Wednesday, April 13, 2011

Thực chất của cuộc nổi dậy tại Libya

Thực chất của cuộc nổi dậy tại Libya
Nguyễn Văn Huy

 

Sau Tunisia và Ai Cập, phong trào chống đối của người Ả Rập tràn vào Libya. Sau hơn ba tuần lễ bị cấm vận quân sự và bị liên minh quốc tế dội bom liên tục, dư luận trong và ngoài Libya tin rằng bạo quyền Kadhafi sẽ nhanh chóng sụp đổ và phong trào chống đối sẽ lên thay thế, v.v.

Nhưng thực tế đã không giản dị như vậy. Kadhafi đã không những tiếp tục ở lại chính quyền mà còn thành công trong việc tái chiếm những mục tiêu kinh tế chiến lược đã lọt vào tay quân nổi dậy trước đó.




Yếu tố nào đã giúp Kadhafi tồn tại?

Khác với cuộc nổi dậy của cộng đồng người Ả Rập tại Trung Cận đông, sự chống đối của người Libya không xuất phát từ giới trí thức hay thợ thuyền mà từ các bộ lạc. Chủ đích của những đòi hỏi cũng khác nhau. Dân chúng Tunisia, Ai Cập, Yemen và Syria đòi tự do, dân chủ, việc làm và cơm áo, các bộ lạc tại Libya chỉ đòi được phân chia phúc lợi đồng đều hơn.


Tại sao có sự khác biệt này? Lý do là từ ngày lập quốc đến nay (1951), tự do dân chủ chưa bao giờ là một giá trị để các chính quyền áp dụng trong nước. Sự tồn tại của Libya không theo một định chế chính trị mẫu mực nào của phương Tây mà chủ yếu dựa trên liên minh giữa các bộ lạc. Bộ lạc ở đây phải hiểu là sự kết hợp của nhiều bộ tộc và bộ lạc nhỏ cùng chung huyết thống sinh sống trên cùng khu vực địa lý. Vai trò chủ yếu của người lãnh đạo bộ lạc, cheikh (tù trưởng hay lãnh tụ), là gìn giữ sự thống nhất nội bộ và là gạch nối trung gian giữa chính quyền trung ương và các bộ lạc. Cũng nên biết, quyền lãnh đạo của Libya hiện nay chỉ quanh quẩn trong tay 140 dòng họ (bộ tộc) chính.


Theo một truyền thống đã có từ lâu đời, mỗi bộ lạc là một đơn vị kinh tế, chính trị và xã hội độc lập với chính quyền trung ương. Cũng theo một qui ước bất thành văn đã có từ lâu đời, không gian sinh tồn của mỗi bộ lạc là một khu vực bất khả xâm phạm, không bộ lạc nào nào được quyền xâm phạm lãnh thổ của bộ lạc nào. Khi có tranh chấp, chính quyền trung ương tổ chức một cuộc thương thuyết giữa các vị tù trưởng của các bộ lạc lớn để giải quyết.


Dân số Libya hiện nay trên 6,5 triệu người, trong đó 90% là người Ả Rập và 85% trong số đó xuất thân từ 4 bộ lạc lớn : Warfalah, Kadhafa, Makarha và Tuareg. Mỗi bộ lạc lớn là sự kết hợp của nhiều bộ lạc nhỏ. Thí dụ :


Khu vực phía đông (Cyrenaica), trung tâm xuất phát cuộc nổi dậy, là địa bàn sinh trú của bộ lạc Warfalah cùng với nhiều bộ lạc nhỏ khác như Zawayah, Awaqir, Abid, Barasa, Darsa, Arafah, Majabrah, Awajilah, Minifah, Abaydat, Fawakir…


Khu vực trung tâm (Tripolitania), địa bàn sinh trú của bộ lạc Kadhafa, trong đó Kadhafi là một bộ tộc lớn, qui tụ các bộ lạc nhỏ khác như Mugharbah, Ziaan, Rojahan, Ortella, Riaina, Farjane…


Khu vực sa mạc Sahara phía tây nam (Fezzan) là nơi qui tụ các bộ lạc du mục Beduins và Tuareg, dưới các bộ lạc này là những nhóm du mục nhỏ khác như Hausa, Tebu, v.v.


Sở dĩ Kadhafi nắm giữ chính quyền liên tục trong suốt 40 năm qua là đã biết dung hòa quyền lợi của các bộ lạc để tranh thủ sự ủng hộ. Sự nổi dậy của người Ả Rập tại Libya hiện nay chỉ là một phản ứng bình thường của những bộ lạc mà quyền lợi không được phân chia đồng đều. Điều này cho thấy Kadhafi đã lên cầm quyền nhờ sự ủng hộ của các bộ lạc và hiện nay đang sắp mất chính quyền cũng vì các bộ lạc. Phải nắm vững yếu tố bộ lạc mới hiểu những gì đã, đang và sẽ xảy ra tại Libya trong những ngày sắp tới.


