Phạm Trần | |
Tương lai chính trị của Đảng và Nhà nước Cộng sản Việt Nam đã được đặt lên bàn cân để do lường sự mất còn của chế độ sau biến cố Trung Cộng tăng cường kiểm soát Biển Đông. Chuyện này xẩy ra vào đúng thời điểm kỷ niệm 40 năm ngày quân Trung Cộng cưỡng chiếm các đảo còn lại phía Tây nam quần đảo Hòang Sa ngày 19/01/1974, khi ấy thuộc quyền kiểm soát của Việt Nam Cộng Hòa và vào lúc Khóa đảng XI chuẩn bị tổ chức các Đại hội đảng địa phương vào giữa nhiệm kỳ để chọn nhân sự cho Đại hội tòan quốc Khóa đảng XII diễn ra vào đầu năm 2016. Cần nên nhắc lại vào năm 1956, khi Quân Pháp rút khỏi Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa chưa kịp đem quân ra Hòang Sa thì Phía Trung Cộng đã đem quân chiếm đảo lớn nhất Phú Lâm và một số đảo thuộc nhóm An Vĩnh phía Đông bắc của quần đảo Hòang Sa. Vậy Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng phải hành động ra sao với chuyện nóng này để ông tiếp tục được tín nhiệm lãnh đạo thêm nhiệm kỳ 2, hay sẽ phải từ chức để người khác lên làm tốt hơn ? Để đối phó với Trung Cộng, nước láng giềng có nhiều ảnh hưởng sống còn với Việt Nam về an ninh chính trị và kinh tế, ông Trọng phải làm sao cho 3.5 triệu đảng viên và 93 triệu người dân tin chắc rằng Quân đội, cảnh sát biên phòng và cảnh sát biển có đủ khả năng giữ vững biên cương lãnh thổ và chủ quyền quốc gia trên đất liền và biển đảo trước đe dọa "xâm lăng" mỗi ngày một trắng trợn của Trung Cộng. Nếu ông Trọng không "phá vỡ" được lệnh cấm đánh bắt mới đơn phương và bất hợp pháp của Chính quyền tỉnh Hải Nam, Trung Cộng, có hiệu lực từ ngày 01/01 (2014) trên vùng biển 2.5 triệu cây số vuông Biển Đông, bao gồm cả 2 vùng biển Hòang Sa và Trường Sa và để mất ngư trường truyền thống của Việt Nam thì không những tương lai chính trị của riêng ông mà cả tương lai cầm quyền của đảng CSVN cũng bị đe dọa. NUỐT LỜI HỨA Theo lệnh mới của Tỉnh Hải Nam được chấp thuận ngày 29/11, công bố ở Trung Cộng ngày 3/12/2013 sau khi được Chính quyền Trung ương đồng ý thì chỉ còn khỏang 1 triệu cây số vuông ở Biển Đông không bị ảnh hưởng bởi quyết định mới, nhưng lại là những vùng khó đánh bắt hay không có nhiều cá. Vùng biển bị cấm đánh bắt hay điều nghiên nằm gọn trong hình Lưỡi bò, còn được gọi là "đường 9 đọan" đã do Trung Cộng "tự chế ra" từ năm 1947 và được lập lại năm 2009 khi Bắc Kinh đệ nạp quyền chủ quyền của họ trên Biển Đông cho Liên Hiệp Quốc. Và từ đó, Trung Cộng đã gia tăng áp lực như ngăn cấm, tấn công, đánh đập tàn nhẫn và giết hại các ngư dân Việt Nam hành nghề cá quanh hai vùng biển Hòang Sa và Trường Sa. Hàng năm Trung Cộng cũng ngang nhiên ra lệnh cấm đánh bắt từ tháng 5 đến tháng 8 nhưng lại đem các tầu Hải giám và Kiểm ngư có võ trang yểm trợ cho hàng ngàn tầu cá Trung Cộng tự do đánh cướp tài sản của Việt Nam. Tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông nóng lên từ đó đã thu hút Phi Luật Tân, Mã Lai Á, Brunei, Nam Dương và cả Đài Loan (đang chiếm đóng đảo Ba Bình trong chuỗi Trường Sa) vào cuộc với Trung Cộng và Việt Nam. Theo thông tấn xã Xinhua (Tân Hoa Xã) của Trung Cộng, tu chính mới lệnh của Hải Nam buộc "người nước ngòai và thuyền đánh cá nước ngòai phải được phép của chính quyền Trung Ương trước khi được phép vào vùng biển ấn định" (The amended regulations require foreigners and foreign fishing vessels to obtain approval from the central government to enter waters under its jurisdiction.) Nếu vi phạm, thuyền đánh cá nước ngòai sẽ bị tịch thu dụng cụ đánh bắt và người vi phạm sẽ bị phạt đến 500.000 nhân dân tệ, hay khoảng 82.600 đôla Mỹ. Thông tấn xã Xinhua còn nói rằng "tàu đánh cá vi phạm sẽ bị trục xuất, có thể bị tịch thu và thủy thủ đoàn sẽ bị truy tố theo luật pháp của Trung Cộng". Như vậy rõ ràng là Trung Cộng đã vi