Monday, September 9, 2013

Lương khủng, Lậu còn khủng hơn


 Văn Quang - Viết từ Sài Gòn, ngày 09.9.2013

 
                                 Lương khủng, Lậu còn khủng hơn
 
Chuyện trong nước lúc này không thể không nói đến sự kiện các lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước (DNNN) từ bao năm nay, nhận lương "khủng." Tôi đã tìm cả trong từ điển tiếng Việt, không còn chữ nào đúng hơn là chữ "khủng." Lãnh lương "nhiều," lương "lớn" không thể đủ nghĩa bằng "lương khủng."
 
Còn dùng như chữ nghĩa nhiều ông vẫn dao to búa lớn là "vĩ đại" hay "hoành tráng" thì sai bét. Ai lại nói "lương vĩ đại" bao giờ! Chỉ có "lãnh tụ vĩ đại," "lễ lạc hoành tráng" mới… đúng sách vở. Nhưng quả thật là dùng chữ "vĩ đại" ở đây cũng không sai mấy. Thôi thì dùng chữ "khủng" cho hợp với tiếng bà con ở VN ngày nay thường dùng.
 
Hai chữ lương lậu từ xưa các cụ nhà ta đã dùng rồi, nhưng chỉ là hai từ ghép do thói quen (hay còn gọi là khẩu ngữ), chứ không tách bạch ra lương và lậu. Nay, theo thời cuộc, ta lại có thể tách bạch ra lương riêng, lậu riêng. Bởi lương dù có "khủng" cách nào cũng còn có thể thấy được, có thể "đo đếm" được, chứ còn cái món "lậu" thì vô tiền khoáng hậu, không ai biết nó nằm ở những nơi nào, khoản nào.
 
Nó muôn hình vạn trạng, nó biến hóa khôn lường, nó đu dây, nó làm xiếc, từ quà cáp tình cảm, tình yêu đổi sang nhà cửa, xe hơi, ngân phiếu, cổ phiếu, lần theo đường dây của nó đứt hơi. Bởi thế nên mới gọi là "lậu." Ngày nay nhiều quan đã lãnh lương nhà nước nhưng cái khoản đi theo lương là lậu thì… hơi bị nhiều (nói theo chữ nghĩa mới ở VN, có nghĩa là nhiều lắm, nhiều quá xá). Xin chứng minh cụ thể:
 
Lương và lậu

Đầu năm 2013, nhóm nghiên cứu của Thanh tra Chính phủ (do đích thân Cục trưởng Cục phòng chống tham nhũng làm chủ nhiệm) đã lần đầu tiên công khai các số liệu từ cuộc khảo sát mức thu nhập những người có chức vụ quyền hạn. Thống kê cho thấy, 79% cán bộ công chức (CBCC) có thu nhập ngoài lương.
 
Phân nửa trong số này công bố rằng đó chỉ là các khoản bồi dưỡng hội họp, hoặc là nguồn thu tiết kiệm từ các khoản chi theo định mức khoán, dôi dư ra.Chỉ có một số rất ít (5%) cho biết đó là các khoản hoa hồng, hoặc quỹ riêng cơ quan. Và cũng chỉ rất ít "khai thật" đó là tiền biếu tặng.
 
Có tới gần một nửa số người được hỏi chỉ nói chung chung, "thu nhập đến từ những nguồn thu khác." Cụ thể là nguồn thu nào thì không ai "dại" gì vạch áo cho người xem lưng. Hoặc có công khai thì cũng chỉ là… kiếm cái gì đó nói cho hợp tình hợp lý chứ nó không hề có trên đời.
Có vị còn lo xa, tính toán mọi thứ trước khi ra làm quan hoặc trong khi là quan, thấy thu nhập của mình hơi bị nhiều bèn nghĩ ra cách "hợp thức hóa." Xin nêu một "trò xiếc."
 