Chính sách cầm quyền của Kadhafi


Chính sách cầm quyền của lãnh tụ Muammar Kadhafi dựa trên liên minh giữa các bộ lạc hơn là với các đảng phái chính trị. Từ sau ngày lật đổ vua Idris đệ nhất năm 1969, Kadhafi tuyên bố thành lập nước Đại Cộng hòa xã hội chủ nghĩa nhân dân Ả Rập Lybia với đầy đủ tất cả những qui chế của một quốc gia bình thường, nghĩa là tam quyền phân lập, nhưng trong thực tế tổ chức chính quyền chỉ là một liên minh cầm quyền phi định chế giữa ba bộ lạc lớn: Warfallah, Kadhafa và Makarha.


Nhắc lại, cho đến năm 1951, Libya chưa bao giờ là một quốc gia đúng nghĩa, sự tồn tại của người Libya trong suốt dòng lịch sử là biết liên kết với những bộ lạc du mục cùng chung huyết thống với nhau. Khu vực sinh trú của người Libu, tiền nhân các các bộ lạc tạo thành quốc gia Libya ngày nay, nằm trên đường vận chuyển người và hàng hóa từ Trung Cận Đông đến bờ biển Đại Tây Dương phía tây, do đó liên tục bị những thế lực khu vực của mỗi thời đại chiếm đóng : Phoenician, Hy Lạp, Ai Cập, Carthaginian, đế quốc La Mã, Tây Ban Nha, đế quốc Ottoman, đế quốc và phát xít Ý, quốc xã đức, Anh, Pháp. Năm 1951, Liên Hiệp Quốc trao trả độc lập cho Libya dưới quyền lãnh đạo của vua Idris đệ nhất, một người thuộc bộ tộc Sanussi tại Cyrenaica. Nguồn lợi chính của quốc gia Libya là dầu lửa, được khám phá năm 1956.


Trở lại chính sách cầm quyền, trong những năm đầu lãnh đạo, Kadhafi phân chia đồng đều các chức vụ trong chính quyền, quân đội và kinh tài cho các chức sắc của các bộ lạc lớn. Mỗi bộ lạc được phép cai quản một khu vực và có quyền đưa người vào các chức vụ thấp hơn như an ninh, vệ sĩ, công nhân viên nhà nước.


Bộ lạc Warfallah được quyền cai quản khu vực phía đông (Cyrenaica). Warfallah là bộ lạc lớn nhất nước, với hơn một triệu dân, trải dài trên một vùng đất rộng lớn phía đông Libya, giáp ranh với Ai Cập, thủ phủ là Benghazi. Tuy là bộ lạc đông dân nhất, hơn một triệu người, và Cyrenaica là nơi có nhiều giếng dầu, khí đốt và hải cảng xuất khẩu dầu lớn nhất nước, nhưng khu vực phía đông đã không được tài trợ tương xứng với nguồn lợi do dầu khí mang lại. Trước sự thua thiệt này, Cyrenaica đã trở thành điểm xuất phát các cuộc nổi dậy chống Tripoli (thủ đô Libya). Nhiều đơn vị quân sự của bộ lạc này đã gia nhập phe chống đối và đang lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Kadhafi.

Bộ lạc Kadhafa phụ trách quyền lãnh đạo khu vực trung tâm (Tripolitania). Kadhafa là bộ lạc xuất thân của gia đình Kadhafi, sinh sống trong khu vực trung tâm của Libya, thủ phủ là thành phố Sabha. Tuy chỉ có 126 000 dân, Kadhafa là bộ lạc được trang bị vũ trang hùng hậu nhất và là lực lượng đáng tin cậy nhất của gia đình Kadhafi. Nhân sự của bộ lạc này được tuyển dụng vào các lực lượng dân quân tự vệ, an ninh do chính các con trai của Kadhafi trực tiếp chỉ huy. Những người tung hô sẵn sàng chết cho Kadhafi đều xuất thân từ bộ lạc này.


Makarha là bộ lạc lớn thứ ba được Kadhafi tin tưởng và giao cai quản một khu vực rộng lớn phía tây nam (Fezzan), thực ra là vùng sa mạc Sahara nghèo khổ. Nhưng từ sau cuộc đảo chánh hụt năm 1993, các cấp chỉ huy quân đội và viên chức cao cấp trong chính quyền của bộ lạc này đều bị thất sủng.


Ngoài ra còn có thể kể thêm sự hiện diện của các bộ lạc du mục Beduins và Tuareg, với hơn nửa triệu người, sinh sống trong khu vực sa mạc Sahara phía nam, và bộ lạc Zuaya, một chi nhánh của bộ lạc Warfallah, sinh sống cạnh các giếng dầu phía đông Libya, đang đe dọa gia nhập vào phe chống đối.


Tương lai nào cho Libya?


