Tuesday, January 31, 2012

Lenin và Engels: "TUYÊN CHIẾN VỚI TÔN GIÁO LÀ NGU XUẨN"

Lenin và Engels: "TUYÊN CHIẾN VỚI TÔN GIÁO LÀ NGU XUẨN"
Tâm Thanh
 
"Hãy lật cái lưng của người tín đồ Phật giáo Hòa Hảo ra thì rõ ràng cũng là da vàng, cắt lấy máu của người tín đồ PGHH cũng là máu đỏ như Chủ Tịch Hồ Chí Minh, như Ông Nông Đức Mạnh, cũng như tất cả các ông . Cũng cùng là dòng giống con Hồng cháu Lạc.  Tại sao lại phải giết nhau?"
(Lê Quang Liêm, Hội trưởng Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy)
 
Cứ chiếu tinh thần Marx Lenin về vấn đề tôn giáo thì các phong trào như Công giáo yêu nước, Phật giáo yêu nước, Ban Đại Diện Phật giáo Hòa Hảo Trung ương (không phải PGHH Thuần Túy), Giáo hội Phật giáo Việt Nam (không phải GHPGVN Thống Nhất) và tổ chức chóp bu Ban Tôn giáo Chính phủ v.v. không có lý do tồn tại. Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo và các trò lỉnh kỉnh khác, theo tinh thần Engels là trò "ngu xuẩn". Bài này nhằm trình bày các chỉ dạy của Marx, Engels và Lenin cho Cộng sản Quốc tế về cách đối phó với tôn giáo. Sau đó xét xem Đảng CSVN đã phản bội các tổ phụ của họ như thế nào.
 

A. QUAN ĐIỂM MÁC-LÊ VỀ TÔN GIÁO

Quan điểm chính thống của cộng sản, tức của Marx-Engels và Lenin về tôn giáo được trình bày minh bạch nhất trong đề cương Lenin viết tháng 5 năm 1909, nhan đề  "Thái độ của Đảng Công nhân đối với tôn giáo – bản Anh ngữ The Attitude of the Workers' Party to Religion"  (Lenin toàn tập, tập 15 trang 402-413).  Các ông này có lúc gọi đảng cộng sản là Đảng Công nhân (The Worker's Party), có lúc Đảng Dân chủ Xã hội (The Sosialist-Democrates). Ở đây ta gọi là "Đảng" cho gọn.

1. Nguồn gốc tôn giáo: theo Cộng sản, tôn giáo là lối thoát của kẻ nô lệ. Lenin viết, "Tôn giáo là á phiện đối với con người. Tôn giáo là một loại rượu tâm linh, trong đó những người nô lệ của chế độ tư bản nhận chìm gương mặt nhân bản của mình, [và đánh chìm luôn] nhu cầu về một cuộc sống ít nhiều xứng đáng với con người - Religion is opium for the people. Religion is a sort of spiritual booze, in which the slaves of capital drown their human image, their demand for a life more or less worthy of man."
 
Với bút pháp sắc sảo, Lenin khẳng định bốn điều về nguồn gốc tôn giáo:
 
a. Vì sống lầm than mà người nô lệ tìm đến tôn giáo
b. Tôn giáo không giải quyết được khổ đau, mà chỉ là một loại bùa mê quên đau
c. Khổ đau thực sự không biến mất, mà người khổ (nô lệ ) bị chết chìm trong mê hoặc, mất cả bản thân như một con người, mà tan cả giấc mơ giải thoát
d. Điều thứ tư, và quan trọng nhất, được xác định trong một đoạn riêng, "Vì bất lực trong cuộc chiến đấu chống bóc lột, giai cấp bị bóc lột mới có phản ứng không tránh được là tin vào một cuộc sống tốt đẹp hơn sau khi chết - Impotence of the exploited classes in their struggle against the exploiters .. inevitably gives rise to the belief in a better life after death". Kết luận này chuẩn bị cho vai trò cứu tinh của Đảng CS.
 
2. Tại sao giai cấp bóc lột cũng theo đạo và sùng đạo? Trước câu hỏi này, Lenin đáp, "Họ được tôn giáo dạy rằng thực hành bác ái trên trần thế là cách rất rẻ tiền để biện minh cho toàn bộ sự hiện hữu của mình như những kẻ bóc lột và như vậy họ mua được cái vé hạnh phúc trên thiên đàng với giá hời – They are taught by religion to practise charity while on earth, thus offering them a very cheap way of justifying their entire existence as exploiters and selling them at a moderate price tickets to well-being in heaven."
 
Đối với Lenin, các hoạt động từ thiện, bố thí, cúng dường, từ bi, bác ái... chỉ là mua vé Thiên đàng hoặc Niết-bàn. Không có tình người nơi người làm việc bác ái.
 
3. Nếu thế, tôn giáo có ích? Ít nhất tôn giáo cũng giúp ích trong việc gây mê, không đau? Lenin trả lời KHÔNG. Theo đạo là quàng vào cổ mình cái ách do những kẻ bóc lột làm ra, "Cái ách tôn giáo đè nặng trên nhân loại chỉ là sản phẩm và phản ảnh của cái ách kinh tế đặt trên xã hội – the yoke of religion that weighs upon mankind is merely a product and reflection of the economic yoke within society."
 
Kết luận tự nhiên là: tôn giáo là trở ngại, phản lực lớn nhất của cách mạng. Vậy cách mạng phải xử lý tôn giáo như thế nào? Đến đây chúng ta gặp những chỉ đạo quan trọng nhất của Lenin về tôn giáo.
 
4. Đảng phải xử lý tôn giáo thế nào? Câu trả lời sẽ rất bất ngờ cho những người quen với hiện thực bách hại tôn giáo tại Liên bang Sô-viết, Đông Âu, Trung Quốc và Việt Nam, từ năm 1917 tới nay. Đây là câu trả lời minh bạch:
 
Đảng không cần làm gì cả, cứ để cho tôn giáo chết dần!
 
Tác giả độc lập Einde O'Callaghan viết "Marx, Engels và Lenin cả ba người đều nhất trí rằng phải có sự phân ly hoàn toàn giữa Nhà thờ và Nhà nước, và Nhà nước không bao giờ nên ra luật về tôn giáo, không yểm trợ tôn giáo này cũng không cấm đoán tôn giáo khác. Cả ba người đều chống đối các lập luận cấm tôn giáo dưới chủ nghĩa xã hội – Marx, Engels and Lenin all agreed that there should be complete separation of church and state and that the state should never make laws about religious belief, either to support one religion or to ban another. All three were opposed to arguments that religion should be banned under socialism".
 
Lenin trách những đồng chí khuynh tả hơn cộng sản, cách mạng hơn cách mạng, cứ muốn vỗ ngực khoe mình là vô thần và muốn gây chiến với tôn giáo. Ông viết, "Engels thường xuyên lên án các nỗ lực của những người muốn tả khuynh hơn hoặc cách mạng hơn những người theo dân chủ xã hội, nhằm đưa vào cương lĩnh Đảng Công nhân một tuyên bố công khai về chủ nghĩa vô thần, theo chiều hướng tuyên chiến với tôn giáo – Engels frequently condemned the efforts of people who desired to be "more left" or "more revolutionary" than the Social-Democrats to introduce into the programme of the workers' party an explicit proclamation of atheism, in the sense of declaring war on religion". 
 
Lenin viết tiếp "... Engels gọi sự hùng hổ tuyên chiến với tôn giáo của bọn người kia là đồ ngu xuẩn -  Engels called their vociferous proclamation of war on religion a piece of stupidity"
 
Tóm lại, chủ thuyết cộng sản chính thống về tôn giáo có sáu nguyên tắc như sau:
 
Nguyên tắc 1: Tách tôn giáo ra khỏi nhà nước.
Nguyên tắc 2: Không cấm đoán,  không yểm trợ
 Nguyên tắc 3: Đối xử đồng đều giữa các tôn giáo
Nguyên tắc 4: Bất can thiệp
Nguyên tắc 5: Không quy chế hóa
Nguyên tắc 6: Để cho tôn giáo tự sinh tự diệt

B. CSVN VI PHẠM GIÁO HUẤN MÁC-LÊ VỀ TÔN GIÁO

Sau 83 năm hoạt động, Đảng CSVN (1929-2012), thể hiện như một tổ chức ĐỘC QUYỀN YÊU NƯỚC, ĐỘC QUYỀN BÁN NƯỚC. Từ khi họ quay về với tư bản bóc lột và áp dụng chính sách tôn giáo như hiện nay, họ lại thêm ĐỘC QUYỀN PHẢN ĐỘNG.

Những vi phạm nguyên tắc 1 "tách tôn giáo ra khỏi nhà nước"

Vi phạm nặng nề nhất là thành lập các giáo hội quốc doanh, dùng các đảng viên làm tay sai. Về điều này, Cụ Lê Quang Liêm, hội trưởng Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần Túy viết: "Đây là một cái quái thai của thời đại vì tự cổ chí kim, từ đông sang tây, khắp thế giới có ai thấy có một tôn giáo nào, dù là thiểu số, lại do một đảng viên CS lãnh đạo không?" (Thư ngày 10.11.2010 gửi Đảng, Nhà nước VN và TTK Liên hiệp quốc)
 
Thành lập Ban Tôn giáo, "một đơn vị trong Ban Nội chính Chính phủ và trực thuộc Thủ tướng phủ" (nghị định số 566/NĐ-CP ngày 2.8.1955), là vi phạm nguyên tắc độc lập giữa nhà nước với tôn giáo. Thêm hai chữ "chính phủ" vào danh xưng thành Ban Tôn giáo Chính phủ càng chứng tỏ sự pha trộn thế quyền với thần quyền rõ rệt hơn. Chức năng của ban này là quản lý tôn giáo (quyết định số 134/2009/QĐ-TT ngày 03 tháng 11 năm 2009). Ban Tôn giáo Chính phủ có chức năng ngang hàng một tổng cục trong cơ cấu tổ chức hành chánh, nhưng lại nắm quyền sinh sát trên mọi tôn giáo, những phân cục.
 