Một kiều rửa tiền tinh vi

Có một cửa hàng khá lớn của một quan bà (vợ một ông công chức), mở ra nhưng khách vắng teo, lỗ bao nhiêu thì không biết nhưng anh thư ký kế toán cứ ra sở thuế nộp ngân sách một số tiền lãi lớn. Mỗi tháng làm ăn lời hàng tỉ, tổng kết cuối năm lời 12 tỉ. Làm ăn thua lỗ trắng máu mà ra nộp thuế tiền lời thì đúng là thượng cổ mới thấy một anh "yêu nước" ngu như thế. 

Nhưng cái sự phi lý này trở nên có lý lắm, ông công chức chứng minh bằng giầy tờ minh bạch rằng vợ chồng ông giàu to vì có làm ăn buôn bán rất phát đạt, rất hợp pháp, có sở thuế chứng minh "đàng goàng." Như thế, dù cho ông ấy có tham nhũng, có nhận quà bao nhiêu cũng là của gia đình ông ấy làm ra. Một kiểu "rửa tiền" hết sức tinh vi, chẳng anh nào làm gì được. Đấy chỉ là một trong những "chiêu" tương đối đã cũ ở thời đại này. Các quan "thông minh" chắc chắn còn nhiều chiêu quái đản hơn. Còn cái trò mua lại những xổ số trúng độc đắc đã quá xưa rồi, chỉ còn vài anh cắc ké ăn vặt xài đỡ.

Khoản lậu nhiều gấp 10 lần tiền lương

Nhóm nghiên cứu của Thanh tra Chính phủ cũng cho biết thêm rằng trên 80% người được khảo sát khẳng định số tiền đó chưa bằng một nửa tiền lương công chức mà họ đang nhận. Chỉ có 2.1% thừa nhận khoản "lậu" họ nhận được cao hơn lương, song tối đa cũng không vượt quá 5 lần. Một số rất ít (0.2%) thành thật nói, họ nhận được khoản "lậu" nhiều gấp 10 lần tiền lương.
 
Rõ ràng, số cán bộ công chức (CBCC) có thu nhập ngoài lương chiếm tỷ lệ cao. Mức thu nhập ngoài lương so với lương và nguồn thu nhập cũng khá đa dạng, có cả những khoản thu nhập nhạy cảm, dễ liên quan tham nhũng như tiền được chia từ các khoản hoa hồng, quỹ riêng của đơn vị, tiền được biếu, tặng.
 
Một số nhà nghiên cứu cho rằng, nếu điều tra kỹ hơn, diện rộng hơn, và "nhân chứng" thành thực hơn, thì số lượng CBCC có thu nhập ngoài còn cao hơn nữa. Bởi, thu nhập ngoài lương rất phong phú, đa dạng, biến hóa. Nào tiền thưởng, tiền làm thêm, tiền làm đề tài, dự án, tiền khoán vượt thu, tiền bồi dưỡng, phong bì "bôi trơn"...
Chưa kể, với các sếp có chức có quyền, họ còn được nhận những "quà tặng" bất ngờ từ những cuộc đua: chạy việc, chạy chức chạy quyền... mà chi phí không thể đo đếm. Đó là những sự thật hơn đã được phơi bày.
 
Chính vì vậy nên nhiều anh công chức, cán bộ "còm" vẫn cứ kêu rên "thời buổi này không ai sống được bằng đồng lương." Vậy mà vẫn cứ ào ào mất tiền chạy vào là công chức. Dư luận mới đây chẳng đã "dậy sóng" bởi câu chuyện chạy công chức ở Thủ đô giá 100 triệu đó sao? Nguyên nhân quan trọng là những cơ hội kiếm thêm tiền và các mối quan hệ mà chỉ cán bộ, công chức nhà nước mới có. Chính ông "đại biểu quốc hội" Lê Như Tiến trả lời báo giới, ngay sau khi đọc được thông tin về kết quả nghiên cứu nói trên đã phải la làng:
 
Thang bảng bậc lương bao nhiêu năm không thay đổi nên lương CBCC rất thấp, cộng với sự kiếm soát lỏng lẻo dẫn đến tình trạng ai đó hễ có tý chức quyền là sẽ phải tìm mọi cách để "cải thiện" thêm thu nhập. "Nhiều người gọi đây là hội chứng "tước đoạt để bù đắp," nhất là đối với những CBCC có chức, có quyền, làm ở những vị trí mà quyết định, của họ phát sinh quyền lợi như: quyết định dự án đầu tư, thu-chi ngân sách nhà nước, xuất nhập khẩu, đề bạt bổ nhiệm... Đối với những CBCC này thì thu nhập ngoài là khoản tiền không nhỏ."
 