Với cách tổ chức chính trị dựa trên liên minh bộ lạc như hiện nay, không ai có thể tiên đoán những gì sẽ xảy ra tại Libya trong những ngày sắp tới. Sự nổi dậy của quần chúng Libya không xuất phát từ những đòi hỏi về các quyền tự do và dân chủ, hay công ăn việc làm mà từ những đòi hỏi chia chác quyền lợi để có cuộc sống sung túc như dân chúng bộ lạc Kadhafa phía tây.


Nếu không có những vụ bắn giết người của bộ lạc Warfallah tại Benghazi hồi giữa tháng 2-2011 vừa qua, sự chống đối có lẽ đã không qui mô như hiện nay. Sát hại đồng chủng là một cấm kỵ, khi ra lệnh bắn vào đoàn người biểu tình Kadhafi đã xé bỏ khế ước bất thành văn là không được sát hại anh em gốc Beduin (du mục), hành động này không thể tha thứ. Thêm vào đó, thái độ kênh kiệu và khinh thường các định chế quốc tế của Kadhafi đã gây rất nhiều bất mãn trong giới lãnh đạo các cường quốc phương Tây. Loài trừ Kadhafi có lẽ là đồng thuận chung của các bộ lạc chống đối và của các cường quốc phương Tây.


Cũng nên nhớ, Kadhafi đã thoát hiểm hơn 40 âm mưu đảo chánh từ khi cầm quyền cho tới nay. Từ sau khi làm thất bại âm mưu đảo chánh năm 1993, Kadhafi nghi ngờ sự trung thành của các bộ lạc. Cũng từ sau ngày đó, tổ chức quân sự được chia thành hai phe rõ rệt: phe của bộ lạc Kadhafa, tức của gia đình Kadhafi, được huấn luyện và trang bị không thua gì quân đội của các quốc gia phương Tây tiên tiến; ngược lại phe của các bộ lạc khác chỉ được trang bị với những loại vũ khí lỗi thời, có loại không còn sử dụng được nữa như các loại tên lửa phòng không đã có từ thời Liên Xô cũ. Đó là chưa kể chính sách tuyển dụng lính đánh thuê, đa số là người Châu Phi da đen (Nigeria, Zimbabwe, Liberia, Tchad và Sudan), vào lực lượng chủ lực bảo vệ chế độ.


Tại sao từ khi Nghị quyết 1973 của Liên Hiệp Quốc có hiệu lực thi hành (17-3-2011), Kadhafi vẫn tiếp tục cầm quyền và còn thành công trong cuộc tái chiếm những địa điểm chiến lược đã bị phe nổi dậy chiếm giữ ? Cái gì đã khiến Kadhafi đưa cuộc chiến vào thế giằng co tiến lui không dứt khoát ? Rất khó trả lời trong một câu đơn giản. Là một người khôn ngoan và đầy mưu lược, Kadhafi đang phục hồi lại liên minh các bộ lạc, nhưng chỉ với những bộ lạc nhỏ phía nam, tức các sắc dân du mục Beduins và Tuareg. Với liên minh mới này, Kadhafi đe dọa nội chiến sẽ xảy ra nếu ông không còn cầm quyền, vì các bộ lạc khác sẽ ức hiếp các sắc dân du mục. Thêm vào đó, vì liên minh quốc tế không can thiệp bằng bộ binh, quân đội của Kadahfi đã xen lẫn vào dân chúng ở tuyến phòng thủ của phe nổi dậy để tránh bị dội bom và nhờ đó tái chiếm lại một số địa điểm kinh tế chiến lược: hải cảng và giếng khai thác dầu. Kadhafi cũng biết rõ nỗi lo sợ của các quốc gia phương Tây đối với tổ chức khủng bố al Qaeda nên đã vu cáo phe nổi dậy bị al Qaeda xúi giục. Khi thấy lá bài này không thành công, Kadhafi liền kêu gọi Thánh chiến (jihad) và đã lôi kéo được sự đồng tình của một số quốc gia Hồi giáo quá khích. Nhưng cho dù đã làm đủ mọi cách để kéo dài thời gian cầm quyền, thời đại Kadhafi đang chấm dứt.


Vấn đề còn lại là nếu thành công phe chống đối sẽ tổ chức chính quyền như thế nào? Cũng rất khó trả lời. Văn hóa bộ lạc và tôn giáo vẫn còn quá mạnh trong lối suy nghĩ của dân chúng Libya để có thể tin rằng phe chống đối sẽ làm một cuộc cách mạng sâu rông thay đổi hẳn nếp sống đã có từ lâu đời. Lý thuyết chỉ đạo sinh hoạt của các bộ lạc vẫn căn cứ vào thánh kinh Coran. Hy vọng một quốc gia Libya dân chủ theo kiểu phương Tây sẽ được thành hình sau cuộc chống đối này là không sát với thực tế.


Nguyễn Văn Huy

http://bit.ly/e8rPkI




Con Dân Nước Việt là những người đặt Tổ Quốc lên bản vị tối cao, tối cao có nghĩa là trên tất cả mọi vật, kể cả tôn giáo, đảng phái, và cả chính bản thân mình.


No comments:

Post a Comment