quyết phản đối việc làm này của Trung Quốc; yêu cầu Trung Quốc rút hết giàn khoan HD-981 và các tàu hộ tống ra khỏi khu vực này và cùng đàm phán để xử lý những bất đồng xung quanh vấn đề này."

-Ngày 7/5/2014: Hầu hết báo chí quốc tế và trong nước tường thuật cuộc họp báo quốc tế tại Hà Nội về việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trong vùng bỉển Việt Nam. Tình hình như sau: "Đối với Trung Quốc, lực lượng tham gia bảo vệ giàn khoan HD 981 trong các ngày 2 và 3-5 là khoảng 40 tàu các loại. Đến thời điểm hiện nay TQ đã huy động, lúc cao nhất là 80 tàu các loại, trong đó có 7 tàu quân sự gồm: Tàu hộ vệ tên lửa 534 (Giang Hồ II) và tàu tuần tiễu tấn công nhanh số hiệu 753; cùng 33 tàu Hải cảnh, Hải Giám, Ngư Chính và các tàu vận tải, tàu cá. Ngoài ra hàng ngày còn có hàng chục tốp máy bay hoạt động trên  khu vực. Cũng theo ông Ngô Ngọc Thu, khi các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam ra kiểm tra, ngăn chặn việc xâm phạm trái phép của giàn khoan HD 981, các tàu bảo vệ của Trung Quốc, được sự yểm trợ của máy bay, có hành động hung hăng, chủ động đâm thẳng vào các tàu, dùng vòi rồng có công suất lớn phun nước vào các tàu của Việt Nam nhằm làm hư hỏng tàu thuyền và các trang thiết bị trên tàu, gây thương tích cho thuỷ thủ trên tàu." Một đọan băng thu hình ngắn cũng được trình chiếu để xác minh thái độ hung hăng, nguy hiểm của Trung Quốc. Reuters ngày 7/5/2014 cũng đã tường thuật buổi họp báo này, " Ô. Trân Duy Hải, một viên chức bộ ngoại giao đã nêu khả năng Hà Nội sẽ đưa vấn đề tranh chấp ra tòa án trọng tài quốc tế. Ông nói," Chúng tôi không  loại trừ bất cứ giải pháp nào, nếu nó là những giải pháp hòa bình, kể cả việc khiều nại quốc tế. Chúng tôi là quốc gia yêu chuộng hòa bình đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh. Nếu tình thế đi quá xa, chúng tôi sẽ dùng mọi biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ lãnh thổ. Chúng tôi có những hạn chế, nhưng chúng tôi sẽ đương đầu với bất cứ cuộc xâm lăng nào từ Trung Quốc. Theo VOA tiếng Việt, "Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jen Psaki nói tại Washington: "Chúng tôi đang xem xét vụ việc một cách thận trọng. Với các căng thẳng từng xảy ra ở Biển Đông, quyết định của Trung Quốc cho vận hành giàn khoan trong vùng biển tranh chấp là khiêu khích và không có lợi cho việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực." Đây là ngôn từ khá mạnh mà một người phát ngôn ngành ngoại giao sử dụng.

-International Business Times ngày 7/5/2014: "Trung Quốc cảnh báo Phi Luật Tân hãy ngưng những hành động khiêu khích sau khi Phi Luật Tân bắt giữ một tàu đánh cá và giam giữ 11 ngư phủ bị cáo buộc là đánh bắt trái phép đồi mồi là lòai có nguy cơ diệt chủng ở Biển Đông."

-BBC tiếng Việt ngày 8/5/2014: Trong chuyến viếng thăm Việt Nam, trả lời những câu hỏi dồn dập của báo chí liên quan đến sự kiện Trung Quốc đưa dàn khoan HD.981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Phụ Tá Ngọai Trưởng  Dniel Russel nói, ""Mỹ có quan điểm từ lâu rằng nếu kênh ngoại giao không có kết quả, các nước tranh chấp cần tận dụng quyền sử dụng các cơ chế luật pháp quốc tế. Thông điệp đơn giản của tôi là nhắc lại sự quan trọng của kiềm chế, đối thoại và tuân thủ luật pháp quốc tế." Còn về những cam kết của Mỹ đối với đồng minh Phi Luật Tân ông nói, "Chúng tôi có lập trường về tính ràng buộc thiêng liêng với Philippines như đồng minh. Nhưng chúng tôi không có lập trường về phải trái trong đòi hỏi chủ quyền của Philippines." Chúng ta có thể rút ra nhận xét về lời tuyên bố của Ô. Russel: Ông khích lệ Việt Nam đưa vấn đề Biển Đông ra Tòa Án Quốc Tế về Luật Biển.