Nghị định về Ban Tôn giáo Chính phủ, phần nhiệm vụ, cho thấy CSVN coi các tín đồ như những tên tội phạm tiềm năng  – cần được đặc biệt chiếu cố hướng dẫn vào con đường tôn trọng luật pháp, nếp sống văn minh, yêu nước, đoàn kết dân tộc,  không gây xáo trộn chính trị, phá hoại kinh tế và an ninh quốc phòng.  Như vậy khi một người rửa tội hay quy y là hắn khoác lên mình một bản án. Ban Tôn giáo Chính phủ có nhiệm vụ giúp cho đương sự tránh bản án ấy khỏi thi hành, bằng năm cách:
 
"Thứ nhất,...  bảo đảm cho tôn giáo đồng hành gắn bó với dân tộc, tuân thủ pháp luật, giữ vững độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia".
* Nhận xét: Điều này nêu lên lý do cơ bản tại sao cần phải quản lý chặt chẽ tôn giáo – vì các tín đồ bản chất tiềm tàng là những tên phạm pháp, phản quốc, lăm le bán đứng hải đảo, địa giới cho ngoại bang.
 
"Thứ hai, thường xuyên chăm lo đời sống vật chất và văn hóa tinh thần, nâng cao trình độ mọi mặt tín đồ các tôn giáo... ổn định chính trị, an ninh quốc phòng".
* Nhận xét: về lý thuyết đây là một sự phân biệt đối xử, ưu đãi các tín đồ hơn những người không tin. Trên thực tế đây là một sự giả hình quá trơ trẽn. Nhưng thâm ý của người làm luật lại nằm trong câu cuối cùng – phải kiểm soát các tín đồ vì họ là mối đe dọa cho an ninh quốc phòng và ổn định chính trị.
 
"Thứ ba, tăng cường công tác quản lý nhà nước"
* Nhận xét: Đây là cốt lõi chính sách tôn giáo của CSVN – QUẢN LÝ TÔN GIÁO. Nó vừa đi ngược giáo huấn của Mác-Lê, vùa đi ngược quyền tự do tín ngưỡng trong đó điều kiện căn bản là tôn giáo độc lập với nhà nước.
 
"Thứ tư, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, giúp đỡ các tín đồ và chức sắc tôn giáo nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động ngăn ngừa và đấu tranh làm thất bại âm mưu và hoạt động lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước của dân tộc ta."
* Nhận xét: CSVN vẫn coi tất cả các tôn giáo (hay ít nhất một số tôn giáo) là tay sai ngoại bang. Xin tham khảo các tài liệu do chính Ông Hồ Chí Minh viết về đạo Da-tô khi ông còn ở Paris, London và Moskva. Nếu có ai đặt câu hỏi trong năm nhiệm vụ của BTGCP, nhiệm vụ nào quan trọng nhất, ta có thể khẳng định mà không sai lầm là nhiệm vụ thứ tư này. Không riêng gì đạo Da-tô mà tất cả các tôn giáo có ý thức tách đạo khỏi vòng kiềm tỏa của Đảng đều là kẻ thù của dân tộc (xin đọc lịch sử liên hệ Cộng sản với Hòa Hảo, Cao Đài, cũng như Trung Quốc đối xử với Pháp luân công, Công giáo). Cũng chính nỗi lo sợ sức mạnh tiềm ẩn và vĩnh cửu của tôn giáo mà Đảng phải đưa ra một sắc lệnh và một nghị định kém khai hóa như thế.
 
Thứ năm, xây dựng và củng cố tổ chức Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở địa bàn có các tín đồ tôn giáo thật vững mạnh.
* Nhận xét: Đây là trực tiếp lồng Đảng vào trong giáo hội.

Những vi phạm nguyên tắc 2 "Không cấm đoán,  không yểm trợ"

Ls Scott Johnsen thuộc Human Rights Watch, trong cuộc phỏng vấn do Việt Hà thực hiện cho đài Á Châu Tự do, đã tuyên bố: "Theo tôi, Việt Nam là một nước một đảng độc tài, họ làm tất cả những gì có thể để cố gắng duy trì quyền lực. Vì thế họ cần phải đàn áp con người, đàn áp những người đối lập dám lên tiếng đấu tranh vì quyền con người, vì tự do tôn giáo, chẳng hạn như Phật giáo".
 
1. Mọi tôn giáo đều phải có giấy phép hoạt động. Để được phép, phải qua nhiều "khâu" phức tạp: đăng ký để được cấp "Giấy đăng ký hoạt động"; trong giai đoạn đăng ký, tôn giáo chỉ được hoạt động giới hạn như một ứng viên tập theo đạo quốc doanh; nếu hội đủ những điều kiện do Đảng đề ra, tôn giáo mới  được cấp "Giấy công nhận"; nhưng giấy phép này không có giá trị một lần, mà mỗi sinh hoạt, kể cả khóa tu tập, Phật pháp, cấm phòng, họp thường niên, đều phải xin phép và có thể bị chính quyền đình chỉ (vì bất cứ lý do nào, như an ninh quốc phòng, ổn định chính trị, đoàn kết dân tộc, phát triển kinh tế, văn hóa, văn minh, nếp sống mới). Trong tất cả các "khâu" đó, quan trọng nhất là mọi đơn xin đều phải qua một trung gian và đề bạt của nhóm tu sĩ thân tín của nhà nước (thường gọi là sư/cha quốc doanh).
 
2. Một hình thức vi phạm quyền tự do tín ngưỡng hiển nhiên nhất là mặt sau tờ chứng minh nhân dân. Luật hành chánh của các nước tân tiến cấm không cho bất cứ cơ quan công tư nào hỏi về tôn giáo của người khác. Nhưng trên tờ chứng minh nhân dân nước CSVN có ô riêng buộc người dân khai tôn giáo mình theo. (Cũng trên tờ CMND, người công dân VN còn phải khai dị hình dị tướng, cái mà ở các nước văn minh, đứa trẻ ba tuổi đã được dạy không được tò mò, mà phải kín đáo tôn trọng).
 
3. Nếu kể, dù thật sơ sài, hết các vụ đàn áp tôn giáo tại Việt Nam, e rằng phải vài ngàn trang sách. Vì vậy, không cần kể ở đây việc đàn áp các tôn giáo lớn như Phật giáo, Công giáo và Tin Lành, vì các tin tức liên quan đã được phổ biến rộng rãi khắp thế giới. Các tôn giáo lớn cũng có sự hậu thuẫn, can thiệp của tôn giáo hoàn cầu. Trong khi đó, các giáo phái khác như Hòa Hảo, Cao Đài bị trù dập trong bóng tối ít ai biết tới.
 
Vì vậy, xin chỉ đơn cử Phật giáo Hòa Hảo. Trong văn thư gửi Đảng và Chính phủ, nhằm xin trả tự do cho bà Mai Thị Dung, Cụ Lê Quang Liêm (PGHH Thuần Túy) viết: "PGHH luôn luôn là một nạn nhân thê thảm nhất trước chủ trương nghiệt ngã của đảng CSVN" . Cụ Hội trưởng Lê Quang Liêm (91 tuổi) kể về những đàn áp của CSVN như sau:
 
  "Đức Huỳnh Phú Sổ, bị CSVN ám hại 2 lần . Lần thứ nhất vào tháng 9 năm 1945 và lần thứ hai vào ngày 17-4-1947 nhằm ngày 25 tháng 2 nhuần năm Đinh Hợi và sau đó CSVN luôn tiếp tục theo đuổi chủ trương "tận diệt PGHH" trong mọi bối cảnh, trong mọi tình huống với mọi thủ đoạn , âm mưu có thể được , để trừ hậu hoạn."
 
 – "Hằng ngàn Trị Sự Viên, nhân sĩ PGHH bị CSVN giết. Hằng ngàn gia đình PGHH bị nhà tan cửa nát . Hiện giờ còn nhiều mồ chôn tập thể những thi hài nạn nhân PGHH bị CS giết, đại thể như ở tại Phú Thuận (Đồng Tháp) còn một nấm mồ với 467 thi hài , dầm sương dãi nắng, chơ vơ cùng tuế nguyệt. Ở Trường Long (Cần Thơ)… ở Bến Tre, v.v"
 
– "Từ sau ngày 30-4-75, CSVN trắng trợn thẳng tay triệt tiêu PGHH, có thể nói là suốt một thời gian 24 năm dài (1975-1999) PGHH như hoàn toàn bị xóa tên trong hàng ngũ cũng như trong mọi sinh hoạt tôn giáo trên đất nước VN."
 
 – "Đến tháng 5 năm 1999, trước sức tranh đấu ôn hòa nhưng quyết liệt của Khối PGHH TT đòi tái phục hoạt Giáo Hội PGHH, được thế giới tự do quan tâm , nhà cầm quyền CSVN phải dàn dựng cho ra đời Ban Đại Diện PGHH Trung Ương do Nguyễn Văn Tôn, một đảng viên CS có 61 tuổi đảng làm Hội Trưởng và 80% Trị Sự Viên trong Ban Đại Diện PGHH Trung Ương này cũng đều là đảng viên CS."
 
