Friday, April 4, 2014

BẺ GÃY CÁC LUẬN CỨ CỦA THIÊN CHÚA GIÁO VỀ SỰ HIỆN HỮU CỦA CHÚA TRỜI

BẺ GÃY CÁC LUẬN CỨ CỦA THIÊN CHÚA GIÁO
VỀ SỰ HIỆN HỮU CỦA CHÚA TRỜI

A.L. De Silva
(Trích dịch từ tác phẩm Beyond Belief
A Buddhist Critique of Fundamentalist Christianity)


Tác phẩm Beyond Belief của tác giả A.L. de Silva  trước hết xuất hiện dưới dạng in ấn bằng giấy (Three Gems Publications, Australia, 1994), sau đó, khoảng cuối thập niên 90', xuất phát từ Tích Lan (Sri Lanka), toàn bộ cuốn sách dưới dạng điện tử với một vài thay đổi nhỏ và hình bìa mới đã được phổ biến rộng rãi trên Internet. Về tông tích của tác giả A.L. de Silva, chúng ta không biết gì nhiều ngoài gốc dân của ông là người Úc, và đã từng là một Giáo sĩ Thiên Chúa giáo trong nhiều năm. Sau đó, chúng ta được biết thêm là ông đã nghiên cứu Phật học và trở thành một Tỳ kheo.

Tác giả viết cuốn nầy để trang bị cho các Phật tử một số luận cứ hầu trả lời cho những nhà truyền đạo Thiên Chúa giáo trong các chiến dịch cải đạo Phật tử tại Á châu. Dưới đây là Chương 2 của cuốn sách, được Trí Tánh dịch ra tiếng Việt.


Các tín đồ Thiên Chúa giáo khẳng định rằng một Chúa Trời thông thái nhân từ đã tạo ra và cai quản vũ trụ. Họ đã dùng nhiều luận cứ để chứng minh cho khẳng định này. Chúng ta sẽ nghiên cứu từng luận cứ một và phản bác các điều đó từ góc độ Phật giáo.

Thẩm quyền của cuốn Kinh Thánh

Khi được hỏi làm sao để chứng minh sự hiện hữu của Chúa Trời, các tín đồ Thiên Chúa giáo thường mở Kinh Thánh ra và bảo rằng "Kinh Thánh bảo Chúa Trời hiện hữu, thì Ngài phải hiện hữu thôi."  Vấn đề là nếu chúng ta hỏi một người Ấn Độ giáo, một  người Hồi giáo, người đạo Sikh hay Do Thái giáo cùng một câu hỏi đó, thì tín đồ các tôn giáo nầy lại cũng sẽ chỉ vào các Thánh thư tương tự của họ như là bằng chứng về sự hiện hữu của Thương đế của họ. Tại sao chúng ta tin vào Kinh Thánh Thiên Chúa giáo mà không tin vào Thánh thư của những tôn giáo khác. Thực ra, chúng ta sẽ chứng minh sau này với chứng cớ mạnh mẽ rằng Kinh Thánh là một tài liệu không đáng có độ tin cậy cao.

Kinh Coran Hồi giáo, Kinh Thánh Thiên Chúa giáo, Kinh Vệ Đà Ấn giáo
Tại sao chúng ta tin vào Kinh Thánh Thiên Chúa giáo mà không tin vào Thánh thư của những tôn giáo khác ?


Sự hiện hữu của Vũ trụ

Trong các nỗ lực của họ để chứng minh sự hiện hữu của Chúa Trời, tín đồ Thiên Chúa giáo đôi lúc sẽ nói rằng "Vũ trụ đã không thể tự nhiên mà có được, phải do ai đó đã tạo ra, và vậy thì phải có một Chúa Trời đấng tạo hoá." Luận cứ này có một điều thiếu sót rất lớn. Khi trời bắt đầu mưa, các bạn sẽ không hỏi "Ai đang làm ra mưa?" bởi vì chúng ta biết rằng mưa không do ai gây ra cả mà là do cái gì khác làm ra, "cái" đó là các hiện tượng thiên nhiên khác như nhiệt năng, sự bốc hơi của nước, sự đóng băng của chất lỏng v.v. Khi chúng ta thấy các viên sỏi trơn nhẵn trong một giòng sông, chúng ta sẽ không hỏi "Ai đã đánh bóng các viên sỏi đó?" vì chúng ta biết rằng bề mặt trơn tru của các viên sỏi đó không do một ai gây ra cả mà do một cái gì khác – là các nguyên nhân thiên nhiên như tác động bào mòn của nước và cát.