-AP ngày 8/5/2014: Trong một bài viết gửi đi từ Bắc Kinh, nhà báo Christopher Bodden lập luận rằng sở dĩ Trung Quốc đưa dàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tê của Việt Nam là để thử thách khả năng và ý chỉ của Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền cũng như thử thách quyết tâm bảo vệ tự do hàng hải của Hoa Kỳ tại đây. Còn đối với Việt Nam ông cho rằng Việt Nam không có khả năng tranh thắng về sức mạnh quân sự, lại không có "đồng minh" là Hoa Kỳ như Phi Luật Tân cho nên, "Có thể cùng Manila theo đuổi việc kiện Trung Quốc trước tòa án quốc tế, nhưng không biết liệu hành động này có đủ mạnh để Trung Quốc rút lui dàn khoan hay không."

-BBC tiếng Việt ngày 9/5/2014: "Ngày thứ Năm 8/5 Trung Quốc cũng mở họp báo về căng thẳng giàn khoan với Việt Nam, trong đó đại diện nước này khẳng định họ có quyền khoan dầu tại vùng biển ngoài khơi Việt Nam. Trung Quốc nói đã hết sức kiềm chế trước các "hành động khiêu khích gay gắt" của phía Việt Nam." Theo RFI ngày 9/5/2014: "Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh kêu gọi Hoa Kỳ  nên có hành động và phát biểu thận trọng, ngưng đưa ra những lời tuyên bố vô trách nhiệm. Đây là phản ứng của Bắc Kinh sau khi Washington chỉ trích việc Trung Quốc đưa giàn khoan khổng lồ HD-981 vào khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, và xem đây là một hành động 'gây hấn' "

-Hãng thông tấn Kyodo: Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 9/5 tuyên bố nước này coi hoạt động khoan thăm dò dầu khí của Trung Quốc là hành động "khiêu khích" đối với an ninh khu vực. Ngoại Trưởng Nhật Bản Fumio Kishida hồi tuần rồi cho biết tranh vụ việc căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc trên biển Đông là do hành động đơn phương từ phía Trung Quốc. Trung Quốc phải giải thích hành động của nước này đối Việt Nam và với cộng đồng thế giới.

-VOV ngày 11/5/2014: "Trong ngày hôm qua (10/5) và sáng nay (11/5), báo chí Nhật Bản đồng loạt đưa tin về việc Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN đã ra Tuyên bố riêng về tình hình Biển Đông trong đó bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình hình căng thẳng hiện nay, đồng thời yêu cầu thúc đẩy nhanh tốc độ xây dựng Bô quy tắc ứng xử tại Biển Đông." Trong hội nghị thượng đỉnh này, theo RFI, "Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng trực tiếp lên án Trung Quốc  ngang nhiên gây hấn và đã có những hành động cực kỳ nguy hiểm đe dọa hòa bình." ASEAN kết thúc hội nghị ở Myanmar hôm 11/5 với tuyên bố bày tỏ "quan ngại" về căng thẳng trên biển, nhưng không phê phán Trung Quốc.

-PetroTimes ngày 12/5/2014: "Theo giới truyền thông, ngày 12/5, Phó Chủ tịch quân ủy trung ương Hứa Kỳ Lượng và đoàn đại biểu cấp cao quân đội Trung Quốc Phòng Phong Huy -Tổng Tham Mưu Trưởng kết thúc chuyến thăm Campuchia (từ 8 đến 12-5) sau khi chào xã giao Thủ tướng Hun Sen, hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Tea Banh và ký thỏa thuận hợp tác quân sự nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Campuchia-Trung Quốc."