– "Từ năm 2000 đến nay, chỉ trong vòng 10 năm mà có trên 30 cán bộ PGHH TT phải vào tù với những bản án từ 3 năm đến chung thân. Hiện giờ còn 14 cán bộ PGHH TT đang ở tù tại trại tù Xuân Lộc (Đồng Nai) và luôn luôn bị ngược đãi đến mức độ có người phải lâm bịnh mà chết , đáng kể là khi bị bịnh thì chỉ được chữa trị "qua loa lấy lệ" với mục đích "chết một con nhòn một mũi" . Trước đây Ông Hà Hải , Chánh Thư Ký Giáo Hội Trung Ương PGHH TT bị án tù 5 năm, giam ở trại tù Xuân Lộc, đến năm thứ 3 thì cũng vì bị ngược đãi nên phải mắc bịnh ung thư phổi mà chết. Bây giờ lại đến phiên Mai Thị Dung, , một nữ cán bộ PGHH TT năng nổ, tích cực tranh đấu vì lý tưởng "TỰ DO TÔN GIÁO" nên bị kêu án đến 2 lần,  trước sau 11 năm và bị giam ở trại tù Xuân Lộc. Ba năm qua, Mai Thị Dung bị bạo bịnh mà không được giới hữu trách cho chữa trị gì hết, mặc dù người nhà nhiều lần khẩn cầu và cả đến tôi (Lê Quang Liêm) cũng tìm đủ mọi cách để cho Mai Thị Dung được chữa trị, nhưng đều không được nhà cầm quyền đáp ứng.  Nay thì Mai Thị Dung sắp chết, đáng lý nhà cầm quyền CS với tình người và người nên tìm đủ mọi cách để giúp đỡ nạn nhân đi chữa trị , trái lại giới hữu trách ở trại giam lại "thừa nước đục thả câu" bảo Mai Thị Dung phải ký giấy nhận tội thì mới được cứu xét đến việc đi chữa bịnh. .. Không chỉ có Mai Thị Dung mà cả hằng chục tù nhân PGHH đang ở tù tại trại giam Xuân Lộc đều nhất quyết không ký giấy nhận tội . . . vì thực sự trên cơ sở pháp lý họ có tội gì? Tội đòi hỏi Tự Do Tín Ngưỡng, Tự Do Tôn Giáo" ư ?"
(Thư số 892/VT/TƯ ngày 10.11.2010 PGHH Thuần Túy gửi CSVN và TTK Liên Hiệp Quốc)
 
4. CSVN ĐÁNH PHÁ TÔN GIÁO Ở HẢI NGOẠI.
 
Luật sư Scott Johnsen (Human Rights Watch) nêu một số bằng chứng CSVN có thâm nhập vào các giáo phái của người Việt ở hải ngoại để phá hoại :
 
-  "Có một trường hợp đặc biệt là có một nhà sư ở miền Tây Úc, ông đã từ chối không tuân theo chính quyền cộng sản Việt Nam, không chịu sự kiểm soát của chính quyền Việt Nam, vì thế họ đã tìm cách thâm nhập và tạo sức ép lên ông.  Ông đã dẫn phái đoàn các nhà sư Việt Nam ở hải ngoại đến quốc hội Úc theo lời mời vào năm ngoái. Ngay ngày hôm sau, chùa của ông bị báng bổ. Vào hồi đầu tháng 10 năm 2009, cũng vị sư đó dự hội thảo về Phật giáo ở Los Angeles và họ tuyên bố là họ sẽ không từ bỏ tự do tôn giáo và không đầu hàng cộng sản, tiếp tục đấu tranh cho nhân quyền, thì ngay sau đó một tượng phật trong chùa của ông bị chặt đầu"
 
-  "Cũng vào đầu năm 2009, vị sư này đã tài trợ cho một chuyến đi của giáo hội phật giáo Việt Nam thống nhất đi Paris để tuyên truyền một cuốn sách của Hòa thượng Thích Quảng Độ. Chỉ vài ngày sau ông nhận được một bức thư cáo phó cho ông gửi đến đúng địa chỉ của ông"
 
-  "Kiểu làm này của họ đã được thực hiện trong nhiều năm. Họ hứa với một vài vị sư tham gia để phá hoại phong trào dân chủ, phá hoại các nhóm hải ngoại. Bảo họ tham gia vào các nhóm đó, dò la tin tức, mang tin tức về cho chính quyền Việt Nam, cố gắng tạo sự chia rẽ. Tôi đã phỏng vấn một trường hợp 2 năm trước. Có một người Thượng muốn được đi North Carolina thăm gia đình. An ninh bảo ông ta là ông ta không thể đi, nhưng nếu ông ta cộng tác làm gián điệp theo dõi cộng đồng người Thượng ở North Carolina cho chính quyền thì họ sẽ để ông đi. Họ đã làm ở Mỹ, thì tại sao không làm ở Úc, nhất là với trường hợp của vị sư vừa nói với những sự kiện hết sức trùng hợp"
 
-  "Họ thiết lập một mặt trận. Họ có một hội thảo hồi tháng giêng năm 2009 gọi là phật giáo Việt Nam đoàn kết liên lục địa. Tôi đã nói chuyện với những nhà đấu tranh cho Phật giáo lâu năm, họ có những thông tin về mặt trận này. Việt Nam muốn các giáo phái ở hải ngoại không được nói về chính trị. Vì thế họ sử dụng mọi mánh khóe để làm cho các Phật tử ở hải ngoại phải im lặng, chịu theo đường lối của đảng Cộng sản"
 
(Theo cuộc phỏng vấn của ký giả Việt Hà, Đài Á châu Tự do ngày 15.7.2007)

 Những vi phạm nguyên tắc 3  "Đối xử bình đẳng giữa các tôn giáo"

1. Đảng phân biệt đối xử giữa các giáo hội quốc doanh và giáo hội độc lập. Đối với Phật giáo, nhà nước chỉ công nhận Giáo hội Phật giáo Việt Nam, mà phủ nhận, thậm chí đàn áp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất. Đối với Hòa Hảo, họ phủ nhận Phật giáo Hòa Hảo Thuần Túy để lập ra Ban Đại Diện Phật giáo Hòa Hảo Trung ương;  Đối với Công giáo thì Hội đồng Giám mục phải chịu sự kiểm soát của Ủy ban Đoàn kết Công giáo (gồm trên 100 linh mục quốc doanh)
 
2. Đảng đối xử bất bình đẳng bằng cách gây chia rẽ tôn giáo. Bằng tivi, báo chí, sách vở và cả côn đồ, Đảng mượn mồm và tay chân tôn giáo nọ đánh phá tôn giáo kia. Đặc biệt Đảng núp dưới những trang nhà có tên là "Phật giáo" để mạ lị, xuyên tạc giáo lý và lịch sử các đạo độc thần (Do-thái giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo) nhưng nếu đọc kỹ "hơi văn" sẽ thấy chỉ có một luận điệu quen thuộc của "Da Tô bí kíp" và của "Nguyễn Ái Quấc".  Nếu hỏi tại sao Đảng lại đặc biết thù ghét độc thần giáo, thì câu trả lời là Đảng cũng là một tôn giáo độc thần, nhưng độc đoán.
 
3. Không công nhận Lễ Giáng sinh như ngày quốc lễ, là một quyết định công bằng, đáng khen. Nhưng Đảng khiêu khích một cách không cần thiết khi cố tình xếp ngày thi tốt nghiệp và thi tuyển vào ngày Lễ Giáng sinh hay Lễ Phật đản

Những vi phạm nguyên tắc 4 "Bất can thiệp"

-  Đảng tự cho phép mình khai sinh hay khai tử một giáo hội
-  Đảng can thiệp vào việc đào tạo tu sĩ tôn giáo
-  Đảng can thiệp vào việc bổ nhiệm các chức sắc tôn giáo
-  Đảng can thiệp vào nội dung kinh sách của tôn giáo
-  Đảng can thiệp vào sinh hoạt tế tự
-  Đảng can thiệp vào hoạt động xã hội và văn hóa của tôn giáo
-  Đảng can thiệp vào sinh hoạt nội bộ của nhà thờ, chùa chiền, chủng viện, tu viện
-  Đảng đòi đích thân phân phát tiền bạc và phẩm vật cứu trợ của các cơ quan từ thiện tôn giáo
 
Trong 30 năm (1945-1975), Đảng dòm ngó vào cả nhà bếp, gầm giường của dân. Ngày nay không thấy ghi công tác này trong pháp lệnh hay quyết định chính phủ về tôn giáo, nhưng với những lý do "an ninh quốc phòng", "trật tự xã hội", "nếp sống văn minh" v.v. họ muốn dòm, muốn chui vào đâu cũng là làm công tác cách mạng mà thôi!

Những vi phạm nguyên tắc 5 "Bất quy chế hóa"

CSVN, đi ngược với giáo huấn Mác-Lê, ban hành ba văn kiện  để quy chế hóa tôn giáo, đó là
·       Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo, số 21/2004/PL-UBTVQH11
·       Nghị định Hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, Tôn giáo, số 22/2005/CP
·       Quyết định về Ban Tôn giáo Chính phủ, số 134/2009/QĐ-TTg
 
Quy chế hóa tôn giáo là đi ngược giáo huấn Mác-Lê.
Đặt ra các luật lệ bách hại trá hình là phản dân tộc.
 
