Monday, October 24, 2011

Suy thoái đạo đức, biểu hiệu rõ nhất của diệt vong

Văn Quang - Từ Sài Gòn, ngày 22.10.2011
 
Suy thoái đạo đức, biểu hiệu rõ nhất của diệt vong
 
Thưa bạn đọc, lẽ ra đề tài về bệnh viện tại VN, tôi hứa với bạn đọc phải được tiếp tục từ tuần trước. Nhưng như bạn đọc đã biết, tôi có một người bạn và cũng là người thầy đáng kính mới vĩnh viễn ra đi nên tôi không thể không viết ngay đôi hàng vĩnh biệt. Kỳ này xin trở lại với đề tài còn bỏ dở đó.
 

Lương y như từ mẫu hay như "tiền trảm"?                                

Thoạt nhìn cái tiêu đề "Lương y như từ mẫu hay như tiền trảm", chắc nhiều vị lương y thấy sốc nặng, thoạt nghe tôi cũng thấy sốc vì bạn tôi và các con, các cháu tôi ở VN hay ở nước ngoài cũng có một số người là bác sĩ. Nhưng thật ra cái lối ví von, so sánh "độc ác" kia đã công khai được nói đến ở VN từ lâu rồi, không chỉ trong giới "bình dân" mà ngay cả với giai cấp trung lưu, có học, có bằng thật hẳn hoi chứ không phải bằng giả. Không nói thì bạn cũng biết nguyên nhân chính của nó chỉ vì chiếc phong bì, nói thẳng ra là hối lộ cho các vị lương y, cho cả các nhân viên y tế và cả anh cò mồi, anh giữ xe của bệnh viện, nhất là bệnh viện công. Bên cạnh đó là những vần đề thuộc phạm vi chuyên môn và "cơ chế… đói".
 

Đã "mổ xẻ" vấn đề thì mổ cho trót, không úp mở. Muốn chữa bệnh nan y thì phải tìm đúng bệnh. Cho nên tôi ngần ngại mãi rồi cũng phải chọn cách này. Tôi tin là bạn bè tôi là "tu bíp" hay "lang ta" dù ở VN hay ở nước ngoài sẽ thông cảm và đồng tình với tôi. Bởi tôi, cũng như các vị bác sĩ (BS) và con cháu tôi muốn cho người thầy thuốc, dù ở bất cứ đâu cũng phải được kính trọng. "Con sâu làm rầu nồi canh", nếu cứ để tình trạng bê bối, nham nhở này diễn ra là mối nhục chung.

Tôi không biết chuyện ở nước ngoài nên ở đây, tôi chỉ nói chuyện về tình hình đó ở VN mà thôi.

 

Khái niệm đến bệnh viện công nhoà nhạt

Trước khi đi vào phân tích câu chuyện về bệnh viện và lương y, đang là một đề tài rất nóng xuất hiện trên hầu hết các báo ở VN hiện nay, tôi xin nói ngay đến trường hợp cụ thể của mình. Phải nói đúng là từ lâu lắm rồi, cái "khái niệm" đi bệnh viện công trong tôi và nhiều người quanh tôi, dường như không còn nữa. Nói đến đi bệnh viện (BV) là nghĩ đến bệnh viện tư.

 

                                          
 

Mà có đến BVcông thì cũng là đến nơi khám "dịch vụ", cũng đắt tiền và được chăm sóc như bệnh viện tư. Ở đó công và tư nhập nhằng, BV tư trong BV công, công mà tư. Thí dụ vào BV công lớn, trong cái mớ người đứng hỗn độn, chen chúc lố nhố hơn cái chợ trước đủ các thứ khoa nội, khoa ngoại, bạn sẽ chìm nghỉm trong cái chợ đó. Nhưng nếu bạn "khám dịch vụ" thì có nơi có chốn riêng, được tiếp đãi đàng hoàng hơn, nằm cái phòng lên tới 1-2 triệu đồng một ngày, chưa kể tiền khám, tiền thuốc, tiền chữa bệnh, tiền phục vụ. Như thế chẳng khác gì BV tư. Cho nên cứ đi thẳng một lèo tới BV tư cho được việc, đỡ mất công chầu chực, có khi còn chết oan.

 

Bệnh viện tư ở VN bây giờ cũng khá "tối tân". Và tất nhiên bạn cần phỏng chừng cái túi tiền của bạn phải tỉ lệ thuận với sự tối tân "khủng" tức là nhiều máy móc, thiết bị y tế mới hoặc tối tân "một nửa". Những BV "khủng" ở Sài Gòn, Hà Nội và vài đô thị lớn bây giờ cũng "oách" lắm rồi. Đó là nói theo kiểu người Bắc, còn trong Nam gọi là "sang" là "xịn" lắm rồi. Cuộc chạy đua giữa các BV công và tư nằm trong lãnh vực kinh doanh nhiều hơn là mục đích phục vụ. Bỏ tiền ra xây dựng, mở rộng BV, mua các thiết bị mới từ các nước văn minh về VN, các nhà kinh doanh này mong kiếm lời nhiều hơn. Đó cũng là lẽ tất yếu, giảm bớt số đô la chảy ra các BV nước ngoài.