-BBC tiếng Việt ngày 12/5/2104: "Hoa Kỳ, Liên hiệp châu Âu và Nhật Bản đều có những tuyên bố bày tỏ sự lo ngại về diễn biến căng thẳng mới nhất trên Biển Đông. Trong một diễn biến khác, theo tường thuật của Tuổi Trẻ, báo có hai phóng viên có mặt tại vùng biển Hoàng Sa, tàu kiểm ngư Việt Nam và "15 tàu hải giám, hải cảnh" của Trung Quốc vẫn "đấu vòi rồng dữ dội" sáng 12/5 trong hơn một tiếng nhưng không gây thương vong." Còn Trung Quốc nói, "Việt Nam sẽ thất  bại". Thông tín viên AP cũng đã loan lại tin  này và loan báo thêm, " Tại Washington,  Ngọai Trưởng John Kerry và những quốc gia khác có liên hệ tới việc vận chuyển ở Nam và Đông Hải hết sức quan tâm về hành động gay hấn (aggressive) của Trung Quốc."

-Reuters ngày 13/5/2014: Hoa Lục tấn công ngược lại Hoa Kỳ là đã có lỗi trong việc khuyến khích chuyện (Viêt Nam) khiêu khích tại Biển Đông sau khi ngọai trưởng John Kerry nói việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là một hành động khiêu khích.

-BBC và VOA tíếng Việt ngày 13/5/2014: Hàng ngàn công nhân Tỉnh Bình Dương và Hà Tĩnh xuống đường phản đối Trung Quốc nhưng có tin là đập phá, phóng hỏa và hôi của một số công ty Trung Quốc lẫn Đài Loan, Nhật Bản và Nam Hàn. Theo một giới chức ở Bình Dương và Hà Tĩnh khoảng 600 người gậu rối đã bị bắt. Cùng ngày Cảnh Sát Biển Việt Nam cho biết Trung Quốc điều thêm tàu tuẫn tiễn săn tàu ngầm để bảo vệ giàn khoan Haiyang 981.

-VOV ngày 14/5/2014: "Phóng viên VOV từ có mặt tại khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 cho biết, trong ngày 14/5, tình hình vẫn căng thẳng khi Trung Quốc tiếp tục huy động nhiều loại tàu, trong đó có tàu quân sự và tàu cá vỏ sắt ngăn cản tàu của lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam tiếp cận giàn khoan.
 
Theo thông tin mới nhất do Cảnh sát biển Việt Nam cung cấp, đến 14h50, số lượng các tàu quân sự Trung Quốc tại thực địa gồm: tàu quân sự (2 hộ vệ tên lửa, 2 tàu vận tải đổ bộ 998, 999 (tàu vận tải đổ bộ có lượng giãn nước 17.000 tấn, trên tàu trang bị 1 bệ/8 ống phóng tên lửa đối không, 1 bệ pháo 76mm, 2 bệ/4 khẩu pháo 30mm); các lực lượng bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 cơ bản như ngày 13/5. Đặc biệt, tại hiện trường, số lượng tàu cá vỏ sắt Trung Quốc (lượng giãn nước 100 – 150 tấn) tăng từ 15 chiếc lên 40 chiếc."

-Reuters ngày 15/5/2014: Phi Luật Tân đề nghị Hoa Kỳ tân trang và đóng quân tại căn cứ hải quân Oyster Island trên Đảo Palawan và biến nó thành một 'Tiểu Subic'. Oyster Island chỉ cách Trường Sa 100 dặm tức 160km. Nếu hải quân Mỹ đóng tại đây thì Mỹ sẽ khống chế Trường Sa chứ không phải Hoa Lục.

-AP ngày 15/5/2014: Manila cung cấp không ảnh chứng minh Hoa Lục đang đổ đất đá để biến bãi đá ngầm Johnson South Reef thành phi đạo là nơi Phi Luật Tân tuyên bố chủ quyền.

-BBC tiếng Việt ngày 15/5/2014:  Phát ngôn viên và tư lệnh Hạm đội 7, ông William Marks viết trong thư trao đổi với Reuters "Chúng tôi quan tâm tới việc kết nối các đối tác trên Biển Đông và hoan nghênh việc tăng cường các chuyến thăm cảng với Việt Nam."

-VOA tiếng Việt ngày 15/5/2014: Trong diễn biến mới nhất, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình tiết lộ một thứ trưởng ngoại giao đang thăm Trung Quốc để "trao đổi thẳng thắn các vấn đề giữa hai nước" từ ngày 13-15/5.