Đến chuyện lương khủng

Đó là sơ qua vài nét về chuyện lương "lậu," xin bàn đến chuyện lương thật, nhưng là thứ lương "khủng" quá xá cỡ. Sở dĩ chuyện này âm ỷ từ lâu nay bỗng "bắt cháy" bùng lên vì ở TP Sài Gòn vừa khui ra vụ các quan giám đốc của 2 Doanh nghiệp nhà nước lãnh lương quá lớn. Mức lương "khủng" khiến nhiều người dân choáng váng. Từ choáng váng đến hằn học "muốn chửi thề," tôi nói đúng chữ người bình dân Chợ Bàn Cờ đang dùng. Bạn có thể tưởng tượng được chuyện xảy ra trong thời buổi kinh tế suy thoái này hay không?
 
                                          
                          Công ty cấp thoát nước đô thị TP.Sài Gòn từng được nhận huân chương Lao động hạng ba. 
 
                          Sau vụ scandal này sẽ nhận huy chương hạng mấy?
 
                                          
                                           Đường Sài Gòn cứ mưa là ngập, vậy mà sếp vẫn lãnh lương hơn hai tỉ!
 
- Năm 2012, lương của giám đốc công ty Thoát nước đô thị là 2.6 tỉ đồng ($123,000 Mỹ kim, cao gấp 41 lần lương bình quân của công ty).
 
- Sếp công ty Chiếu sáng công cộng là 2.2 tỉ đồng ($104,000 Mỹ kim).
 
Chỉ cần làm một con tính giản dị: Mỗi năm có 365 ngày, trừ đi 52 ngày chủ nhật thì còn lại 313 ngày làm việc. Với tiền lương 2.6 tỉ đồng một năm, vị chi ông giám đốc công ty thoát nước Thành phố đang nhận lương 8.3 triệu đồng ($392 Mỹ kim) một ngày.
Lãnh lương 8.3 triệu cho 8 tiếng đút chân gậm bàn, chứ không phải chui xuống cống cả tháng, người công nhân cũng chỉ nhận chưa đến 8 triệu tiền lương.
 
                                          
                     Công nhân phải chui xuống móc ống cống suốt 8 tiếng mỗi ngày mà lương tháng chỉ có vài triệu.
 
Nhận lương tới 8.3 triệu mà để những người dân Sài thành quanh năm sống trong cảnh "đắp đê trong nhà, co hết chân lên giường mà sao nước vẫn không chịu ra."
 
Người dân đã phẫn nộ trước mức lương khủng đến vô lý của những người lãnh đạo các doanh nghiệp gắn với hai chữ "công ích," trong tương quan với mặt bằng lương và thu nhập của những người đóng thuế.

Sự việc này không chỉ thể hiện hành vi bóc lột tàn bạo vô nhân tính đối với đội ngũ công nhân (những người rất xứng đáng phải được đối xử tôn trọng) của một số không ít lãnh đạo Công ty Nhà nước mà còn thể hiện rõ ràng dấu hiệu tham nhũng, thậm chí tội tham nhũng trong bối cảnh này còn nghiêm trọng hơn các vụ tham nhũng khác bởi lẽ nó không chỉ tàn phá tiền bạc của nhà nước mà còn xúc phạm nghiêm trọng đến quyền lợi, danh dự, hình ảnh của công nhân VN. Có lẽ không cần phải tranh luận nhiều, phải thanh tra toàn diện tất cả các DNNN đồng thời phải xử nghiêm hơn mức bình thường đối với các sai phạm.
 