1) Quy chế hóa tôn giáo:
Về PLTNTG, Luật sư Trần Thanh Hiệp nhận xét: "Pháp lệnh này có 41 điều thì 37 điều dành cho việc qui chế hoá quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và 4 điều cho việc thi hành pháp lệnh. Trong số 37 điều kể trên, chỉ có 1 điều độc nhất là không thấy có vết tích gì của sự hạn chế. Đó là điều 1. Còn 36 điều còn lại thì được dùng để bao vây, bào mòn, thậm chí mượn pháp lý để vô hiệu hoá công khai và hợp pháp, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Những gì chưa bị vô hiệu hoá, còn sót lại chút đỉnh thì lại phải theo chế độ 'xin phép trước', mà các nước tiên tiến trên thế giới đã phế bỏ từ mấy thế kỷ nay... Nói tóm lại, pháp lệnh 18-6 là một văn bản pháp lý phản nhân quyền, dân quyền, phản tiến bộ." (Đài Á châu Tự do ngày 15.7.2004)
 
Cũng Ls Trần Thanh Hiệp, trong một cuộc phỏng vấn khác, nói: "Nếu cái sản phẩm mà Uỷ ban Thường vụ đã nặn ra ngày 18-6-2004 không được thu hồi trước khi nó có thể tác hại thì từ ngày 15-11 trở đi, vĩnh biệt tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam"
 
2) Quy chế hóa việc bách hại:
- Giáo hội không có tư cách pháp nhân: Pháp lệnh TNTG bủa vây tôn giáo bằng 37 thiên la địa võng, nhưng không đề cập gì đến tư cách pháp nhân của tôn giáo. Với thái độ khinh thường tôn giáo, nhưng thực sự là khinh thường luật pháp, Ban TGCP đã cho đăng một bài tản mạn nhan đề Về pháp nhân của tổ chức tôn giáo trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam hiện hành. Bài tản mạn dài năm trang A4 viết lề mề quanh co, nhưng không xác nhận các giáo hội có tư cách pháp nhân hay không. Chỉ nói "nó" nằm trong điều 84 Bộ luật Dân sự năm 2005.
Nếu lấy Bộ luật Dân sự áp dụng cho tôn giáo thì các tôn giáo như  Bah'ai, Mennonite, Tin lành Báp-tít sẽ không có tư cách pháp nhân, vì điều 86 xác định một trong những điều kiện để có tư cách pháp nhân, là "pháp nhân phải có tên gọi bằng tiếng Việt".
- Quy chế hóa để đặt ra ngoài vòng pháp luật những tôn giáo độc lập. Ls Scott Johnsen nói, "Họ đã thay đổi sách lược bằng cách tạo nên những giáo phái hợp pháp và không hợp pháp" (Á châu Tự do, 15.7.2004)

Những vi phạm nguyên tắc 6 "Để tôn giáo tự chết dần "

Theo lý thuyết Mác-Lê, nhân loại tiến hóa theo thời gian, càng ngày càng văn minh tiến bộ. Lịch sử sẽ tự nhiên kết thúc ở thời vàng son, một thiên đàng địa giới hòa bình, vì không còn đấu tranh giai cấp. Chỉ vì muốn rút ngắn sự thống khổ của giai cấp bị bóc lột mà Đảng CS phải ra tay làm cách mạng bạo lực.
 
Nhưng riêng tôn giáo, ba ông tổ cộng sản cùng nhất trí dành cho nó một số phận đặc biệt – để cho nó tự sinh tự diệt, không can thiệp, với niềm tin nó sẽ tự chết dần mòn. Khoa học càng tiến bộ, đầu óc con người càng mở mang, và càng nhìn thấy không có thần linh, không có Trời, Phật. Chỉ có nguyên lý duy nhất: luật tiến hóa vật chất.
 
Phải chăng CSVN nghi ngờ luật tiến hóa vật chất, thiếu tự tin nên đã nôn nóng ra tay, quá nôn nóng thành "ngu xuẩn" (mượn từ Engels) ?

Kết luận

Bỏ pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo, giải thể Ban Tôn giáo Chính phủ, giải tán các ủy ban đoàn kết tôn giáo, cho các chức sắc quốc doanh hoàn tục... là cách thế xử lý "tốt đạo đẹp đời " nhất mà CSVN có thể làm. Việt Nam đã có ấp văn hóa, hẻm văn hóa, tất phải có Đảng và Nhà nước văn hóa nữa chứ!

Nếu Đảng giải quyết được vấn đề tôn giáo theo chỉ đạo Mác-Lê, biết đâu Đảng sẽ xử lý được một tiêu cực trong nhân loại mà bao ngàn năm qua, từ Néron tới Tần Thủy Hoàng và Stalin, chưa ai giải quyết được –  tôn giáo. Bởi vì kinh nghiệm cho hay đàn áp, kềm kẹp không những vô hiệu, mà đúng như lời Engels viết và Lenin lập lại rằng "tuyên chiến với tôn giáo là cách tốt nhất làm sống dậy sự quan tâm tới tôn giáo và ngăn cản nó khỏi thực sự tuyệt vong - such a declaration of war was the best way to revive interest in religion and to prevent it from really dying out".

Tháng Ba năm 2008 báo chí Âu châu xôn xao về việc ông Mikhail Gorbachev viếng thăm và ngồi trầm lặng nửa giờ đồng hồ trước mộ Thánh Francis thành Assisi – nhà vô sản chân chính, nhà cách mạng hòa bình. Tờ La Stampa của Ý viết đó là một "perestroika tâm linh". Chính Gorbachev xác nhận mình là một người vô thần. Nhưng mẹ ông, bà Maria Gorbachev và vợ ông, bà Raisa, là những tín đồ trung thành của Chính thống giáo. Người ta kể dưới thời khủng bố Stalin, mẹ ông vẫn lén đi nhà thờ và mừng lễ Phục Sinh, bà đã rửa tội cho Mikhail. Khi lên đỉnh cao quyền hành trong Đảng, Mikhail không bỏ việc mừng lễ Phục sinh chung với mẹ và sau này với vợ. Hai người đàn bà yêu quý nhất đời ông đã qua đời, càng làm cho ông suy nghĩ nhiều hơn.

Người cộng sản Việt Nam cũng nên suy nghĩ một chút về hiện tượng này: ngày nay, tại những nước mà Thiên Chúa giáo bị bách hại nặng nề nhất (như Nga, Ba-lan và các quốc gia cựu chư hầu Liên-xô) các tín đồ có đức tin mãnh liệt hơn đồng đạo của họ tại Tây Âu có tự do tín ngưỡng. Lenin đã giải thích rồi  – những người bị áp bức sẽ chạy tới tôn giáo.

Tâm Thanh
(Ngày lập xuân năm Nhâm Thìn)

Monday, January 30, 2012

Chúng tôi, Việt Kiều vẫn còn rất... lấn cần


Chúng tôi, Việt Kiều vẫn còn rất... lấn cần

Nguyên Dung

Mấy hôm trước tình cờ đọc qua lời phát biểu của ông Dương Trung Quốc:"Tôi không nghĩ kiều bào còn lấn cấn nhiều về chế độ chính trị...", trong bối cảnh nhà nước đang ra rả kêu gọi "hòa hợp dân tộc".

Đọc xong câu phát biểu quả quyết ấy, lòng tôi vẫn có gì rất lấn cấn…

Tôi không thuộc "tàn dư chế độ cũ", trái lại gia đình thuộc tầng lớp trí thức được hưởng nhiều ưu đãi của nhà nước. Bản thân tôi lớn lên dưới mái trường XHCN, đã được nhồi nhét kỹ lưỡng đạo đức XHCN, đạo đức người CS, lịch sử chói lòa của dân tộc, cuộc chiến hào hùng chống Pháp, chống Mỹ cứu nước… Tôi cũng bị học thuộc nằm lòng những nhân vật anh hùng có thật và cả không có thật trong lịch sử VN.

Chỉ có điều khi trí não của tôi bắt đầu biết tư duy độc lập thì cũng là lúc tôi bắt đầu tự hỏi mình: Sao một đất nước tươi đẹp với lịch sử hào hùng, những nhà lãnh đạo tuyệt vời gần như thần thánh lại có hàng vạn, hàng trăm ngàn người dân ào ạt sống chết bỏ quê hương mà đi như vậy? Thế rồi tôi bắt đầu ngờ ngợ nhìn lại chung quanh mình…

Thật khủng hoảng khi mỗi ngày vào lớp, những chiếc bàn, ghế trống rỗng, bạn bè cứ thưa thớt dần, thầy cô giáo cũng từ từ biến mất!… Chúng tôi thì thầm với nhau, chúng tôi buồn ngơ ngẩn vì không được nói lời chia tay. Làm sao cắt nghĩa được những đứa bạn học hàng ngày túm tụm chơi đùa, học hành cùng nhau, rồi bỗng dưng biến mất không một lời báo trước? Những cuộc chạy trốn thầm lặng mà quyết liệt những năm tháng đó vẫn ám ảnh tôi tới tận bây giờ.

Trí óc non nớt của tôi không ngừng đặt những dấu hỏi. Có đôi lúc về nhà hỏi bố mẹ thì chỉ nhận được những cái lắc đầu chán ngán của mẹ, tiếng thở dài và lời đáp bâng quơ của bố: - Đất nước thế này thì không bỏ đi mới là lạ!

Chẳng hiểu gì hơn, tôi bèn mở báo chí ra đọc thì chỉ thấy toàn những tin tức đại loại như: Toàn dân toàn quân quyết tâm thi đua lập chiến công mừng đại hội Đảng, mừng sinh nhật Bác, mừng kỷ niệm chiến thắng v…v…
Hoặc Bộ A, bộ B đã đạt chỉ tiêu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao…
Toàn những tin tức tốt đẹp, rặt một luận điệu như nhau!