-VnExpress ngày 15/5/2014: Trao đổi với phóng viên tại Hà Nội chiều qua, Chuẩn Đô đốc Pascal Ausseur, Tổng cục Trang bị Vũ khí, Bộ Quốc phòng Pháp, nói rằng hoạt động kiểm soát vùng biển đối với những nước như Việt Nam là cực kỳ quan trong. Việt Nam sẽ cần có radar, máy bay tuần thám, máy bay trực thăng để thực hiện công vụ của mình trên biển. Trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 12 đến 14/5 Chuẩn Đô Đốc Ausseur gặp gỡ đại diện hải quân, không quân, cảnh sát biển của Việt Nam và tham dự hội thảo an ninh biển.

-Reuters ngày 16/5/2014: Vào ngày Thứ Năm 15/5/2014 sau khi những cuộc biểu tình chống Trung Quốc biến thành bạo động tại Việt Nam, Hoa Thịnh Đốn đã đưa ra lời bình luận về việc Hoa Lục đem giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Một giới chức Hoa Kỳ giấu tên đã nói với Reuters như sau, "Điều này tạo  ra những câu hỏi nền tảng cho chúng tôi về chiến lược lâu dài của Trung Quốc. Hành động của Trung Quốc giống như một 'kiểu' tiến hành mở rộng lãnh thổ bằng đe dọa và cưỡng ép". Cũng theo Reuters trong cuộc tiếp xúc với Tướng Phòng Phong Huy-Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Trung Hoa, Phó TT. Hoa Kỳ Joe Biden và các giới chức cao cấp của quân đội Hoa Kỳ đã cảnh báo, "thái độ của Trung Quốc trong những cuộc tranh chấp biển đảo là "nguy hiểm và khiêu khích" và cấn phải chấm dứt.

-VnPlus ngày 16/5/2014: "Tại cuộc họp vừa diễn ra vào lúc 16 giờ 30 phút chiều ngày hôm nay (16/5), tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Trung Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: Theo quan sát của lực lượng kiểm ngư, số tàu của Trung Quốc đã tăng thêm gần 30 chiếc so với ngày hôm qua (15/5) và tính đến chiều ngày hôm nay (16/5), số tàu này đã lên đến 126 chiếc. Ngoài ra còn có các loại máy bay tuần thám vây quanh khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang" Cũng theo VnPlus, vào ngày 16/5/2914, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có các cuộc điện đàm với các Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore K. Shanmugam và Bộ trưởng Ngoại giao Liên bang Nga Sergei Lavrov liên quan tới các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương và tình hình Biển Đông.

-VOV ngày 17/5/2014: Tờ Washington Post đã có bài nhận định về vai trò của Mỹ qua biến cố giàn khoan Haiyang 198 như sau, "Dù không có bổn phận phải bảo vệ Việt Nam theo bất kỳ một hiệp ước nào, chính sách tái cân bằng tại châu Á của Mỹ lại nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Mỹ trở thành nhà bảo trợ hàng đầu trong việc ổn định tại châu Á-Thái Bình Dương. Những hành động của Trung Quốc đang thách thức việc này."

-BBC tíếng Việt ngày 17/5/2014: "Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định Việt Nam đã tính toán đến mọi phương án, kể cả phương án 'không hòa bình' để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông."

- BEIJING (AP) ngày 17/5/2014: Trung Quốc phái năm tàu tới Việt Nam để gia tăng cường độ di tản công dân sau những cuộc bạo động do Trung Quốc triển khai giàn khoan ở vùng biển mà hai quốc gia đều tuyên bố chủ quyền". AP còn trích dẫn thông báo của Bộ Ngọai Giao Trung Quốc cho biết, "16 công dân Trung Quốc bị thương nặng cũng đã được di tản khỏi Việt Nam bằng máy bay y tế thuê bao. Hơn 3000 công nhân Trung Quốc cũng đã rời Việt Nam sau những cuộc bạo động tuần rồi  làm 2 người chết và 100 bị thương."

