Thursday, February 6, 2014

Không Thể Thương Thảo và Nhường Nhịn Được Nữa


Không Thể Thương Thảo và Nhường Nhịn Được Nữa
 
Báo điện tử Tuổi Trẻ ngày 5/2/2014 đưa tin về cuộc phỏng vấn Tổng Thống Aquino, Phi Luật Tân do New York Times thực hiện như sau, " Nếu chúng ta chấp nhận những gì chúng ta cho là sai trái, điều gì đảm bảo rằng những điều sai trái ấy sẽ không tiếp tục leo thang? Thế giới phải làm việc này, nên nhớ rằng vùng Sudetenland (trước kia thuộc Czechoslovakia) đã được nhượng cho Hitler để tránh chiến tranh thế giới xảy ra". tổng thống Aquino phát biểu trong cuộc phỏng vấn dài 90 phút với tờ New York Times tại phủ tổng thống. Ông Aquino nhắc lại việc Anh và Pháp đồng ý nhượng Sudetenland cho Hitler với hi vọng tránh bùng nổ chiến tranh thế giới thứ II, nhưng rồi cuộc chiến vẫn cứ nổ ra.Theo tổng thống Aquino, giống như Czechslovakia, Philippines đang đối mặt với yêu cầu bảo vệ lãnh thổ trước một thế lực nước ngoài mạnh hơn rất nhiều. Manila cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các nước trên thế giới nhằm chống lại sự đe dọa từ phía Trung Quốc.Tuyên bố được xem là phát ngôn mạnh mẽ nhất của ông Aquino nhằm cảnh báo các lãnh đạo châu Á về việc Bắc Kinh củng cố quân đội để thực hiện tham vọng bá chủ tại biển Đông. Manila hầu như đã đánh mất việc kiểm soát hiệu quả bãi cạn Scarborough về tay Trung Quốc, sau khi quân đội nước này mất thế cân bằng với Trung Quốc vào năm 2012. Việc rút quân là một phần trong thỏa thuận mà Mỹ đứng ra làm trung gian. Theo đó, hai bên sẽ rút quân trong khi thương lượng về tranh chấp lãnh thổ. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn giữ quân lại tại bãi cạn này."
 
Chúng ta thử duyệt lại thời biểu để xem căng thẳng tại Biển Hoa Đông và Biển Đông đã leo thang như thế nào để đưa đến tuyên bố thẳng thừng của TT. Aquino. 
 
-Ngày 23/11/2013: Hoa Lục đơn phương tuyên bố thiết lập "Vùng Nhận Dạng Phòng Không" trùng lấp lên không phận của Nhật Bản và Nam Hàn khiến Hoa Kỳ phải đưa pháo đài bay B-52 bay qua đây để phản đối hành động nguy hiểm này và đồng thời hỗ trợ tinh thần cho đồng minh. 
 
-Cuối Tháng 11, 2013  chính quyền tỉnh Tỉnh Hải Nam của Trung Quốc thông qua quy định mới, yêu cầu các tàu cá nước ngoài từ Tháng 1, 2014 phải xin phép mới được thăm dò hoặc đánh bắt cá tại vùng biển gần như bao gồm 3/4 Biển Đông khoanh vùng bởi Đường Lưỡi Bò rộng 3.5 triệu kilo mét vuông. Học giả Carl Thayer của Úc Châu đã gọi đây là hành vi hải tặc của một quốc gia. 
 
- Ngày 24/12/2013 giới chức Nhật Bản cho biết một máy bay và bốn tàu chiến Trung Quốc đã bị phát hiện ở gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông. 
 
-Ngày 26/12/2013: Thủ Tướng Nhật Shinzo Abe viếng thăm đền thờ tử sĩ Yasukuni gây phản ứng dữ dội từ phía Trung Quốc và Nam Hàn. Cùng là nạn nhân của quân phiệt Nhật trong Thế Chiến II, Việt Nam và Phi Luật Tân giữ im lặng. Nam Hàn phản ứng chỉ vì tự ái dân tộc nhưng có chừng mực vì dù sao Nam Hàn và Nhật Bản vẫn còn là "đồng minh" trong việc đối phó với Băc Hàn. Trong khi đó Trung Quốc khóet sâu thêm sự kiện này khiến nổ ra những cuộc đấu khẩu tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc. Trung Quốc đã ví Ô. Abe như Hitler của Đức Quốc Xã. Xét cho cùng, sự kiện Ô. Abe viếng thăm Đền Yasukuni có xúc phạm tới các nước như Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên và Phi Luật Tân nhưng để đối phó với hiểm họa từ Trung Quốc, Nhật Bản phải chuẩn bị chiến tranh. Mà muốn chuẩn bị chiến tranh thì không còn cách nào hơn là khơi dậy lòng ái quốc của tòan dân và tinh thần tự hào của binh sĩ. Cân đo giữa phản ứng của thế giới và sự tồn vong của đất nước, từ cổ chí kim, người ta cũng phải hành xử như Nhật Bản mà thôi. Hơn thế nữa, rõ ràng sự khôi phục tinh thần tự hào của Nhật Bản không nhằm xâm lăng hay ăn hiếp các quốc gia Đông Nam Á mà chỉ nhằm đối phó với âm mưu bành trướng của Trung Quốc. Cả thế giới đều nhìn thấy rõ cho nên chính Hoa Kỳ cũng chỉ phản ứng nhẹ nhàng. 
 