Không một tờ báo nào, không một ai giải thích cho tôi tại sao người VN từ Sài Gòn, Hà Nội tới tận những vùng đèo heo hút gió bấy giờ đều rùng rùng bỏ cha bỏ mẹ, bỏ nhà bỏ cửa, bỏ ruộng vườn để chạy trốn đất nước của mình. Có lần tò mò không chịu nổi, tôi bèn hỏi cô giáo chủ nhiệm lớp. Cô dạy văn, tôi nhớ mãi giọng cô đều đều khi giảng cho chúng tôi những bài thơ của Tố Hữu, và những bài thơ sặc mùi máu lửa cách mạng khác. Khi tôi hỏi cô tại sao ai cũng đi vượt biên hoặc tìm cách đi bảo lãnh, có phải người ta sợ CS phải không cô? Thì cô tái mặt lấm lét nhìn quanh, rồi bảo nhỏ với tôi:"Em không được hỏi thế nữa nghe chưa? Hỏi như vậy là vi phạm kỷ luật."

Sau đó chừng vài tháng, cô cũng biến mất, chúng tôi tới tìm thì hàng xóm bảo cô đi vượt biên rồi, nhà đã bị tịch thu. Một lần nữa chúng tôi lại ngơ ngác!

Chúng tôi, những đứa còn lại tiếp tục đi học với hàng ngàn hàng vạn câu hỏi trong đầu, với nỗi thắc thỏm không biết bao giờ đứa bạn ngồi bên cạnh lại biến mất. Rồi tôi cũng hiểu ra rằng học sinh chúng tôi không có quyền hỏi, không có quyền thắc mắc. Chúng tôi chỉ được quyền học những gì ghi trong chương trình giáo khoa. Dù là những điều vô lý nhất, những điều không có thật…. Các thầy cô giáo vẫn lên lớp, giờ Pháp văn cô bắt chúng tôi dịch ra tiếng Việt những bài văn ca tụng mái trường XHCN, sự độc ác, đời sống nghèo khổ, bất công ở XH tư bản, nơi đó trẻ em nghèo không được đi học. Cô giáo dạy Pháp văn (một nữ tu, và cũng đã từng du học ở Châu Âu) lúc giảng tới đoạn này, đã cau mày, và im lặng vài giây, có lẽ cô áy náy biết mình đang bắt học sinh học những điều bịa đặt!

Thế rồi cũng đến lúc tôi bỏ xứ mà đi, vì thuộc vào diện được ưu đãi nên tôi dễ dàng xin qua Châu Âu du học.

Nhà sử học Dương Trung Quốc : "Tôi không nghĩ kiều bào còn lấn cấn nhiều về chế độ chính trị, có lẽ chỉ còn ở một thế hệ nào đó do hoàn cảnh lịch sử. Nói đến Việt kiều luôn có hai mặt, nhưng mặt tích cực là cơ bản, ta cần có chính sách ứng xử thích hợp, khai thác mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực"

Năm đầu bên trời Âu, tôi vẫn mang trong người một tấm lòng đầy nhiệt huyết, một niềm kiêu hãnh vời vợi của dòng máu VN, dân tộc đã từng đánh thắng Tàu, Nhật, Pháp, Mỹ. Nhưng rồi ngoài cái niềm kiêu hãnh suông ấy, tôi nhận ra rằng mình chẳng có một tí vốn tri thức nào. Tất cả chỉ là những giáo điều học vẹt. Ngay cả lịch sử VN, tôi cũng rất mù mờ. Thế hệ chúng tôi chỉ được học một thứ lịch sử đã bị bóp méo, bẻ cong nhằm ca tụng và thần thánh hóa Đảng và những lãnh đạo Đảng. Qua sách vở, báo chí nước ngoài tôi mới biết tới vết nhơ lịch sử như Cải Cách ruộng đất, Mậu Thân, những góc nhìn đa khía cạnh của cuộc chiến hai miền Nam Bắc, ai thật sự vi phạm hiệp định Paris v..v….

Câu hỏi cay đắng nhất của tôi là tại sao tôi phải học lịch sử của nước mình qua những thông tin lượm lặt ở nước ngoài? Tại sao và tại sao?

Tại sao những chính sách sai lầm như: Cải Cách ruộng đất, đày đi cải tạo hàng trăm ngàn người lính chế độ cũ, đánh tư sản, đuổi dân đi kinh tế mới, đổi tiền, lại không bao giờ được chính quyền CS công khai đem ra mổ xẻ rút kinh nghiệm?

Tại sao lại ỉm đi và thay vào đó là những khẩu hiệu được gào lên từ năm này qua tháng nọ: Đảng CSVN vinh quang dẫn dắt toàn dân đi từ thằng lợi này tới thắng lợi khác?

Tại sao và tại sao?

Tôi đi tìm gặp lại những người bạn, những thầy cô năm xưa. Từ khắp các nơi chúng tôi tìm về họp mặt. Giờ đây chúng tôi không phải e dè sợ sệt, nghi kỵ nhau nữa. Chúng tôi có thể nói với nhau tất cả những điều muốn nói.

Cô lớp trưởng năm xưa bây giờ đã thành một doanh nhân thành đạt cười bảo chúng tôi: Nếu năm xưa, không đi vượt biên thì giờ chắc đang quét rác!

Họ lần lượt kể cho tôi nghe lí do chạy trốn CS của họ. Thời gian đã làm mờ nhạt những ký ức đau đớn. Nhưng phải sống trong hoàn cảnh lúc ấy mới biết cái chết cận kề như thế nào, nguy hiểm rình rập từng người thế nào, nỗi đau kẻ ở người đi to lớn thế nào. Tất cả đều có một câu kết luận chung: Họ bỏ đi ngày ấy chỉ vì không còn sự lựa chọn nào khác! Qua những câu chuyện kể, lúc ấy tôi mới hiểu ra người ta bỏ chạy, sẵn sàng liều mạng, một sống hai chết, tự do hay là tù tội, kẻ liều mình đi trước phó mặc cho biển cả, cho sự run rủi của trời đất, để có cơ hội bảo lãnh kẻ đi sau. Những gia đình tan tác, những cuộc chia lìa bi thảm, chỉ vì chế độ CS quá hà khắc, quá nghèo đói. Vâng người ta sợ! Phải nói là sợ CS còn hơn sợ cái chết mất xác ngoài khơi. Tôi cũng gặp lại rất nhiều thầy cô, hơn hai mươi năm sau tôi lại hỏi cô giáo cũ của mình câu hỏi đã từng nung nấu tôi những ngày niên thiếu: Cô ơi ngày ấy cô dạy chúng em về cuộc sống tươi đẹp trong đất nước XHCN, thế cô có tin không ? Cô trả lời rằng cô không tin, cô chưa bao giờ tin vào những điều cô dạy chúng tôi dưới mái trường XHCN.

Đau lòng thay cho thế hệ chúng tôi đã buộc phải học những điều mà cả thầy lẫn trò đều biết là dối trá!

Ông Dương Trung Quốc lập luận rằng kiều bào không còn lấn cấn nữa về chính trị!

Thưa ông chúng tôi vẫn còn lấn cấn, rất lấn cấn là khác. Ở hải ngoại hiện giờ có hai nhóm: một nhóm chống cộng cực đoan, dị ứng tất cả cái gì liên quan tới hai chữ CS và HCM. Tôi không muốn bàn nhiều về họ, tuy hiểu và thông cảm cho mối hận thù sâu sắc dẫn tới sự quá khích của họ. Phần lớn đó là những người bị lừa mang quần áo đi học tập một tuần, sau đó bị bắt đi đày hàng năm dài trong những vùng rừng thiêng nước độc, sinh hoạt ăn uống còn kham khổ hơn cả một con chó, ngay cả chữ tù đày cũng bị bẻ cong để gọi là Học Tập. Đó là những gia đình bị chính quyền một ngày nọ tới xúc đi kinh tế mới, tịch biên nhà cửa của họ để chia chác cho cán bộ. Đó là hàng vạn con người miền Nam, một sáng đẹp trời bị liệt vào thành phần tư sản và công an ngang nhiên đến tận nhà vơ vét tất cả của cải, vàng bạc. Họ căm thù Chính Quyền Cộng Sản vô cùng! Họ càng phẫn hận hơn khi thấy những kẻ khi xưa không ngừng rêu rao chửi bới họ là ăn bơ thừa sữa cặn đế quốc Mỹ nay lại tìm mọi cách lũng đoạn, ăn bớt ăn xén công quỹ quốc gia, để có tiền cho con cái, dòng họ qua Mỹ, cái xứ tư bản xấu xa mà sách giáo khoa VN năm nào đã nói là trẻ em nghèo không được đi học. Những kẻ khi xưa liệt họ vào thành phần tư sản để có cớ cướp bóc tài sản của họ, nay lại giàu có hơn họ hàng ngàn lần, mà sự giàu có lại tới từ tham nhũng, đám người năm xưa đánh tư sản nay nghiễm nhiên trở thành tư sản đỏ mà không sợ ai trừng trị.

Nếu nhà nước thật lòng muốn xóa bỏ hận thù, muốn hàn gắn những vết thương sâu hoắm thì hãy ngừng ngay việc kêu gào hòa hợp bằng miệng.Việc giảm bớt thủ tục nhiêu khê cho Việt Kiều về thăm nhà, những cởi mở cỏn con làm sao hàn gắn được hết những vết thương lỡ loét, những tội lỗi tày đình của quá khứ. Muốn xóa bỏ hận thù với tầng lớp Việt Kiều chống cộng này, chính quyền còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Hãy nói thẳng và nhìn lại lịch sử. Hãy thẳng thắn nhận lỗi đã giam tù không xét xử hàng trăm ngàn người chế độ cũ, phân biệt đối xử con cái họ. Hãy cho du nhập báo chí, sách vở nói về cuộc chiến Nam Bắc với những cái nhìn đa chiều, những quan điểm của anh lính Bộ Đội và cả anh lính Cộng Hòa. Chính quyền Cộng Sản không thể chỉ kêu gào hòa hợp trong khi chỉ áp đạt lý luận của mình lên quá khứ, vẫn bóp méo lịch sử. Tất cả những ý kiến trái chiều đều bị chụp mũ là phản cách mạng. Hòa hợp không có nghĩa là kẻ chiến bại phải im mồm, kẻ chiến thắng mới được quyền độc diễn và độc thoại.