Nhận Định:
Theo những nhà quan sát thế giới, it ra trong một thập niên các quốc gia Đông Nam Á thường né tránh loan tin về mưu đồ và những lộng hành của Hoa Lục tại Biển Đông kể cả những nạn nhân trực tiếp như Việt Nam và Phi Luật Tân và người đối đầu là Hoa Kỳ. Thậm chí mới đây khi hải quân Trung Quốc tập trận bắn đạn thật chỉ cách bờ biển Mã Lai 80 cây số mà chính quyền Mã Lai cũng "giả bộ" nói rằng không hay biết gì hết. Sở dĩ có chuyện nghịch thường như vậy là vì sức mạnh quân sự của Hoa Lục quá lớn, nền kinh tế của các quốc gia Đông Nam và kể cả Hoa Kỳ đều sống dựa vào ngọai thương với Hoa Lục. Đụng tới tới Hoa Lục là đụng tới mạng sống của chính mình. Thế giới ngày nay nhu cầu tiêu thụ của con người gia tăng khủng khiếp. Khi kinh tế suy thóai, thị trường chứng khóan mất điểm, thất nghiệp lan tràn… thì chính quyền nào cũng xụp đổ cho nên mọi ưu tiên phải dành cho kinh tế. Chính vì nắm được "vũ khí mềm" ấy mà Hoa Lục tự tung tự tác khiến ngay siêu cường như Hoa Kỳ muốn động thủ cũng phải giải thích lòng vòng là không có ý "kiềm chế" Hoa Lục. Đây là cuộc đối đầu phức tạp và nhiêu khê chưa từng thấy trong lịch sử nhân lọai- phó sản của trào lưu tòan cầu hóa. Tòan cầu hóa mới đầu tưởng là lý tưởng cho nhân lọai. Nhưng sau một thời gian thử thách, tòan cầu hóa không có nghĩa là "hòa bình hóa tòan cầu" mà cạnh tranh để sống còn (như Tây Âu, Nhật Bản), phát triển (như các nước nhỏ) vươn lên (như Hoa Lục) và giữ địa vị siêu cường (như Hoa Kỳ) càng khốc liệt hơn nữa. 

Trước đây khi Phi Luật Tân đưa vấn đề Đường Lưỡi Bò ra Tóa Án Quốc Tế về luật biển và ký thỏa hiệp quân sự với Hoa Kỳ vào ngày 27/4/2014 thì Phi Luật Tân trở thành "tiền đồn" chống Trung Quốc tại Á Châu. Ngày nay do biến cố giàn khoan Haiyang 981 Việt Nam trở thành đối đầu trực tiếp với Hoa Lục và vô tình trở thành đồng minh với Phi Luật Tân và làm giảm nhẹ áp lực hoặc chia xẻ áp lực với Phi Luật Tân và cũng giảm nhẹ áp lực cho Nhật Bản ở Senkaku. Phi Luật Tân và Nhật Bản  mừng quá! Khi cựu thủ tướng Anh Tony Blair thăm Việt Nam vào cuối năm 2013 trong vai trò dường như cố vấn đầu tư, ông có nói rằng Việt Nam cần phát huy vai trò chủ động ở Đông Nam Á. Nay do lịch sử xô đẩy vào bước đường cùng, Việt Nam từ giã con đường nhẫn nhục, tự chế để mưu cầu hòa bình và cũng để  mua thời gian hầu phát triển sức mạnh quân sự…đã chấp nhận đối đầu. Hành động này khiến Nam Dương ấm lòng. Lời tuyên bố khá mạnh mẽ của ngọai trưởng Indonesia về vụ giàn khoan Haiyang 981 mới đây cho thấy Nam Dương đã lợi dụng cơ hội nói lên mối lo sợ về một nguy cơ bị uy hiếp  bởi hải quân Trung Quốc ám ảnh Indonesia từ lâu. Trong khi đó Mã Lai, Thái Lan và Kampuchia hòan toàn giữ im lặng chỉ vì các quốc gia này sống dựa vào viện trợ hoặc ngọai thương với Hoa Lục. Điều này cho thấy ASEAN có thể đòan kết trong một vấn đề nào đó, nhưng khó đòan kết trong việc đối đầu với Trung Quốc. 