Tất cả các điều này đều có một hay nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân đó không nhất thiết phải là một thực thể "Ai". Với vũ trụ cũng thế - nó hiện hữu không phải do một Chúa Trời mà do các hiện tượng thiên nhiên như sự phân thân của hạt nhân, trọng lực, lực quán tính, v.v. Tuy nhiên, ngay cả nếu chúng ta tin rằng một thực thể "Ai" thiêng liêng là cần thiết để giải thích vũ trụ đã hiện hữu như thế nào, thì chứng cớ nào cho biết thực thể đó là Chúa Trời của Thiên Chúa giáo?  Có thể vũ trụ được tạo ra do Thượng đế của Ấn Độ giáo, Thương đế của Hồi giáo hay các vị thần linh được những tôn giáo bộ lạc tôn thờ. Nói cho rốt ráo, hầu hết các tôn giáo, không chỉ riêng Thiên Chúa giáo, đều khẳng định rằng Thượng đế hay thần linh của họ đã sáng tạo ra vũ trụ.

Luận cứ về khả năng Thiết kế

Để trả  lời những phản bác trên, tín đồ Thiên Chúa giáo sẽ cứ cãi rằng vũ trụ không thể hiện hữu khơi khơi như vậy mà sự hiện hữu của nó là một thiết kế hoàn hảo. Họ có thể nói rằng chính một trật tự và một sự quân bằng hoàn hảo như thế đã chứng tỏ rằng vũ trụ phải được thiết kế bằng một trí thông minh cao hơn, và sự thông minh cao hơn đó là Chúa Trời. Nhưng như trước, luận cứ này lại có một số vấn đề.

Trước hết, làm sao tín đồ Thiên Chúa giáo biết rằng Chúa Trời của họ là người ở đằng sau sự sáng tạo đó? Có thể là các thần linh của những tôn giáo "phi-Thiên Chúa" đã thiết kế và sáng tạo ra vũ trụ thì sao.

Thứ hai, làm sao tín đồ Thiên Chúa giáo biết rằng chỉ mỗi Chúa Trời là thiết kế ra mọi thứ? Thực ra, vì vũ trụ quá phức tạp nên chúng ta nghi rằng có thể phải cần sự thông minh của nhiều, có thể hàng tá, thần linh để thiết kế và tạo dựng ra vũ trụ. Do đó, điều mà luận cứ về khả năng thiết kế chứng tỏ được là phải cần đến nhiều thần chứ không phải chỉ có một Thần như Thiên Chúa giáo khẳng định. 

Hình trái: Thế giới CỰC ĐẠI (Vũ trụ "quan sát được": bán kính khoảng 46.600.000.000 năm ánh sáng, và chứa đựng khoảng 10.000.000.000.000.000.000.000.000 ngôi sao)
Hình phải: Thế giới CỰC TIỂU (Có vào khoảng 75.000.000.000.000 phân tử trong cơ thể một người trưởng thành. Phân tử nhỏ nhất là Diatomic Hydrogen với "đường kính" là 0,00074 nanometer)
Theo Kinh Thánh, trong một ngày, có một ông Chúa đã chế tạo ra hai thế giới cực đại và cực tiểu nầy. Cũng theo Kinh Thánh, từ ngày đó cho đến nay đã được khoảng 6.000 năm, ông Chúa đã theo dõi, kiểm soát và quản lý đời sống và vận hành của từng ngôi sao, từng phân tử trong hai thế giới đó… Thế mà cũng có người tin !


Kế tiếp, chúng ta sẽ phải hỏi rằng liệu vũ trụ có được thiết kế một cách hoàn hảo không? 