Thời đại đồ đểu phải đổi thành quá đểu
Thực tế hiện nay dư luận đã dùng đến chữ "liêm sỉ" của những ông "lãnh đạo" tự cho mình cái quyền được nhận lương khủng. Còn một thực tế khác trong nhiều cách làm tiền, có thể gọi thẳng là vô nhân đạo đối với tầng lớp nhân viên dưới quyền mình.

Ban giám đốc tìm cách "xơi" luôn cả các khoản bảo hiểm, tiền phúc lợi xã hội của nhân viên cực khổ dưới quyền, bằng cách ký hợp đồng thời vụ với hàng trăm lao động thường xuyên, hoặc ký hợp đồng xác định thời hạn, thay vì không xác định thời hạn. Đằng sau những thông tin ban đầu này là gì, rồi đây cơ quan chức năng sẽ phải làm rõ, nhưng chỉ nguyên chuyện này thôi đã cho thấy một kiểu bớt xén, một lối ăn bẩn đến cùng cực. Ăn tiền của nhà nước rồi còn vơ cả tiền từ túi anh móc ống cống, anh trèo cây mục, anh quét rác công trường thì quả thật cái thời đại "đồ đểu" này phải gọi là "thời đại quá đểu" mới đúng.
 
Nhưng có lẽ, vấn đề cần phải đặt ra sau scandal tồi tệ này không phải là việc nói đến hai chữ "liêm sỉ" và "vô nhân đạo," cũng không chỉ là "thu hồi," hay thậm chí xem xét trách nhiệm hình sự, như phản ứng dữ dội của dư luận, mà phải đặt ra và trả lời câu hỏi về cơ chế kiểm soát lương, nói thẳng ra là ai, đơn vị nào chịu trách nhiệm kiềm soát tiền lương thưởng của các "công ty trời con" này?
 
Độc giả Thái Quang cho rằng 4 công ty công ích nói trên đã vi phạm Luật Lao động và Luật Hình sự.

"Cụ thể: Một mặt họ ăn chặn các khoản Bảo hiểm xã hội của số lao động thời vụ, mặt khác không loại trừ họ đã kê khai khống số lao động thời vụ (có ít, kê nhiều) để có được quỹ lương lớn, từ đó chia nhau. Ở đây, có trách nhiệm của nhiều cơ quan quản lý (cơ quan chủ quản, Bảo Hiểm Xã Hội, Công đoàn, Tài chính, Thuế...). Hy vọng TP Sài Gòn không cho qua sự việc này.
 
Chưa hết, còn những công ty nhà nước khác nữa

Ngày 31/8, báo cáo với UBND TP Sài Gòn về tình trạng các DN chi lương "khủng" cho lãnh đạo, ông Huỳnh Thanh Khiết-phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP cho biết, sau vụ 4 "sếp" lớn của 4 DN công ích tại TP. Sài gòn nhận lương "khủng" với 2.6 tỉ đồng/năm, đoàn kiểm tra liên ngành Sài Gòn tiếp tục phát hiện thêm 8 DN công ích (có 100% vốn Nhà nước) đang hoạt động trên địa bàn TP chi tiền lương sai quy định cho các "sếp."
 
Tạm thời cơ quan chức năng chưa công bố chính thức tên 8 DN vi phạm.
Điều đáng lưu ý, 8 DN này còn dùng quỹ tiền lương chung của người lao động để trích ra khen thưởng, chung chi cho giám đốc, phó giám đốc và kế toán trưởng. Nhiều công nhân làm việc lâu năm tại các DN này đều không được hưởng một quyền lợi gì về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… Có lẽ còn chờ "điều tra bổ sung" thêm những tình tiết "kinh hoàng" khác nữa mới công bố "chiến công" của các ông lớn này. Người dân vẫn chờ đợi sự công bố minh bạch, dứt khoát và mong nó không "qua sông đắm đò."
 
                                                  
                                                      Người dân "minh họa" các sếp lãnh lương khủng

Vậy tạm để 8 ông lớn này ngủ yên, hãy xét về một số công ty khác:
 
- Chủ tịch HĐQT Petrolimex lương hơn 50 triệu đồng/tháng. Trong khi năm 2011, Petrolimex đã kinh doanh thua lỗ 1,671 tỷ đồng.
 