Cường độ va chạm tại giàn khoan Haiyang981 từ ngày 1/5/2014 tới này không hề suy giảm. Phóng viên quốc tế được tàu Việt Nam đưa tới đây để làm phóng sự. Lực lượng bảo vệ của Trung Quốc từ 80 tàu nay tăng lên 130 và sẽ còn tăng nữa nếu Việt Nam tăng cường sự hiện diện tại vùng này.  Đây là cuộc đối đầu sinh tử của Việt Nam. Bởi vì cho dù Hoa Lục có rút giàn khoan ra khỏi vùng thì cũng chỉ là "bước lùi chiến thuật" và Hoa Lục cứ vẫn là siêu cường và không rụng một cọng lông chân. Nhưng nếu Việt Nam rút lui thì chủ quyền trên biển của Việt Nam lâm nguy...từ từ mất hết. Trận này cũng giống như trận chiến trên Sông Tô Nguyệt của Lý Thường Kiệt, Bạch Đằng của Trần Hưng Đạo và Đống Đa của Vua Quang Trung …nếu thua thì mất nước. 

Dĩ nhiên ai cũng thấy Việt Nam ở trong thế "châu chấu đá xe" so về sức mạnh dân số, kinh tế và quân sự cũng giống như thời Hai Bà Trưng và các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn mà thôi. Thế nhưng Hoa Lục có những nhược điểm chí tử:

Thứ nhất: Dư luận thế giới hòan tòan đứng về phía Việt Nam cả về mặt chính nghĩa lẫn pháp lý chủ quyền. Trung Quốc càng ngày càng bộc lộ bộ mặt hiếu chiến và xâm lược. Bảng hiệu "trỗi dậy trong hòa bình" đã bị hoen ố và biến thành "trỗi dậy để bành trướng". Lời tuyên bố của Phó Tổng Thống Joe Biden trong cuộc gặp gỡ tướng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Nhân Dân Trung Hoa ngày 16/5/2014, "Thái độ của Trung Quốc trong những cuộc tranh chấp biển đảo là nguy hiểm và khiêu khích và cấn phải chấm dứt." là tuyên bố rất mạnh mẽ. Hoa Lục không nên coi thường lời tuyên bố của một phó tổng thống Hoa Kỳ.

Thứ hai: Thời gian hòan tòan bất lợi cho Hoa Lục. Thông qua lịch sử, không biết người Trung Hoa còn nhớ Việt Nam không phải là một đối thủ "dễ nuốt"không? Nếu Việt Nam "chấp nhận thương đau" và kiên trì bám biển thì Hoa Lục cứ mãi lún sâu vào cuộc xung đột khu vực từ từ biến thành xung đột tòan cầu mà theo các nhà phân tích thế giới, sẽ vô cùng bất lợi cho Hoa Lục về cả hai mặt ngọai giao và ngọai thương. Cứ thử tưởng tượng số lượng tàu chiến và trực thăng mỗi ngày mỗi gia tăng từ hai phía trên hải lộ quốc tế thì theo như lời của Ô. Nguyễn Tấn Dũng trong Hội Nghị Thượng Đỉnh ASEAN 20174 vừa qua: "tình hình an ninh hàng hải quốc tế lẫn hòa binh Á Châu bị đe dọa". Cũng xin nhớ cho Hoa Kỳ làm nhiều nói ít. Chắc chắn tàu chiến, tàu ngầm của Mỹ đã hiện diện tại vùng này. Ấy là chưa kể máy bay không người lái cất cánh từ Phi Luật Tân thường xuyên giám sát Biển Đông và chia xẻ tin tức với Việt Nam. Bề ngòai thì Việt Nam có vẻ như đơn độc nhưng bên trong Việt Nam có những đồng minh ngấm ngầm như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc Châu, Ấn Độ và Nga. Không ai muốn Hoa Lục thắng trong trận chiến liên quan đến vận mệnh Á Châu nàylý do dễ hiểu vì không ai muốn Hoa Lục làm chủ Biển Đông.

Thứ ba: Nếu không có biến cố giàn khoan Haiyang 981, nếu chiến tranh nổ ra giữa Việt Nam và Trung Quốc thì Trường Sa là bãi chiến trường. Nhưng nếu chiến tranh nổ ra vào lúc này thì giàn khoan Haiyang 198 là bãi chiến trường khiến Hoa Lục ở vào thế phòng ngự. Không lý do gi Trung Quốc để giàn khoan bị đánh sập cho nên phải bảo vệ bằng mọi giá trong khi giàn khoan không tự bảo vệ lấy mình. Đó là thế bất lợi của hải quân Trung Quốc. Cũng có thể Trung Quốc sẽ rút giàn khoan trước khi gây chiến để không gây lúng túng cho hải quân. Dầu sao nếu không có sự hiện diện của HKMH Liêu Ninh thì Trung Quốc không dám gây sự với Việt Nam vì hải quân và không quân Việt Nam xuất phát từ Cam Ranh, Khánh Hòa và Đà Nẵng và hệ thống hỏa tiễn phòng thủ bờ biển sẽ gây cho Hoa Lục những tổn thất nặng nề. Nhưng nếu Hoa Lục đưa HKMH vào Biển Đông thì đó là dấu hiệu mạnh mẽ nhất của chiến tranh. Lúc đó có thể Hoa Kỳ sẽ phải đưa HKMH Washington tới để "cân bằng lực lượng". Sự thể lúc đó diễn biến không ai lường trước được.