Hãy cùng nhau nhìn nhận những sai sót hôm qua để chữa lành những vết thương thù hận hôm nay.

Ở đây tôi chỉ muốn đề cập một cách sơ xài về những Việt Kiều chống cộng cực đoan, những con người còn mang nặng nỗi hận thù rất là chính đáng. Tầng lớp mà tôi muốn nói tới là những người Việt Kiều lúc nào cũng hướng về quê hương, yêu nước và muốn cống hiến rất nhiều cho quê mẹ. Họ rất đông đảo, ở khắp năm châu, bốn bể, có tri thức cao, có tấm lòng, rất nhiều trong số ấy đã được đào tạo tại những môi trường tốt nhất. Thử nghĩ nếu thu hút được sự đóng góp của họ thì cơ hội cho VN vươn ra thế giới sẽ nằm trong tầm tay. Nhưng... cũng nên tự hỏi tại sao hòa bình hơn 35 năm rồi, mà lực lượng bà con về giúp đỡ quê nhà lại èo uột thế? Lèo tèo vài ba tổ chức giúp VN về khoa học kỹ thuật, có thấm tháp gì so với hàng triệu kiều bào tại nước ngoài?

Tại sao tới giờ đóng góp của họ chỉ giới hạn trong việc gởi tiền cho thân nhân, thành lập các hội nhóm đoàn thể riêng lẽ làm từ thiện?

Ông Dương Trung Quốc và các ông lãnh đạo có hiểu vì sao không? Tôi nghĩ các ông hiểu, cũng như mọi người đều hiểu tại sao, chỉ có điều phía các ông không ai nhìn thẳng vào vấn đề, mà thay vào đó chỉ biết kêu gào và kêu gào.

Thưa là vì nhóm Kiệt Kiều này tuy họ không mang lòng hận thù sâu sắc với chính quyền cộng sản, nhưng họ chán và khinh bỉ (xin lỗi vì dùng từ xác đáng) chế độ chính trị tham nhũng, quan liêu, và ngu dốt đang thống trị tại VN.

Xin thưa họ hoàn toàn không có lòng tin vào bộ máy chính quyền hiện nay tại VN.

Đối với họ, chính quyền cộng sản đồng nghĩa với tráo trở, khôn vặt, độc tài và tham lam vô tận.

Khi nói về VN, hiện tình đất nước, họ thường thở dài và lắc đầu nguây nguẩy, buông những câu đại loại: Ai mà tin nổi tụi nó?

Hay: Dại gì mà đầu tư ở VN! Tụi nó muốn cướp là cướp! Toàn là luật rừng!

Hoặc: Thôi, làm ăn ở VN nhức đầu lắm, không đút lót không làm gì được đâu !

Đó là những gì chúng tôi vẫn nói với nhau khi bàn về chế độ chính trị và môi trường làm việc tại VN.

Ông chú tôi, Việt Kiều Pháp, từng được huân chương kháng chiến, đã từng đưa đón các ông lớn CSVN qua Paris ký kết các hiệp định tại Pháp, lúc về hưu ky ca ky cóp được ít tiền tiết kiệm, cộng thêm đám sinh viên Pháp cũng hùn lại trao cho ông một món tiền. Ông hồ hởi, phấn khởi đem về VN, tính thực hiện giấc mơ cuối đời của mình: xây một ngôi trường tình nghĩa tại cái làng nơi ông sinh ra. Ba tháng sau ông trở qua, mặt mày tiu nghỉu, tôi hỏi và được ông trả lời rằng CQ địa phương đòi ông xùy tiền thì mới cho xây. Cuối cùng ông quyết định mang tiền về trả lại cho sinh viên Pháp, vì thật lòng không biết cắt nghĩa làm sao với họ về khoản tiền bôi trơn ấy! Tôi vừa thương hại lại vừa buồn cười ông là CS lão thành mà còn ngây thơ: Ở VN không bôi trơn thì làm gì cỗ máy chạy?

Chúng tôi luôn nhìn về nước nhà để rồi càng nhìn càng… chán ngán, càng bàng hoàng!

Sống và được giáo dục tại những nước mà luật pháp nghiêm minh, bình đẳng, tự do ngôn luận, tự do phản biện, đại đa số VK không chấp nhận và bất mãn về thể chế chính trị trong nước. Những ý kiến đóng góp của chúng tôi về sự cải tổ xã hội, giáo dục đều như nước đổ đầu vịt. Ngay cả các lãnh tụ thế giới qua VN hội họp, thì những phần phát biểu nhạy cảm đều bị báo Đảng cắt xén thảm thương huống chi những góp ý của chúng tôi?

Các Việt Kiều về nước đầu tư, thử hỏi có ai không bị thuế má hoạch họe để phải xì tiền ra? Thử hỏi có ai không chung chi mà yển ổn làm việc? Thử hỏi ai không bị guồng máy hành chính vật cho tơi tả?

Nền giáo dục băng hoại, trộm cướp tràn lan, nạn tham nhũng hoành hành từ làng quê heo hút tới bản doanh trung ương. Nạn bằng cấp giả, nạn chạy chức chạy quyền. Càng làm chức cao càng vô liêm sĩ, không biết từ chức. Không tự do báo chí, văn học. Tiền cứu trợ dân nghèo cũng bị xà xẻo, hệ thống giao thông bát nháo, dự án công cộng nào cũng bị cắt xén, các quan lớn nhỏ thi nhau ăn vô tội vạ trên quê hương kiệt quệ, nợ nần ngập đầu. Những trí thức phản biện đều bị nhốt giam, quy chụp cái mũ phản động. Vài năm gần đây để đánh lừa dư luận lại dùng quái chiêu: "Quần chúng tự phát ức chế" để thẳng tay đàn áp, đánh đập nhân dân bất mãn. Những vấn nạn đó làm Việt Kiều yêu nước đau xót và làm kiệt quệ lòng tin của họ, dẫn tới việc bất hơp tác, thờ ơ với lời kêu gọi của chính quyền. Thử hỏi nếu Việt kiều ồ ạt kéo về nước làm việc, rồi lập hội lập nhóm, biểu tình họ có bị khép vào tội phản động không? Trong khi điều đó lại hết sức bình thường tại nước ngoài? Hay chính quyền chỉ muốn Việt Kiều cũng ngoan ngoan và dễ dạy như người dân trong nước, lâu lâu cho ăn cái bánh vẽ là hài lòng trùm chăn, bịt tai bịt mắt trước mọi bất công của xã hội?

Ngay bản thân tôi, nhớ lại hơn hai mươi năm trước, tôi đau đớn khi khám phá ra mình chỉ học những điều dối trá ở nhà trường. Hai mươi năm sau quay lại vẫn không có gì thay đổi! Cả một xã hội nói dối để sống, để làm việc, để được yên thân, để kiếm chác!


Ngoài đường vẫn giăng đầy những khẩu hiệu sáo rỗng. Càng nhiều khẩu hiệu đạo đức càng suy đồi, người ta càng chán ghét.

Tóm lại qua kinh nghiệm bản thân tôi nghĩ con đường hòa hợp dân tộc là con đường rất nhiều chướng ngại vật. Việc ra sức kêu gọi bằng mồm các Việt Kiều đóng góp xây dựng cho nước nhà là một điều khó thành hiện thực lúc này.

Chừng nào cơ chế chính trị trong nước thay đổi thì họa may. Chừng nào hai chữ hòa hợp không mang tính áp chế của phe chiến thắng thì mới nói tới chuyện cởi bỏ hận thù, hàn gắn dân tộc. Chừng nào những sai lầm chết người trong lịch sử không còn bị ém nhẹm, bóp méo, mà được công khai đem ra mổ xẻ trước bàn dân thiên hạ thì mọi người mới sẵn lòng ngồi lại với nhau, hàn gắn trên những đổ nát. Chừng nào?

Nguyên Dung

30/01/2012


Sunday, January 29, 2012

Tiêu Dao Bảo Cự - Tôi chẳng cần bất cứ một sự lãnh đạo nào



Tiêu Dao Bảo Cự - Tôi chẳng cần bất cứ một sự lãnh đạo nào


Phạm Thị Hoài thực hiện


Phạm Thị Hoài: Thưa ông Tiêu Dao Bảo Cự, khi còn là đảng viên, ông trải nghiệm sự lãnh đạo của Đảng như thế nào?

Tiêu Dao Bảo Cự: Tôi vào Đảng ở Miền Nam trước năm 1975 (lúc đó có tên là Đảng Nhân dân Cách mạng Việt Nam tức Đảng Cộng sản ở Miền Nam) trong một tình thế hoàn toàn khác với Miền Bắc hoặc cả nước sau 1975. Lúc đó chúng tôi không quan tâm và nói gì đến việc xây dựng chủ nghĩa xã hội, chỉ có đọc qua đôi chút lý thuyết về chủ nghĩa cộng sản, quan trọng là nghiên cứu 5 bước công tác vận động quần chúng và tập trung cho mục tiêu chống sự can thiệp của Mỹ, chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình.