 

Thông thường ở VN bây giờ, bệnh nhân chuộng Singapore rồi đến Mỹ. Câu chuyện "sính Sing"(*) từ chục năm trước, bắt đầu từ "đại gia", bây giờ đến cả nhà giàu mới nổi, chủ công ty, hãng buôn cũng có vẻ "sính Sing" và "thích đi Mỹ chữa bệnh", nhân thể thăm họ hàng, du lịch. Tôi chỉ nói cho rõ chứ không có gì đáng chê, đáng trách cả. Họ có quyền tiêu tiền chính đáng, lo cho mạng sống của mình, khi mà họ chưa thể tin tưởng được tài năng của Bác Sĩ cũng như kỹ thuật của các Bệnh Viện ở nước mình. Tôi không nói đến các đại quan và những anh nhà giàu hay "ăn vụng",  mượn lý do chính đáng đi chữa bệnh, đau bụng cũng đi Sing chữa mới khỏi.

~~~~~~~~~~

(*) sính Sing: khoái đi chữa bệnh ở Singapore 

 

Bệnh Viện tư và cái túi tiền

Vào BV Việt Pháp ở TP Sài Gòn chẳng hạn, thường là bạn chuẩn bị sẵn chừng một hai chục triệu đồng trước, còn mọi thứ tính sau. Vào cái BV tư nổi tiếng tí đỉnh hay đến BV "còm" ở mấy con phố nhỏ cũng được. Nhưng dù là ở con phố nhỏ, con hẻm hay chung cư mà ông BS đó có tiếng thì cũng coi chừng cái bóp dày hay mỏng. Anh ít tiền thường chui vào BV công, dù có bị "tì bà hành" ráng chịu. Dù ai cũng biết, vào BV công là bước vào một cuộc chiến đấu với những giờ phút dài gian khổ. Gian khổ trên từng mi-li-mét, từ ở sân BV, ở hành lang, trên lối đi, trong phòng vệ sinh, ở phòng khám, ở nơi "nội trú". Vài bệnh nhân (BN) nằm một giường là chuyện tự nhiên rồi, khỏi hỏi. Kẹt quá thì nằm gầm giường còn hơn là chết.

 

Người mắc bệnh mà ít tiền thì "cũng đành nhắm mắt đưa chân, thử xem… bệnh viện xoay vần đến đâu". (Dân nhái thơ cụ Nguyễn Du) – Giống hệt thân phận Thuý Kiều lưu lạc. Rất nhiều những gia đình cố xoay xở, vay mượn cho thân nhân đến một BV tư, quá với khả năng mình. Nếu có bảo hiểm thì đỡ hơn, nhưng nói thật, bạn cầm cái giấy bảo hiểm là hầu như nhân viên các BV công hay tư, đều "thiếu cảm tình" với bạn ngay. Đưa thẻ bảo hiểm ra, coi như được yểm trợ nhà nghèo. Nhưng lại bị "chém" đau hơn. Xin dẫn chứng cụ thể:

 
Chị Thu Minh ở Vĩnh Phúc tiết lộ: 

"Tôi có dịp đến Bệnh Viện đa khoa tỉnh để chăm sóc chị gái khi đến ngày sinh nở. Chị tôi có thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng vẫn phải đặt cọc 1.500.000 đồng tiền viện phí. Chị tôi được Bác sĩ chỉ định mổ đẻ, và sau khi ca mổ kết thúc ,bác sĩ gọi người nhà vào yêu cầu nộp 1.000.000 (một triệu) tiền bồi dưỡng cho các y bác sĩ ca mổ. Khi chị và cháu tôi được chuyển từ phòng mổ về khoa thì Bác sĩ ở khoa lại gọi người nhà vào phòng,tôi theo vào và Bác sĩ hỏi tôi tiền cho bồi dưỡng? Tôi bảo: cháu đã đưa 1 triệu trên phòng mổ rồi thì Bác sĩ khoa sản bảo: Đấy là ở trên đấy, còn ở đây chưa có! Vì chị mình vẫn còn nằm điều trị nên tôi phải móc ví lấy ra 400.000 (bốn trăm).

Cầm tiền xong họ mới mở của cho tôi ra. Qua tìm hiểu các bệnh nhân và người nhà đang ở đây tôi được biết đây là quy định ngầm của Khoa sản ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc , tiền lót tay cho Bác sĩ mổ đẻ là 1 triệu , đẻ thường là 5 trăm, ai cũng thế".

 

Tăng "viện phí" là một đòn đau đánh vào số phận

Đó là nỗi lòng của những bệnh nhân nghèo, nhất là người bị bệnh nan y. Họ và gia đình đã quá khổ sở vì tiền chữa bệnh, vì vậy thật dễ hiểu khi viện phí tăng như một đòn đau đánh vào chính số phận mình. Những ngày gần đây, thông tin được nhiều bệnh nhân và thân nhân người bệnh đưa ra bàn tán "nóng" nhất là tăng viện phí.

 