phạm những cam kết quốc tế mà họ đã đặt bút ký với Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) năm 2002 tại Nam Vang. Điểu thứ bốn của Tuyên bố về ứng xử này của các bên ở Biển Đông (gọi tắt là Tuyên bố DOC, Declaration of Conduct) viết : " Các bên cam kết kiềm chế không tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp thêm hoặc gia tăng tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định. Tuyên bố đặc biệt nhấn mạnh việc kiềm chế không đưa người lên các đảo, bãi hiện nay không có người ở. Thực hiện cam kết này vừa tạo điều kiện cho việc tăng cường quan hệ láng giềng hữu nghị giữa các nước trong khu vực vừa tạo tiền đề cần thiết cho các nước có tranh chấp ở Biển Đông từng bước tìm kiếm các giải pháp cho các tranh chấp. Hoà bình và ổn định ở Biển Đông cũng gắn với hòa bình và ổn định của khu vực và thế giới. Do đó việc thực hiện cam kết này cũng chính là để đóng góp tích cực cho việc duy trì hoà bình của khu vực và trên thế giới." Và chắc ông Nguyễn Phú Trọng cũng dư biết Thủ tướng Trung Cộng Lý Khắc Cường đã nuốt hứa trong Tuyên bố chung với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hà Nội ngày 15-10-2013, theo đó : "Hai bên nhất trí kiểm soát tốt những bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, sử dụng tốt đường dây nóng quản lý, kiểm soát tranh chấp trên biển giữa Bộ Ngoại giao hai nước, đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển giữa Bộ Nông nghiệp hai nước, xử lý kịp thời, thỏa đáng các vấn đề nảy sinh, đồng thời tiếp tục tích cực trao đổi và tìm kiếm các biện pháp có hiệu quả để kiểm soát tranh chấp, duy trì đại cục quan hệ Việt - Trung và hòa bình, ổn định trên Biển Đông." Vào ngày 03/01 (2014), ba ngày sau khi lệnh cấm đánh bắt của Hải Nam có hiệu lực, lính Trung Cộng đi trên Tàu kiểm ngư đã tấn công dã man và cướp của tầu đánh cá của ông Phạm Quang Thạch, ngư dân Lý Sơn, Quảng Ngãi trong vùng Hòang Sa. Ông Thạch kể: "Họ dùng roi điện, dùi cui khống chế tất cả ngư dân trên tàu rồi đập phá, thu giữ số máy móc, dụng cụ, nhiên liệu trên tàu (gồm một Icom, 1 máy dò cá, 1 định vị, 4 bành dây hơi, 2 thúng chai, 200 lít dầu diesel)….sau khi hùng hục đập phá, thu giữ máy móc, Kiểm ngư Trung Quốc bắt 5 ngư dân xuống khoang tàu, chọn lựa số cá chất lượng nhất, lấy hơn 5 tấn, chuyển sang tàu của Kiểm ngư Trung Quốc." Tuy nhiên, phải đợi đến 10 ngày sau lệnh của Hải Nam có hiệu lực và 7 ngày sau khi thuyền cá của ông Phạm Quang Thạch gặp nạn, người Phát ngôn của Bộ Ngọai giao Việt Nam, Lương Thanh Nghị mới phân phối lập trường của Bộ Ngọai giao, nhưng lại không phải là một "Tuyên bố" phản đối nghiêm chỉnh như Chính phủ Phi Luật Tân đã làm. Phản ứng viết: "Những hoạt động nêu trên của phía Trung Quốc là bất hợp pháp và vô giá trị, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông theo Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), không phù hợp với Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc, làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ những việc làm sai trái nói trên, đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực". Tất nhiên Trung Cộng không trả lời Việt Nam như họ vẫn làm từ trước với tất cả nhữn g "lời phản đối và xác nhận bằng nước bọt" về chủ quyền của Việt Nam trrên 2 quần đào Hòang Sa và Trường Sa. Trước hành động "lấn tới" không khoan nhượng và trắng trợn mới nhất của Trung Cộng, nhiều cựu viên chức cao cấp của Chính quyền CSVN, điển hình như nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ Tiến sỹ Trần Cộng Trục đã thúc giục Việt Nam kiện Trung Cộng ra trước Tòa án Quốc tế như Chính phủ Phi Luật Tân đã làm, nhưng lời khuyên này đã bị bỏ ngoài tai ! HOÀNG SA CỦA AI ? Chuyện "gỉa điếc" để làm tròn nghĩa vụ "đại cục" với Trung Cộng của nhà nước