Chúng ta phải hỏi điều này vì nếu Chúa Trời hoàn hảo đã thiết kế và sáng tạo ra vũ trụ, thì vũ trụ ấy tất cũng phải hoàn hảo. Đầu tiên, chúng ta hãy nhìn các hiện tượng vô tri giác để xem liệu chúng có được thiết kế hoàn hảo không. Mưa cho chúng ta giọt nước trong lành để uống nhưng đôi lúc vì mưa quá nhiều nên con người bị chết đuối chết chìm, bị mất nhà cửa và mất cả phương kế sinh nhai của họ trong lũ lụt. Lại có đôi lúc chẳng mưa tí nào cả và hàng triệu người đã bị chết vì hạn hán và đói kém. Đấy là thiết kế hoàn hảo sao? Núi non cho chúng ta niềm vui khi thấy chúng vươn lên bầu trời cao. Nhưng những vụ lở đất và núi lửa phun trào từ hàng thế kỷ nay đã gây ra tàn phá và chết chóc.  Đấy là thiết kế hoàn hảo sao? Những cơn gió nhẹ mơn man chúng ta nhưng cũng có những cơn giông bão liên tục gây ra chết chóc và tàn phá. Đấy là thiết kế hoàn hảo sao?  Những điều đó và các thiên tai khác chứng tỏ rằng các hiện tượng vô tri giác nầy không biểu hiện ra được một thiết kế hoàn hảo và, vì thế, chúng đã không phải do một Chúa Trời hoàn hảo sáng tạo ra.

Bây giờ chúng ta hãy nhìn các hiện tượng có tri giác để xem liệu chúng có biểu lộ sự thiết kế hoàn hảo không. Nhìn một cách hời hợt, thiên nhiên có vẻ xinh đẹp và hoà hợp; thiên nhiên cung cấp cho mọi tạo vật và mỗi tạo vật đều có một nhiệm vụ riêng để chu toàn. Tuy nhiên, như bất cứ một nhà sinh vật học nào cũng sẽ xác nhận, rằng thiên nhiên thì cũng cực kỳ tàn nhẫn. Để sống sót, mỗi sinh vật đều phải ăn các sinh vật khác và tranh đấu để tránh bị các sinh vật khác ăn mình. Trong thiên nhiên, chẳng có thì giờ để thương xót, yêu thương hay nhân từ. Nếu có một Chúa Trời lòng lành đã thiết kế ra mọi thứ, thì tại sao vị đó lại tạo ra một thiết kế với hậu quả tàn nhẫn như thế? Giới động vật chẳng những không hoàn chỉnh trong ý nghĩa đạo đức, mà cũng không hoàn chỉnh ngay chính trong quá trình tạo dựng ra giới động vật. Mỗi năm, có hàng triệu trẻ sơ sinh bị sinh ra trong điều kiện thể chất và tinh thần khiếm khuyết, chết non hay chết ngay sau khi vừa mới sinh ra. Tại sao một tạo hoá hoàn hảo và lòng lành như Chúa Trời lại thiết kế các điều kinh khủng như thế?

Vậy thì, nếu có một thiết kế trong vũ trụ, đa phần thiết kế đó thì khiếm khuyết và tàn bạo. Điều này có vẻ chỉ ra rằng vũ trụ đã không được sáng tạo bởi một Chúa Trời lòng lành và hoàn hảo.

Luận cứ về Nguyên nhân Đầu tiên

Tín đồ Thiên Chúa giáo đôi lúc sẽ nói rằng mọi thứ trên đời đều có một nguyên nhân, và từ đó, cứ truy tầm lên mãi sẽ phải có một nguyên nhân đầu tiên, và Chúa Trời của họ chính là nguyên nhân đầu tiên đó. Luận cứ xưa cũ này tự nó đã phản bác lại chính nó, vì nếu mọi thứ đều có nguyên nhân đầu tiên, thì nguyên nhân đầu tiên đó cũng phải có một nguyên nhân chứ.

Có một vấn nạn khác với luận cứ nguyên nhân đầu tiên nầy. Chẳng  có lý do hợp lý nào để cho rằng mọi thứ đều chỉ có một nguyên nhân đầu tiên độc nhất. Có thể có sáu, có mười, hay có ba trăm nguyên nhân xảy ra cùng một lúc để tạo ra mọi thứ.

Luận cứ về các Phép lạ mầu nhiệm

Tín đồ Thiên Chúa giáo khẳng định rằng các phép lạ đôi lúc được thực hiện nhân danh Chúa Trời, và phép lạ sau đó đã xảy ra, điều nầy chứng tỏ rằng Chúa Trời quả thật hiện hữu. Đây là một luận cứ hấp dẫn cho đến khi ta nhìn kỹ hơn.