- Lãnh đạo Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) hưởng lương 79,749 triệu đồng/tháng trong khi giá bán gạo Việt Nam rẻ nhất thế giới, còn những người làm ra hạt gạo thì phải bỏ ruộng.
 
- Và bây giờ: 2.6 tỷ cho người đứng đầu ngành thoát nước ở một thành phố ngập úng vì mưa. Rồi 2.2 tỷ cho giám đốc công ty chiếu sáng…
 
- Những dữ liệu về lương của Petrolimex, Vinafood, hay thoát nước, chiếu sáng có được trong mối liên hệ với những con số khác: Petrolimex chiếm trên 60% thị phần bán lẻ xăng dầu mà mỗi cú tăng hoặc giảm giá có tính chất quyết định đến toàn bộ thị trường. Vinafood, chính xác là "thương lái."
 
- Còn thoát nước, chiếu sáng, giao thông thì tiền ODA hay ngân sách nhà nước chui vào đâu, hẳn ai cũng rõ...
 
- Người ta từng nói về "những nghịch lý" khi đặt cạnh nhau hai con số "lương giám đốc"- ở trên trời và "kết quả kinh doanh" của DNNN luôn "chui sâu dưới 3 thước đất." Đúng là những giọt mồ hôi nông dân đang được bán với giá bèo bọt để làm cái bậc thang trong những ngôi nhà lầu của các sếp.
 
86 năm không ăn tiêu gì mới bằng lương sếp hàng năm

Nằm trong bi kịch có thật này, một công nhân nhẩm tính, "Lương tháng tôi giờ 2.5 triệu, cả năm trầy trật mới được 30 triệu. Không ăn tiêu gì thì phải 86 năm sau tôi mới tích được con số 2.6 tỷ. Thật trớ trêu quá! Tiền lương 1 năm của các vị bằng công nhân, nông dân làm cả đời."
 
Trong khi lương các sếp cao ngất ngưởng là vậy, anh Trần Văn Bá nêu thực tế, lương của công nhân vệ sinh lao động trực tiếp rất thấp, lam lũ cả ngày đêm như vậy nhưng tiền thưởng Tết mỗi năm chỉ có 150 ngàn một người (bằng 7 USD).
 
Bạn đọc Nguyễn Thị Giáp chia sẻ: "Thật không thể hiểu cách quản lý tiền lương kiểu gì mà để những giám đốc của các công ty này lấy được lương như vậy. Công nhân làm vất vả lương thấp còn Giám đốc, Kế toán ngồi mát ăn bát vàng. Thanh tra hãy kiểm tra để lấy lại công bằng cho công nhân. Ai sai phải trả lại và phải xử đúng pháp luật. Không để bất công như vậy được. Thật khổ cho người lao động."
 
Trên toàn quốc, còn khối Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) nữa làm ăn kiểu này

Kết quả thanh tra tại TP Sài Gòn khiến nhiều người "choáng váng" là vậy, nhưng theo nhiều độc giả tình trạng này không phải là riêng lẻ mà còn nhiều nơi như thế nữa.
 
Độc giả Lê Mai thông tin:"Tất cả các công ty cấp thoát nước trên toàn quốc như Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Hà Tĩnh ... đều chỉ ký hợp đồng dài hạn với viên chức quản lý. Các loại lao động khác mặc dù làm việc quanh năm, suốt tháng nhưng chỉ được ký hợp đồng thời vụ 3 tháng để tránh nộp bảo hiểm. Thực trạng này đã tồn tại từ lâu nhưng không ai biết. Lương giám đốc các doanh nghiệp này không dưới 1 tỷ/năm."
 
Một độc giả khác cũng đề nghị thanh tra vào cuộc thanh tra các đơn vị công ích ở các tỉnh thành lớn như Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... Những vụ phát hiện được chỉ mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm "vĩ đại" đang bóp cổ dân nghèo, phá hoại nền kinh tế toàn dân.
 