Trước 75, trong một chi bộ bí mật, chúng tôi chỉ được quán triệt các nhiệm vụ chiến lược và cùng nhau trao đổi, bàn bạc những việc cần làm một cách cụ thể, sáng tạo giữa những người đồng chí hướng, cùng lý tưởng. Ngay sau 1975, những cuộc họp của Đảng đã được mở rộng, công khai, nghe quán triệt các nghị quyết của trung ương và trao đổi một cách tương đối dân chủ, cởi mở những việc cần làm. Giữa các đảng viên, phần lớn từ trong rừng ra và đảng viên tại chỗ, ngoài tình đồng chí còn coi nhau như trong một gia đình lớn, thường gọi nhau là anh – em, chú – cháu tùy theo tuổi tác, một cách thân ái và chân tình. Về sau nữa, các nghị quyết của trung ương có tính cách bài bản và chi tiết hơn, các địa phương chỉ rập khuôn, ít sáng tạo.

Dần dần, nghị quyết của Đảng và thực tế cuộc sống ngày càng xa cách. Tôi là một trong số rất ít đảng viên nêu thắc mắc trong khi những người khác chỉ biết "quán triệt". Cho tới một lúc tôi thấy sự lãnh đạo của Đảng đã khác biệt quá xa với lý tưởng và hoài vọng của mình, tôi bắt đầu phản bác, chống đối nên cuối cùng bị khai trừ. Đảng và tôi đã không còn đi chung đường.

Phạm Thị Hoài: Từ khi bị khai trừ khỏi Đảng, ông có thấy mình trở thành một con người khác không?

Tiêu Dao Bảo Cự: Cuối năm 1988, Bùi Minh Quốc và tôi ở Hội Văn nghệ Lâm Đồng tổ chức chuyến đi xuyên Việt đòi tự do sáng tác, báo chí, xuất bản và đổi mới thực sự, có nhà thơ Hữu Loan cùng đi. Trên đường từ Hà Nội về Đà Lạt, tôi đã viết bản dự thảo tuyên bố ra khỏi Đảng, chung cho Bùi Minh Quốc và tôi. Anh Quốc không đồng ý, anh nói nếu cần cứ để bị khai trừ và tiếp tục khiếu nại như một cuộc đấu tranh trong nội bộ Đảng, làm rõ đúng sai, tranh thủ những người tốt trong Đảng. Trong hoàn cảnh đó, tôi không thể tách ra khỏi anh Quốc để làm một mình vì chúng tôi cùng một cảnh ngộ, cùng một cuộc chiến đấu và đang rất đơn độc. Cuối cùng, sang năm 1989, cả hai đều bị khai trừ sau một cuộc đấu tranh gay gắt trong Hội Văn nghệ Lâm Đồng và nội bộ Đảng, không chỉ ở đảng bộ địa phương mà liên quan đến tận trung ương.

Sau khi bị khai trừ Đảng, họa sĩ Lưu Công Nhân lúc đó thỉnh thoảng qua lại Hội Văn nghệ, đến thăm tôi và chúc mừng tôi đã được "giải phóng". Ông còn nói thêm, các anh ở trong này chưa hiểu biết về cộng sản, nếu các anh ở ngoài Bắc trước đây mà làm như vậy thì đã tù mọt gông hay "giữa đường mất tích" rồi.

Dù ở trong hay ngoài Đảng, tôi chỉ là tôi, không hề là con người khác. Tôi vào Đảng là tự nguyện, chấp nhận và bị chi phối bởi những nguyên tắc, quy định của Đảng. Khi ra khỏi Đảng, tôi không còn những ràng buộc đó và có nhiều tự do để thể hiện con người đích thực của mình.

Phạm Thị Hoài: Nếu phải giải thích cho một người chưa bao giờ sống dưới sự lãnh đạo của Đảng hiểu được, ông có thể giải thích như thế nào?

Tiêu Dao Bảo Cự: Đảng lãnh đạo chủ yếu thông qua hai phương diện, tư tưởng và tổ chức.

Tư tưởng thể hiện qua cương lĩnh của Đảng, nghị quyết của trung ương và các cấp bộ Đảng mà từng đảng viên phải quán triệt để thực hiện. Tổ chức có quy hoạch đào tạo, dàn xếp, điều chuyển bộ máy lãnh đạo các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương của Đảng, chính quyền, đoàn thể một cách hết sức chặt chẽ. Ngoài ra còn có nguyên tắc cá nhân phục tùng tổ chức, địa phương phục tùng trung ương. Phương pháp đấu tranh phê bình, tự phê bình là một phương pháp rất có hiệu quả để bảo đảm sự thống nhất ý chí, đoàn kết trong Đảng.

Theo cảm nhận riêng của tôi, vài năm sau 1975, ở các đảng bộ tôi sinh hoạt, phương pháp này được thực hiện tương đối tốt vì các đảng viên đấu tranh thẳng thắn, không khoan nhượng những biểu hiện sai trái, lệch lạc, trong tinh thần gọi là "trị bệnh cứu người" giữa những người đồng chí.
Về sau này khi đã nắm vững quyền lực, với tư thế của một đảng cầm quyền độc tôn, lợi xen lẫn vào quyền, đi đôi với quyền, cấu kết quyền và lợi bắt đầu tạo ra sự suy thoái, sa đọa trong Đảng. Người ta không còn dám đấu tranh phê bình, tự phê bình một cách thẳng thắn, trong sáng mà nể nang, dựa dẫm nhau, "lắng nghe hơi thở của lãnh đạo", kết bè cánh, kèn cựa hại nhau, tranh địa vị quyền lợi. Dù Đảng đã từng cảnh báo "Hãy cảnh giác với quyền lực" nhưng lời kêu gọi này không còn giá trị gì khi một đảng trở thành độc tài toàn trị, quyền lực vô biên đi đôi với lợi lộc tràn trề trong nền kinh tế thị trường hoang dã, kích thích lòng tham vô đáy của con người. Sự lãnh đạo của Đảng lúc này trở thành sự khống chế của một tập đoàn thống trị cấu kết nhau trong quyền và lợi.

Phạm Thị Hoài: Còn với giới trí thức, Đảng lãnh đạo họ thông qua công cụ gì?

Tiêu Dao Bảo Cự: Cũng thông qua tư tưởng, tổ chức. Ngoài cương lĩnh, nghị quyết chung còn có chiến lược phát triển của từng ngành do Đảng vạch ra, được triển khai trong các hội nghị, hội thảo chuyên đề. Trong điều kiện gọi là "Đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối và triệt để" và trong bộ máy lãnh đạo của Đảng không có nhiều trí thức, sự lãnh đạo này đôi khi khập khiễng, thiếu tầm, khiên cưỡng, áp đặt. Một số hình ảnh được chiếu trên truyền hình làm cho nhiều người xem cảm thấy nhục nhã khi các nhà trí thức hàng đầu của đất nước phải ngồi lắng nghe huấn thị của một cán bộ lãnh đạo Đảng về các lĩnh vực chuyên môn mà trình độ của người đó không đáng là học trò của họ. Đành rằng không có người lãnh đạo của bất cứ quốc gia nào, dù tài giỏi đến đâu, có thể thông thái về hết mọi lãnh vực, tuy nhiên người lãnh đạo đất nước nhất định phải có trí tuệ cao, tầm nhìn chiến lược, lòng hi sinh phục vụ đất nước, mới có thể nói cho người khác lắng nghe.

Phạm Thị Hoài: Ông có cho rằng giới trí thức cần sự lãnh đạo đó không?

Tiêu Dao Bảo Cự: Đặc điểm của giới trí thức là nặng tư duy, thích phản biện và sáng tạo. Nếu lãnh đạo đã đưa ra định hướng cứng nhắc, ràng buộc trí thức thì không những không giúp ích cho sự phát triển của giới trí thức mà còn làm cho họ trở nên thui chột, xơ cứng, thậm chí hèn nhát, tráo trở, gian dối để được lòng lãnh đạo. Điều này đã làm cho sinh hoạt của giới trí thức trì trệ trong nhiều năm qua, tụt hậu rất xa so với các nước khác, trên mọi lãnh vực nghiên cứu khoa học, giáo dục, văn học nghệ thuật.

Phạm Thị Hoài: Và bản thân ông?

Tiêu Dao Bảo Cự: Hiện nay tôi là một người cầm bút tự do, tôi chẳng cần bất cứ một sự lãnh đạo nào. Tôi nhìn nhận, đánh giá mọi việc theo tư duy, trí tuệ và lương tâm của mình. Tôi viết, dù là chính luận hay sáng tác văn học đều hướng về chân – thiện – mỹ, những giá trị có tính phổ quát toàn nhân loại mà tôi có thể thu nhận qua tri thức đông tây kim cổ. Tôi không cần một lý thuyết hay sự chỉ đường của bất cứ ai.

Phạm Thị Hoài: Sự lãnh đạo của Đảng hiện nay có gắn với những nội dung tích cực hoặc cần thiết trong một lĩnh vực nào của đời sống?

Tiêu Dao Bảo Cự: Trên lý thuyết, sự lãnh đạo của Đảng đề cập những vấn đề thiết yếu của đời sống nhưng vì nó chưa xứng tầm với đất nước và thời đại, cố gò vào những lý thuyết giáo điều và tư tưởng đã lỗi thời, mục đích là giữ vững độc quyền lãnh đạo, nên đã làm trì trệ thay vì phát triển đất nước, phục vụ xã hội. Trong tình hình đó, nhiều kẻ bám vào để mưu lợi hoặc theo đuổi những mục đích cá nhân là điều tất yếu.

Phạm Thị Hoài: Theo ông, không có sự lãnh đạo đó, xã hội có rơi vào hỗn loạn, khủng hoảng không?