CSVN còn được chứng minh trong dịp kỷ niệm 40 năm Hòang Sa bị Trung Cộng cưỡng chiếm ngày 19/01/1974. Trên bình diện Chính phủ, nhà nước CSVN đã không dám tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày Hòang Sa bị Trung Cộng chiếm đóng bất hợp pháp. Chính phủ cũng làm ngơ trước yêu cầu của nhiều tầng lớp dân chúng muốn tổ chức Lễ truy điệu và ghi ơn 74 Chiến sỹ VNCH đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ lãnh thồ tại Hòang Sa. Cho đến khi bài này được gửi đi (16/01/2014) chỉ có một Cuộc Triển lãm "Quần đảo Hoàng Sa – Chủ quyền của Việt Nam" đợt 1 đã khai mạc ngày 9/01 (2014) tại trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng. Theo báo Quân đội Nhân dân (09/01/2014) đã có trên 70 hình ảnh, tư liệu, hiện vật liên quan đến việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa được các nhà nghiên cứu, các cơ quan, đơn vị, học giả trong nước và quốc tế sưu tầm, trong đó có nhiều bản đồ do chính Trung Quốc phát hành. Và "lần đầu tiên 12 tư liệu lịch sử có giá trị liên quan đến việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa được công bố." Tuy nhiên những Tài liệu lịch sử về trận chiến Hòang Sa năm 1974 và cuộc chiến đấu anh dũng bảo vệ lãnh thổ của Quân đội VNCH cùng hình ảnh và danh sách 74 Chiến sỹ Hải quân VNCH đã hy sinh tại Hòang Sa không được trưng bầy tại cuộc Triễn lãm. Ba cơ quan tổ chức Cuộc triển lãm là Bảo tàng, Ủy ban Nhân dân huyện đảo Hoàng Sa, Sở ngoại vụ Đà Nẵng không có lời giải thích nào về thiếu sót này. Vì vậy Báo Dân Trí, Cơ quan Trung ương của Hội khuyến học Việt Nam ngày 11/01/2014) đã phê bình : "Đã nói đến lịch sử thì phải rõ ràng, khách quan, đầy đủ. Cho nên, khi nói về chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa không thể thiếu trận hải chiến của hải quân quân đội Việt Nam Cộng hòa. 40 năm trước, ngày 19/1/1974, Trung Quốc tấn công cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam Cộng hòa. Những người lính của Việt Nam Cộng hòa đã dũng cảm chiến đấu bảo vệ lãnh thổ của tổ tiên và đã hy sinh. Tư liệu, hình ảnh về các chiến hạm Trần Khánh Dư, Trần Bình Trọng, Nhật Tảo, Lý Thường Kiệt… tham gia bảo vệ Hoàng Sa, tên tuổi các binh lính, sĩ quan tử trận trong trận hải chiến này còn đó. Dù họ khoác màu áo nào, nhưng họ đã chiến đấu và hy sinh để bảo vệ đất nước, bảo vệ giang sơn của cha ông để lại thì họ cũng là những dũng sĩ." Dân Trí khẳng định : " Cuộc tấn công cưỡng chiếm của Trung Quốc và trận hải chiến đẫm máu trong 30 phút vào ngày 19/1/1974 cần phải được trưng bày, giới thiệu. Sinh viên, các bạn trẻ cần tiếp nhận đầy đủ thông tin, hiểu rõ về lịch sử, tôn trọng sự thật của lịch sử." Riêng Thành phố Đà Nẵng, nơi Huyện Hòang Sa trực thuộc dự trù có 4 hoạt động đã được loan báo: 1) Vào tối 18/01, từ 17h đến 21h, tại Công viên Biển Đông sẽ diễn ra chương trình ca nhạc hát về biển, đảo quê hương và "thắp nến tri ân" do UBND huyện Hoàng Sa chủ trì tổ chức. Ban Tổ chức không cho biết liệu 74 Chiến sỹ Việt Nam Cộng hòa hy sinh tại chiến trường Hòang Sa có được tri ân hay không ? 2) Ngày 19/01, tại Bảo tàng Đà Nẵng sẽ khai mạc chương trình triển lãm "Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử" (kéo dài đến ngày 25/01) do Bộ TT-TT chủ trì tổ chức. 3) Chiều 19/01, tại khách sạn Hoàng Sa (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) sẽ diễn ra chương trình lớn thứ 3 trong tổng thể chương trình "Hướng về Hoàng Sa". Đó là cuộc hội thảo quốc gia về chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa do Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng chủ trì tổ chức. 4) Chương trình lớn thứ 4 là cuộc đối thoại trực tiếp trên Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng (DRT) lúc 20h00 tối 19/01 về sự kiện ngày 