Trong lúc tín đồ Thiên Chúa giáo vội vàng khẳng định rằng nhờ những lời cầu nguyện của họ mà kẻ mù có thể nhìn thấy, người điếc có thể lắng nghe và người bị tay chân co quắp được nắn lại thẳng thắn, thì họ lại rất chậm chạp trong việc đưa ra bằng chứng để hổ trợ cho các khẳng định của họ. Thật ra, vì có một số tín đồ Thiên Chúa giáo quá quan tâm đến chuyện chứng minh rằng các phép lạ xảy ra tại các buổi lễ cầu nguyện của họ, nên sự thật thường bị lạc mất trong một giòng thác các khẳng định bừa bãi, các khoác lác quá độ, và thậm chí đôi lúc là những dối trá có hậu ý.

Trái: Hốc đá tại Massabielle, ở Lourdes (Pháp), nơi cô bé 14 tuổi Bernadette Soubirous khẳng định đã thấy Bà Maria, mẹ của Chúa Giêsu, hiện ra và sau đó bay lên trời nhiều lần vào năm 1858. Bốn năm sau, Vatican chính thức xác nhận phép lạ nầy … có thực. Và từ đó, hốc đá nầy trở thành nơi hành hương để chửa bệnh của tín đồ Công giáo.
Phải: Cũng như các Mục sư Tin Lành tại Mỹ, các đạo sĩ Bà La Môn ở Ấn Độ cũng có "khả năng chửa bệnh" thông qua quyền năng của Thần linh - Trong hình, Thần Goud của Ấn Độ giáo nhập vào một vị đạo sĩ để làm phép lạ như chửa bệnh suyển cho một bệnh nhân tại thành phố Hyderabad, Ấn Độ.

Sự thật là những việc khác thường và khó giải thích đôi lúc đã xảy ra trong các hoạt động tín ngưỡng – nhưng không chỉ xảy ra cho tín đồ Thiên Chúa giáo mà thôi. Ấn Độ giáo, Hồi giáo, Lão giáo, v.v. tất cả đều khẳng định rằng Thượng đế hay các thần linh của họ đôi lúc cũng thực hiện các phép lạ. Chắc chắn Thiên Chúa giáo không có độc quyền về các phép lạ. Do đó, nếu các phép lạ được thực hiện nhân danh Chúa Trời để chứng tỏ rằng Chúa Trời của Thiên Chúa giáo có thật, thì các phép lạ được thực hiện nhân danh nhiều Thượng đế khác cũng phải chứng tỏ điều tương tự, nghĩa là Thượng đế của các tôn giáo khác cũng có thật. 

Tín đồ Thiên Chúa giáo có thể cố vượt qua phản bác này bằng cách khẳng định rằng khi các phép lạ xảy ra ở các tôn giáo khác thì các phép lạ nầy được thực hiện do quyền năng của Ma Quỷ. Có lẽ phương thức tốt nhất để chống lại luận cứ này là trích dẫn ngay chính Kinh Thánh của Thiên Chúa giáo. Khi Giê-su chữa lành người ốm, những kẻ thù của Ngài buộc tội Ngài làm việc này thông qua quyền năng của Ma Quỷ. Ngài trả lời rằng chữa lành người ốm dẫn đến việc thiện và nếu Ma Quỷ lẩn lút quanh đó làm việc thiện thì nó sẽ bị tự hoại (Mk, 3:22-26). Như thế, ta cũng có thể nói tương tự như vậy đối với các phép lạ do Ấn Độ giáo, Do Thái giáo, đạo Sikhs thực hiện. Nếu các phép lạ tạo ra tốt lành, làm sao chúng có thể là tác phẩm của Ma Quỷ được?

Luận cứ về sự Cần thiết phải có Chúa Trời

Tín đồ Thiên Chúa giáo  thưòng khẳng định rằng chỉ bằng cách tin tưởng vào ý muốn của Chúa Trời thì con người mới có sức mạnh để đương đầu với các vấn đề của cuộc sống, và vì thế niềm tin vào Chúa Trời là tất yếu cần thiết. Khẳng định này hình như được hỗ trợ bằng nhiều cuốn sách do các tín đồ Thiên Chúa giáo viết ra (mà họ gọi là  "chứng nhân") thường  vốn đã cam chịu và vượt qua các khủng hoảng khác nhau thông qua quyền năng của Chúa Trời. Một số sách này tạo hứng khởi cao độ trong lúc đọc, nhờ vậy mà sự khẳng định rằng con người chỉ có thể đương đầu với các vấn đề bằng sự giúp sức của  Chúa Trời có vẻ thuyết phục hơn. Cho đến khi chúng ta nhìn sâu hơn một tí.