                                          
                        Công nhân công viên cây xanh phải đối diện với nhiều rủi ro để "sếp" hưởng lương… khủng.

Thậm chí, một độc giả khác còn nêu thực tế, ở nhiều công ty lớn hiện cũng đang áp dụng hình thức bóc lột lao động theo kiểu chỉ ký hợp đồng cộng tác viên 11 tháng, không bảo hiểm y tế, lương thấp hơn 4-5 lần so với nhân viên chính thức.

Độc giả này đề nghị tiếp tục mở rộng thanh tra về việc chấp hành luật lao động, tiền lương tại các doanh nghiệp nhà nước trên cả nước.
 
Đua nhau tăng lương, thưởng sếp

Nhìn vào những "thành quả" đau đớn trên đây, ai cũng có thể nhận thấy làm giám đốc hay "lãnh đạo" một doanh nghiệp nhà nước sướng như thế nào. Tiền không cần bỏ mà quyền thì quá nhiều. Vừa đá bóng vừa thổi còi, chỉ cần mấy ông lãnh đạo ngồi bàn với nhau, lỗ lãi không cần biết, chỉ cần lương anh, lương tôi tăng bao nhiêu là thành biên bản, thành luật, cứ thế thi hành. Mấy "sếp lớn hơn" gọi là "cơ quan chủ quản thì lơ là vì toàn anh em đồng chí nhà ta cả và đàn em nó tăng thì mình cũng có lợi nên phe lờ tuốt. Chứng cớ là có anh giám đốc DNNN nào bị "truy," bị phê bình về vấn đề lương lậu bao giờ đâu.
 
Bây giờ mọi chuyện bị khui ra, chiều 4-9 vừa qua, Thành ủy, UBND TP Sài Gòn đã công bố quyết định kỷ luật đối với lãnh đạo (chủ tịch Hội đồng Thành viên, giám đốc) 4 đơn vị công ích nhận lương "khủng." Cụ thể là tạm đình chỉ công tác các ông:
 
- Nguyễn Trọng Luyện, Chủ tịch HĐTV Công ty Thoát nước đô thị;
- Lê Thanh Sơn, Giám đốc Công ty Thoát nước đô thị;
- Trần Trọng Huệ, Chủ tịch HĐTV Công ty Chiếu sáng công cộng;
-Trần Minh Hùng, Giám đốc Công ty Chiếu sáng công cộng;
- Nguyễn Nhật Tấn, Chủ tịch HĐTV Công ty Công trình giao thông Sài Gòn;
- Phạm Văn Vĩnh, Giám đốc Công ty Công trình giao thông Sài Gòn;
- Phạm Văn Hiếu, Chủ tịch HĐTV Công ty Công viên Cây xanh và
- Trần Thiện Hà, Giám đốc Công viên Cây xanh.
 
                                          
                             Ông Trần Thiện Hà - Giám đốc Công ty một thành viên Công viên cây xanh TP.Sài Gòn, người may mắn lãnh hơn hai tỉ tiền lương mỗi năm
 
Đình chỉ rồi còn những hình thức kỷ luật nào nữa đây? Liệu pháp luật có vào cuộc?
 
Phải nói thẳng đó là cái tội lớn với nhân dân

Một lãnh đạo Vụ Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, vấn đề lương thưởng của lãnh đạo các DN nhà nước được nói đến nhiều trong thời gian qua. Vị này thừa nhận, có nhiều "bất cập" trong việc tính lương cho các chức vụ lãnh đạo ở DN nhà nước.
 
Thật ra cái khuyết điểm "bất cập" nghe "mung lung" quá. Phải nói thẳng đó là cái "tội" của cấp trên không kiểm soát để mặc cho cấp dưới lộng hành mới xảy ra những bất công cùng cực đó từ bao năm nay. Cả hai ông đều có tội lớn với dân. Phải trừng trị thẳng tay, đừng có lơ mơ từ thực tế đến chữ nghĩa nữa./.

Văn Quang

No comments:

Post a Comment