- Bà N.T.L., 46 tuổi, ở tại Gò Công Đông, Tiền Giang, mắc bệnh ung thư vú, bác sĩ nói số tiền điều trị trước mắt hơn 10 triệu đồng. Không có tiền, vợ chồng bà phải chấp nhận vay nặng lãi 10 triệu đồng, mỗi tháng phải trả 1 triệu. Vay được tiền mới đến bệnh viện điều trị.

 

- Bà Đào Thị Cam (47 tuổi, trú Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) đứng ngồi không yên từ khi nghe tin tăng viện phí.  Bà than thở: "Chừ nghe tăng viện phí mà lo lắm, những bệnh nhân nghèo như tụi tui dù chỉ tăng một đồng cũng thấy khổ rồi".

 

Trên đây là khái quát về hình ảnh và tâm trạng của bệnh nhân trong khắp các BV công và tư ở VN. Tràn ngập những cảnh rơi nước mắt, tôi không thể nào diễn tả hết.

Thế nên khi nghe một ông già kể "Hồi xưa nằm ở Bệnh Viện Bình Dân Sài Gòn cũng không mất xu nào". Mấy anh trẻ cho là chuyện "phịa". Họ nhìn trời nhìn đất, cầu khẩn sao cho cái "viện phí" tức là tiền trả cho bệnh viện và lót tay cho các "lương y" bớt đi cho họ nhờ cũng đủ hạnh phúc rồi, chứ đừng tăng. Đợi đến đời cháu chắt mình thì may mới được nằm BV miễn phí.

 

Xét nghiệm tùm lum, tốn tiền vẫn chết oan

Xin lấy ngay trường hợp của chính người viết bài này. Cách đây vài tuần, tôi đã tưởng "đi tàu suốt" vì bỗng dưng không cất đầu dậy nổi, đi đứng xiêu vẹo, lảo đảo, không đi nổi. Hàng xóm bàn tán tôi bị rối loạn tiền đình hoặc bị đau tim, tai biến mạch máu não… và nhiều thứ linh tinh khác. Họ khuyên tôi phải đi BV làm xét nghiệm gấp. Tôi phân vân vì nếu làm xét nghiệm, sẽ phải làm rất nhiều thứ, đã có nhiều BV chẩn đoán sai. Hai ba BV làm xét nghiệm không giống nhau, có khi đau đầu chữa bệnh chân.

Xin dẫn chứng một trong rất nhiều sự việc có thật : Chết vì bị chẩn đoán sai.

 

- Người dân huyện Phú Ninh, Quảng Nam xôn xao về tin em Nguyễn Thị Bích Hiền (SN 1992, ở tổ 1, thôn An Hoà, xã Tam An, huyện Phú Ninh) chết vì bệnh viện chẩn đoán sai bệnh, làm gia đình nạn nhân vô cùng đau đớn và oán hận.

Trước cái chết tức tưởi của cháu Hiền, bà Minh kêu trời: "Nếu các bác sĩ của khoa Cấp cứu nhiệt tình khám, hội chẩn bệnh kịp thời thì con gái tôi không chết oan uổng, đau xót thế này. Con gái tôi bị viêm dạ dày mà họ lại chuyển lên khoa Lây làm gì. Lẽ ra, con gái tôi được tìm đúng bệnh, cứu chữa kịp thời thì không chết oan uổng sau một đêm một ngày nhập viện".

- Độc giả canhtandatnuoc phẫn nộ viết trên báo: "Bệnh viện, nhà thuốc mặc sức chặt chém người bệnh. Có ai trả giá (mặc cả) tiền khám, tiền thuốc...bao giờ!. Lương y như "tiền trảm". Tiền luôn đi trước. Khi vào cấp cứu thì phải đi đóng tiền rồi mới cứu!. Chết sống mặc bây!. Thử hỏi như vậy không bị giang hồ chém mới lạ."

 

- Tại hội nghị tổng kết hai năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế tổ chức ngày 17/10 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia cũng thừa nhận tình trạng lạm dụng xét nghiệm, kê đơn, lạm dụng quỹ Bảo hiểm y tế tại các cơ sở y tế. BS Nguyễn Hữu Tùng - Tổng thư ký Hội Hành nghề y tư nhân TP.Sài Gòn cho biết: "Hầu hết các BV đều có những máy đo hình ảnh học tương đối rẻ tiền, chất lượng chưa "chuẩn" nên nhiều BV không chấp nhận kết quả của nhau. Thậm chí, ngay cả kết quả xét nghiệm của các BV hàng đầu nước ta thực hiện cũng bị các BV nước ngoài từ chối, trong khi, máy móc lại nhập khẩu từ các nước có trình độ kỹ thuật tiên tiến sản xuất. Theo các BS, do VN chưa xây dựng "chuẩn y khoa" trong chuyên môn nên chưa tương thích với "chuẩn của thế giới".

 