-VOA tiếng Việt ngày 27/12/2013 đưa tin Trung Quốc đưa một tàu tuần tra đại dương lớn có trang bị bãi đáp trực thăng ra Biển Đông. Bắc Kinh nói tàu Hải Tuần 21 dưới sự quản lý của Cục An toàn Hàng hải tỉnh Hải Nam sẽ giám sát an toàn lưu thông hàng hải và thực hiện các quy ước quốc tế.
 
-Cuối Tháng 12, 2013 báo Asahi Shimbun Nhật Bản đưa tin  không quân Trung Quốc vừa soạn thảo đề xuất cho vùng nhận diện phòng không (ADIZ) mới, trong đó có cả nguồn tin từ chính phủ Trung Quốc dấu tên. Theo kế hoạch, vùng phòng không này sẽ có trọng tâm là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và có thể mở rộng ra phần lớn Biển Đông. Bản dự thảo từng được trình lên các viên chức quân sự cấp cao của Trung Quốc vào tháng 5/2013. Bắc Kinh phủ nhận tin này với lý do "Trung Quốc hiện không cảm thấy mối đe dọa nào từ ASEAN và lạc quan với quan hệ song phương." Tuy nhiên Hoa Kỳ hoảng quá bèn lên tiếng cảnh cáo Hoa Lục một hành vi như vậy sẽ là "một hành động nguy hiểm và khiêu khích". Còn tướng Nguyễn Chí Vịnh được coi như nhà thiết kế chíến lược quốc phòng của Việt Nam, trong cuộc phỏng vấn của báo Nhân Dân ngày 28/1/2014 đã nói rằng "Vùng Nhận Dạng Phòng Không" nếu được thiết lập sẽ nguy hiểm cả Đường Lưỡi Bò vì luật hàng không thế giới chặt hơn luật hàng hải rất nhiều. Khi đó máy bay dân sự từ Hà Nội vào Sài Gòn cũng phải xin phép. Tướng Nguyễn Chí Vịnh đã xác định chính sách đối ngọai của Việt Nam như sau, "muốn nhìn thấy Trung Quốc XHCN phát triển không đe dọa nước nào; tôn trọng, hợp tác với Việt Nam cùng phát triển, để trở thành những quốc gia có vai trò quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Chỉ có độc lập tự chủ và chủ quyền lãnh thổ là không nhân nhượng."
 
-Ngày 4/12/2014 BBC tiếng Việt trích dẫn nguồn tin của AP nói rằng một ủy ban của chính phủ Nhật dự kiến kêu gọi nước này cho phép quân đội Nhật giúp đỡ các đồng minh bị tấn công và nới lỏng việc xuất cảng vũ khí. Phúc trình của ủy ban dự định đưa ra vào Tháng Tư năm nay. BBC nhận xét rằng "Nếu điều này xảy ra, đó sẽ là thay đổi lớn về chính sách quốc phòng của Nhật Bản và thay đổi hòan tòan cục diện Á Châu." Nó thay đổi cục diện Á Châu là vì tùy theo lời giải thích, Nhật Bản có thể sẽ: 
 
-Bán vũ khí hoặc viện trợ vũ khí cho Phi Luật Tần, đồng thời gửi tàu chiến tới giúp - khi Phi Luật Tân bị đe bởi hải quân Trung Quốc.
 
-Thay vì chỉ loanh quanh phòng vệ đất nước như trước đây, Nhật Bản có thể gửi tàu chiến đi kèm với hải quân Hoa Kỳ khi Hoa Kỳ tăng phái tàu chiến tới Biển Đông. Nói khác đi, Nhật Bản và Hoa Kỳ có thể sẽ hợp đồng tác chiến trên Biển Đông.
 
-Còn đối với Việt Nam, Nhật Bản có thể  sẽ viện trợ tàu tuần duyên, bán máy bay săn tàu ngầm P-1 nhưng không gửi tàu chiến tới giúp Việt Nam vì Việt Nam theo sách lược tự lực tự cường "Không liên minh với ai để chống ai". 
 