Kết Luận:
            Hiện nay theo sự phỏng đóan của các bình luận gia thế giới thì Việt Nam và Trung Quốc đang ở vào giai đọan chiến tranh cân não và tranh thủ dư luận thế giới. Chắc chắn không có chiến tranh nổ ra trên Biển Đông. Những lời tuyên bố cứng rắn của Ngọai Trưởng Vương Nghị cũng như của Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Phòng Phong Huy bề ngòai thì như vậy, nhưng bên trong không thể không có những suy tính lợi-hại cho tham vọng lớn lao và lâu dài của Trung Quốc. Quả bóng đang ở trong chân Trung Quốc. Theo tôi, vấn đề là làm thế nào để Hoa Lục rút giàn khoan ra mà không mất mặt. Đó là bài tóan khó bởi vì các nhà chiến lược hoặc lãnh đạo Hoa Lục luôn luôn tư đặt mình vào vị thế khó khăn, nhiều khi không lối thóat. Sự kiên trì bám biển của Việt Nam là điều kiện ắt có, nhưng sức mạnh và quyết tâm của Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản sẽ đóng vai trò quan trọng để giải quyết vấn đề cực kỳ quan trọng cho tương lai của Á Châu. Trong trận này Hoa Kỳ lùi cũng không được đúng như nhận định của tờ Washington Post mới đây. Nó là giới hạn cuối cùng để thế giới thấy: Nếu Việt Nam thua chỉ vì thế giới không can thiệp thì bằng sức mạnh mềm Trung Quốc chỉ cần đưa gìàn khoan tới để tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của mình trên biển- tức làm chủ Biển Đông mà không cần phải tốn một viên đạn. Đó là cơn ác mộng không phải cho các nước Đông Nam Á mà cho cả Hoa Kỳ. Xin nhớ cho nhiều thất bại quân sự và chính trị trên thế giới xảy ra không phải vì mình yếuchỉ vì mình do dự, không quyết đóan.

Riêng mối bang giao giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ không bao giờ quay trở lại thời kỳ hòa hoãn như trước nữa. Việt Nam chỉ còn con đường duy nhất là tăng cường sức mạnh quân sự trên không, trên biển và hiện đại hóa lực lượng cánh sát biển như lời khuyên của Chuẩn Đô Đốc Pascal Ausseur. Do yếu tố địa lý chiến lược, Việt Nam chủ trương sống chung hòa bình, không khiêu khích hay gây chiến với Hoa Lục nhưng quân sự phải đủ mạnh dể giáng trả bất cứ cuộc xâm lấn nào của "ông bạn láng giềng gian ác" lúc nào cũng muốn nuốt chửng Việt Nam hoặc lấn dần đất (biển) để làm bàn đạp tiến xuống phía Nam. 

Trong trận chiến này Việt Nam thắng  là huề vì Đường Lưỡi Bò vẫn còn đó. Còn Hoa Lục có rút giàn khoan đi thì chỉ là bước lùi chiến thuật và chẳng mất mát gì. Nếu các chiến lược gia Trung Quốc đủ khôn ngoan thì phải thấy Việt Nam không phải là mối lo về an ninh cho Trung Quốc. Các căn cứ quân sự của Mỹ tại Phi Luật Tân mới là mối an nguy trước mắt và lâu dài của Trung Quốc. Chẳng lẽ trái núi trước mặt không thấy mà lại nhìn thấy sợi tơ bay lơ lửng trên trời? Vì mục tiêu và tham vọng lâu dài, có lẽ Hoa Lục sẽ phải tinh chuyện "lui bình" mà thôi./.


Đào Văn Bình
(California ngày 18/5/2014)

No comments:

Post a Comment