19/01/1974, do Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng chủ trì tổ chức. 5 vị khách mời tham dự cuộc đối thoại trực tiếp này là ông Đặng Công Ngữ, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa; ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng; Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã; Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng và một nhân chứng lịch sử Hoàng Sa. TẠI SAO VÀ TẠI SAO ? Như thế rõ ràng đảng và nhà nước CSVN đã chỉ dám bật đèn xanh cho Thành phố Đà Nẵng tổ chức kỷ niệm ngày mất Hòang Sa vào tay Trung Cộng. Nhưng việc làm của một địa phương làm sao có thể nói thay cho cả nước hay một Chính phủ ? Nếu có ai đó trong Lãnh đạo Việt Nam chưa bị điếc thì họ hãy banh tai ra mà nghe những lời tâm huyết của Tiến sỹ Trần Cộng Trục: "Những tuyên bố của chính quyền VNCH bảo vệ chủ quyền ở Hoàng Sa, những người lính miền Nam chiến đấu ở Hoàng Sa ngã xuống phải được ghi nhận, đó là bằng chứng của quá trình Nhà nước Việt Nam thực thi chủ quyền liên tục đối với quần đảo này trong suốt chiều dài lịch sử. Sắp tới năm 2014 là tròn 40 năm ngày Hoàng Sa bị TQ thôn tính bất hợp pháp, chúng ta cần phải nhận thức đúng đắn vai trò và sự hy sinh của những người lính miền Nam bảo vệ Hoàng Sa, về mặt pháp lý đó là bằng chứng Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ đã thực thi chủ quyền một cách hòa bình và liên tục và đầy đủ đối với quần đảo này. Chúng ta tri ân các liệt sĩ anh dũng hy sinh để bảo vệ quần đảo Trường Sa năm 1988 thì cũng không thể quên rằng, năm 1974 những người con đất Việt của chúng ta đã ngã xuống để bảo vệ quần đảo Hoàng Sa trước họng súng của TQ. Đó là thực tế không ai phủ nhận được. Chúng ta phải quan tâm và vinh danh những người lính đã ngã xuống để bảo vệ Hoàng Sa bởi họ là những người Việt Nam, đại diện cho Việt Nam để gìn giữ chủ quyền. Chúng ta không được quên điều đó, đó mới chính là truyền thống uống nước nhớ nguồn, tri ân các thế hệ cha anh của người Việt, đó cũng mới là cách thiết thực nhất để củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, đấu tranh đòi lại chủ quyền Hoàng Sa và bảo vệ chủ quyền Trường Sa trong bối cảnh hiện nay. Nếu chúng ta không quan tâm đầy đủ và đúng mực đối với vấn đề Hoàng Sa 1974 và vai trò đại diện cho Việt Nam thực thi, bảo vệ chủ quyền quần đảo này của những người lính miền Nam, chúng ta sẽ mất đi một nguồn sức mạnh vô cùng to lớn và quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ mà hiện nay ta đang rất cần. Về pháp lý, đó chính là bằng chứng sống động của việc thực thi chủ quyền hòa bình, liên tục của Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử khác nhau, có sức nặng rất lớn trong công tác đấu tranh ngoại giao và pháp lý bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, đồng thời bác bỏ các yêu sách vô lý và thủ đoạn chia rẽ nội bộ ta trong vấn đề Biển Đông từ phía đối phương chỉ vì những khác biệt về mặt nhận thức." (Báo Giáo Dục Việt Nam, 25/12/2013) Như vậy nếu bỏ qua "tính liên tục pháp lý chủ quyền" trên Hòang Sa thì nhà nước và đảng CSVN sẽ trả lời ra sao nếu có một người Trung Quốc hỏi:"Các ông nói Hòang Sa của Việt Nam nhưng các ông có bao giờ nhìn nhận 74 người Việt bị chúng tôi bắn chết ở Hòang Sa ngày 19/01/1974 là người của các ông đâu mà bây giờ các ông lại tranh cãi với chúng tôi ?" Tuy Lịch sử không biết nói, nhưng ngòai những "kẻ làm tay sai cho ngọai bang" thì bất kỳ một công dân của Việt Nam, dù ở bất cứ chân trời góc bể nào trên Thế giới cũng biết rõ Hòang Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Hy vọng ông Nguyễn Phú Trọng và đảng CSVN cũng nhớ rõ như thế. -/- Phạm Trần |
Friday, January 17, 2014
Tương lai đảng CSVN và chế độ đã đặt trên bàn cân
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment