Tuesday, January 10, 2012

Trung Quốc có sức mạnh mềm chưa?


Trung Quốc có sức mạnh mềm chưa?

Ngô Nhân Dụng

Cuối năm 2011 tôi được giới thiệu với một người Mỹ cùng tuổi, nghe nói anh rất thích văn hóa Á Ðông, đọc và viết chữ Hán, nói tiếng Quan Thoại trôi chảy từ hồi còn trẻ.

Dick đã hẹn gặp mấy người bạn nên lái xe chở tôi đi cùng. Thế là tình cờ tôi gặp cả một nhóm người Mỹ và người Trung Hoa từ lục địa qua. Họ đều tham dự trong một tổ chức ở Ðại Học Wisconsin, Platteville, mang tên "Confucius Institute".

Đang giúp nước Mỹ
Tôi biết Bắc Kinh đã mở ra 300 cái "Confucius Institute" nho nhỏ khắp thế giới, riêng nước Mỹ có 75 cái, người Trung Quốc gọi là Khổng Tử Học Viện. Nhưng tôi không ngờ tại thành phố Platteville bé nhỏ này, với 11 ngàn dân mà trong đó ba phần tư là sinh viên, cũng có một Confucius Institute, do một bà giáo sư người Mỹ làm chủ tịch, và mấy thầy cô giáo từ Vũ Hán, Bắc Kinh, Quảng Châu qua tận tiểu bang Wisconsin dậy tiếng Trung cho sinh viên Mỹ.
Quả nhiên, Dick nói tiếng Trung rất giỏi, anh còn đứng lên hát chung với một cô giáo Trung Quốc, đối đáp từng câu, trông như thật.

Một thầy giáo trẻ tuổi đang dậy tiếng phổ thông ở Confucius Institute Ðại Học Platteville ngồi kế bên tôi. Anh ta họ Hạ, nhưng yêu cầu gọi tên Jack, cho hòa đồng với các người bạn Mỹ mới.

Sau mấy câu chuyện xã giao, tôi hỏi Jack: "Nếu anh dậy thêm được một người Mỹ nói tiếng Trung Quốc thông thạo, chắc anh coi đó là một thắng lợi cho nước anh, phải không?" Jack vui vẻ gật đầu.
Tôi nói tiếp: "Người Mỹ họ cũng nghĩ như vậy đấy. Nếu có thêm một người Mỹ nói thông thạo tiếng Trung Quốc, nước Mỹ họ cũng có lợi!"

Tôi nêu thí dụ: "Coi anh Dick đây này, nửa thế kỷ trước Dick bị động viên; đi lính không quân đóng ở Okinawa, Nhật Bản. Chính phủ Mỹ lúc đó cấp học bổng, thuê người vào trại lính dậy ngoại ngữ, anh ấy chọn học tiếng Trung, chỉ vì tò mò. Khi học xong còn được gửi sang Ðài Loan thực tập nữa."

Jack nghe, tỏ ý thú vị, tôi giải thích thêm: "Khi trả tiền cho những anh lính như Dick học tiếng Trung, tiếng Nhật, Hàn, chính phủ Mỹ đã đầu tư vào cuộc đời của họ.
Ða số dân Mỹ lười, ít ai thích học tiếng ngoại quốc, khi cần kiếm không ra. Thêm một người Mỹ biết một tiếng ngoại quốc, cũng giống như học được một nghề, một kỹ thuật mới vậy; chính phủ Mỹ cho là nước họ trước sau cũng có lợi. Cũng giống như khi họ đầu tư vào giáo dục; cứ một người dân giỏi thêm về một món nào đó, cả quốc gia sẽ có lợi. Thành ra anh Jack, anh đang giúp nước Mỹ đấy nhé."

Tôi chắc đến giờ này Jack vẫn chưa hiểu hết vấn đề này. Các giáo viên như anh được tập huấn rằng họ sẽ đi dậy tiếng Trung cho người ngoại quốc, tức là truyền bá văn minh Trung Hoa. Anh đóng vai một chiến sĩ văn hóa, cũng giống như các phái bộ truyền giáo Tây phương hồi thế kỷ 16 đưa người sang Tàu vậy.

Được ăn cả, ngã về không?

Thật là khó hiểu, nếu những giáo sư được Bắc Kinh trả lương lại đang "phục vụ" cho cả nước Mỹ. Ðây là một vấn đề lập trường và quan điểm chứ không nhỏ! Người dân các nước cộng sản vẫn có thói quen suy nghĩ theo lối chơi "zero-sum game" tức là ở đời này "thằng này ăn, thằng kia phải thua". Họ không hiểu được trên đời lại có cuộc chơi mà mình thắng lợi thằng kia nó cũng được lợi.

Người Trung Quốc vẫn chưa quen với lối suy nghĩ này. Chỉ cần nghe ông Hồ Cẩm Ðào nói cũng đủ biết là Jack chưa thể nào quen. Trong tuần lễ đầu năm 2012, tạp chí Cầu Thực, một cơ quan lý thuyết của đảng Cộng Sản Trung Quốc đã đăng một số lời phát biểu của ông Hồ.

Trong một bài huấn thị trước các cán bộ cao cấp của đảng, ông Hồ đã cảnh cáo: "Các thế lực thù địch quốc tế đang gia tăng âm mưu chiến lược" với mục đích tấn công, xâm nhập trường kỳ vào "các lãnh vực chủ thuyết cùng văn hóa" của Trung Quốc."

Tại sao ông Hồ phải nói như vậy?
Vì đảng Cộng Sản sợ. Họ dư biết chủ nghĩa Mác Lenin Mao lạc hậu, ngớ ngẩn, dở hơi, chẳng ai thèm tin nữa. Nhưng họ vẫn muốn kiểm soát chặt chẽ cái gì chứa trong đầu hơn một tỷ người Trung Hoa.

Vẫn phải chiếm độc quyền thông tin, độc quyền trên báo chí, điện ảnh, truyền hình, v.v... Ðảng Cộng Sản sợ những hiểu biết mới, ý kiến mới, tư tưởng, quan niệm mới; không dám cho xâm nhập vào đầu óc người dân Trung Hoa, đặc biệt là các thanh niên, trí thức.

Trong khi đó, Cộng Sản Trung Quốc vẫn muốn lợi dụng cái tên ông Khổng Tử để gây ảnh hưởng khắp thế giới, một thứ ảnh hưởng bây giờ quen gọi là "Sức Mạnh Mềm". Soft Power là một từ do Giáo Sư Joseph Nye, Ðại Học Havard bày ra để phân biệt với Sức Mạnh Cứng (Hard Power) của một quốc gia, như quân đội, vũ khí, tiền bạc.

Một nước có thể gây ảnh hưởng trên thế giới mà không cần dùng tiền tài hay vũ lực, nếu có các sức mạnh mềm. Người Trung Hoa dịch Soft Power là "Nhuyễn Thực Lực," nhuyễn nghĩa là mềm. Bắc Kinh có chủ ý mở các Viện Khổng Tử, làm một "mũi nhọn" tấn công bằng sức mạnh mềm.

Nhưng đảng Cộng Sản Trung Quốc có thể biến Khổng Tử thành một "chiến sĩ tiền phương" cho cuộc chinh phục thế giới bằng "Sức Mạnh Mềm" hay không? Có một nhà trí thức Trung Hoa đã trả lời là không thể nào được.

Giáo Sư Bàng Trung Anh (Pang Zhongying), Ðại Học Nhân Dân ở Bắc Kinh, nghiên cứu vấn đề "Nhuyễn Thực Lực" từ lâu. Ông đã phân tích khái niệm này để đặt câu hỏi xem nước ông có thể tạo được Sức Mạnh Mềm bằng cách nào. Ông liệt kê các sức mạnh gọi là mềm theo cách trình bày của Joseph Nye.

Có thể kể ra: Hệ thống sản xuất kinh tế; hệ thống giáo dục; rồi đến những kinh nghiệm phát triển về kinh tế, chính trị, văn hóa mà nước khác có thể học được; lại thêm sức lôi cuốn từ các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật; số giải Nobel đã nhận được; các ngôi sao thể thao, văn nghệ được thế giới hâm mộ; và nói chung, uy tín tinh thần khiến người nước khác kính nể; khả năng ảnh hưởng trong các định chế quốc tế; v.v... Không quốc gia nào có được tất cả các sức mạnh kể trên; nước nào càng đạt được nhiều yếu tố thì càng mạnh.

Sau khi liệt kê các tiêu chuẩn của sức mạnh mềm, Giáo Sư Bàng Trung Anh nhận xét nếu nhìn trên các yếu tố tạo thành Nhuyễn Thực Lực thì Trung Quốc hiện nay còn rất nhiều vấn đề, không thể sánh với Mỹ được. Bàng Trung Anh thú nhận trong thế giới bây giờ Trung Quốc chưa có cái gì để làm mẫu cho các nước khác noi theo cả.
Nước Trung Hoa hiện đóng vai Xưởng Máy của Thế Giới (World Plant). Và đóng vai Người Làm Công của Thế giới (World Employed Laborer).
Như vậy chưa đủ. Muốn tạo được Sức Mạnh Mềm, Bàng Trung Anh viết, thì một quốc gia phải tin tưởng vào một số giá trị phổ quát (Universal Values, người Trung Hoa gọi là Phổ Thế Giá Trị); và cùng chia sẻ các giá trị đó với các dân tộc khác.
Tự do tư tưởng, Quyền con người, đó là những giá trị đang được loài người chia sẻ. Nhưng hiện nay, giới lãnh đạo Trung Quốc đều phủ nhận những "Phổ thế Giá trị;" trừ ông Ôn Gia Bảo lâu lâu tỏ ra là thuộc "Phổ thế phái".
Theo Giáo Sư Bàng Trung Anh, chưa ai thấy Sức Mạnh Mềm nào Made in China cả.

Về việc sử dụng hình ảnh Khổng Tử, Bàng Trung Anh nhận thấy khi đem một nhà tư tưởng sống trước đây 2.500 năm ra làm khuôn mẫu, hành động đó chỉ chứng tỏ cảnh thiếu thốn, nghèo nàn. Nước Trung Hoa bây giờ không có được một kiểu mẫu, một thần tượng đương thời nào cho nên mới phải khiêng một ông thánh đời xưa ra trưng bày.

Đừng sợ dân chủ

Bàng Trung Anh nói thẳng: Không nên nghĩ đến việc khai thác Khổng Tử. Nếu Trung Quốc muốn có "Nhuyễn Thực Lực" thì hãy lo phát triển một nền giáo dục phổ cập cho toàn dân; lo bảo vệ đạo đức trong xã hội. Hãy hướng về tương lai, đi tìm các tư tưởng, các giải pháp phù hợp với thế giới trong tương lai đó. Ông nói thẳng: Sức Mạnh Mềm đáng kể nhất thời nay là chế độ dân chủ.

Chúng ta không hy vọng đa số người Trung Hoa có thể đồng ý với Giáo Sư Bàng Trung Anh. Họ vẫn được nhào nặn theo lối nghĩ "zero-sum game," trò chơi "ăn bù thua". Thí dụ, công ty Disney của Mỹ mới khởi công xây dựng một khu giải trí ở Thượng Hải, sẽ đầu tư khoảng bốn tỷ đô la. Tân Hoa Xã loan báo tin này, kèm theo lời bình luận coi khu giải trí này sẽ là "một đấu trường về Sức Mạnh Mềm (Nhuyễn Thực Lực) giữa các dân tộc".

Một blog bên Trung Quốc cũng báo động: "Sức mạnh mềm của Mỹ đang tấn công vào nền văn minh rực rỡ 5,000 năm của Trung Quốc."

Ðây là dấu hiệu của tình trạng thiếu tự tin: Nhìn đâu cũng sợ hãi. Trong một "xã hội mở," người ta không sợ cho dân chúng tiếp xúc và học hỏi những cái mới lạ, thí dụ, học một ngôn ngữ khác.

Người ta cũng sẵn sàng đón nhận những hiểu biết mới, các ý kiến, quan điểm mới, các sinh hoạt nghệ thuật, giải trí mới. Vì biết rằng cuối cùng quốc gia sẽ được lợi nhiều hơn là bị thiệt.

Trên thế giới bây giờ trẻ em thích các trò chơi của Disney cũng như mê phim hoạt họa Nhật Bản, người lớn mê coi phim bộ Ðại Hàn; nam phụ lão ấu đều mê coi đá banh; trẻ con Mỹ cũng hâm mộ Diêu Minh, cầu thủ bóng rổ người Trung Quốc; giới thẩm âm thích nghe Yo Yo Ma hay Lang Lang đàn.

Tại sao không nhìn thấy tất cả những cuộc trao đổi đó là có lợi cho tất cả mọi người? Tại sao nhìn một khu giải trí lại lo lắng nó sẽ thành cái đấu trường trong đó có người ăn phải có người khác thua? Ðúng là thần hồn nát thần tính.

Chỉ riêng cách suy nghĩ đó đã chứng tỏ nước Trung Hoa vẫn chưa có Sức Mạnh Mềm. Một quốc gia có Sức Mạnh Mềm thì trước hết phải rất tự tin. Họ không sợ hãi khi phải gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi, thi đua với các sản phẩm văn hóa, giáo dục, các tin tức, các ý kiến, quan điểm từ các nước khác tới.

Khi ông Hồ Cẩm Ðào còn tưởng tượng ra các "thế lực thù địch" lo chúng sẽ ảnh hưởng trên bộ óc của người Trung Hoa, thì nước ông còn chưa đủ mạnh.

Không những thế, các người lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc cứ lo như vậy tức là họ đang kìm hãm dân Trung Hoa khiến họ không quen suy nghĩ độc lập; còn lâu mới phát triển được sức mạnh mềm.

Ðời xưa những thế hệ các ông Khổng Tử, Lão Tử, truyền tới Mạnh Tử, Trang Tử, Hàn Phi, đã dựng lên cơ sở cho Sức Mạnh Mềm của văn minh Trung Hoa. Họ đã ảnh hưởng tới các nước Á Ðông trong hai ngàn năm.

Ngày nay thế giới đã thay đổi. Loài người đã khám phá ra những giá trị mới trong ba trăm năm gần đây. Giờ đây ai cũng thiết tha với giá trị tự do, với các luật chơi dân chủ; ai cũng tin rằng phẩm giá của từng con người phải được tôn trọng.

Năm 2011 đánh dấu cuộc thức tỉnh của hàng trăm triệu người Ả Rập do giới thanh niên, trí thức dẫn đầu. Nếu thanh niên Trung Hoa vẫn bị bịt tai, che mắt, không được biết đến các giá trị đó, không được chia sẻ và thảo luận với nhau, thì còn lâu Trung Quốc mới tiến được. Chính cái đầu chật hẹp của giới lãnh đạo Cộng Sản Trung Hoa mới nguy hiểm; chính họ làm cho Trung Quốc chậm tiến./.


Ngô Nhân Dụng

Bài viết thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả Ngô Nhân Dụng. Bản gốc đã được đăng trên trang  Người Việt ở Hoa Kỳ.

No comments:

Post a Comment