Tiêu Dao Bảo Cự: Theo một nghĩa rộng, bất cứ quốc gia nào cũng cần có sự lãnh đạo của những người cầm quyền, thông qua chiến lược phát triển quốc gia, các kế hoạch 5 năm, 10 năm… chứ không thể để xã hội vận hành một cách tự do, không định hướng được. Hiện nay Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất cầm quyền, dĩ nhiên Đảng tự cho mình quyền lãnh đạo. Ở đây có hai vấn đề đặt ra:

Một là Đảng có xứng tầm lãnh đạo đất nước không? Không thể chỉ vì "được lịch sử giao phó sứ mệnh" như Đảng vẫn thường tự hào, giao một lần rồi tự cho mình quyền lãnh đạo mãi mãi. Điều này không khác chế độ phong kiến ngày xưa. Ngày trước là "vạn tuế", bây giờ là "muôn năm", một khi chiếm được quyền lực, những người cầm quyền đều tự coi đất nước như của riêng dòng họ, đảng mình một cách vĩnh viễn. Mặt khác, không có sự lãnh đạo hay lãnh đạo sai lầm đều đưa xã hội đến chỗ hỗn loạn, khủng hoảng, gây ra nhiều tội ác, thậm chí đưa đất nước vào họa diệt vong như nhiều bằng chứng lịch sử nhân loại đã cho thấy.

Trong "Thư ngỏ gởi những người cộng sản Việt Nam" viết năm 1996 (đã công bố trên một số phương tiện truyền thông lúc đó và một số trang web sau này), gởi ban soạn thảo cương lĩnh Đại hội Đảng lần thứ VIII, trước khi đề nghị từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin, chống thần thánh hóa lãnh tụ, thực hiện tự do dân chủ và đa nguyên chính trị, thực sự đoàn kết và hòa giải dân tộc, điều đầu tiên tôi đề cập là trưng cầu ý dân về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Trước đó nữa, khi còn là đảng viên, tôi cũng đã có lần phát biểu điều tương tự trong một hội nghị của Đảng. Những người cầm quyền hiện nay chưa đủ bản lĩnh và thiện ý để làm điều này. Đó cũng là một trong những lý do làm tôi trở thành một trong hai người đầu tiên bị áp dụng nghị định 31/CP về quản chế hành chính trong 2 năm 1997 – 1999 (người kia là Bùi Minh Quốc).

Hai là bộ máy lãnh đạo quá cồng kềnh, tốn kém. Một đất nước còn nghèo đói mà có tới 3 bộ máy Đảng, chính quyền, đoàn thể "ăn" ngân sách nhà nước, chưa kể phải nuôi một lực lượng quân đội và công an hùng hậu, làm sao có đủ tiền của để lo cho nhân dân, phục vụ phúc lợi xã hội. Tinh giản bộ máy là điều đơn giản, quá dễ thực hiện nhưng Đảng vẫn không làm vì không muốn mất quyền và lợi. Ngược lại, nhân dân chẳng ai muốn phải gánh oằn lưng bộ máy cồng kềnh nặng nề này bằng mồ hôi, nước mắt của mình.

Phạm Thị Hoài: Theo ông, đảng viên có quyền và có nên phủ nhận độc quyền lãnh đạo của Đảng không?

Tiêu Dao Bảo Cự: Đảng viên phải tuân thủ điều lệ và những nguyên tắc, quy định của Đảng. Điều này được áp dụng cho bất cứ tổ chức Đảng nào, nếu ai không muốn, đừng gia nhập Đảng. Tuy nhiên chuyện độc quyền lãnh đạo, "tuyệt đối không chia sẻ quyền lãnh đạo cho ai khác" trong khi mình chẳng phải là những người ưu tú nhất, cho thấy một ý thức chiếm hữu hẹp hòi, vì quyền lợi riêng của cá nhân và Đảng chứ không phải vì quyền lợi của nhân dân, đất nước, ngược với mục đích, tôn chỉ của đảng. Do đó tôi nghĩ đảng viên nào thực sự có lý tưởng vì dân vì nước không thể không đặt ra vấn đề này.

Thực tế, đa số đảng viên hiện nay đều gắn bó với Đảng vì quá khứ, lợi quyền nên dù thấy Đảng sai lầm vẫn không công khai phản bác hay có phản bác nhưng vẫn tiếp tục ở trong Đảng, hưởng lợi quyền do Đảng mang lại. Rất ít người từ bỏ Đảng hoặc phê phán Đảng một cách triệt để (nhưng hiện tượng này đang có xu hướng ngày càng tăng). Nếu không có nhiều đảng viên như thế, Đảng sẽ đi vào thoái trào trong giai đoạn gọi là "tham quyền cố vị", xa lạ với lý tưởng tốt đẹp mà Đảng vẫn tuyên truyền.

Phạm Thị Hoài: Nếu được khôi phục đảng tịch, ông sẽ làm gì?

Tiêu Dao Bảo Cự: "Guồng máy khi vận hành đã đè bẹp mọi lương tri hay lương tri không có chỗ trong guồng máy. Guồng máy đã trở nên vô hồn theo đà quay của nó. Mỗi người chỉ là một bộ phận, một chi tiết, một đinh ốc. Đinh ốc nào rơi ra như tôi sẽ bị nghiền nát. Không có sự phản kháng chống đối trong guồng máy vì như thế sẽ làm nó tê liệt. Chỉ có cách phá vỡ tung và làm lại theo cấu trúc mới. Có phải như vậy không?
Đúng ra tôi không nên vào Đảng. Tôi là một kẻ yêu tự do, muốn tung trời lướt gió, làm sao có thể ở trong một Đảng được. Đảng là một tổ chức, một phương tiện, tập hợp sức mạnh, ý chí và hành động của nhiều người để đạt đến một lý tưởng chung. Nhưng khi lý tưởng chung đã không còn, Đảng sẽ trở thành tù ngục và là nơi thanh toán lẫn nhau. Đảng phải thuần nhất, nếu không Đảng sẽ mất sức mạnh dù đó là sức mạnh mù quáng. Những người lãnh đạo Đảng hiểu rất rõ điều đó.

Đảng cầm quyền lại có thêm yếu tố quyền lực và quyền lợi gắn kết các thành viên. Sau bao nhiêu tổn thất, mất mát trong đấu tranh, khó ai có thể từ chối những yếu tố mới đầy hấp dẫn và lạc thú, có sức lôi cuốn mạnh hơn cả lý tưởng ngày xưa. Điều này giúp tôi hiểu thêm bản chất của con người và tính chất của guồng máy này. Lý tưởng và quá khứ với những tủi nhục và vinh quang đã ràng buộc họ vào một tổ chức, quyền lực và quyền lợi đã cố kết họ trong guồng máy.

Guồng máy này dị ứng với những người và cách phản ứng như tôi."

Trên đây là một đoạn trích ở chương 3 nói về guồng máy trong cuốn sáchMảnh trời xanh trên thung lũng (NXB Văn Mới, Cali, Hoa Kỳ 2007), viết về suy nghĩ và tâm trạng của tôi sau bị khai trừ Đảng. Trước đây tôi vào Đảng trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt để cùng với những người đồng chí hướng chiến đấu có hiệu quả trong một tổ chức. Bây giờ mọi chuyện đã rất khác, quá khác ngày trước, và với tình hình của Đảng như đã phân tích trên, tôi còn vào Đảng hay trở lại Đảng để làm gì?

Phạm Thị Hoài: Ông có tin rằng Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tự chuyển mình thành một đảng dân chủ, từ bỏ chế độ toàn trị và cùng các đảng phái khác chia sẻ trách nhiệm điều hành đất nước?

Tiêu Dao Bảo Cự: Đảng Cộng Sản Việt Nam có khả năng thích nghi rất lớn. Lịch sử Đảng cho thấy Đảng đã nhiều lần đổi tên, thay đổi đường hướng chiến lược để tồn tại và phát triển. Đảng cũng thấy rõ xu hướng hiện nay của toàn nhân loại là xu hướng dân chủ, nhưng Đảng sẽ không tự nguyện chuyển hóa về phía dân chủ vì như thế sẽ mất độc quyền lãnh đạo, có nghĩa là mất nhiều quyền lợi. Tuy nhiên xu thế lịch sử không cho phép họ tiếp tục giữ mãi độc quyền. Xu thế lịch sử ở đây không hiểu chung chung mà là ý thức dân chủ và tinh thần phản kháng của người dân ngày một lên cao, cộng với sức ép của quốc tế trên đường hội nhập. Đảng sẽ phải chuyển hóa nhưng tốc độ chuyển hóa tùy thuộc vào tác động nói trên và với sự tính toán, chuẩn bị chu đáo bằng nhiều thủ thuật, làm thế nào vẫn chiếm thế thượng phong, ít ra là thời gian đầu, trong cuộc chơi dân chủ không thể tránh được. Dù sao đó cũng là kịch bản tương đối ít gây xáo trộn, mất mát. Nếu Đảng vẫn khăng khăng quyết giữ độc tài toàn trị, đến một lúc nào đó, khi người dân không thể chịu đựng nổi, nhất định bạo loạn sẽ nổ ra, Đảng và nhân dân đều chịu tổn thất rất lớn. Trách nhiệm trước lịch sử về thảm kịch đó thuộc về Đảng.

Đối với riêng tôi, điều mong chờ lớn nhất là sự tỉnh thức, can đảm đứng lên làm chủ của người dân, đại bộ phận nhân dân, mà đi đầu là tầng lớp tinh hoa và giới trẻ. Điều này cần có thời gian. Nhưng thời gian kéo dài cũng có nghĩa là chịu đựng và khổ đau kéo dài.

Phạm Thị Hoài: Cảm ơn ông Tiêu Dao Bảo Cự.
______________

© 2012 pro&contra