            Thật lạ lùng, sau Thế Chiến II 70 năm, lịch sử thế giới thay đổi một cách ly kỳ và ngọan mục. Có thể một vài tháng nữa, hoặc năm nữa, chúng ta sẽ chứng kiến các tàu chiến của Nhật Bản tiến vào Biển Đông không phải để tiến hành chính sách Đại Đông Á như năm 1945 mà là để giúp đỡ các nước Đông Nam Á ngăn chặn tham vọng bành trướng của con khủng long Trung Quốc. Thế mới hay câu nói "Dưới ánh mặt trời này chuyện gì cũng có thể xảy ra" muôn đời vẫn đúng. 
 
Nhận Định: 
 
-Khi Ô. Aquino tuyên bố như thế, điều đó có nghĩa là Phi Luật Tân không còn chịu đựng được nữa. Cánh cửa ngọai giao có thể khép lại vì ngọai giao với Trung Quốc lúc này vô ích. Con đường duy nhất là kêu gọi sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế. Nhìn vào cách ứng xử của Phi Luật Tân trong những năm qua chúng ta thấy không giống như Việt Nam "làm mà không nói". Phi Luật Tân "vừa làm vừa nói" và đôi khi nói mạnh do không có chung biên giới với Trung Quốc mà lại có hiệp ước phòng thủ chung với Hoa Kỳ. Lời kêu gọi của TT. Aquino chắc chắn sẽ tác động mạnh mẽ tới Hoa Kỳ và Hoa Kỳ sẽ phải làm gì đây? 
 
-Kể từ khi Hoa Kỳ công bố kế họach "Xoay Trục" vào năm 2012 sau đổi thành "Tái Cân Bằng Lực Lượng" thì Hoa Kỳ cũng "vừa nói vừa làm". "Vừa nói" có nghĩa là Hoa Kỳ mạnh mẽ cảnh báo Hoa Lục cũng như giữ nguyên lập trường "các bên không được xử  dụng vũ lực hoặc đe dọa xử dụng vũ lực" trong tranh chấp Biển Đông lẫn Biển Hoa Đông. "Vừa làm" có nghĩa là Hoa Kỳ khi công khai, khi ngấm ngầm dàn thế trận để đối phó với Trung Quốc…nhưng không làm mạnh quá sợ "phật lòng" Trung Quốc. Rõ ràng việc Hoa Kỳ cung cấp hai tuần dương hạm cho Phi Luật Tân lại tháo gỡ các hỏa tiễn trang bị cho hai tàu này cho thấy Hoa Kỳ sợ phản ứng mạnh từ phía Trung Quốc. Vào ngày 5/12/2013 sự kiện tàu chiến tàu chiến Hoa Kỳ phải né qua một bên để tránh tàu chiến của Trung Quốc đang lao thẳng vào mình ở Biển Đông cho thấy Hoa  Kỳ tránh đụng chạm với Trung Quốc. Bất cứ một sự đụng độ nào giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc - dù chỉ ở Biển Đông cũng sẽ là thảm họa cho Hoa Kỳ và Hoa Lục - điểu mà các  chiến lược gia Hoa Kỳ lo ngại. Hiện nay Hoa Kỳ đang lúng túng giữa hai mục tiêu đối nghịch nhau, đó là vừa muốn "hợp tác chiến lược với Trung Quốc"  mà lại muốn "ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc." Trung Quốc vừa đem lại phồn thịnh và ổn định kinh tế cho Hoa Kỳ nhưng cũng đe dọa nền an ninh và thách thức địa vị siêu cường của Hoa Kỳ. Cho nên thế giới không ngạc nhiên khi thấy hành động thiếu mạnh mẽ và nhiều khi khó hiểu trong việc triển khai chiến lược "Tái Cân Băng Lực Lượng" của Hoa Kỳ tại Á Châu. Nếu như Iran, Libya, Iraq hay Syria mà có hành động ngang ngược tại Biển Đông và Biển Hoa Đông như thế thi Hoa Kỳ đã cấm vận, lập "Vùng Cấm Bay" hoặc đánh "tan xác" từ lâu rồi chứ không phải chỉ cảnh báo hay ngọai giao con thoi như ngày hôm nay. Thế mới hay khi mình là đại cường có vũ khí tối tân, nhất là vũ khí nguyên tử thì người ta sẽ "kính nể" mình hơn.  Đó là sự thực phũ phàng! Không biết Hoa Kỳ sẽ thi hành nghĩa vụ đồng minh của mình đối với Phi Luật Tân như thế nào? Viện trợ  ào ạt vũ khí? Đem tàu chiến vào vùng Scarboroug để Hoa Lục nản chí mà phải chấp nhận giải pháp ngọai giao hay chỉ phản đối suông suông? 
 