Mặt phải và mặt trái của BV

Thưa bạn, đó là lý do tại sao rất nhiều người đi xét nghiệm, cầm kết quả trong tay lại phải nhảy đến BV khác khám lại mà chưa chắc đã đúng bệnh. Mỗi lần xét nghiệm, chẩn đoán là mỗi lần tốn năm bảy triệu, có là của núi mà bệnh vẫn hoàn bệnh. Đấy là người có khả năng chứ còn mấy bác nhà nghèo thì cứ cầm cái kết quả đó đi chữa cho đến chết oan không nhắm mắt được. Vậy thì tôi dại gì đi xét  nghiệm. Tôi bèn điện thoại cho ông tu bíp Hà Xuân Du ở San Jose, ông nghiên cứu rồi khuyên tôi nên đi khám tai mũi họng vì hai cái tai giữ thăng bằng cho cơ thể. Thế là tôi đến ngay cái BV tai mũi họng nằm trên con đường gần nhà. Quả nhiên, cái tai phải bị sưng. Chỉ trong hai tuần, bệnh tôi khỏi hẳn với hai liều thuốc rẻ tiền.
 

Ở đây tôi không làm quảng cáo không công cho BV này. Tôi chỉ đề cập đến một trong những BV vẫn có thể tin được và một trong số những BS có lương tâm hiện còn khá nhiều ở VN. Trong đó cái "cơ chế" lương bổng của BS công chỉ có 3-4 triệu đồng một tháng thì cuộc sống của "lương y" rất vất vả. Từ đó phát sinh làm ẩu làm tả, còn "chuồn" về phòng mạch tư kiếm thêm. Có lẽ đó là một "nguyên nhân mặt sau" mà BS Trần Anh Huy (42 tuổi, bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1) vừa hết ca làm việc phải hộc tốc phóng xe hơi đi đón vợ về phòng mạch tư, đến nỗi cán luôn một hơi chết 2 người, làm bị thương 15 người vào ngày 17/10  vừa qua trên đường Lý Thái Tổ, Sài Gòn.

 

Cũng có cặp vợ chồng BS phải đi làm thêm những nghề khác để còn giữ được lương tâm trong sáng với nghề nghiệp của mình. Như gia đình của bác sĩ Phạm Văn Nghiêm, phó giám đốc bệnh viện đa khoa ở Saigon. Bà vợ là bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thủy, hiện là giám đốc bệnh viện quận 8. Sau hơn 27 năm làm việc, lương không đủ sống, họ đã mở một tiệm cà phê. Nhưng số BS như ông Nghiệm, quả thật là quá hiếm trong thời buổi này.

 

Nhìn lại quanh tôi, hơn chục năm trước hầu hết các BS đi xe gắn máy, ở chung cư. Nhưng ngày nay thì khá nhiều BS đều có "ô tô con", còn là loại "xe chiến" nữa, biệt thự khá "hoành tráng". Nếu làm giàu lương thiện là chuyện rất đỗi bình thường. Nhưng những người quên lời thề Hypocrate, "nhận phong bì" rồi mới cứu BN thì đó cũng là một thứ tham nhũng vô lương tâm nhất, không hiếm gặp ở những nơi khác mà bao năm nay, nhà nước ra công diệt, vấn đề vẫn còn nguyên đó. BS Nguyễn Hoài Nam so sánh: "Tệ tham nhũng, phong bì trong ngành y tế so với các ngành khác chỉ là những con số lẻ." BS muốn nói, tham nhũng trong ngành y tế quá ít so với các ngành khác. Vâng, đúng là con số lẻ, nhưng lại có ảnh hưởng vô cùng quan trọng trong đạo đức và lối sống cho toàn xã hội, hủy hoại cả một thế hệ, nhất là cho hàng triệu - triệu sinh viên sắp ra trường. Nói cho đúng, ở khắp các lãnh vực, từ con người đến chế độ, không dựa trên nền tảng đạo đức là biểu hiệu rõ nhất của diệt vong-/-


Văn Quang

No comments:

Post a Comment