Nếu khẳng định này là thật, chúng ta sẽ thấy rằng hầu hết những người phi-Thiên Chúa trên thế giới sẽ phải kéo dài một cuộc sống trong đau khổ, bối rối và vô vọng, trong lúc đó thì đa số tín đồ Thiên Chúa giáo, thông qua niềm tin với Đức Chúa Trời của họ, sẽ có thể luôn luôn đương đầu được với các vấn đề của họ và chẳng bao giờ cần tìm các cố vấn hay các chuyên gia tâm thần để giúp đỡ gì cả. Tuy nhiên, rõ ràng rằng những người của các tôn giáo phi-Thiên Chúa, và thậm chí những người không theo tôn giáo nào, cũng đủ khả năng đương đầu với các khủng hoảng của cuộc sống như tín đồ Thiên Chúa giáo, thậm chí có khi còn giỏi hơn nữa. Cũng đôi khi có người sùng đạo Thiên Chúa mà lại đánh mất niềm tin nơi Chúa sau khi trực diện với các vấn đề cá nhân nghiêm trọng. Do đó, khẳng định rằng niềm tin nơi Chúa là cần thiết để đương đầu và vượt qua các vấn nạn của cuộc sống là vô căn cứ.

Luận cứ "Thử và Phản Chứng"

Khi tín đồ Thiên Chúa giáo nhận ra rằng họ không thể chứng minh sự hiện hữu của Chúa Trời với các chứng cớ và luận lý đáng ngờ ở trên nữa, họ có thể chuyển chiến thuật và bảo "Có thể tôi không thể chứng minh được rằng Chúa Trời của chúng tôi hiện hữu, nhưng các người cũng không thể phản chứng được rằng Chúa của chúng tôi không có thật." Tất nhiên phản biện nầy của họ hoàn toàn có lý. Bạn không thể chứng minh được Chúa Trời của Thiên Chúa giáo không hiện hữu – thì cũng giống như bạn không thể chứng minh được Thượng đế của Lão giáo, Ấn Độ giáo và hàng tá các tôn giáo khác cũng không hiện hữu vậy. Nói cách khác, mặc cho mọi ngoa ngữ, mặc các khẳng định quá mức và mặc các tuyên bố chắc nịch, chứng cớ về sự hiện hữu của Chúa Trời Thiên Chúa giáo thì cũng chẳng nhiều gì hơn các chứng cớ về sự hiện hữu thần linh mà các tôn giáo khác thờ phụng.

Lời Chứng 

Sau khi mọi luận cứ đều thất bại, cuối cùng người tín đồ Thiên Chúa giáo có thể sẽ cố thuyết phục chúng ta rằng Chúa Trời hiện hữu bằng cách đánh vào mối xúc động của người đối thoại. Một tín đồ như thế sẽ nói, và có thể nói một cách rất thành thực, rằng "Tôi thường không có hạnh phúc và sống bất mãn, nhưng sau khi hiến mình cho Chúa Trời thì tôi sung sướng và bình an với chính mình" Các lời chứng đó có thể làm ta cảm động sâu xa, nhưng họ chứng minh được cái gì? Có hàng triệu người cũng sống hạnh phúc và có ý nghĩa như vậy sau khi họ theo Phật giáo, Ấn Độ giáo, hay Hồi giáo. Tương tự như thế, sự thật là có nhiều người mà cuộc sống đã chẳng thay đổi gì tốt hơn sau khi họ trở thành tín đồ Thiên Chúa giáo – đôi lúc các nhược điểm xưa và các vấn nạn cũ trong cuộc sống vẫn còn đó. Thế thì luận cứ này, cũng như tất cả mọi luận cứ khác, chẳng chứng minh được sự hiện hữu của Chúa Trời của Thiên Chúa giáo.

A.L. De Silva

No comments:

Post a Comment