-Việt Nam do có chung 1449 km biên giới đất liền với Trung Quốc và là một nước nhỏ cho nên phải sống chung hòa bình với Trung Quốc và chắc chắn không thể gây hấn hoặc trở thành "tiền đồn" cho bất cứ cường quốc hay siêu cường nào để chống lại Trung Quốc… cũng giống như Mexico hay Canada nếu muốn tự sát thì hãy liên minh với Nga hoặc Tàu để chống lại Hoa Kỳ. Tổ tiên Việt Nam suốt 4000 năm đã hình thành một sách lược ngọai giao để đối phó với nước Tàu, đó là: Hiếu hòa, nhẫn nhục, chịu đựng nhưng lúc nào cũng cảnh giác và sẵn sàng giáng trả mọi cuộc xâm lăng từ phương Bắc. Hiếu hòa và nhẫn nhục là "điều kiện ắt có" nhưng "điều kiện đủ"  vẫn là vũ khí tối tân và liên kết với các đại cường khác để tạo hậu thuẫn quốc tế và xây dựng một nến quốc phòng tự chủ. Việt Nam đang làm chuyện đó nhưng "làm mà không nói". Việt Nam hiện đang hợp tác chiến lược/hợp tác tòan diện với năm hội viên thường trực của Hội Đồng Bảo An LHQ ấy là chưa kể Ấn Độ, Nhật Bản, Úc Châu. Tháng Ba năm nay Ô. Trương Tấn Sang sẽ công du Nhật Bản theo lời mời của Thủ Tường Abe cho thấy một liên minh Việt-Nhật ngấm ngầm hình hành để đối phó với Trung Quốc nhưng về mặt nổi cả Nhật Bản lẫn Việt Nam đều không làm ồn ào và tuyên bố "đao to búa lớn" về cuộc gặp gỡ này. Chúng ta hiểu tâm lý người Nhật, hễ kiếm sĩ Nhật rút gươm ra thì kẻ thù phải chết chứ không có kiểu diễu võ giương oai phùng xòe huê dạng như võ sĩ Tàu. 
 
Kết Luận:
 
            Khi tình hình tiếp tục leo thang căng thẳng thì cánh của ngọai giao thu hẹp lại và có khi khóa kín. Lúc đó người ta sẽ "đối thọai" với nhau bằng súng đạn.  Việc báo chí Trung Quốc gọi Ô. Aquino và Ô. Abe là "thật nhục nhã " (disgraced) cho thấy giải pháp ngọai giao giữa Hoa Lục và Phi Luật Tân hay Nhật Bản là vô vọng. Cuộc khủng hoảng tại Biển Hoa Đông và Biển Đông tạo lo sợ cho Á Châu và đang là  thử thách nghiêm trọng vị trí siêu cường của Hoa Kỳ và có thể làm thay đổi trật tự thế giới. Làm thế nào để tháo gỡ thế lúng túng giữa một bên là "hợp tác chiến lược" với Hoa Lục và một bên là "ngăn chặn ảnh hưởng" của Hoa Lục đang làm các chiến lược gia Hoa Kỳ nhức đầu. Chúng ta chờ xem phản ứng của cộng đồng thế giới và Hoa Kỳ trước lời tuyên bố rất mạnh mẽ và khần thiết của Ô. Aquino.  Hôm qua 5/2/2104 trong buổi điều trần trước trước tiểu ban ngọai giao Hạ Viện, Ô. Daniel Russel - Thứ Trưởng Ngọai Giao Đặc Trách Đông Á nói rằng, "Bất cứ tuyên bố chủ quyền biển nào của Trung Quốc không gắn với các đặc điểm địa lý đã được xác định đều là trái với luật pháp quốc tế.". Đây là lời tuyên bố mạnh mẽ nhất từ trước tới giờ  của Hoa Kỳ, nó có thể  là cách đê tháo gỡ thế lúng túng - vừa muốn giúp đỡ đồng minh lại vừa muốn"không đứng vào phe nào" trong tranh chấp Biển Đông. Ngoài ra, đại sứ Mỹ tại Philippines, Ô. Philip Goldberg cũng cho biết việc Trung Quốc hung hăng theo đuổi yêu sách lãnh thổ sẽ là động lực để Philippines sớm đồng ý với thỏa thuận an ninh cho phép tăng thêm sự hiện diện quân sự của Mỹ tại nước này. Đã tới lúc Mỹ làm mạnh hơn chăng? 
 
Đào Văn Bình
(California ngày 6/2/2014)

No comments:

Post a Comment